Thứ Bảy, 3 tháng 1, 2015

Chúa Nhật Lễ Hiển Linh Năm B_2015

 

Ông bà anh chị em thân mến.  Vào khoảng 587 năm trước ngày Chúa Giê-su sinh ra, thành Giê-ru-sa-lem của Do thái đã bị người Ba-bi-lon tàn phá, và nhiều người Do thái bị bắt đi lưu đày làm nô lệ.  Năm mươi năm sau đó, người Pê-si-a, hiện nay là I-ran, đã chiếm được Ba-bi-lon và hoàng đế Pê-si-a cho phép người Do thái lưu vong trở về quê hương. Đây là một thời điểm rất khó khăn cho người Do thái, xây dựng lại quê hương sau 50 năm bị tàn phá, đền thờ đã bị hủy diệt.
Thành Giê-ru-sa-lem, một thời đã làm cho họ được kiêu hãnh nay là đống gạch vụn.  Trong bài đọc 1 hôm nay, ngôn sứ I-sa-i-a cố gắng kêu gọi, thuyết phục và quả quyết với mọi người: Giê-ru-sa-lem sẽ trở thành một thành phố vĩ đại.  Ngôn sứ viễn ảnh Giê-ru-sa-lem sẽ là một ngọn ánh sáng cho mọi dân tộc trên thế giới.  Mọi người từ khắp nơi sẽ đến thăm viếng, được nuôi nấng và bao phủ bởi vầng ánh sáng hiện diện của Thiên Chúa. Qua bài Tin mừng hôm nay, thánh Mát-thêu đã nhận ra và diễn tả viễn tượng của ngôn sứ thể hiện trong sự sinh ra của Chúa Giê-su, Đấng cứu thế và sự viếng thăm của ba nhà đạo sĩ đến từ phương Đông.

 

Ông bà anh chị em thân mến. Chúng ta nhận ra nhiều bài học trong câu chuyện của ba nhà đạo sĩ, nhưng tôi xin được chú ý vào 2 điểm hay 2chủ đề rất quan trọng, và rất thân thương của Tin mừng thánh Mát-thêu. Tôi xin đôi ba giây phút của ông bà anh chị em để chia sẻ những chủ để này được thánh Mát-thêu lập đi lập lại nhiều lần trong sách Tin mừng của ngài.

Chủ điểm quan trọng thứ nhất là: Thiên Chúa muốn mọi người được cứu rỗi. Người Do thái, là dân được Thiên Chúa thương chọn làm dân riêng, tin rằng họ độc quyền chiếm giữ ơn cứu độ.  Ba đạo sĩ, là dân ngoại không phải dân được Chúa chọn, nhưng họ là người đại diện cho mọi dân tộc được Thiên Chúa kêu gọi nhận biết Ngài qua Chúa Giê-su. Nếu chúng ta tiếp tục đọc Tin mừng của thánh Mát-thêu, chúng ta sẽ thấy chủ điểm này được tái diễn tả như thế nào. Mặc dù chúng ta thấy Chúa Giê-su chỉ thị cho các tông đồ không được vào lãnh thổ của dân ngoại để rao giảng, chính Chúa Giê-su không ngại chữa lành đứa con của viên đại đội trưởng của dân ngoại.  Chính Người còn xác nhận và ngưỡng mộ lòng tin của ông “Ta cũng nói cho các ngươi biết rằng: nhiều người từ phương Đông và phương Tây sẽ đến dự tiệc cùng Abraham, Isaac và Giacóp trong Nước Trời. Còn con cái trong nước sẽ bị vứt vào nơi tối tăm bên ngoài, ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng.” (Mt. 8, 8-17)  Trong một đoạn Tin mừng khác, Chúa cũng đã cứu đứa con gái của người đàn bà xứ Ca-na-an sau khi Người thử thách đức tin của bà. (Mt. 15, 21-28)  Nhưng trên hết, chủ điểm ơn cứu độ cho muôn người được minh chứng rõ ràng trong đoạn Tin mừng nói về thời điểm trước Chúa về trời, Người nói rằng “Vậy các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, giảng dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền dạy các con.” (Mt. 28, 19)
Ông bà anh chị em thân mến.  Cuộc thăm viếng và gặp gỡ của ba nhà đạo sĩ cho chúng ta biết Thiên Chúa đã mở cánh cửa của ơn cứu độ cho muôn người, nhưng, và đây là điểm, chủ điểm quan trọng thứ hai mà tôi muốn chia sẻ là: không phải tất cả mọi người tự dưng được cứu rỗi, được vào Nước Thiên Chúa. Câu chuyện của ba nhà đạo sĩ cho chúng ta biết chúng ta phải thành tâm chịu một chút khó nhọc và thời giờ tìm kiếm Chúa mới được vào đời sống vĩnh cửu. Được vào Nước Thiên Chúa không đến với chúng ta một cách tự động, và không đến với chúng ta nếu chúng ta biết đạo, biết đức tin, biết lời Chúa một cách hoàn toàn, nhưng không sống đạo, không sống đức tin và không sống lời Chúa. Ba nhà đạo sĩ đã đi tìm và gặp được Hài Nhi Gie-su sau khi đã vượt qua một cuộc hành trình xa xôi, hằng trăn dặm, và qua rất nhiều những khó khăn, cực nhọc.  Họ đã phải tiếp tục ra sức tìm kiếm đến nỗi phải hỏi cả vị vua độc ác và những đại giáo trưởng và luật sĩ Do thái, là những người biết câu trả lời mà không có ý muốn đi tìm kiếm Chúa. Ơn cứu độ và Nước Thiên Chúa được ban cho muôn người, nhưng không phải tất cả mọi người đều chiếm hữu, chỉ những ai muốn và thành tâm tìm kiếm thì mới gặp mà thôi.
Ông bà anh chị em thân mến.  Đó là những chủ điểm mà chúng ta thấy, được lập đi lập lại nhiều lần trong giáo huấn của Chúa Giê-su trong sách Tin mừng của thánh Mát-thêu. Thí dụ như ở cuối bài giảng về Phúc thật tám mối, Chúa Giê-su nói với chúng ta rằng những ai nghe lời Người giảng dạy và đem ra thực hành thì giống như người thợ xây nhà trên đá, còn ai không đem ra thực hành thì giống như người xây nhà trên cát sẽ trở thành hoàng tàn. (Mt. 7, 21-29)  Và chủ điểm này tiếp tục được lập lại trong nhiều dụ ngôn.  Đây là 8 dụ ngôn mà chúng ta thường nghe: 1) dụ ngôn Người gieo hạt giống; 2) dụ ngôn Cỏ lùng và hạt cải; 3) dụ ngôn Kho báu và ngọc quí; 4) dụ ngôn Hai người con làm vườn nho; 5) dụ ngôn Tiệc cưới, người được mời quá bận rộn công việc không tham dự; 6) dụ ngôn những nén bạc, một người không sử dụng, cuối cùng thì bị phạt; 7) dụ ngôn 10 cô trinh nữ, 5 cô sửa soạn chờ đón, và 5 cô khờ dại không sửa soạn, bị loại ngoài cửa; 8) và cuối cùng là dụ ngôn Ngày phán xét chung, chỉ được ghi lại trong Tin mừng thánh Mát-thêu mà thôi.
Ông bà anh chị em thân mến.  Lời Chúa hoàn toàn tuyệt đối đối nghịch với văn hóa xã hội tân tiến ngày nay, nhất là trong xã hội chúng ta đang sống, cho rằng tất cả mọi người sẽ được vào Nước Chúa. Câu chuyện của ba nhà đạo sĩ trong bài Tin mừng hôm nay cho chúng ta thấy, những người thành tâm tìm kiếm Chúa sẽ thấy, nhưng bất hạnh thay, những ai không có ý định hay không thành tâm tìm kiếm thì sẽ không tìm được.
Chúng ta cầu xin Chúa Giê-su Hài Nhi trong máng cỏ khó nghèo, qua lời cầu bầu của Đức Maria và thánh Giuse, giúp sức cho chúng ta không bị những cản trở về vật chất, tiền bạc, giàu có, những cám dỗ, những sự dọa nạt, những lời vu khống hay những lời xấu dèm pha, làm cho chúng ta chán nản trong cuộc hành trình tìm kiếm Chúa.  Chúng ta nhận biết phải vượt qua những khó khăn này chúng ta mới tìm được Chúa, và tin rằng sẽ luôn có ánh sáng và ơn lành của Chúa hướng dẫn. Nếu chúng ta thành tâm và trung thành theo ánh sáng lời Chúa hướng dẫn, chúng ta tin sẽ được ơn cứu độ, vì Thiên Chúa đã từ xa xôi sinh xuống trần, chịu những đau khổ và chết trên thập giá cho chúng ta. Giờ đây chúng ta tưởng nhớ đến tình yêu bao la của Chúa trong Thánh lễ chúng ta sắp cử hành.

Lm. Chánh xứ

Không có nhận xét nào:

Tìm kiếm ....