WASHINGTON,
DC. Trong bài diễn văn chính thức đầu tiên của mình tại Hoa Kỳ, ĐTC đã
kêu gọi nhân dân Hoa Kỳ tiếp tục bảo tồn kho tàng quý giá của mình là
công bình, tự do, và đại đồng để mọi người có thể hưởng nếm những phúc
lành của bình an và thịnh vượng của Thiên Chúa.
Vào lúc 9h15 sáng ngày 23.09.2015 giờ địa
phương, Đức Thánh Cha đã viếng thăm Nhà Trắng của Hoa Kỳ. Nghi thức
chào mừng đã diễn ra tại lễ đài tại khuôn viên Nhà Trắng,
nơi có sức chứa khoảng 20 ngàn người. Trong buổi chào mừng còn có sự hiện diện của các Hồng y, đoàn Chủ tịch của Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ, và các Giám mục phụ tá của giáo phận Washington, các quan chức chính quyền của Hoa Kỳ và đông đảo dân chúng.
nơi có sức chứa khoảng 20 ngàn người. Trong buổi chào mừng còn có sự hiện diện của các Hồng y, đoàn Chủ tịch của Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ, và các Giám mục phụ tá của giáo phận Washington, các quan chức chính quyền của Hoa Kỳ và đông đảo dân chúng.
Trong lời chào mừng ĐTC, tổng thống
Barack Obama đã cám ơn ĐTC vì những đóng góp của Ngài, với tư cách là
Giáo Hoàng, cũng như trong tư cách là một con người, cho nước Mỹ nói
riêng và toàn thể nhân loại nói chung. Cụ thể, tổng thống cảm thấy đánh
động vì con người khiêm nhường và đầy quảng đại, chỉ biết yêu thương và
phục vụ của ĐTC. Ông cũng biết ơn ĐTC vì lời mời gọi quan tâm đến người
nghèo, những người bị gạt ra ngoài lề xã hội. Tổng thống cũng cám ơn ĐTC
và Tòa Thánh trong vai trò trung gian hòa giải giữa Cuba và Hoa Kỳ. ĐTC
cũng được cảm kích vì lời kêu gọi tôn trọng tự do tôn giáo và bảo vệ
môi trường. Vì tất cả những điều tốt lành đó, tổng thống Barack Obama đã
cám ơn và chào mừng ĐTC đến thăm Hoa Kỳ.
Sau bài phát biểu chào mừng của tổng
thống Hoa Kỳ, ông Barack Hussein Obama, Đức Thánh Cha đã đáp từ bằng một
bài phát biểu bằng tiếng Anh.
Sau đây là nguyên văn bài phát biểu của ĐTC, Ngài nói:
“Kính thưa Tổng Thống,
Tôi hết lòng biết ơn vì sự tiếp đón thịnh
tình của ngài nhân danh toàn thể nhân dân Hoa Kỳ. Với tư cách là một
người con của một gia đình di dân, tôi rất hân hạnh là vị khách của đất
nước này, đất nước phần nhiều được kiến tạo bởi những gia đình như thế.
Tôi mong đợi một cách hân hoan những ngày của gặp gỡ và đối thoại này,
qua đó tôi hy vọng có thể lắng nghe, và chia sẻ thật nhiều hy vọng và
giấc mơ của nhân dân Hoa Kỳ.
Trong suốt chuyến viếng thăm của mình,
tôi sẽ hân hạnh được phát biểu trước Quốc Hội, là nơi tôi hy vọng, với
tư cách là người anh em của đất nước này, tôi có thể chuyển trao những
lời khích lệ đến tất cả những ai được kêu gọi để lèo lái tương lai chính
trị của quốc gia này trong sự tín trung vào những nguyên tắc sáng lập
của nó. Tôi cũng sẽ đến Philadelphia để tham dự Đại Hội Thế Giới lần thứ
8 của các gia đình, để động viên và nâng đỡ những thể chế của hôn nhân
và gia đình tại đây, một khoảnh khắc quan trọng trong lịch sử của nền
văn minh của chúng ta.
Kính thưa Tổng thống, cùng với những đồng
bào của mình, những tín hữu Công Giáo Hoa Kỳ đã dấn thân nhằm kiến tạo
một xã hội thật sự khoan dung và đại đồng, để bảo vệ những quyền của cá
nhân và các cộng đồng, và loại trừ mọi hình thức của sự phân biệt đầy
bất công. Với vô vàn những người dân thiện chí, họ cũng quan tâm đến
những nỗ lực để kiến tạo một xã hội công bằng và được tổ chức khôn ngoan
nhằm tôn trọng những mối bận tâm thẳm sâu và quyền tự do tôn giáo của
họ. Sự tự do vẫn còn đó như là một tài sản quý giá nhất của Hoa Kỳ. Và,
như là những anh em của tôi, các Giám Mục Hoa Kỳ, đã nhắc nhở chúng ta
rằng tất cả được kêu gọi hãy thận trọng, một cách cụ thể hãy là những
công dân mẫu mực, để duy trì và bảo vệ sự tự do đó khỏi mọi thứ có thể
đe doạ hay huỷ hoại nó.
Kính thưa Tổng thống, tôi rất cảm kích vì
ngài đang đề nghị một sáng kiến để giảm trừ ô nhiễm không khí. Thừa
nhận sự cấp bách, đối với tôi dường như có vẻ rõ ràng là sự biến đổi khí
hậu đang là một vấn nạn chẳng còn có thể để lại cho thế hệ tương lai.
Khi nó đụng chạm đến mối bận tâm của “ngôi nhà chung” của chúng ta thì
chúng ta đang sống trong một thời khắc quan trọng của lịch sử. Chúng ta
vẫn còn thời gian để thực hiện sự thay đổi cần thiết để mang đến “một sự
phát triển bền vững và đầy đủ, bởi vì chúng ta biết rằng mọi thứ đều có
thể thay đổi” (Laudato Sì, 13). Những thay đổi như thế đòi hỏi
từ chúng ta một nhận tức nghiêm túc và trách nhiệm không chỉ về thế
giới mà chúng ta có thể để lại cho con cái chúng ta, mà còn cho hàng
triệu con người đang sống dưới một hệ thống vốn đã phớt lờ họ. Ngôi nhà
chung của chúng ta đã là một phần của nhóm bị loại trừ này, nó đã kêu
than tới trời và ngày nay đang đánh động những ngôi nhà, thành phố và xã
hội của chúng ta một cách mạnh mẽ. Để sử dụng một cụm từ quen thuộc của
Mục sư đáng kính Martin Luther King, chúng ta có thể nói rằng chúng ta
đã lỗi hẹn với lời hứa và đây là lúc để tôn trọng nó.
Chúng ta tin tưởng rằng “Đấng Tạo Hoá
không bỏ mặc chúng ta; Ngài chưa bao giờ từ bỏ dự phóng yêu thương của
mình hay hối tiếc vì đã lỡ tạo dựng nên chúng ta. Nhân loại vẫn còn có
khả năng để làm việc cùng nhau trong việc kiến thiết ngôi nhà chung của
mình” (Laudato Sì, 13). Là những Kitô hữu được gợi hứng bởi sự
chắc chắn này, chúng ta ao ước dấn thân cho sự quan tâm đầy ý thức và
trách nhiệm cho ngôi nhà chung của chúng ta.
Những nỗ lực vừa mới được thực hiện gần
đây để hàn gắn những tương quan đổ vỡ và mở ra những cánh cửa mới để hợp
tác trong gia đình nhân loại, tiêu biểu cho những bước tiến tích cực
trên lộ trình của hoà giải, công bình và tự do. Tôi ước ao tất cả những
người nam nữ thiện chí của quốc gia vĩ đại này sẽ hỗ trợ những nỗ lực
của cộng đồng quốc tế nhằm bảo vệ những người dễ bị tổn thương trong thế
giới của chúng ta và để khơi dậy những hình thức toàn vẹn và đại đồng
của sự phát triển, để rồi anh chị em của chúng ta ở khắp mọi nơi có thể
hưởng nếm những phúc lành của bình an và thịnh vượng mà Thiên Chúa mong
muốn cho tất cả con cái của Ngài.
Kính thưa Tổng Thống, một lần nữa tôi cám
ơn ngài vì sự tiếp đón thịnh tình, và tôi mong đợi một cách hân hoan
những ngày này ở đất nước của các bạn. Xin Chúa chúc lành cho Hoa Kỳ!”
Lược dịch từ Anh ngữ: Jos. Nguyễn Huy Mai
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét