Thứ Tư, 11 tháng 2, 2015

Năm Mùi, tìm hiểu DÊ trong Kinh Thánh

Năm 2015 là năm Ất Mùi, cầm tinh con Dê. Ất Mùi là sự kết hợp thứ 32 trong hệ thống Can Chi (Thiên Can, Địa Chi) của người Á Đông, và là sự kết hợp của “can” Ất là âm (đối với dương) với “chi” Mùi là Dê, theo “hành” Mộc (trong ngũ hành: Kim, Mộc, Thủy, Thổ, Hỏa). Trong 12 con giáp, Dê là con vật thứ 8.
Cách đây 300 năm, năm 1715 (số La Mã: MDCCXV) cũng là năm Ất Mùi, bắt đầu vào thứ Ba theo lịch Gregory (hoặc một năm thường bắt đầu vào thứ Sáu theo lịch Julius, chậm hơn 11 ngày).

Dê là con vật hữu ích và hiền hòa, nhưng Dê luôn bị mang tiếng xấu. Dê được nuôi nhiều, cả thời xưa lẫn thời nay. Thịt Dê ngon, sữa Dê ngọt, tốt cho sức khỏe. Các món Dê không chỉ ngon, mà còn được dùng để chữa nhiều chứng bệnh. Đúng là “nhất cử lưỡng tiện” vậy!
Dê là một trong số ít các động vật được nhắc tới trong Kinh Thánh – cả Cựu ước và Tân ước. Trong Cựu ước, Dê là con vật được ưa thích, là biểu tượng đẹp. Trong Tân ước, Dê là con vật không được ưa thích, là biểu tượng xấu.
Xuân về, Tết đến, chúng ta có thời gian rảnh để vui chơi, nghỉ ngơi. Nhân dịp Xuân Ất Mùi, chúng ta cùng xem Dê xuất hiện trong Kinh Thánh như thế nào, tốt hay xấu, và cũng là dịp xem lại những phần Kinh Thánh mà có thể nói rằng hiếm khi chúng ta có thời gian ngó tới, đặc biệt là dịp để tự xét mình. Vui Xuân, ăn Tết, nhưng vẫn luôn tâm niệm lời Đức Giêsu Kitô vừa nhắn nhủ vừa khuyến cáo: “Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5:48).

DÊ TRONG CỰU ƯỚC
  1. Thiên Chúa kêu gọi ông Áp-ram và hứa: “Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi, mà đi tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi. Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn, sẽ chúc phúc cho ngươi. Ta sẽ cho tên tuổi ngươi được lẫy lừng, và ngươi sẽ là một mối phúc lành. Ta sẽ chúc phúc cho những ai chúc phúc cho ngươi; ai nhục mạ ngươi, Ta sẽ nguyền rủa. Nhờ ngươi, mọi gia tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc” (St 12:1-3).
Ông Áp-ram được 75 tuổi khi ông rời Kha-ran. Ông Áp-ram đem theo vợ là bà Xa-rai, cháu là ông Lót, và mọi tài sản họ đã gầy dựng được, cùng với gia nhân họ đã có tại Kha-ran, đi tới đất Ca-na-an.
Khi nạn đói hoành hành trong xứ ấy, và ông Áp-ram xuống trú ngụ ở Ai-cập. Khi gần vào Ai-cập, ông nói với bà Xa-rai: “Bà coi, tôi biết bà là một người phụ nữ có nhan sắc. Khi người Ai-cập thấy bà, họ sẽ nói: ‘Vợ hắn đấy!’, họ sẽ giết tôi và để cho bà sống. Vậy xin bà cứ nói bà là em tôi, để vì bà, người ta xử tốt với tôi, và nhờ bà, tôi được sống” (St 12:11-13). Quả đúng như ông Áp-ram dự đoán. Khi họ đến Ai-cập, người Ai-cập thấy vợ ông rất xinh đẹp. Quan lại của Pha-ra-ô thấy bà thì ca tụng bà trước mặt Pha-ra-ô, và bà bị đưa vào đền Pha-ra-ô. Vì bà, người ta đã xử tốt với ông Áp-ram. Ông được chiên, , bò, lừa, tôi trai tớ gái, lừa cái, lạc đà. Tại vì bà Xa-rai, Đức Chúa giáng những tai ương lớn xuống Pha-ra-ô và gia đình vua. Pha-ra-ô bèn cho gọi ông Áp-ram đến và nói: “Ngươi làm gì ta thế? Tại sao ngươi đã không khai với ta rằng: nàng là vợ ngươi? Tại sao ngươi lại nói với ta: ‘Nàng là em tôi’, khiến ta đã lấy nàng làm vợ? Bây giờ, vợ ngươi đấy, hãy nhận lấy và đi đi!” (St 12:18-19). Sau đó, Pha-ra-ô ra lệnh cho người của vua tống ông Áp-ram đi, cùng với vợ ông và tất cả những gì ông có.
