Ông bà anh chị em thân
mến. Nhìn vào cuộc sống với những công
việc và bổn phận phải chu toàn cho cá nhân và cho gia đình, cũng như nhìn vào
những sự hy sinh tham gia trong những công việc và sự quảng đại đóng góp tái
chánh cho giáo xứ, một câu hỏi quan trọng mà tôi nghĩ thường làm cho chúng ta
tự hỏi “Đâu là mục đích hay ý nghĩa của cuộc đời?”
Tùy vào câu trả lời cho câu hỏi này, con người chúng ta có hai cái nhìn về cuộc đời: lạc quan hy
vọng hay bi quan yếm thế. Và tùy theo cách nhìn về cuộc đời, con người sẽ có thái độ, cách sống thích ứng trong cuộc sống, hoặc là làm việc, hoạt động tích cực, dấn thân cố gắng
hy sinh tham gia, có lòng quảng đại, với tinh thần vui mừng và hy vọng, và có
cuộc sống sống động để đạt được mục đích, hay là lười biếng, sống ích kỷ, thu hẹp hay nằm dài than thân trách phận chờ thần chết
đến giải thóat cuộc sống vô nghĩa.
Các bài đọc Kinh thánh trong Thánh
lễ hôm nay tập trung
trong câu hỏi về mục đích, ý nghĩa của cuộc đời, và cho chúng ta
những ý nghĩ, suy tư để chúng ta tìm được sự bình an, niềm vui mừng và hy vọng,
cũng như tình yêu và ân sủng của Chúa. Bài đọc 1 kể cho chúng ta câu
chuyện của ông Gióp, một người trước kia rất giàu có và
sung sướng, nhưng hôm nay
đang trong hoàn cảnh thương đau vì mất mát người thân yêu, và trong tình trạng đau khổ vì bệnh
tật. Ông chỉ mong giấc ngủ kéo dài từ
sáng đến
chiều tối, để
quên đi những buồn phiền và đau khổ của cuộc đời. Ông nhận thức đời sống ngắn ngủi và nếu như sống trong tình
trạng và hoàn cảnh như vậy thì cuộc
đời không có giá trị. Và có lẽ đây cũng
là tâm trạng của chúng ta khi phải đối diện với hoàn cảnh tương tự của ông Gióp. Trong bài đọc 2, thánh Phaolô cũng cho chúng ta biết ngài
đang phải đương đầu với một hoàn cảnh khó khăn vì mang trong người một sứ mệnh
trọng đại là rao giảng Tin mừng mà Chúa Kitô đã trao phó. Thánh Phaolô cảm thấy
lo lắng và ưu tư vì biết rõ khả năng và sức lực của chính mình. Trong
bài Tin mừng hôm nay, chúng ta nghe câu chuyện Chúa Giêsu chữa lành bệnh cho bà
mẹ vợ ông Simon Phêrô và những người có nhiều chứng bệnh
khác nhau cũng như nhiều người bị ma quỉ chiếm giữ. Tất cả những
người này đều có những đau khổ buồn phiền trong cuộc sống.
Ông bà anh chị em thân mến. Ông Gióp than thở và trong tình trạng đau khổ nhưng ông luôn tin vào
tình thương và quyền năng của Thiên Chúa sẽ cứu giúp ông vượt qua khỏi cảnh bất hạnh và đau khổ, và nếu chúng ta tiếp tục đọc câu chuyện của ông, thì đã xảy ra đúng như niềm tin của ông. Thánh Phao-lô, khi đã nhìn ra sự quan trọng của việc rao giảng
Tin Mừng là đem lại sự bình
an, tình yêu của Chúa và nhất là ơn
cứu độ cho cuộc sống hạnh phúc vĩnh cửu đời
sau cho mọi người, ngài sẵn
sàng hy sinh cả cuộc đời nhiệt thành rao giảng, và sẵn sàng trở nên mọi sự cho
mọi người để kêu gọi mọi
người tin vào Chúa, và để đem các linh
hồn về cho Thiên Chúa. Và chúng ta thấy, Chúa Giê-su tuy bận
rộn trong công việc
đến độ không có thời giờ ăn uống để rao
giảng Tin Mừng và chữa lành bệnh tật cũng như trục xuất
quỉ thần, nhưng Người vẫn
luôn sống
hiệp thông với Thiên Chúa trong đời sống suy niệm cầu nguyện. Chúa Giê-su cầu nguyện với Thiên Chúa Cha trước khi bắt đầu một ngày. Tin mừng cho chúng ta biết, từ sáng sớm, lúc trời còn tối, Người đã dậy, đi
ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện. Thật vậy, Chúa Giêsu bắt đầu một ngày mới bằng việc kết hợp với Thiên Chúa để nhận ra
ý nghĩa, mục đích công
việc phải làm, những hy sinh nhục nhằn, đau khổ phải chịu. Cầu nguyện là điều rất quan trọng và
cần thiết cho tất cả chúng ta, để tìm được niềm vui mừng và hy vọng trong công
việc, cũng như có sức mạnh đối diện với những đau buồn trong cuộc sống, cũng
như tìm ra được ý nghĩa, mục đích cho đời sống cá nhân, cho gia đình và nhất là
cho đời sống Ki-tô hữu.
Có một màn kịch trong đó một người đàn
ông và một người đàn bà ngồi trong một văn phòng, hình như có vẻ hoàn toàn xa
lạ. Sau một lúc im lặng, người đàn ông
bắt đầu câu chuyện. Cuộc nói chuyện giữa
hai người rất ngượng nghịu, khó chịu, và qua cuộc đối thoại, khán thính giả
nhận ra những sự trùng hợp thật khó tưởng tượng trong cuộc sống của người đàn
ông và đàn bà này. Hai người đều sinh ra
trong 1 thành phố, có 1 người con gái có tên giống nhau. Hai người bây giờ sống trong 1 thành phố,
cùng một con đường và cùng một building.
Đến đây khán giả càng ngạc nhiên hơn khi biết hai người cùng sống trong
một chung cư, hai người là đôi chồng và vợ. Sau những sự sửng sốt và buồn cười,
khán thính giả biết được mục đích và ý nghĩa của vở kịch đôi vợ chồng tuy sống
chung trong một nhà và đã có 1 đứa con với nhau, nhưng trong thân tâm họ không
biết nhau, không hiểu nhau. Họ thật sự
là những người xa lạ với nhau.
Ông bà anh chị em thân mến. Sự thật
trong vở kịnh cũng là thảm kịch của rất nhiều vợ chồng trong xã hội ngày
nay. Vợ chồng sống chung trong một nhà
nhưng không biết và hiểu nhau, không có một sự liên hệ mật thiết với nhau, vì
không có thời giờ tâm sự chia sẻ với nhau.
Họ dùng nhiều thời giờ cho công việc, xử dụng facebook liên hệ với người
khác hơn là với nhau, cho nên tuy sống chung trong một nhà nhưng họ là những
người xa lạ với nhau, không có yêu thương, hòa thuận và hạnh phúc, cũng như
không tìm ra ý nghĩa và mục đích của hôn nhân gia đình vợ chồng của họ. Đây là thảm kịch của nhiều đôi vợ chồng trong
xã hội ngày này.
Và thưa ông bà anh chị em. Đây cũng là thảm kịch trong đời sống của
nhiều Ki-tô hữu ngày này. Là những Ki-tô
hữu, nhưng không có một sự liên hệ mật thiết với Chúa Giê-su Ki-tô. Bên ngoài, hình như họ có liên hệ với Chúa
như đi nhà thờ, đọc kinh, nhưng tận trong tâm hồn thì xa Chúa, vì không có một
đời sống suy niệm cầu nguyện. Họ không
có thời giờ thình lặng để tâm sự và cầu nguyện với Chúa. Không noi gương, bắt chước Chúa Giê-su cầu
nguyện với Thiên Chúa Cha. Muốn trở thánh những Ki-tô hữu chân chính,
đích thực, chúng
ta phải có một đời sống cầu nguyện sốt sắng và thích hợp. Cầu
nguyện là nhu cầu quan trọng và cần thiết,
cũng là lương thực đích thực của chính Chúa Giêsu, để Người vượt qua những khó khăn và
đau khổ của thập tự giá, để luôn trung thành, sốt sắng và hy sinh đem bình an,
tình yêu và ơn cứu độ đến cho mọi người.
Cầu nguyện đã giúp Người
có sức mạnh chữa được những bệnh tật và loại trừ ma quỉ ra khỏi con người. Cho nên, chúng ta cũng phải có một đời sống cầu nguyện như
Chúa để có sức mạnh vượt qua khỏi những hoàn cảnh đau khổ và lo âu, loại trừ
được những sự dữ đang xiềng xích trói buộc cuộc sống chúng ta.
Ông bà anh chị em thân mến.
Khi đề cập đến cầu nguyện thì chúng ta có thái độ là
đã biết rồi, đã cầu nguyện nhiều rồi, và đã vào hội
nọ, nhóm kia rồi. Nhưng chúng ta hãy tự hỏi đời
sống cầu nguyện của chúng ta có tạo một sự liên hệ mật thiết với
Chúa không? Sự cầu nguyện của chúng ta
có tạo nên những kết quả tốt trong đời sống đức tin không? Có giúp chúng ta trở nên
khiêm nhường hơn tốt lành, sốt sắng, hy sinh và quảng đại hơn trong sự vui
mừng, tin tưởng vào Chúa hơn không?
Xin Chúa giúp chúng ta biết
hy sinh thời giờ suy niệm cầu nguyện. Cầu nguyện một cách chân thành, để chúng ta luôn được kết hợp
mật thiết với Chúa.
Cầu nguyện để chúng ta biết ý nghĩa, mục đích của cuộc sống. Cầu nguyện để gia đình được hòa thuận, hạnh
phúc. Cầu nguyện để có sự vui mừng hy
sinh phục vụ Chúa, để có sự khiêm nhường, bác ái, quảng đại, và sống trong bình
an, tình yêu và ơn sủng của Chúa. Cầu
nguyện để có sức
mạnh vượt qua được những khó khăn, đau khổ và lo âu trong cuộc sống, chu toàn bổn
phận và sứ
mệnh chứng nhân cho Chúa.
Lm. Chánh xứ
.
.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét