Ông bà anh chị em thân mến.
Ngày lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống hôm nay có 2 điểm rất quan trọng liên quan
đến đời sống đức tin của chúng ta. Thứ nhất, ngày lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống
là khởi điểm, đánh dấu một giai đoạn mà Thiên Chúa hiện diện giữa nhân loại
chúng ta trong một hình thức hoàn toàn mới qua Chúa Thánh Thần.
Điểm quan trọng thứ hai ngày Chúa Thánh Thần
hiện xuống không những là ngày khai sinh của Giáo hội, mà còn đánh dấu sự hiện diện của Thiên Chúa trong
Giáo hội mà thánh Phaolô gọi là Thân thể Chúa Kitô. Sự kết hợp mật thiết này nhắc nhở chúng ta,
là những chi thể về bổn phận hiệp nhất để xây dựng Thân Thể Chúa Ki-tô, và sẵn
sàng hy sinh trở thành khí cụ và chứng nhân cho Chúa Kitô, cũng chu toàn sứ vụ
rao truyền Tin mừng.
Ông bà anh chị em thân mến.
Đối với người Việt hải ngoại chúng ta muốn có một đời sống cao, muốn có việc
tốt và chức vụ cao, hay muốn sinh hoạt với những người Mỹ một cách thuận tiện,
thì chúng ta phải có ngôn ngữ, phải hiểu, nói được tiếng Mỹ. Càng biết, nghe và nói được nhiều, thì càng
làm cho đời sống chúng ta dễ dàng hơn. Cho nên, một số người Việt chúng ta đối diện
với một sự khó khăn to lớn đó là ngôn ngữ.
Thế nhưng nếu chúng ta không hiểu hay nói được nhiều thì cũng chẳng
sao. Chúng ta vẫn có cuộc sống bình
thường, vẫn có những nhu cầu cần thiết, vẫn có tiền, vẫn có xe hay có nơi ở như
mọi người.
Nhưng đối với những người
Ki-tô Công giáo chúng ta, chúng ta phải biết một thứ ngôn ngữ cần thiết. Chúng ta phải biết và phải có một thứ ngôn
ngữ sinh tử, đó là ngôn ngữ đức tin, đó là ngôn ngữ lời của Thiên Chúa. Ngôn
ngữ này mang đến cho chúng ta ân sủng và sự bình an, mang đến vui mừng và sự hy
vọng, và là ngôn ngữ mang đến sự sống hạnh phúc đời đời.
Trong bài Tin mừng Chúa lên
trời tuần vừa qua, Chúa Giê-su trao cho các môn đệ và chúng ta một mệnh lệnh
“Các con hãy đi rao giảng Tin mừng cho muôn dân.” Hay nói một cách khác, Chúa nói với chúng ta
“Các con hãy đi rao truyền ngôn ngữ đức tin.”
Thế nhưng nếu chúng ta không biết, không có hay không sống thì làm sao
chúng ta có thể nói hay rao truyền thứ ngôn ngữ đó cho người khác được.
Các bài Kinh
thánh hôm nay rất phong phú, nhưng tôi chỉ xin chia sẻ với ông bà anh chị em
một điểm trong bài đọc 1 trích sách Tông đồ Công vụ thôi. Bài đọc một cho chúng ta biết “Đến ngày lễ Ngũ Tuần, tất cả các môn đệ đều tề tựu một
nơi, bỗng từ trời phát ra tiếng động như tiếng gió mạnh thổi đến, lùa vào đầy
nhà nơi họ đang sum họp. Lại có những lưỡi như thể bằng lửa xuất hiện và rải
rác đậu trên từng người. Hết thảy mọi người đều được tràn đầy Chúa Thánh Thần,
và bắt đầu nói tiếng khác nhau tuỳ theo Thánh Thần ban cho họ nói. Khi ấy, cư
ngụ tại Giêrusalem, có những người Do-thái đạo đức từ khắp các nước dưới gầm
trời tụ về. Nghe tiếng ấy phát ra thì đoàn lũ tuôn đến, tâm trí bỡ ngỡ, vì mỗi
người đều nghe các môn đệ nói tiếng thổ âm của mình.”
Chúng ta phải hiểu đoạn
Kinh thánh này làm sao? Cách hiểu thứ
nhất, các tông đồ nói được nhiều thứ ngôn ngữ, nói được thổ ngữ của những người
sống khắp nơi tuôn đổ về, và cách thứ hai, những người nói thổ ngữ khác nhau,
hiểu được ngôn ngữ của các tông đồ, tiếng Do thái, tiếng “Aram.” Hai cách trả lời, giải nghĩa trên đây đều
không thỏa mãn, vì thứ nhất, các tông đồ đâu có sống ở những nơi đó đâu, mà nói
được thứ thổ ngữ đó một cách trôi chảy, cho họ hiểu được, và thứ hai, những
người sống ở những nơi khác, có biết, hay thường thường xuyên nói ngôn ngữ của
các tông đồ đâu mà hiểu một cách tường tận.
Tôi nghĩ rằng tất cả
người Việt chúng ta đây đều có kinh nghiệm về việc nói, nghe và hiểu tiếng
Mỹ. Nói, nghe và hiểu một cách tường tận
tiếng Mỹ như người bản xứ thật là khó!
