Thứ Năm, 29 tháng 10, 2015

Nhớ Cội Nguồn

Tháng Mười Một là tháng “Nhớ Cội Nguồn”, tháng biết ơn tiền nhân. Cây có cội, nước có nguồn. Kinh Thánh dạy: Hãy thảo kính cha mẹ” (Hc 3:1-16). Đó là giới răn thứ tư trong Mười Điều Răn mà Đức Chúa đã ban truyền qua ông Môsê trên núi Sinai (Xh 20:3-17).
Giọt nước nào cũng phải có nguồn, có nơi phát xuất. Giọt mưa rơi xuống từ trời. Dù chỉ là giọt nước máy thì cũng phải chảy ra từ chiếc vòi, thậm chí từ chiếc bình. Con người cũng vậy,
ai cũng phải có tổ tiên, có cha có mẹ. Đừng “vô tư” như NS Trịnh Công Sơn mà thản nhiên nói: “Tôi vui chơi giữa đời (ối a), biết đâu nguồn cội” (ca khúc Biết Đâu Nguồn Cội).

Tục ngữ Việt Nam nhắc nhở: “Uống nước nhớ nguồn”. Những từ ngữ rất giản dị, mộc mạc, nhưng lại chuyển tải cả một đạo lý làm con đối với song thân phụ mẫu, những người đã sinh dưỡng chúng ta. Có nhiều ca khúc viết về mẹ, như bài “Lòng Mẹ” của cố NS Y Vân, nhưng lại hiếm bài viết về cha – có lẽ cha thâm trầm nên người ta khó “cảm” hơn. Vả lại, công mẹ rất “lớn” với 9 đức cù lao:Sinh, Cúc, Phủ, Dục, Súc, Trưởng, Cố, Phục, Phúc (sinh nở, nâng đỡ, vỗ về, dạy dỗ, cho bú, nuôi lớn, trông nom, chăm sóc, che chở).

Tháng Mười Một mệnh danh là Tháng Cầu Hồn vì Giáo hội dành riêng để chúng ta cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời, trong đó có những người thân của chúng ta: Tổ tiên, ông bà, cha mẹ, kể cả anh chị em hoặc cháu chắt của chúng ta. Tất nhiên trong đó cũng có cả những bạn bè, người quen,… Nói chung, chúng ta nhớ tới mọi người đã “ra đi” trước chúng ta, họ “đi” trước là họ đã “lớn” hơn chúng ta rồi, vì họ vào cõi vĩnh hằng trước chúng ta, dù họ có thể tuổi đời của họ còn ít hơn tuổi đời của chúng ta.

Khi nói đến việc nhớ ơn, người ta thường nghĩ ngay tới những người gần gũi nhất và trực tiếp nhất đối với chúng ta: Cha Mẹ. Nói cho văn hoa và trang trọng, đó là Song Thân Phụ Mẫu. Người ta có thể chọn nhiều thứ nhưng không thể chọn cha mẹ (và tiền nhân, ông bà). Thiên Chúa đã đặt chúng ta là con cháu của các ngài. Chúng ta có trách nhiệm phải “thờ cúng tổ tiên”, Kinh Thánh cho biết: “Ai thờ cha thì bù đắp lỗi lầm, ai kính mẹ thì tích trữ kho báu. Ai thờ cha sẽ được vui mừng vì con cái, khi cầu nguyện, họ sẽ được lắng nghe. Ai tôn vinh cha sẽ được trường thọ, ai vâng lệnh Đức Chúa sẽ làm cho mẹ an lòng” (Hc 3:3-6).

Có một ca khúc thể hiện cả công cha và nghĩa mẹ là bài “Ơn Nghĩa Sinh Thành” của cố NS Dương Thiệu Tước (*). Ca khúc này được lồng trong tiết tấu chậm với nhịp 4/4, âm thể Rê trưởng (D), giai điệu mượt mà và đầy cảm xúc. Tiết tấu chậm khiến người ta lắng lòng xuống để trầm tư, nhưng không buồn mà vẫn “sáng” trong âm thể Rê trưởng.

Ca từ thật đẹp và đầy tính giáo dục được rút ra từ ca dao tục ngữ phổ biến: “Uống nước nhớ nguồn, làm con phải hiếu. Em ơi, hãy nhớ năm xưa, những ngày còn thơ, công ai nuôi dưỡng”. Ai cũng được cha mẹ sinh ra và nhờ công lao dưỡng dục vô kể của cha mẹ. Công lao đó được đúc kết trong 9 chữ, gọi là 9 đức cù lao: Sinh (đẻ), Cúc (nâng đỡ), Phủ (ấp ủ, vỗ về), Súc (bú mớm, cho ăn), Trưởng (nuôi cho lớn khôn), Dục (dạy dỗ), Cố (trông nom), Phục (săn sóc, theo dõi), Phúc (bao bọc, chở che).

Câu tiếp theo là lời khuyên răn và nhắc nhở bổn phận làm con: “Công đức sinh thành, người hỡi đừng quên. Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”. Những lời chân chất, không có gì bóng gió, thế nên không hề khó hiểu.

NS Dương Thiệu Tước phân tích thêm: “Người ơi, làm người ở trên đời, nhớ công người sinh dưỡng, đó mới là hiền nhân. Vì đâu, anh nên người tài ba? Hãy nhớ công sinh thành, vì ai mà có ta?”. Cách hỏi nhẹ nhàng mà như “xoáy” vào tận đáy lòng. Thật vậy, chúng ta có thành nhân và thành công thì cũng đều nhờ công lao của cha mẹ.

Rất nhiều sinh viên đi học xa nhà, được no cơm ấm áo, nhưng cha mẹ ở nhà phải hy sinh trăm bề, có khi cả chỗ nằm ngủ cũng không được tươm tất, mưa tạt gió thổi, thế mà khi nên danh phận, có một số người lại phủi tay, cho rằng mình giỏi giang và văn minh, rồi chê cha mẹ “cổ hủ”, thậm chí họ còn không muốn nhận cha mẹ mình trước mặt người khác. Thất đáng xấu hổ. Buồn thay!

Câu cuối vẫn là lời nhắc nhở, rạch ròi hơn: “Uống nước nhớ nguồn, làm con phải hiếu. Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”. Cánh-diều-con bay lên là nhờ dây-cha-mẹ, diều-con càng cao vút thì dây-cha-mẹ càng thêm sức nặng của gió. Đừng bao giờ lãng quên, người ơi!

Trong “Kinh Thi” (tập sách ghi nhận có những câu ca dao cổ của người Trung Quốc) có hai câu với ý nghĩa tương tự. Một câu mô tả cụ thể ơn đức của cha mẹ: “Phụ hề sinh ngã, mẫu hề cúc ngã, phủ ngã, xúc ngã, trưởng ngã, dục ngã, cố ngã, phục ngã, xuất nhập phúc ngã. Dục báo chi đức, hạo thiên võng cực” (Cha sinh ra ta, mẹ nâng đỡ ta, vuốt ve ta, cho ta bú, nuôi ta khôn lớn, dạy bảo ta nên người, chăm lo ta, ôm ấp ta, ra vào để bảo vệ ta. Muốn đáp trả ơn huệ ấy, chỉ biết như bầu trời lồng lộng đến vô cùng).

Một câu khác mang tính tượng hình, nêu lên khát khao báo đáp của người con: “Phụ hề sinh ngã, mẫu hề cúc ngã. Ai ai phụ mẫu, sinh ngã cù lao. Dục báo thâm ân, hạo thiên võng cực” (Cha sinh ta, mẹ nâng đỡ ta. Thương thay cha mẹ, sinh ra ta bao khó nhọc. Muốn đáp trả ơn sâu ấy, chỉ biết như bầu trời lồng lộng đến vô cùng).

Công ơn cha mẹ thật lớn lao, cao vời khôn ví, ca dao Việt Nam chỉ mang tính tương đối, vì con người chỉ có thể ví như thế mà thôi:

Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

Nhưng vấn đề quan trọng không phải ví von cho vui, nói bằng đầu môi chót lưỡi, mà vấn đề phải là:

Một lòng thờ kính mẹ cha

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con

Thánh Phaolô nói về các đức đối nhân, và cũng là điều mà con cái phải đối xử với cha mẹ trước tiên:Nhân, nghĩa, lễ, trí, tín (1 Cr 13:1-13).

Thánh sử Luca cho biết: Sau ba ngày lạc mất Con Trẻ, Cô Maria và Chú Giuse mới tìm thấy con trong Đền Thờ, đang ngồi giữa các thầy dạy, vừa nghe họ, vừa đặt câu hỏi. Ai nghe cậu nói cũng ngạc nhiên về trí thông minh và những lời đối đáp của cậu. Khi thấy con, hai ông bà sửng sốt, và mẹ Người nói với Người: “Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con!” (Lc 2:48). Cậu Giêsu đáp: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” (Lc 2:49).

Chúa Giêsu thông minh, siêu phàm, nhưng Ngài vẫn “đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Nadarét và hằng vâng phục các ngài” (Lc 2:51). Ngài có hiếu với cha mẹ, vâng lời cha mẹ, chúng ta không thể không noi gương Ngài. Nếu không thì “không ổn” đâu! Vì ông Môsê đã dạy: “Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, và kẻ nào nguyền rủa cha mẹ thì phải bị xử tử!” (Mc 7:10). Kinh Thánh đã có những lời rất rạch ròi!

Lạy Thiên Chúa giàu lòng thương xót, xin giải thoát tổ tiên của chúng con, đặc biệt là ông bà, cha mẹ của chúng con, những người đã vất vả vâng lời Chúa mà sinh dưỡng chúng con. Chúng con cầu xin nhờ Công Nghiệp của Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng cứu độ chúng con. Amen.

TRẦM THIÊN THU
.

.

 (*) NS Dương Thiệu Tước (1915–1995) là một nhạc sĩ tiền chiến nổi tiếng và được coi là một trong những nhạc sĩ tiền phong của nền tân nhạc Việt Nam. Ông sinh ngày 15-5-1915 tại làng Vân Đình, huyện Sơn Lãng, phủ Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông (nay thuộc Hà Nội). Ông xuất thân từ gia đình Nho học truyền thống, là cháu nội cụ nghè Vân Đình Dương Khuê, nguyên Đốc học Nam Định.

Thập niên 1930, ông gia nhập nhóm nghệ sĩ tài tử Myosotis (Hoa Lưu Ly) gồm các nhạc sĩ Thẩm Oánh, Lê Yên, Vũ Khánh,… Ông có sáng kiến “soạn nhạc Tây theo điệu ta”, các nhạc phẩm hồi đầu của ông thường được viết bằng tiếng Pháp. Dù học nhạc Tây nhưng nhạc của ông vẫn đượm hồn dân tộc. Trong một ấn phẩm viết tay, ông ngỏ ý: “Theo tôi, tân nhạc Việt Nam phải thể hiện rõ cá tính Việt Nam. Để đạt được điều này, người sáng tác phải hiểu rõ nhạc Việt qua cách học nhạc cụ cổ truyền cũng như hát được các làn điệu cổ truyền”.  Ông vào Nam sống từ 1954. Tại Saigon, ông làm chủ sự phòng văn nghệ tại Đài phát thanh Saigon, đồng thời được mời dạy lục huyền cầm (Tây ban cầm, Guitar) tại trường Quốc gia Âm nhạc (ngày nay là Nhạc Viện trên đường Nguyễn Du, quận 1, Saigon).

Vợ cả và cũng là chính thất của ông là bà Lương Thị Thuần, hiện con cái sống tại Đức và Hoa Kỳ. Vợ sau của ông là Minh Trang, một ca sĩ nổi tiếng hồi thập niên 1950, có con riêng là ca sĩ Quỳnh Giao. Đầu thập niên 1980, ông về chung sống với bà Nguyễn Thị Nga tại Bình Thạnh (Saigon) và được bà chăm lo cho tuổi về chiều. Ông mất ngày 1-8-1995 tại Saigon. Các ca khúc tiêu biểu của ông: Bóng Chiều Xưa, Cánh Bằng Lướt Gió, Chiều (thơ Hồ Dzếnh), Dưới Nắng Hồng, Đêm Ngắn Tình Dài, Đêm Tàn Bến Ngự, Hờn Sóng Gió, Khúc Nhạc Dưới Trăng, Kiếp Hoa, Ngọc Lan, Ôi Quê Hương, Sóng Lòng, Tiếng Xưa, Uống Nước Nhớ Nguồn (viết chung với NS Hùng Lân),…


Không có nhận xét nào:

Tìm kiếm ....