Hạnh phúc là thứ
ai ai cũng kiếm tìm nhưng không phải người nào cũng thấy được. Vậy phải
chăng Thiên Chúa “xử ép” con người, ban hạnh phúc cho người này nhưng
lại tước bỏ của người kia? Không phải thế, hạnh phúc đến với tất cả
những ai biết nhận ra nó.
Như
vậy, con người không hạnh phúc bởi vì không hiểu đúng về hạnh phúc.
Thật thế, những người coi tiền của hay khoái lạc xác thịt là cùng đích
hạnh phúc thì sớm muộn gì cũng sẽ phải thất vọng.
Chẳng phải người giàu
vẫn khóc đó sao! Việc hướng đến những mục tiêu cao cả hơn vẫn chưa thể
làm thỏa mãn khát vọng hạnh phúc của con người. Một người quyết tâm xây
dựng vun đắp cho gia đình cũng có lúc phải cảm thấy mệt mỏi vì công sức
mình bỏ ra không đạt được kết quả mong muốn. Vậy là dường như nơi con
người có một sự trống rỗng mà tự mình không thể lấp đầy, dù cố gắng cách
nào đi chăng nữa. Một câu hỏi tận căn lại được đặt ra: phải chăng Thiên
Chúa cố tình “chơi xấu”, khi bắt con người kiếm tìm hạnh phúc nhưng đó
lại là một nhiệm vụ bất khả thi?
Đúng
là bất khả thi thật nếu con người luôn phải khắc khoải khôn nguôi về
thân phận của mình, như một hành trình không có đích đến. Thánh Âu-tinh
đã diễn tả kinh nghiệm này dưới góc nhìn đức tin: “Chúa đã dựng nên con
cho Chúa, nên lòng con khắc khoải cho đến khi nghỉ yên trong Chúa” (Tự
thuật). Hóa ra, nỗi khắc khoải tìm kiếm hạnh phúc của con người sẽ có
hồi kết, đó là “khi nghỉ yên trong Chúa”. Đừng vội hiểu ngay rằng phải
đợi đến lúc chết thì con người mới tìm được hạnh phúc, vì nếu như thế
thì cuộc đời dương thế này thật kém ý nghĩa. Trái lại, con người được
mời gọi hưởng hạnh phúc trong mối tương quan thiết thân với Thiên Chúa
khi còn đang sống, nghĩa là sống mầu nhiệm Nước Trời ngay trên trần gian
này. Điều này được thực hiện nhờ bởi trung gian giao ước mới là Đức
Giêsu Kitô – Ngôi Hai Thiên Chúa làm người. Thật vậy, trên hành trình
tìm kiếm hạnh phúc, Chúa Giêsu không chỉ là đích đến mà còn là đường đi,
hơn nữa lại là con đường duy nhất: “Chính Thầy là con đường, là sự thật
và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga 14,6).
Nhờ
đức tin, chúng ta biết rằng mình sẽ tìm thấy hạnh phúc đích thật nếu
trọn vẹn thuộc về Chúa. Một lần nữa, dường như Thiên Chúa đã “làm khó”
con người. Chẳng lẽ ai cũng phải “dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em,
và cả mạng sống mình nữa” (Lc 14,26) để vào sống trong chủng viện hay
các dòng tu? Hạnh phúc trong đời sống gia đình, công việc lương thiện,
bạn bè tốt lành là không được hay sao mà phải từ bỏ để đi tu? Mà đâu
phải ai cũng thấy mình có ơn gọi tận hiến cách đặc biệt ấy. Đúng vậy,
niềm vui Tin Mừng không phải là thứ xa xỉ dành riêng cho bậc tu trì,
cũng chẳng phải chỉ ưu tiên cho người Kitô hữu, mà là cho tất cả mọi
người, không trừ một ai. Do vậy, hạnh phúc được thuộc về Thiên Chúa
chẳng những không loại trừ mà còn làm viên mãn hạnh phúc thế trần của
con người, khi quy hướng tất cả mọi sự dưới mặt đất này vào việc “ngợi
khen, tôn kính và phụng sự Thiên Chúa” (Linh thao, 23). Theo đó, chỉ có
những gì giúp tiến đến gần Thiên Chúa hơn thì mới xứng đáng để con người
bận tâm, bởi vì “chỉ trong Thiên Chúa mà thôi, hồn tôi mới được nghỉ
ngơi yên hàn” (Thánh vịnh 62,2). Như thế, con người không cần phải khước
từ niềm vui có được từ “của cải thế gian”, nhưng vấn đề là phải biết sử
dụng chúng cách khôn ngoan để đổi lấy “kho tàng trên trời”.
Có
một câu nói của thánh Phao-lô được rất nhiều người đồng cảm: “Điều tôi
muốn, thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét, thì tôi lại cứ làm” (Rm
7,15). Thật thế, nhiều người nhận ra cùng đích đời mình nơi Thiên Chúa
nhưng lại ít người có đức tin đủ mạnh để dám đặt mọi sự trong tay Thiên
Chúa để được “sử dụng hoàn toàn theo ý Chúa” (Kinh dâng hiến – Thánh
Inhã). Dù biết có con đường đi đến hạnh phúc nhưng không phải ai cũng có
đủ can đảm để đi, vì con đường này hẹp, chẳng mấy ai đi (người tin Chúa
Giêsu đã ít, mà người sống đức tin còn ít hơn), lại lắm chông gai (vì
phải bước theo Chúa Giêsu chịu khổ hình). Tuy nhiên, hạnh phúc đích thực
không phải là thứ rẻ tiền, chóng qua; nó đòi hỏi phải trả giá, thậm chí
là giá đắt. Vẫn biết rằng tự sức con người không thể đạt được, nhưng
nhờ ân sủng của Đức Giêsu Kitô, những kẻ tin sẽ được hưởng phần thưởng
Chúa hứa ban là hạnh phúc muôn đời.
Thủ Đức, ngày 18/07/2015
Giuse Lê Đắc Thắng, S.J.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét