Thứ Sáu, 20 tháng 11, 2015

Trường học Gia đình

Khi nhập thể và nhập thế, Con Thiên Chúa là Đức Kitô Giêsu đã sinh trong một gia đình. Khi đi lễ đền, Ngài ở lại “lo việc của Chúa Cha” nhưng cha mẹ Ngài không biết, sau ba ngày, Ngài ngoan ngoãn theo cha mẹ về quê và hằng vâng phục cha mẹ (Lc 2:51). Điều đó chứng tỏ gia đình là quan trọng và là trường học đầu tiên của mọi người.

Văn sĩ Charles Dickens (1) nhận định: “Gia đình là một cái tên, một từ ngữ mạnh mẽ, mạnh hơn lời của những pháp sư hay tiếng đáp của các linh hồn. Đó là lời nguyện cầu hùng mạnh nhất”.


Các nhà xã hội học coi gia đình là nơi đặt những “viên gạch đầu tiên” trong việc hình thành nhân cách con người. Điều đó cho thấy gia đình là trường học đầu tiên của mỗi con người. Quả thật, giáo dục gia đình rất quan trọng, đặc biệt là người mẹ, vì người mẹ gần gũi con cái ngay từ khi nó mới sinh ra và suốt những tháng năm đầu đời.

Nhân cách là tính cách của một con người, và rồi con người đó có thể tốt hoặc xấu. Vì thế, giáo dục nhân cách rất quan trọng, phải bắt đầu từ gia đình, nhưng giáo dục gia đình lại là vấn đề rộng lớn. Ở đây chúng ta nói về vai trò của cha mẹ trong việc giáo dục hình thành nhân cách cho trẻ em ở Việt Nam hiện nay.

Như đã nói, gia đình là môi trường giáo dục đầu tiên, tức là trường học đầu tiên của bất kỳ con người nào. Mỗi con người đều được sinh ra từ cha và mẹ. Đứa trẻ luôn gần gũi và lắng nghe những “âm thanh cuộc sống” đầu tiên từ cha mẹ – đặc biệt là từ người mẹ. Người mẹ hiền lành, dịu dàng, ăn nói nhẹ nhàng, đứa trẻ đều nhận biết và chịu ảnh hưởng. Ngày xưa, người mẹ ru con bằng những câu hò, ca dao, điệu lý,… nhẹ nhàng và trong sáng. Rất tiếc là ngày nay không phổ biến, nhưng vẫn còn phần nào những lời “ầu ơ”, “ví dầu”,… khi mẹ ru con ngủ. Lời ru không thể nào gắt gỏng hoặc như “dùi đục chấm mắm cáy”, vì thế mà đứa trẻ vẫn ảnh hưởng sự dịu dàng của lời mẹ ru.

Khi con trẻ chập chững những bước đi đầu đời, người đầu tiên chỉ dạy cho bé cách đi đứng, nói năng, không ai khác là cha mẹ. Vì vậy, cha mẹ là người thầy đầu tiên của con cái. Điều đó xác định việc giáo dục gia đình vô cùng quan trọng trong việc hình thành nhân cách của con cái. Dĩ nhiên, vì lý do nào đó, có những đứa trẻ thiếu sự quan tâm chăm sóc của cha mẹ nhưng nó vẫn có thể hình thành nhân cách tốt, đó là nhờ quá trình tự giáo dục tốt. Nhưng hầu như sự giáo dục gia đình không tốt thì nhân cách đứa trẻ ắt có phần khiếm khuyết, đôi khi hoàn toàn xấu. Do đó, giáo dục gia đình rất quan trọng đối với mỗi con người, vì còn trẻ người non dạ, không ai có thể hiểu biết về mình, về xã hội, về cuộc sống,… nhưng được gia đình định hướng và dạy dỗ, nhờ đó mà tích lũy kinh nghiệm và trưởng thành dần theo thời gian.

Ngoài ra, gia đình còn là hành trang “ắt có và đủ” đối với  mỗi con người. Trong thời gian đầu đời, ai cũng được sống với ông bà, cha mẹ, anh chị em. Lớn lên, những người lập gia đình rồi có con, cháu. Trong gia đình, mọi người đùm bọc nhau về vật chất, tinh thần, tâm linh,… Người trẻ có điều kiện để lớn khôn, người già có nơi nương tựa, người u buồn được an ủi, người yếu đau được nâng đỡ,… Như vậy, gia đình là một cộng đồng luôn gắn bó với nhau trên từng bước đường của cuộc sống. Dù là ai, được sống trong tình yêu thương của gia đình là hạnh phúc. Ai không được như vậy thì thật là nỗi bất hạnh. Trong quá trình sống với gia đình, cùng trao và nhận tình yêu thương, mỗi người lại tiếp tục tự hoàn thiện mình và tự hoàn thiện nhân cách.

Gia đình là tế bào của xã hội. Gia đình luôn có mối quan hệ mật thiết với xã hội, đơn giản nhất là quan hệ với làng xóm, khu phố. Như tục ngữ có câu: “Bán anh em xa mua láng giềng gần”. Động từ “bán” và “mua” ở đây không mang nghĩa “thương mại”, nhưng có ý nói rằng láng giềng gần gũi và cần thiết lắm. Họ là những người “tối lửa tắt đèn có nhau”, mình có chuyện gì thì thân nhân ở xa đâu biết được, chỉ có láng giềng biết. Nói theo Công giáo, đó là những người lân cận, những người mà Đức Giêsu đề cao qua dụ ngôn “Người Samari Nhân Hậu” (Lc 10:29-37).

Gia đình cũng là nơi tái tạo con người. Thành viên nào lỗi lầm vẫn được gia đình an ủi, khuyên nhủ, che chở, bảo vệ, nâng đỡ,… Nhờ đó mà người lầm lỗi có thể đứng dậy và làm lại cuộc đời. Mỗi thành viên gia đình là một người tốt thì xã hội sẽ tốt, đất nước có những công dân tốt, Giáo hội cũng có những “chiên ngoan”. Xã hội có nhiều công dân tốt, ắt hẳn đất nước có thể vững mạnh, xã hội có thể văn minh, cộng đồng ít tệ nạn. Có ít cái xấu sẽ có nhiều cái tốt, con người quan tâm đối xử với nhau bằng tình thân ái và lòng nhân hậu. Nói vậy có nghĩa là cả xã hội phải thực sự chú tâm tới sự nghiệp giáo dục, không thể lơ là hoặc “đánh trống bỏ dùi”. Vì chú trọng số lượng hơn chất lượng, chạy theo thành tích, không lo “tiên học lễ, hậu học văn” nên đạo đức mới bị sa sút trầm trọng, đi đâu cũng thấy tội phạm! Học sinh cần phải được giáo dục về giao tiếp và ứng xử ngay trong cộng đồng, hội đoàn, đặc biệt phải bắt đầu từ gia đình.

Xã hội càng ngày càng văn minh và tiến bộ, đó là niềm vui. Nhưng cứ đua đòi hoặc chạy đua theo lối sống xa hoa thì dễ sa đọa, đi đâu cũng thấy treo bảng “văn hóa” nhưng lối sống chẳng thấy gì là văn hóa. Trị bệnh phải trị tận căn, nhổ cỏ phải nhổ tận gốc. Nhiều hiện tượng xã hội mới liên quan vấn đề trẻ em đặt ra những thách thức mới trong việc giáo dục gia đình: Trẻ em lang thang, trẻ em phạm pháp, trẻ em bị lạm dụng tình dục, trẻ em bị bóc lột sức lao động, trẻ em quan hệ tình dục sớm, ấu dâm, mại dâm trẻ em, lạm dụng ma tuý, lạm dụng chất có men,… Điều đó đòi hỏi việc quản lý và kiểm soát chặt chẽ của các nhà hữu trách, nhưng vấn đề chính vẫn là phải giáo dục trước tiên từ gia đình. Một việc không dễ, vì vừa đòi hỏi gia đình phải phát huy hết các sức mạnh, vừa đòi hỏi các thành viên trong gia đình phải chung tay góp sức và phải là những tấm gương sáng lẫn nhau – đặc biệt là đối với trẻ em. Cây phải được uốn từ lúc cây còn nhỏ, con người cũng vậy, phải được uốn nắn từ nhỏ và ngay tại gia đình, sau đó mới tới nhà trường và xã hội.

Đã có nhiều trường hợp con cái hư, rồi lấy cớ là bận rộn, lo làm ăn. Không thể viện cớ như vậy! Các cha mẹ khá giả chiều chuộng con cái quá mức, để chúng tự do, muốn gì được nấy, tiêu xài xả láng, cứ tưởng như vậy là yêu con, sai lầm nghiêm trọng. Tục ngữ Việt Nam rất chí lý: “Thương con cho roi cho vọt, ghét con cho ngọt cho bùi”. Về tâm linh, Thánh Phaolô cũng nói: Chúa thương ai thì mới sửa dạy kẻ ấy, và có nhận ai làm con thì Người mới cho roi cho vọt(Dt 12:6).

Gia đình nào thường xuyên cãi cọ, mâu thuẫn, xung đột, bạo lực,… nhất là các gia đình có cha mẹ ly hôn hoặc ly thân, con cái bị ảnh hưởng rất nặng về cả tâm lý lẫn sinh lý. Trẻ em không được chăm sóc, nhất là khi bị tổn thương về tình cảm hoặc tinh thần, nhiều trẻ em đã bỏ nhà đi bụi đời, sống lang thang, bất cần đời, rồi dễ sa vào tội lỗi và tệ nạn xã hội. Nguyên nhân là chúng mất cái gốc quan trọng là gia đình, không được dưỡng dục thể chất và tinh thần để có thể nên người. Trước thực trạng đó, việc giáo dục trẻ em ở gia đình càng trở nên cấp bách hơn.

Quả thật, chuẩn mực đạo đức và trình độ nhận thức của một con người phải được hình thành từ nhỏ, bắt đầu từ môi trường gia đình. Việc giáo dục đạo đức dần dần đưa chúng vào nền nếp gia phong từ những gì nhỏ nhất trong cuộc sống hằng ngày như thật thà, vị tha, không vị kỷ, biết giữ lời hứa, lễ phép, nhân hậu, hiền dịu, hiếu thảo, nhường nhịn,… Nói chung là biết quên mình mà sống vì người khác. Đơn giản nhất là các động thái nhỏ về ứng xử, lời ăn, tiếng nói: Chào hỏi, xin phép, xin lỗi, cảm ơn,… Đó là phép lịch sự tối thiểu trong phép xã giao. Tục ngữ Việt Nam đã cảnh báo: “Lỗ nhỏ làm đắm thuyền”. Đừng khinh suất những điều nhỏ!

Sống tốt không chỉ là tránh điều xấu mà còn phải tích cực làm điều thiện. Sống thật thà không chỉ là không ăn gian, không nói dối, mà còn phải tôn trọng những gì là của người khác: Thấy tiền hoặc vật dụng của người khác mà không nổi máu tham thì mới là thật thà, chứ không thấy thì có gì mà tham, mà lấy? Về tâm linh cũng vậy, có dịp phạm tội mà không phạm thì mới là thánh thiện, chứ không có dịp phạm tội thì chưa biết ai hơn ai.

Gia đình là vườn ươm mầm đời sống và là nơi tôi luyện các nhân đức của con người. Cha mẹ không nên khắt khe, nhưng phải cương nghị, thấy con cái sai thì phải nghiêm túc chấn chỉnh ngay, không được làm ngơ! Cha mẹ nên hiền từ, nhưng đừng nhu nhược. Cha mẹ nhu nhược cũng “tiếp tay” cho con cái hư hỏng. Văn sĩ Robert Anson Heinlein (2) khuyên: “Đừng gây bất lợi cho con cái bạn bằng việc cho chúng cuộc sống dễ dàng”.

Cha mẹ phải là người đầu tiên điều chỉnh con cái, để chúng không chỉ chấp nhận mà còn tích cực cố gắng sửa đổi ngay. Cha mẹ cũng không được hành động cho thỏa cơn giận, nhưng phải kiên nhẫn, tìm hiểu, để biết rõ nguyên nhân, để ngày càng thích ứng và sống chan hòa với con cái.

Hiện nay, không ít cha mẹ lo nuôi con về thể lý mà coi thường việc giáo dục tinh thần, lo đầu tư cho việc dạy chữ mà quên việc dạy người. Có những cha mẹ không chú ý vai trò làm “người thầy đầu tiên” của con cái, phó mặc mọi việc giáo dục con cho nhà trường. Đó là sai lầm lớn cần chấn chỉnh càng sớm càng tốt!

Giáo dục đa dạng, đơn giản là hai phần chính: Giáo dục thể lý và giáo dục tinh thần. Nhưng có một phần quan trọng không được bỏ quên, đó là việc giáo dục tâm linh. Mến Chúa thì phải yêu người. Thánh Gioan giải thích: “Ai nói rằng mình biết Người mà không tuân giữ các điều răn của Người, đó là kẻ nói dối, và sự thật không ở nơi người ấy. Ai nói rằng mình ở trong ánh sáng mà lại ghét anh em mình, thì vẫn còn ở trong bóng tối” (1 Ga 2:4 và 9).

Chính Chúa Giêsu cũng đã xác định: “Ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi” (Mt 12:50; Mc 3:35; Lc 8:21). Chỉ có những người như vậy mới thực sự là thành viên trong Đại Gia Đình Kitô Giáo, Đại Gia Đình của Thiên Chúa.

TRẦM THIÊN THU
.

(1) Charles John Huffam Dickens (1812–1870) có bút danh là Boz. Ông là tiểu thuyết gia người Anh nổi tiếng nhất thời đại Nữ hoàng Victoria. Ông được coi là một trong những văn sĩ vĩ đại viết bằng Anh ngữ, được ca ngợi về khả năng kể chuyện và trí nhớ, được nhiều người ở khắp nơi yêu mến. Các tác phẩm của ông chủ yếu dành cho thiếu nhi và mang tính chất hiện thực.

(2) Robert Anson Heinlein (1907–1988) là nhà văn khoa học viễn tưởng Mỹ. Ông được coi là văn sĩ gạo cội trong lĩnh vực khoa học viễn tưởng, là một trong những tác giả nổi tiếng nhất có ảnh hưởng nhất và cũng gây nhiều tranh cãi nhất về thể loại này. Ông đã lập ra một chuẩn mực cao đối với sự hợp lý về khoa học kỹ thuật trong văn học và góp phần thúc đẩy chất lượng chung của thể loại khoa học viễn tưởng. Ông là văn sĩ khoa học viễn tưởng đầu tiên thu hút được sự chú ý của công chúng, đặc biệt trên những tạp chí chính thống như tờ “The Saturday Evening Post” vào cuối thập niên 1940. Ông cũng là một trong những tiểu thuyết gia thành công đầu tiên về thể loại khoa học viễn tưởng thời hiện đại.

Không có nhận xét nào:

Tìm kiếm ....