Vậy thì làm sao lời giảng dạy của các tông đồ, nói ngôn ngữ của mình, có
thể thu hút mọi người nói những thổ âm khác nhau, để họ tin vào Chúa Giê-su
Ki-tô Phục sinh? Hay làm sao chúng ta
có thể nói và rao giảng ngôn ngữ đức tin, Tin Mừng Lời Chúa cho người khác không
hiểu ngôn ngữ của chúng ta được? Có giải
nghĩa cách nào chăng nữa thì vào trường hợp của các tông đồ và của những người
Việt chúng ta, chúng ta cũng thấy nổi bật lên vai trò và sự tác động của Chúa
Thánh Thần. Chúng ta thấy tự khả năng của các tông đồ không thể làm được việc
đó, và tự khả năng của chúng ta cũng không thể chu toàn sứ vụ rao truyền Tin
mừng Lời Chúa được. Dân chúng bị thu hút
bởi sức mạnh Chúa Thánh Thần tác động qua sự nhiệt thành, sốt sắng và can đảm
của các tông đồ. Và các tông đồ không để
sự sợ hãi và giới hạn của mình cản trở việc rao giảng Tin mừng Chúa Ki-tô. Và dân chúng cũng không để cho sự trở ngại
ngôn ngữ vào tiếp nhận ơn sủng đức tin vào Chúa Ki-tô.
Tôi còn nhớ một sự kiện
khi còn làm linh mục chính xứ tại giáo xứ thánh Anne ở Broken Arrow. Tôi có quen một đôi vợ chồng tham dự Thánh lễ
Chúa nhật hàng tuần. Sau đó tôi biết ông
bà là chủ nhân của nhà băng People State Bank.
Người vợ có đạo, nhưng người chồng thì không. Một hôm sau Thánh lễ, ông muốn gặp tôi và cho
biết muốn được rửa tội, theo đạo. Ông
cho cũng cho biết là ông bà quen biết rất nhiều linh mục trong giáo xứ tứ trước
tới nay, và nhiều linh mục trong giáo phận, và đã được một số linh mục tốt
lành, thánh thiện và rất giỏi người Mỹ hướng dẫn theo đạo nhiều năm trước đây,
nhưng ông chưa sẵn sàng. Ông nói bây
giờ ông cảm thấy sẵn sàng xin được rửa tội và theo đạo. Điều này làm cho tôi cảm thấy rất khiêm
nhường vì tôi biết tôi không thánh thiện, tốt lành như những linh mục ông kể,
và tôi không nói tiếng Mỹ giỏi và sâu sắc như các linh mục đó. Nhưng điều này làm cho tôi hiểu sâu sa hơn về
Chúa Thánh Thần, là Chúa Thánh Thần luôn tác động trên người nói và cũng như người
nghe, và chỉ có Chúa Thánh Thần mới hoán cải được tâm hồn con người. Dù nói hay, nói giỏi hay sâu sắc tới đâu, mà
không có sự tác động của Chúa Thánh Thần vào người nói và người nghe thì cũng
không thể thay đổi được đời sống con người. Cho nên, cũng như vậy dù tham dự Thánh lễ Mỹ,
Mễ hay Việt mà không có sự tác động của Chúa Thánh Thần và không có sự sẵn sàng
thì cũng không tiếp nhận được gì. Hiểu hay không hiểu ngôn ngữ mà có Chúa Thánh
Thần tác động thì sẽ cảm nhận được, sẽ tiếp nhận được ơn sủng của Chúa. Chúa Thánh Thần tác động và làm việc không
tùy thuộc vào con người chúng ta, nhưng cần sự hợp tác, vào thái độ của chúng
ta.
Một vị thánh tổ phụ đã
dùng hình ảnh một cây sáo để nói lên sự tác động của Chúa Thánh Thần và sự hợp
tác, thái độ của chúng ta. Cây sáo là chúng ta, nếu cây sáo đặc, không thông
rỗng, thì hơi thổi, là Chúa Thánh Thần, không thể truyền qua và tạo ra âm thanh
được. Do đó, chúng ta phải biết mở rộng
tâm hồn, có nghĩa là phải biết từ bỏ sự tự cao, tự đại, phải trút bỏ những lo
nghĩ về công việc, giờ giấc, và phải vượt qua những trở ngại của ngôn ngữ thì
Chúa Thánh Thần mới tác động vào và qua chúng ta được. Chúng ta cũng được ví như cây đàn và nếu dây
của cây đàn chùng, không căng, thì có gảy vào thì cây đàn cũng không tạo ra âm
thanh. Cho nên, chúng ta cũng phải có
tâm hồn, thái độ sẵn sàng để tiếp nhận sự tác động của Chúa Thánh Thần.
Trong ngày kính Chúa
Thánh Thần hôm nay, chúng ta tự hỏi chúng ta có là chi thể sống động trong Thân
Thể Chúa Ki-tô không? Chúng ta là cây
sáo rỗng hay đặc? Chúng ta là cây đàn
chùng hay căng? Chúng ta cảm tạ Chúa đã
ban cho chúng ta Chúa Thánh Thần, và cầu xin Thánh
Thần Chúa ngự đến, biến đổi, thánh hóa, củng cố niềm tin và luôn kết hợp
chúng ta trong Thân Thể Chúa Ki-tô, để chúng ta can đảm sống chứng nhân, rao
truyền Tin mừng Lời Chúa, và quảng đại xây dựng Nước Chúa.
Lm. Chánh xứ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét