Thứ Hai, 3 tháng 11, 2014

Chuyện sống, chết

Chiếc quan tài giản dị của con người vĩ đại Gioan-Phaolô II.

Tháng Mười Một là khoảng thời gian cuối năm, vào mùa Đông, hơi sương phả trắng mờ ngọn cây, không khí lạnh làm lòng con người lắng xuống. Với người Công giáo, Tháng Mười Một là Mùa Cầu Hồn, mùa nhắc nhở mỗi người nhớ đến người đã “đi trước”, và cũng nhắc nhở mỗi người: “Mai cũng sẽ đến lượt mình”.

Nói đến sự chết, người ta cho là “xui”, nghĩa là người ta sợ. Nhưng có ai trường sinh bất tử? Có chăng chỉ là trong truyện cổ tích thần thoại. Cũng có người cho là bi quan hoặc yếm thế khi nói đến sự chết. Thực ra nó có chiều kích tích cực giúp chúng ta sống tốt hơn, như Chúa Giêsu truyền: “Hãy hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng toàn thiện” (Mt 5:48).

Thường thì khi con người biết suy tư nhiều về cuộc đời là lúc người ta không còn trẻ, nghĩa là đã bắt đầu bước sang bên kia con-dốc-cuộc-đời: Có người 1 giờ chiều, có người 3 giờ chiều, có người 5 giờ chiều,… Nhưng có những người lại biết nghĩ đến cái chết từ rất sớm, có thể từ 7 hoặc 8 giờ sáng. Tôi nghĩ người đó có một đặc ân để hướng thiện!

Khoa học tiến bộ, hầu như người ta khả dĩ làm được mọi thứ, nhưng người ta vẫn không thể nào tạo được sự sống và ngăn chặn được lưỡi hái tử thần. Người ta không “bó tay” mà cũng như “bó tay”, vì cứ phát hiện thuốc chữa bệnh này thì lại phát sinh bệnh khác, có chữa được bệnh nan y cũng chỉ là kéo dài sự sống thêm một thời gian, rồi cũng… chết. Các khoa học gia mới khám phá được vệ tinh này thì lại chợt phát hiện còn những “lỗ đen” xa trái đất hàng triệu năm ánh sáng. Chắc chắn con người phải “bó tay”. Và cứ câu hỏi này chồng chất lên câu hỏi khác… Dự báo có bão tố sắp tới mà không làm gì được, chạy trước cũng không kịp. Vậy mà người ta vẫn muốn khoe mẽ, muốn làm ngơ Thượng Đế, muốn loại bỏ Tạo Hóa, thậm chí là không muốn tin có Thiên Chúa!

Mỗi người có một nhãn quan riêng. Mỗi người có một lối suy tư riêng. Mỗi người có cách cảm nhận riêng. Muôn người muôn vẻ, nhưng tất cả vẫn là suy tư về thân phận con người, nhất là cái chết, tại sao không ai tránh khỏi?

Đời người dài, ngắn, sang, hèn
Trăm năm gom đủ một lần đưa tang!

Với cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi, để một mai tôi về làm cát bụi? Ôi cát bụi mệt nhoài! Tiếng động nào gõ nhịp không nguôi! Bao nhiêu năm làm kiếp con người, chợt một chiều tóc trắng như vôi. Lá úa trên cao rụng đầy, cho trăm năm vào chết một ngày” (Cát Bụi). Con người luôn trăn trở về thân phận – dù là người có niềm tin tôn giáo, người không có niềm tin tôn giáo, hoặc người vô thần.

Và lúc khác, NS họ Trịnh lại suy tư: “Im lặng của đêm, tôi đã lắng nghe, im lặng của ngày, tôi đã lắng nghe, im lặng của đời, tôi đã lắng nghe. Tôi đã lắng nghe trái tim lạc loài, bao đêm đã qua, im lặng mặt người, tôi đã lắng nghe im lặng của tôi” (Im Lặng Thở Dài). Chắc hẳn ai cũng đã từng hơn một lần gục đầu ăn năn, suy tư, và muốn tìm ra ẩn số cuộc đời mình.

Suy đi nghĩ lại, tính tới tính lui, phân tích đủ kiểu, áp dụng mọi khoa học, nhưng vẫn không thể có đáp án thỏa mãn. Có những điều tưởng đơn giản mà lại nhiêu khê, và có những điều tưởng phức tạp mà lại đơn giản. Chuyện kể thế này:

Một chiếc xe tải chở hàng, tài xế không để ý nên bị kẹt dưới gầm cầu. Xe chạy tới không được mà lùi cũng không xong. Rất nhiều người đứng chung quanh trố mắt nhìn, bàn tán, chỉ trỏ, các xe phía sau phải dừng lại vì kẹt. Kỹ sư, cảnh sát và chủ hãng xe đều đến. Người thì bàn là đào đường cho thấp xuống, người khác lại tính cắt bớt mui xe,… Cách nào cũng không ổn, mà tình trạng kẹt xe càng lúc càng tăng, xe nối đuôi nhau như rồng rắn vậy.

Lúc ấy, có một cậu bé chen vào, nói lớn với tài xế: “Bác tài, cháu chỉ cho bác một cách, bác xì bớt hơi mấy bánh xe đi, xe sẽ thấp xuống và có thể qua được”. Ðám đông cười ồ lên. Còn những chuyên viên thì khó chịu, vì trẻ con mà tài lanh, dám dạy khôn người lớn. Bác tài cũng thế, nhưng cũng đành phải thử xem sao, và kết quả hơn cả tuyệt vời!

Cuộc đời chúng ta cũng vậy. Đừng để sự đời chi phối mình thái quá. Hãy tìm cách “xì” bớt hơi bon chen, đua đòi, kiêu ngạo, ghen ghét, đố kỵ, thù hận, tranh giành, ích kỷ, tham lam, phe cánh, xét đoán, bất mãn, chống đối, chua ngoa, nóng giận,… để có thể thoát ra khỏi “đường hầm cuộc đời”. Cậu bé kia có cách giải quyết đơn giản, hợp lý và hiệu quả vì em đơn sơ và thật thà, không nghĩ cong queo hoặc cao xa như người lớn. Biết “xì hơi” cuộc sống là chúng ta đang hoàn thiện từng ngày, biết “chết” dần mỗi ngày vậy.

Cụ thi hào danh nhân văn hóa Nguyễn Du có cách kết luận: “Trăm năm một nấm cỏ khâu xanh rì” (Truyện Kiều). Nhắm mắt xuôi tay rồi thì ai cũng như ai: Trắng tay. Vậy mà người ta vẫn tranh giành nhau chi li. Khó hiểu quá! Có làm đám tang lớn, dùng áo quan đắt tiền, vòng hoa để chật nhà, dàn kèn tây hoành tráng,… chẳng qua là đẹp mặt người sống chứ người chết chẳng được lợi gì: Sống thì chẳng cho ăn, chết làm văn tế ruồi!

Còn nhạc sĩ Vũ Thành An (nay là phó tế vĩnh viễn) lại băn khoăn trong một ca khúc Bài Không Tên: “Triệu người quen có mấy người thân, khi lìa trần có mấy người đưa”. Nghĩa tử là nghĩa tận. Thế nhưng trong đám tang thiên tài âm nhạc Wolfgang Mozart (27/1/1756 – 4/12/1791) chỉ có vài người và một con chó đi tiễn đưa!

Chó chết là hết chuyện. Con người chết thì không thể hết chuyện: “Cọp chết để da, người ta chết để tiếng”. Chữ “tiếng” ở đây có hai nghĩa: Tiếng tốt hay tiếng xấu. Khi ta sinh ra, người cười mà ta khóc, vậy hãy sống sao để khi ta chết, người khóc mà ta cười. Đáng quan ngại là Thiên Chúa cho chúng ta hoàn toàn tự do. Vì thế, việc chọn lựa cách sống rất quan trọng: “Ai làm điều lành thì sẽ sống lại để được sống, ai làm điều dữ sẽ sống lại để bị kết án” (Ga 5:29). Tuy nhiên, chính sự thật sẽ giải thoát chúng ta (x. Ga 8:32).

Mình chết có được người khác nhớ đến hay không là do cách sống của mình. Người ta nhớ mình hay không là “quyền” của người ta. Nhưng chính chúng ta có bổn phẩn phải nhớ đến người đã khuất, vì “quên người đã chết là làm cho họ chết thêm một lần nữa”. Nhớ đến họ để cầu nguyện cho họ, vì họ là tổ tiên, ông bà, cha mẹ, anh chị em, họ hàng, bạn bè, thầy cô, ân nhân, người quen,… Mà dù họ là ai, dù mình không quen biết, chúng ta vẫn có bổn phận với họ trong tình liên đới và hiệp thông Kitô giáo trong Chúa. Muốn người khác nhớ đến mình thì mình đừng quên người khác: “Những gì anh em muốn người ta làm cho mình thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta” (Mt 7:12). Vả lại, với đức tin Công giáo thì “chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời” (Thánh Phanxicô Assisi), và giáo lý Công giáo đã dạy: “Tôi trông đợi kẻ chết sống lại và sự sống đời sau” (Kinh Tin Kính).

Tác giả Anon viết: “Tôi tin rằng chúng ta được sinh ra để chết, chết để có thể sống trọn vẹn hơn. Tôi tin rằng được sinh ra để chết, chết mỗi ngày một phần ích kỷ, một phần tự phụ, một phần tội lỗi”. Một lối suy tư tuyệt vời! Quả thật, chúng ta đang sống nghĩa là chúng ta đang chết, khi chúng ta chết là lúc chúng ta bắt đầu sống. Một nghịch-lý-thuận. Đó là loại triết lý “hiện sinh” mà chỉ người có niềm tin Kitô giáo mới khả dĩ hiểu.

Hạ tuần tháng 10-2011, cư dân mạng xôn xao về vụ một em bé 2 tuổi ở Trung quốc bị xe cán nát 2 chân, người đi đường thấy mà làm ngơ, một chiếc xe tải khác chạy tới không tránh và lại tiếp tục cán lên chân em bé tội nghiệp kia, người qua kẻ lại vẫn hoàn toàn vô cảm. Mãi sau mới có một phụ nữ bế em vào lề đường. Thế nhưng em bé này cũng không “qua mắt” Tử Thần, và em đã qua đời ngày 21-10-2011. Có thể Chúa cho em từ giã cõi đời này quá sớm cũng là kết thúc tốt đẹp đối với em, nhưng sự vô tình nhẫn tâm của những người lớn sẽ là “vết chàm” của xã hội loài người ngày nay, coi con người không bằng con thú!

Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi (Lc 5:8), nhưng đừng bỏ mặc con trong cơn khốn khó. Con muốn thân thưa: “Lạy Chúa, này con đây, con xin đến để thực thi ý Ngài” (Dt 10:7 và 9). Nguyện xin Thiên Chúa nhân từ ân xá cho các linh hồn nơi luyện hình được sớm hưởng Tôn Nhan Chúa muôn đời. Chúng con cầu xin nhân Danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Thiên Chúa cứu độ của chúng con. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Không có nhận xét nào:

Tìm kiếm ....