Sau các việc đó, có lời Đức Chúa phán với ông Áp-ram trong một thị kiến rằng: “Hỡi Áp-ram, đừng sợ, Ta là khiên che thuẫn đỡ cho ngươi; phần thưởng của ngươi sẽ rất lớn” (St 15:1). Người còn phán với ông: “Ta là Đức Chúa, Đấng đã đưa ngươi ra khỏi thành Ua của người Can-đê, để ban cho ngươi đất này làm sở hữu” (St 15:7). Ông thưa: “Lạy Đức Chúa, làm sao mà biết là con sẽ được đất này làm sở hữu?” (St 15:8). Người phán với ông: “Đi kiếm cho Ta một con bò cái ba tuổi, một con dê cái ba tuổi, một con cừu đực ba tuổi, một chim gáy và một bồ câu non” (St 15:9). Ông làm theo lệnh Người truyền. Ông xẻ đôi những con vật ấy, đặt nửa này đối diện với nửa kia; còn chim thì ông không xẻ.
Khi mặt trời đã lặn và màn đêm bao phủ, bỗng có một lò nghi ngút khói và một ngọn đuốc cháy rực đi qua giữa các con vật đã bị xẻ đôi. Hôm đó, Đức Chúa lập giao ước với ông Áp-ram: “Ta ban cho dòng dõi ngươi đất này, từ sông Ai-cập đến Sông Cả, tức sông Êu-phơ-rát, đất của những người Kê-ni, Cơ-nát, Cát-môn, Khết, Pơ-rít-di, Ra-pha, E-mô-ri, Ca-na-an, Ghia-ga-si và Giơ-vút” (St 15:18-21). Ông Áp-ram trở thành Tổ phụ Áp-ra-ham.
  1. I-xa-ác là con của ông Áp-ra-ham. Khi ông I-xa-ác đã già, mắt ông loà không trông thấy nữa. Ông gọi con trai lớn của ông là Ê-xau đến, ông nói: “Con thấy không, cha già rồi, không biết chết ngày nào. Bây giờ con hãy lấy khí giới của con, ống tên và cây cung của con, ra đồng săn thú cho cha. Con hãy làm cho cha một món ăn ngon như cha thích, rồi đem đến cho cha ăn, để cha đích thân chúc phúc cho con trước khi chết” (St 27:2-4). Lúc đó, bà Rê-bê-ca nghe được. Khi Ê-xau đi ra đồng săn thú, bà Rê-bê-ca nói với con trai là Gia-cóp: “Này, mẹ vừa nghe cha con nói với anh con rằng: ‘Con hãy đem thịt rừng về cho cha và làm cho cha một món ăn ngon, để cha ăn và chúc phúc cho con trước mặt Đức Chúa, trước khi cha chết’. Giờ đây, con ơi, hãy nghe lời mẹ mà làm như mẹ dạy con. Con đến bầy súc vật bắt cho mẹ hai con dê đực non và mập; mẹ sẽ làm thành một món ăn ngon cho cha con như cha con thích. Con sẽ đem đến cho cha con và cha con sẽ ăn, để người chúc phúc cho con trước khi chết” (St 27:7-10).
Người Ê-xau đầy lông lá, người Gia-cóp nhẵn nhụi. Gia-cóp sợ cha sẽ rờ và biết bị lừa, cha nguyền rủa thay vì chúc phúc. Bà Rê-bê-ca bảo: “Con ơi, nếu con bị nguyền rủa, mẹ sẽ gánh cho; cứ nghe lời mẹ và đi bắt dê cho mẹ” (St 27:13). Gia-cóp đi bắt dê và làm theo lời mẹ dặn. Đàn bà nham hiểm khôn lường! Qquả thật, bà Rê-bê-ca lấy chiếc áo sang nhất của Ê-xau để mặc cho Gia-cóp. Bà lấy da dê non mà bọc lấy tay và phần cổ nhẵn nhụi của cậu, rồi bà đặt món ăn ngon và bánh đã làm vào tay Gia-cóp để đem dâng cho cha là ông I-xa-ác (St 27:16).
Gia-cóp được cha chúc phúc, cướp mất quyền gia trưởng của Ê-xau. Chuyện đời ngày nay cũng vẫn có những chuyện huynh đệ tương tàn, giành nhau đủ thứ, kể cả những gì nhỏ bé nhất. Thật buồn thay!
  1. Gia-cóp cất bước đi về đất Phương Đông để đến nhà ông La-ban, cậu nhìn và thấy một cái giếng ở ngoài đồng. Ở đó có ba đàn chiên đang nằm gần giếng, vì người ta cho các đàn vật uống nước giếng này. Trên miệng giếng, có một tảng đá lớn. Khi các đàn vật đã tụ tập đông đủ, người ta lăn tảng đá ra khỏi miệng giếng và cho chiên uống, rồi lại đưa tảng đá về chỗ cũ trên miệng giếng. Gia-cóp hỏi họ ở đâu đến. Họ cho biết từ Kha-ran đến. Cậu hỏi thăm về ông La-ban, con cháu ông Na-kho. Họ trả lời là biết. Cậu hỏi ông la-ban có được bình an không. Họ trả lời: “Ông ấy được bình an; cô Ra-khen, con gái ông ấy, đang đến cùng với chiên và kia kìa” (St 29:6).
Họ còn đang nói chuyện với nhau thì cô Ra-khen đến cùng với chiên và của cha cô, vì cô là người chăn súc vật. Gia-cóp vừa nhìn thấy cô Ra-khen, con gái ông La-ban, anh của mẹ cậu, cả chiên và của ông La-ban, cậu liền lăn tảng đá ra khỏi miệng giếng, cho chiên và của ông La-ban uống. Gia-cóp hôn cô Ra-khen rồi oà lên khóc. Gia-cóp nói cho cô Ra-khen biết cậu là anh em họ hàng với cha cô và là con trai bà Rê-bê-ca; cô liền chạy về báo tin cho cha. Ông La-ban vừa nghe nói đến Gia-cóp, con của em gái ông, liền chạy ra đón, ôm cậu mà hôn, rồi đưa vào nhà. Cậu kể lại cho ông La-ban hết mọi việc. Ông La-ban nói: “Cháu đúng là cốt nhục của bác” (St 29:10). Gia-cóp yêu Ra-khen nên bằng lòng làm việc không công 7 năm để được cưới nàng làm vợ, bởi vì Gia-cóp quá đỗi yêu nàng Ra-khen duyên dáng và có nhan sắc hơn cô chị, nàng Lê-a. Nhưng ông La-ban lừa Gia-cóp, không chịu giao Ra-khen, nên Gia-cóp vì yêu nàng Ra-khen mà phải làm không công thêm 7 năm nữa. Yêu có khác, bi nhiêu thì bi!
  1. Sau đó Gia-cóp được vợ là Ra-khen. Khi Ra-khen sinh được Giu-se, Gia-cóp xin ông La-ban cho về quê hương xứ sở. Ông La-ban muốn trả công cho con rể, nhưng Gia-cóp từ chối và chỉ đề nghị: “Hôm nay con sẽ đi qua tất cả đàn chiên và của cha, cha hãy để riêng ra mọi chiên con lốm đốm và lấm chấm, mọi chiên con đen tuyền trong số chiên, và con nào lấm chấm và lốm đốm trong số dê cái: đó sẽ là công xá của con. Mai ngày, khi cha đến kiểm soát công xá của con, sự lương thiện của con sẽ làm chứng cho con: Tất cả những con dê không lấm chấm và lốm đốm, những con chiên không đen tuyền trong đàn vật của con, sẽ là của ăn cắp” (St 30:32-33). Ông La-ban đồng ý. Ngày hôm ấy, ông để riêng ra các dê đực vằn và lấm chấm, mọi dê cái lốm đốm và lấm chấm, mọi con vật có vệt trắng, và mọi con chiên đen tuyền; và ông giao chúng cho các con trai ông. Rồi ông để khoảng cách ba ngày đường giữa ông và ông Gia-cóp. Ông Gia-cóp thì chăn những chiên dê còn lại của ông La-ban.
  2. Khi đã giàu có, ông Gia-cóp nghe được những lời của các con trai ông La-ban nói rằng: “Gia-cóp đã lấy tất cả tài sản của cha chúng ta, và nhờ tài sản của cha chúng ta mà làm nên cơ đồ ấy”. Ông Gia-cóp nhìn nét mặt ông La-ban và thấy nhạc phụ không còn như xưa nữa, ông vâng lời Đức Chúa trở về quê hương. Ông Gia-cóp sai người đi gọi bà Ra-khen và bà Lê-a ra ngoài đồng, đến chỗ đàn chiên dê của ông, và nói với họ: “Tôi thấy rằng nét mặt của cha các bà đối với tôi không còn như xưa nữa; nhưng Thiên Chúa của cha tôi đã ở với tôi. Chính các bà biết rằng tôi đã phục vụ cha các bà bằng tất cả sức lực của tôi. Cha các bà đã đánh lừa tôi, và đã đổi công xá của tôi mười lần, nhưng Thiên Chúa đã không để cho ông ấy làm hại tôi. Mỗi khi ông nói những con lốm đốm sẽ là công xá của tôi, thì tất cả chiên và đẻ ra những con lốm đốm; mỗi khi ông nói những con vằn sẽ là công xá của tôi, thì tất cả chiên dê đẻ ra những con vằn. Thiên Chúa đã lấy đàn vật của cha các bà mà cho tôi. Vào thời chiên và giao nhau, tôi ngước mắt lên và chiêm bao thấy những con dê đực phủ những con cái thì vằn, lốm đốm và khoang” (St 31:5-10). Quả thật, Thiên Chúa luôn bảo vệ và nâng đỡ những người thật thà và chân chính.
  3. Giu-se được mười bảy tuổi thì đi chăn chiên và với các anh. Cậu đi với các con trai bà Bin-ha và các con trai bà Din-pa, các bà vợ của cha cậu. Cậu mách cha tiếng đồn không hay về họ. Ông Ít-ra-en yêu Giu-se hơn tất cả các con, vì ông đã già mới sinh được cậu, và ông may cho cậu một áo chùng dài tay. Các anh cậu thấy cha yêu cậu hơn tất cả các anh thì sinh lòng ghét cậu và không thể nói năng tử tế với cậu. Lòng ghen ghét và đố kỵ thật đáng sợ!
Giu-se chiêm bao, cậu thuật lại cho các anh, khiến họ càng ghét cậu thêm. Cậu kể: “Em lại chiêm bao thấy mặt trời, mặt trăng và mười một ngôi sao đang sụp xuống lạy em” (St 37:9). Các anh ghen tức với câu, cha cậu cũng mắng câu. Khi đi chăn chiên, các anh định thả cậu xuống giếng để sát hại cậu, chỉ có Rưu-vên thương cậu. Những lái buôn người Ma-đi-an đi qua đó kéo Giu-se lên khỏi giếng, các anh bán cậu cho người Ít-ma-ên giá 20 đồng bạc. Những người này đưa Giu-se sang Ai-cập.
Các anh lấy áo chùng của Giu-se, giết một con dê đực, rồi nhúng áo chùng vào máu để chạy tội, làm chứng cớ giả là Giu-se bị thú dữ ăn thịt. Người cha tưởng con trai mình đã bị nạn thật. Ông Gia-cóp xé áo mình ra, quấn áo vải thô ngang lưng và để tang con trai lâu ngày. Tất cả các con ông đến an ủi ông, nhưng ông không chịu cho người ta an ủi; ông khóc thương cậu và nói: “Cha sẽ để tang mà xuống với con cha ở âm phủ” (St 37:35).
  1. Ngày tháng trôi qua, người con gái ông Su-a, là vợ ông Giu-đa, qua đời. Mãn tang vợ, ông Giu-đa cùng với bạn là ông Khi-ra, người A-đu-lam, lên Tim-na gặp các thợ xén lông chiên của ông. Người ta báo cho Ta-ma hay: “Cha chồng của chị đang lên Tim-na xén lông chiên của ông ấy!”. Nàng liền bỏ áo bà goá, lấy khăn trùm lên, phủ kín mình, rồi ngồi ở lối vào Ê-na-gim, một thành nằm trên đường đi Tim-na. Nàng làm thế vì thấy rằng Sê-la đã lớn mà người ta không cho nàng làm vợ cậu.
Ông Giu-đa trông thấy nàng, tưởng là một gái điếm, vì nàng đã che mặt. Ông rẽ qua phía nàng bên lề đường và nói: “Cho tôi đến với cô”. Ông không biết nàng là con dâu ông. Nàng hỏi: “Ông cho em gì để đến với em?”. Ông đáp: “Tôi sẽ bắt một con dê con trong đàn gửi đến cho cô”. Nàng lại nói: “Vậy xin ông cho em một vật làm tin, cho tới khi ông gửi đến”. Ông hỏi: “Tôi phải cho cô vật gì làm tin?”. Nàng đáp: “Chiếc ấn của ông, sợi dây đeo ấn và cây gậy ông cầm ở tay”. Ông đưa cho nàng những thứ đó, rồi đến với nàng, và nàng có thai với ông. Nàng đứng lên, đi khỏi, bỏ khăn trùm và mặc lại áo bà goá (St 38:15-19).
Ông Giu-đa nhờ người bạn ở A-đu-lam mang dê con đến, để lấy lại vật làm tin từ tay người đàn bà, nhưng ông này không tìm thấy nàng. Ông này hỏi người địa phương: “Cô điếm thần ở Ê-na-gim vẫn ngồi trên đường đâu rồi?”. Họ đã trả lời: “Ở đây chẳng hề có điếm thần”. Ông về nói với ông Giu-đa: “Tôi không tìm thấy cô ta. Người địa phương còn nói là ở đấy chẳng hề có điếm thần”. Ông Giu-đa nói: “Cô ta cứ việc giữ những thứ ấy! Miễn sao chúng ta đừng bị chê cười. Tôi quả đã gửi con dê con này, còn anh lại không tìm thấy cô ấy!” (St 38:20-23). Về sau, bà này sinh đôi là Pe-rét và De-rác.
  1. Sách Lê-vi cho biết cách thức dâng của lễ: (a) “Nếu người ấy tiến dâng chiên dê làm lễ toàn thiêu, một con chiên con hay một con dê, thì phải tiến dâng một con đực toàn vẹn. Người ấy sẽ sát tế nó bên cạnh bàn thờ, về phía bắc, trước nhan Đức Chúa” (Lv 1:10-11), (b) “Nếu lễ tiến của người ấy là một con dê, thì phải tiến dâng nó trước nhan Đức Chúa. Người ấy sẽ đặt tay trên đầu con vật, và sẽ sát tế nó trước cửa Lều Hội Ngộ. Các con A-ha-ron sẽ rảy máu nó chung quanh bàn thờ” (Lv 3:12).
  2. Giống như chiên, được dùng làm của lễ đền tội.
– Đối với chức sắc: “Nếu một đầu mục phạm tội, và vô ý làm một trong những điều mà mệnh lệnh Đức Chúa, Thiên Chúa của nó, cấm làm, khiến nó mắc lỗi, nếu người ta cho nó biết tội nó đã phạm, thì nó phải đưa đến một con dê làm lễ tiến, một con đực toàn vẹn. Nó sẽ đặt tay trên đầu con dê và sát tế trước nhan Đức Chúa, ở nơi sát tế lễ vật toàn thiêu. Đó là lễ tạ tội. Tư tế sẽ dùng ngón tay lấy máu lễ vật tạ tội và bôi lên các góc cong của bàn thờ dâng lễ toàn thiêu, rồi đổ máu còn lại xuống chân bàn thờ dâng lễ toàn thiêu. Còn tất cả mỡ, tư tế sẽ đốt cho cháy nghi ngút trên bàn thờ, như mỡ của hy lễ kỳ an. Tư tế sẽ cử hành lễ xá tội như thế cho người ấy khỏi tội của mình, và người ấy sẽ được tha” (Lv 4:22-26).
– Đối với thường dân: “Nếu một thường dân vô ý phạm tội, làm một trong những điều mà mệnh lệnh của Đức Chúa cấm làm, khiến nó mắc lỗi, nếu người ta cho nó biết tội nó đã phạm, thì vì tội đã phạm, nó sẽ đưa đến một con dê làm lễ tiến, một dê cái toàn vẹn. Nó sẽ đặt tay trên đầu lễ vật tạ tội và sát tế lễ vật tạ tội ở nơi sát tế lễ vật toàn thiêu (Lv 4:27-29).
– Các trường hợp phải dâng lễ đền tội: “Khi một người nào phạm tội, vì tuy là nhân chứng về một việc đã thấy hoặc đã biết, mà không chịu nói ra sau khi đã nghe lời khuyến cáo long trọng, thì nó phải mang lấy tội một mình; hoặc khi một người nào đụng đến bất cứ vật gì ô uế – như xác chết một dã thú ô uế, xác chết một gia súc ô uế, xác chết một con vật ô uế – mà không biết, thì nó trở nên ô uế và mắc lỗi; hoặc khi người ấy đụng đến một cái gì ô uế của người ta – những thứ ô uế khiến người ta trở nên ô uế – mà không biết, thì sau khi biết, nó mắc lỗi; hoặc khi một người nào lỡ lời mà thề làm điều gì bất kỳ tốt xấu – trong mọi điều một người có thể lỡ lời mà thề – nhưng không biết, thì sau khi biết, nó mắc lỗi về một trong những điều ấy. Vậy khi ai mắc lỗi về một trong những điều trên thì nó phải xưng thú tội mình đã phạm, rồi phải đưa đến dâng Đức Chúa lễ vật đền tội vì tội đã phạm, là một con chiên cái hay một con dê cái làm lễ tạ tội, và tư tế sẽ cử hành lễ xá tội cho nó khỏi tội (Lv 5:1-6).
  1. Đến ngày thứ tám, ông Mô-sê gọi ông A-ha-ron và các con ông ấy, cũng như các kỳ mục Ít-ra-en, và nói với ông A-ha-ron: “Ông hãy bắt một con bê để làm lễ tạ tội, với một con cừu đực để làm lễ toàn thiêu, cả hai còn toàn vẹn, và hãy tiến dâng chúng trước nhan Đức Chúa. Rồi ông hãy nói với con cái Ít-ra-en bắt một con dê đực để làm lễ tạ tội, một con bê với một con chiên, cả hai phải được một tuổi, toàn vẹn, để làm lễ toàn thiêu, một con bò đực và một con dê đực để làm lễ kỳ an dâng trước nhan Đức Chúa, và một lễ phẩm nhào với dầu; vì hôm nay Đức Chúa sẽ xuất hiện giữa anh em” ( Lv 9:2-4).
  2. Quy định đặc biệt về lễ tạ tội: “Ông Mô-sê hỏi đi hỏi lại về con dê đực dâng làm lễ tạ tội và thấy là nó đã bị thiêu. Ông nổi giận với hai người con còn lại của ông A-ha-ron là E-la-da và I-tha-ma, và nói: Tại sao các anh không ăn lễ vật tạ tội trong nơi thánh, vì đó là của rất thánh? Người đã ban nó cho các anh để xoá bỏ tội lỗi của cộng đồng, để cử hành lễ xá tội cho họ trước nhan Đức Chúa” (Lv 10:16-17).
  3. Việc làm trong ngày xá tội: A-ha-ron sẽ vào thánh điện như thế này: Nó phải bắt một bò tơ để làm lễ tạ tội và một cừu đực để làm lễ toàn thiêu. Nó sẽ mặc áo dài thánh bằng vải gai, mặc trên mình quần đùi vải gai, thắt đai lưng vải gai, đội mũ tế vải gai. Đó là phẩm phục thánh, nó sẽ lấy nước tắm rửa thân thể trước khi mặc vào. Nó sẽ nhận hai con dê đực để làm lễ tạ tội và một con cừu đực để làm lễ toàn thiêu, do cộng đồng con cái Ít-ra-en đem tới. A-ha-ron sẽ tiến dâng con bò tơ làm lễ tạ tội cho chính mình, và sẽ cử hành lễ xá tội cho mình và cho nhà mình. Nó sẽ lấy hai con dê và đặt trước nhan Đức Chúa, ở cửa Lều Hội Ngộ. Nó sẽ bắt thăm chọn giữa hai con dê: một thăm “dành cho Đức Chúa”, một thăm “dành cho quỷ A-da-dên”. A-ha-ron sẽ tiến dâng con dê trúng thăm “dành cho Đức Chúa” và dùng làm lễ tạ tội. Còn con dê trúng thăm “dành cho A-da-dên”, A-ha-ron sẽ để sống và đặt trước nhan Đức Chúa, để cử hành lễ xá tội trên nó và thả nó cho A-da-dên trong sa mạc (Lv 16:3-10).
  4. Thánh Vịnh cho biết rằng Dê được dùng làm lễ tế: “Con tiến dâng Ngài bò, chiên, béo tốt, làm lễ toàn thiêu nghi ngút bay lên” (Tv 66:15). Dân Ai-cập bị Thiên Chúa trừng phạt, Dê cũng bị vạ lây: “Người sai mòng đến cắn, ếch nhái làm tan hoang, cào cào ăn lúa má, châu chấu phá mùa màng; mưa đá huỷ vườn nho, sương muối diệt cây vả, dịch tàn sát chiên, , thời khí hại bò lừa” (Tv 78:45-48).
DÊ TRONG TÂN ƯỚC
  1. Giá trị tuyệt đối của Máu Đức Giêsu Kitô: “Người [Đức Kitô] đã vào cung thánh không phải với máu các con dê, con bò, nhưng với chính máu của mình, Người vào chỉ một lần thôi, và đã lãnh được ơn cứu chuộc vĩnh viễn cho chúng ta. Vậy nếu máu các con dê, con bò, nếu nước tro của xác bò cái, đem rảy lên mình những kẻ nhiễm uế còn thánh hoá được họ, nghĩa là cho thân xác họ trở nên trong sạch, máu của Đức Kitô càng hiệu lực hơn biết mấy” (Dt 9:12-14).
  2. Máu giao ước của Thiên Chúa: “Sau khi ông Mô-sê công bố cho toàn dân mọi điều răn như đã ghi chép trong Sách Luật, ông lấy máu các con bê, con dê hoà lẫn với nước, rồi dùng len đỏ thắm và cành hương thảo mà rảy trên chính cuốn Sách Luật cũng như trên toàn dân và nói: Đây là máu giao ước, Thiên Chúa đã truyền cho anh em tuân giữ. Rồi, cũng theo cách thức đó, ông rảy máu vào lều thánh và mọi đồ phụng tự” (Dt 9:19-21).
  3. Máu bò và máu dê có giá trị trong Cựu ước, nhưng không còn giá trị trong Tân ước: “Năm này qua năm khác, chính những hy lễ đó nhắc cho người ta nhớ mình có tội. Thật thế, máu các con bò, con dê không thể nào xoá được tội lỗi. Vì vậy, khi vào trần gian, Đức Kitô nói: Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể. Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội. Bấy giờ con mới thưa: Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài, như Sách Thánh đã chép về con” (Dt 10:4-7).
  4. Vì Đức Tin, có nhiều người phải chịu đau khổ: “Có những người phải chịu nhạo cười và roi vọt, hơn nữa còn bị xiềng xích và bỏ tù; họ bị ném đá, bị cưa đôi, bị chết vì gươm; họ phải lưu lạc, mặc áo da cừu, da dê, chịu thiếu thốn, bị áp bức và hành hạ” (Dt 11:36-37).
  5. Trong dụ ngôn “Người Cha Nhân Hậu” (Lc 15:29), trước đây gọi là dụ ngôn “Đứa Con Hoang Đàng”, người em đòi chia gia tài rồi đi ăn chơi hoang đàng chi địa. Miệng ăn, núi lở. Ở bước đường cùng, hết cách xoay xở, người em hối hận và quyết trở về với cha. Người em được cha đón nhận mà không trách móc, còn bảo các đầy tớ mở tiệc ăn mừng: “Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng. Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy”.
Khi người anh từ ngoài đồng về gần đến nhà, nghe thấy tiếng đàn ca nhảy múa, hỏi người đầy tớ thì biết “thằng em trời đánh” vừa trở về và được cha cho làm thịt con bê béo để ăn mừng. Người anh liền nổi giận và không chịu vào nhà. Nhưng người cha ra năn nỉ. Anh ta so kè: “Cha coi đó, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, chẳng khi nào trái lệnh, thế mà chưa bao giờ cha cho lấy được một con dê con để con ăn mừng với bạn bè. Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, nay trở về, cha lại giết bê béo ăn mừng!”.
Người cha phân tích và giải thích chi li ngọn nguồn, người anh hiểu ra. Cả nhà cùng vui mừng đoàn tụ trong tình yêu thương của Thiên Chúa. Hình ảnh người anh và người anh là chính chúng ta, có khi chúng ta tội lỗi ngập đầu mà vẫn “chảnh”, có lúc chúng ta lại so hơn tính thiệt với chính những người xung quanh, thậm chí còn trách cả Thiên Chúa. Quả thật, “lỗi tại tôi mọi đàng” mà thôi!
  1. Dê là biểu tượng của những người bị nguyền rủa, trái ngược với chiên – biểu tượng của những người được chúc phúc trong ngày Chúa quang lâm. Trình thuật Mt 25:31-46 cho biết như vậy. Lúc đó, thật diễm phúc cho ai được phân loại là Chiên và ở bên phải, nhưng thật khốn nạn cho ai bị phân loại là Dê và ở bên trái!
Khi Con Người đến trong vinh quang, có tất cả các thiên sứ theo hầu, bấy giờ Người sẽ ngự lên ngai vinh hiển. Các dân thiên hạ sẽ được tập hợp trước mặt Người, và Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê. Người sẽ cho chiên đứng bên phải Người, còn dê ở bên trái. Những người là Chiên được Thiên Chúa chúc phúc và cho hưởng trường sinh. Còn những người là Dê ở bên trái, Thiên Chúa tuyên án: “Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã không cho ăn; Ta khát, các ngươi đã không cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã không tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã không cho mặc; Ta đau yếu và ngồi tù, các ngươi đã chẳng thăm viếng”. Thế là hết đường cứu chữa, biện hộ kiểu nào cũng vô ích mà thôi. Từ đó, “người dê” phải ra đi để chịu cực hình muôn kiếp!

VĨ NGÔN
Hình ảnh con chiên và con dê rất gần gũi với người Do Thái từ xa xưa. Chúa Giêsu đã giáng sinh nơi máng cỏ tại một hang động có nhiều , chiên, lừa… Chúng thở hơi làm ấm Ngài trong hơi sương giá lạnh. Ngoài ra, hình ảnh con chiên và con dê chịu sát tế làm lễ hy sinh, trở thành của lễ đền tội cho dân Do Thái, mà không một lời than van. Trong Tân ước, tế vật đó chính là hình ảnh Chúa Giêsu gánh chịu mọi tội lỗi của nhân loại, Đấng mà Ngôn sứ Isaia gọi là “Người Tôi Trung” (Is 42, 49, 50 và 52), đã được Ngôn sứ Isaia tiên báo: “Tôi không cưỡng lại, cũng chẳng tháo lui. Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu. Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ” (Is 50:5-6).
Và hằng ngày, trong các Thánh Lễ ở khắp thế giới đều vang lên lời kinh cầu nguyện tha thiết: “Lạy Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian, xin thương xót chúng con…”.
Lạy Chúa, xin thương xót chúng con, đặc biệt là trong mùa Xuân này, Tết Ất Mùi này. Amen.
TRẦM THIÊN THU
Tết Nguyên Đán – 2015

Không có nhận xét nào:

Tìm kiếm ....