Ngày nay, mối quan hệ cha mẹ - con cái dường như đang gặp khủng hoảng
nặng nề bởi nhiều lý do khá phức tạp. Chữ tình, chữ hiếu, chữ nghĩa hiện
nay xem ra không còn được coi trọng như xưa nữa. Thực vậy, “Gia đình,
trong đó có gia đình VN luôn luôn bị tác động bởi diễn biến xã hội xung
quanh và ngày nay không tránh khỏi sự lỏng lẻo trong các mối quan hệ
giữa các thành viên. Kinh tế thị trường, công nghiệp hóa, đô thị hóa làm
tăng nhu cầu tự khẳng định của cá nhân có khi dẫn tới ích kỷ.
Còn gia
đình hạt nhân thì dần dần thay thế cho đại gia đình vì nhà cửa ngày càng
chật hẹp. Sự bận rộn ở thành thị cũng khiến cho chức năng chăm sóc cha
mẹ già ngày càng bị hạn chế. Tuy nhiên, quan trọng hơn là sự chuyển biến
của xã hội khiến cho khoảng cách tâm lý giữa hai thế hệ ngày càng tăng.
Người trẻ thì bị cuốn hút mạnh mẽ vào cái mới lạ, còn người già thì
quay về quá khứ với sự nuối tiếc. Xung đột thế hệ xảy ra khi đôi bên
không còn ý thức và làm chủ tâm lý mình…”. (x.Nguyễn Thị Oanh, “Gia đình
VN thời mở cửa”, NXB Trẻ, 1998, trang 27-28).
Dựa vào những nhận định trên, ta thử liệt kê một số nguyên nhân chính
gây ra sự lỏng lẻo trong các mối quan hệ giữa các thành viên trong gia
đình, đặc biệt giữa cha mẹ và con cái. Đó là:
- Tác động của những diễn biến không ngừng của xã hội;
- Nhu cầu tự khẳng định của cá nhân, có thể dẫn đến tính ích kỷ, hẹp
hòi, do sự tăng trưởng của nền kinh tế thị trường, cũng như do hiện
tượng công nghiệp hóa, đô thị hóa;
- Mô hình “Gia đình hạt nhân” thích hợp hơn và thay thế cho nếp sống
đại gia đình cổ xưa; con cái trưởng thành muốn cha mẹ cho ở riêng, trong
khi cha mẹ già lại thích sống chung với con cái để có cháu bồng cháu
bế;
- Kinh tế phát triển, con cái được học hành đến nơi đến chốn, thành đạt
sớm, nhu cầu tự lập tăng cao, không muốn và không chấp nhận sự phụ
thuộc vào gia đình;
- Con cái bận rộn làm ăn không có nhiều thời gian chăm sóc cha mẹ, nhất
là cha mẹ đã già yếu; cha mẹ lo kinh tế gia đình lơ là việc chăm sóc,
giáo dục, hướng dẫn con cái;
- Khoảng cách tâm lý giữa hai thế hệ càng ngày càng gia tăng do những
chuyển biến ngoài xã hội. Điều này thường dẫn đến hậu quả là xảy ra
những xung đột giữa hai thế hệ;
- Cha mẹ nhiều người vẫn còn nặng nề về thành tích công lao, muốn độc
quyền nắm giữ vận mệnh con cái khiến con cái bị tổn thương và ức chế; có
nhiều trường hợp còn xảy ra việc cha mẹ lạm dụng quyền hành hay dùng
bạo lực khiến con cái uất hận muốn xa rời và đứt gánh với cha mẹ, gia
đình…
Dù xuất phát từ bất cứ nguyên nhân nào, sự rạn nứt, đổ vỡ trong mối
quan hệ cha mẹ - con cái trong gia đình cũng là một thực trạng đáng buồn
và đáng suy nghĩ. Hiện nay, một số vụ tự tử nơi các cô gái non trẻ cũng
bắt nguồn từ sự xung khắc sâu xa giữa cha mẹ và con cái trong gia đình.
Đã đến lúc chúng ta cần xem xét lại một cách nghiêm túc và cới mở mối
quan hệ thân thiết này, nhờ đó một đàng con cái biết sống trọn vẹn đạo
làm con của mình, đàng khác cha mẹ cũng biết cách hoàn thành tốt đẹp
nhiệm vụ làm cha làm mẹ của mình.
Aug. Trần Cao Khải
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét