Thành phố bước vào tháng mười một bằng một biến cố kinh hoàng, đó là vụ hỏa hoạn tại Trung tâm Thương Mại Quốc Tế. Biến cố này đã gây nên số thương vong đáng kể. Thành phố để tang. Bộ Ngoại Giao Tòa Thánh gửi thư chia buồn. Trong thư có lời kêu gọi vững tin vào tình thương Thiên Chúa. Hôm nay, trong tinh thần hiệp thông cầu nguyện cho các tín hữa đã qua đời, cách riêng cho các Giám mục, Linh mục đã phục vụ và đã ra đi tại thành phố này, xin được cùng với cộng đoàn lặp lại lời cuối cùng của Kinh Tin Kính “Tôi tin một cuộc sống đời đời", để xem lời ấy dọi sáng thế nào trên đời sống chúng ta.
1. Tin vào cuộc sống đời đời là trước hết tin vào những điều vượt tầm khả giác, để nhìn nhận sự chết như một cửa ngõ dẫn vào sự sống của Thiên Chúa.
Nếu tin bao giờ cũng hàm chứa khía cạnh mù tối như cảnh “dò bước trong đêm”,thì tin vào cuộc sống đời đời xem ra lại còn mù mịt hơn. Nói gì thì nói, về mặt hiện tượng, chết là sự kiện “bi đát” nhất của cuộc sống con người, từ đó gây nên đau khổ chia lìa mất mát.
Dù văn chương có dụng ý diễn tả sự chết nhẹ nhàng như việc “ngậm cười nơi chín suối”, thì thực tế cũng không ngăn được những dòng lệ vơi đầy tiếc thương. Chết là nỗi khổ cuối cùng trong bốn điều khổ gắn liền với nước mắt: sinh lão bệnh tử. Trong những kinh nghiệm chia lìa, thì chết là một kinh nghiệm chia lìa xót xa nhất. Ngay cả dây hôn phối Công giáo bình thường là bất khả phân ly một đời bền chặt, không gì có thể chia cắt được, thế mà sự chết vẫn ngang nhiên áp đặt uy lực của mình, để bắt người này phải chia tay với người khác, không chỉ ít ngày tạm biệt mà là mãi mãi chia xa. Chết là cắt đứt. Và bài Phúc Âm “Tám mối phúc thật” hôm nay, nơi phần đầu của mỗi mối phúc là những cảnh mất mát rất gần với sự chết.
Nhưng vượt trên những nghịch cảnh ấy là sáng lên một chân lý đức tin. Chết không phải là dấu chấm hết cho một cuộc đời, mà chỉ là dấu chuyển mạch, từ mạch đời khả giác sang mạch đời phong phú sự sống Thiên Chúa, được gọi là sự sống đời đời. Chết vẫn cứ là chết theo định luật cuộc đời, nhưng sự sống Thiên Chúa vẫn mãi là vô cùng sự sống như quy luật muôn đời dành cho mọi kẻ tin.
Chết như thế là thành phần của cuộc sống con người. Chính trong ý hướng này, thánh Phanxicô Khó Khăn đã hát lên “Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời”.
Chết như thế là thành phần của cuộc sống con người. Chính trong ý hướng này, thánh Phanxicô Khó Khăn đã hát lên “Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời”.
2. Tin vào cuộc sống đời đời, hơn nữa, không chỉ là tin vào những điều tốt lành mình mơ ước, trông mong, chờ đợi, mà chính là tin vào Thiên Chúa, Đấng hằng sống muôn đời.
Chính Thiên Chúa hằng sống khi tạo dựng đã không đi tìm một hình mẫu bên ngoài để làm nên con người, mà Ngài đã lấy chính sự sống của mình để nắn đúc hình hài nhân loại. vì thế, loài người, nếu đã có khởi đầu là hình ảnh Thiên Chúa sự sống, thì cũng có một vận mệnh là chính sự sống của Thiên Chúa. Vận mệnh ấy, trong lịch sử cứu độ, đã làm nên “nỗi nhớ” của Thiên Chúa về lòng thương xót tạo dựng của Ngài; nhưng trong nhịp sống của mỗi cá nhân, lại dệt nên “niềm thao thức” khôn nguôi khiến người ta phải khắc khoải đi tìm, và chỉ khi nào tìm được sự sống Thiên Chúa, người ta mới có thể nghỉ ngơi. Nghỉ ngơi hôm nay cũng như nghỉ ngơi đời đời. Đó là kinh nghiệm của thánh Augustinô.
Cuộc sống đời đời ấy, theo lời chứng của các Tông Đồ, cách riêng theo thánh Gioan, không là một ý nghĩ viễn tưởng mơ hồ, cũng không là một lý tưởng xa lắc xa lơ, mà chính là khuôn mặt của Đức Giêsu Kitô, Đấng đến thế gian kêu gọi mọi người hiệp thông vào sự sống Thiên Chúa. Bằng công cuộc Tử Nạn Phục Sinh, Người đã cho nhân loại được trở thành con cái của Thiên Chúa, để “nhờ Chúa Kitô với Chúa Kitô và trong Chúa Kitô” mà bước vào cuộc sống đời đời. Nếu tự sức mình mà mơ tưởng về cuộc sống đời đời, thì chẳng bao giờ thành công, khác nào “đũa mốc chòi mâm son”, nhưng một khi Chúa Kitô đã mở đường, thì tin vào cuộc sống đời đời cũng chính là can đảm dấn bước đi theo Chúa Kitô, cho dẫu cái sống và cái chết cứ quyện lấy nhau như trêu ngươi cuộc đời.
3. Tin vào cuộc sống đời đời cuối cùng chẳng phải là thuần túy lòng tin không thôi, mà còn là sống tích cực như cách dọn mình chết lành và như cách sẵn sàng chuyển sang cuộc sống muôn đời.
Trong cụ thể, tin vào cuộc sống đời đời là làm hết cách để đầu tưvào cuộc sống ấy, sao cho những gì mình sống hôm nay không phải là những cảnh bọt bèo nổi trôi vô nghĩa, mà nhất thiết phải là những giá trị góp phần vun chăm cho hạnh phúc mai ngày. Nếu “ngày mai đang bắt đầu từ hôm nay”, thì với cố gắng sống thánh, mỗi một việc đời này đang bắt đầu trở thành việc đời đời. Và như thế, sự sống đời đời rốt cuộc không phải là điều hoàn toàn bất ngờ, mà xem ra lại là điều từng người có thể góp phần định hình được. Sẽ là sự chết đời đời, nếu như trong lối sống hôm nay người ta chỉ cúi gập mình trên những chọn lựa thuộc về “văn hóa sự chết”, như tham lam thù ghét dối gian lọc lừa…Nhưng sẽ là vô cùng sự sống, nếu ngay tự bây giờ người ta biết trải cuộc đời mình ra bằng những cách sống lành thánh của “văn minh tình thương”, của mến Chúa yêu người, của “Thương linh hồn bảy mối”, “Thương xác bảy mối”…
Nhưng tin vào cuộc sống đời đời như cộng đoàn chúng ta làm sáng nay, chính là thể hiện tinh thần hiệp thông, cầu nguyện cho những kẻ đã khuất, trong đó có những người thân yêu của đại gia đình Giáo phận là các Giám mục và Linh mục. Nếu sinh thời, các vị này đã cống hiến đời mình để góp phần làm cho Nước Thiên Chúa được tỏ hiện, thì hôm nay trong tình thương của Thiên Chúa, các vị cũng luôn hiện diện đồng hành, để dệt nên vòng tay lớn, đem linh thiêng nối vào đời sống mọi kẻ thiện tâm. Vì thế, khi ta xin Chúa nhớ đến các vị, thì cũng là lúc các vị xin Chúa nhớ đến ta, để rồi nỗi nhớ của Thiên Chúa không là gì khác ngoài tình thương cứu độ, nên cầu nguyện cho các vị hôm nay rốt cuộc lại là hiệp thông trong niềm tin vào cuộc sống đời đời.
Như Kinh Tin Kính đọc lên giữa lễ cầu hồn.
Tóm lại, tin vào cuộc sống đời đời là một niềm tin luôn luôn hiện thực, giúp ta vững tâm trước cái chết, bền lòng hi vọng vào Thiên Chúa và kiên trì sống đời lành thánh. Xin cho niềm tin ấy sẽ mang đến cho ta hương vị mới, để dù cảnh chết cũng không hết, nhưng ta sẽ không bao giờ là kẻ mộng du, mà ngược lại, mãi mãi là người tỉnh thức đợi chờ Chúa đến. Chúa đến chung chung trong những biến cố đời này, Chúa đến cách riêng vào giờ lâm tử, và Chúa đến tuyệt vời trong cuộc sống đời đời.
Cách đây mấy hôm, gặp bà cố của một Linh mục trẻ Giáo phận nhà, nhân nói chuyện về biến cố hỏa hoạn, tôi hỏi thử xem bà cố có sợ chết không. Được trả lời là “không”, tôi muốn biết lý do, và bà cố ấy bảo tôi rằng: “Ngày xưa nghĩ đến chết sợ lắm, vì chết lôi thôi, còn bây giờ gọn nhẹ, sáng đi chiều về, khỏe re”. Ý bà cố nói rằng: chết rồi, buổi sáng người ta đưa mình đi hỏa táng, buổi chiều người ta đưa mình về trong hủ hài cốt, rồi gửi mình vào nhà chờ Phục Sinh. Chẳng phải sợ hãi gì cả, lại còn được hưởng lời cầu nguyên của nhiều người. Chết như thế chính là học tập làm quen với cuộc sống đời đời. Trong triết lý của ba cố ấy có chút gì rất đẹp.
Cầu chúc và cầu nguyện cho mọi người cũng tin, nhìn và sống lời cuối của Kinh Tin Kính giản đơn như vậy.
Trích từ “Từng bước một thôi”
Kinh Tin Kính giữa lễ cầu hồn
Gm. Giuse Vũ Duy Thống
Gm. Giuse Vũ Duy Thống
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét