Thứ Bảy, 13 tháng 6, 2015

Chúa Nhật 11 Thường Niên Năm B_2015

 
Ông bà anh chị em thân mến.  Chúng ta nhận thấy trong cuộc sống cá nhân, gia đình, cộng đoàn hay trong xã hội có những hoàn cảnh hay những sự kiện xảy ra vượt quá khả năng hiểu biết của con người.  Thí dụ như chúng ta không thể cắt nghĩa hay hiểu hoàn toàn được ý nghĩa sự sống.  Một thí dụ rõ ràng hơn là sự thành hình
và phát triển của Giáo Hội Công Giáo.  Trước khi về trời, Chúa Giê-su Kitô đã thiết lập Giáo Hội, là Nước Thiên Chúa ở trần gian, từ con số nhỏ bé 12 tông đồ bình dân và yếu kém, nhưng đã không ngừng phát triển và tồn tại hơn 2,000 năm qua, cho dù phải đương đầu với biết bao nhiêu sự khó khăn, bắt bớ, bách hại và thăng trầm của lịch sử.

Các bài đọc hôm nay muốn nhấn mạnh cho chúng ta biết tác nhân chính của  công trình cứu độ và sự bành trướng của Giáo hội là chính Thiên Chúa.  Con người chúng ta được kêu gọi sống đức tin và cộng tác với Chúa trong công trình này.  Bài đọc 1 cho chúng ta biết Thiên Chúa là Người tìm ngọn hương bá, vun trồng nó, và cho nó phát triển từ một chồi non thành một cây hương bá to lớn, đến nỗi “muông chim đến nương mình bên nó, và ẩn thân dưới bóng lá cành.” Trong bài đọc 2, thánh Phaolô nhấn mạnh vai trò của đức tin trong cuộc sống con người. Nếu các tín hữu để ngọn đèn đức tin của Thiên Chúa ban cho hướng dẫn cuộc đời, họ sẽ vượt qua được mọi gian nan thử thách và sống đẹp lòng Thiên Chúa. Trong bài Tin mừng, Chúa Giêsu so sánh Nước Thiên Chúa giống như hạt giống gieo xuống đất, con người có biết đến hay không thì hạt giống vẫn sống. Nó sẽ nẩy mầm, bén rễ, mọc lên, sinh hoa kết trái, và sẵn sàng cho mùa gặt. Ngài cũng so sánh Nước Thiên Chúa như hạt cải, tuy nhỏ bé nhất trong các hạt giống, nhưng có tiềm năng trở thành cây lớn cho muôn chim kéo đến làm tổ.
Có một câu chuyện xảy ra vào năm 1812 tại Pháp quốc về một em bé trai 3 tuổi có tên là Louis Braille, con của một người thợ may áo da.  Em bị mù đôi mắt do một tai nạn trong xưởng của cha gây ra.  Khi lớn lên, cha của em đã cho em theo học ở một trường khiếm thị.  Các em mù ở trường khiếm thị này học bằng cách rờ vào những mẫu chữ thật to. Cách học này khó khăn và rất chậm, phải mất 20 phút mới đọc được 1 câu.
Một hôm, một sĩ quan về hưu đến thăm trường và dạy các em một cách đọc chữ có tên là “Viết Trong Đêm” của quân đội, gởi và nhận những tín hiệu về đêm.  Phương pháp này gồm những lỗ chấm nhỏ và đọc bằng những ngón tay rờ vào. Phương pháp này cũng mất nhiều chỗ và chỉ gởi được những câu ngắn gọn thôi, nhưng đó là cách thông tin duy nhất về đêm trong thời gian chưa có đèn pin.
Phương pháp này đã lôi cuốn và khích động em Louis Braille.  Em tin rằng những người mù có thể sử dụng cách này để đọc.  Sau đó, em nghiên cứu thêm và thay đổi những lỗ bằng những mô nổi cho dễ đọc.  Phương pháp này đã được mọi người chú ý và lan rộng khắp thế giới.  Ngày nay phương pháp đọc chữ này được gọi là Braille, tên của em.  Nhưng tiếc thay phương pháp này chỉ được xử dụng và lan rộng khắp thế giới sau khi em đã qua đời, và khi em qua đời, báo chí cũng không đề cập hay nhắc nhở gì về em.
Ông bà anh chị em thân mến.  Câu chuyện em Braille trên đây giúp chúng ta hiểu rõ hơn những bài học quan trọng mà Chúa Giê-su muốn dạy chúng ta qua bài Tin mừng hôm nay.  Bài học thứ nhất, chúng ta nhận thấy những cây cổ thụ cao to lớn nhất trong rừng, thì thường mọc lên từ những hạt giống nhỏ nhất từ mặt đất. Cũng vậy, những phong trào to lớn, quan trọng nhất trên thế giới thường có sự khởi đầu bằng những sự kiện nhỏ nhất.  Ý tưởng nhỏ bé của em Braille đã trở thành phong trào cải tiến quan trọng và to lớn, hiện đại hóa cách đọc chữ cho người mù khắp thế giới hiện nay. Cũng thế, Giáo hội Công giáo của chúng ta lớn rộng nhất trên thế giới hiện nay bắt đầu từ một nhóm 12 tông đồ nhỏ bé. Chính Chúa Giê-su nói cho chúng ta biết về Nước Thiên Chúa “giống như hạt cải, lúc gieo xuống đất, nó là loại nhỏ nhất trong các hạt giống trên mặt đất.
Bài học quan trọng thứ hai.  Chúng ta thường thấy những người khởi đầu các phong trào to lớn trên thế giới thường là những người đơn sơ thấp kém, không danh vọng.  Thí dụ như em Braille nhỏ bé so sánh với những nhà thông thái nổi danh, hay những nhà học thức danh tiếng thời đó.  Nhưng em là người nghĩ ra và cải tiến phương pháp đọc mới cho người mù.  Cũng vậy, Chúa Giê-su, sinh ra trong một gia đình bình dân nghèo nàn và trong hoàn cảnh khó nghèo và thấp kém, thiết lập Giáo hội và chọn các tông đồ, những người bình dân, mộc mạc và thấp kém trong xã hội, và có những khả năng và hiểu biết rất giới hạn. Khi đề cập đến điểm này, chúng ta thấy thánh Phao-lô viết: “Thiên Chúa đã chọn những gì mà thế gian cho là điên dại, cho yếu hèn mà làm cho những người khôn ngoan, những người mạnh mẽ phải hổ người.” (1Cr. 1, 27-28)
Bài học thứ ba mà câu chuyện em Braille giúp chúng ta hiểu và nhận được ý nghĩa của dụ ngôn hạt giống trong bài Tin mừng hôm nay là những người khởi đầu thường qua đời trước khi thấy được những kết quả công việc của mình.  Thật vậy, phương pháp của em Braille được phổ biến rộng rãi khắp thế giới chỉ sau khi em đã qua đời.  Cũng vậy, Giáo hội Công giáo chúng ta chỉ phát triển sau khi Chúa Giê-su và các tông đồ đã qua đời và về trời.
Ông bà anh chị em thân mến.  Sự kiện trên đây cho chúng ta biết ý nghĩa và sứ vụ của Lời Chúa hôm nay: không có một hạt giống nào quá nhỏ bé hay quá tầm thường mà Thiên Chúa không làm cho nó lớn lên, phát triển thành một cây được.  Đây là tin vui mừng mà Chúa Giê-su muốn truyền thông cho mọi người chúng ta biết.  Nếu chúng ta nghĩ rằng việc chúng ta làm hay sự cố gắng của chúng ta quá nhỏ bé, quá tầm thường để có thể thay đổi thái độ hay thay đổi cuộc sống của người khác được, thì chúng ta chưa hiểu Lời Chúa.  Nếu chúng ta nghĩ rằng chúng ta không thể làm được việc gì để truyền bá, để rao giảng Lời Chúa, để xây dựng Nước Chúa hay giáo xứ làm sáng danh Chúa, thì chúng ta chưa hiểu hay không muốn nghe và thực hành Lời Chúa.  Xin Chúa ban ơn và gìn giữ chúng ta, là những hạt giống, hạt cải được Chúa gieo vào Nước Chúa, được phát triển và trở nên những cây sinh hoa trái tốt theo như ý Chúa muốn, để qua đời sống tốt lành, thánh thiện, và qua những việc hy sinh, bác ái và lòng quảng đại, chúng ta làm đẹp lòng và sáng danh Chúa, cũng như xây dựng Nước Chúa nơi trần gian, để chúng ta được hưởng hạnh phúc, vinh quang Nước Chúa đời sau. 
Lm. Chánh xứ


Không có nhận xét nào:

Tìm kiếm ....