Cuộc sống – chuyện niềm vui, nỗi buồn
Khi tôi có ý muốn viết những dòng tản mạn này về “niềm vui trong giáo dục”, điều khiến tôi nghĩ ngay đến không phải là niềm vui mà là những nỗi buồn trong giáo dục. Thực tế cuộc sống và thực trạng giáo dục chẳng cho chúng ta nhiều lắm các “tín hiệu vui”. Ở đâu ta cũng có thể nghe lời than phiền, oán trách, kêu la về hiện trạng, về những điều khập khiễng giữa “mô hình” và “thực thể”, ở đâu ta cũng có thể bắt gặp những gương mặt phờ phạc và ngơ ngác từ già, trẻ, lớn, bé khác nhau. Những người vui vẻ? Tất nhiên không thiếu. Những người “lạc quan tếu”, những người thích đùa và hay đã đùa cợt nhiều lần với vận mạng của kẻ khác kể ra cũng không ít. Và rồi, cuộc sống vẫn cứ tiếp tục tiến về phía trước như một cổ máy, một guồng quay theo quy luật.
Có thể nhiều người nghĩ rằng, thôi, hãy cứ để mặc cho cuộc sống với những cung bậc và cung đường mà nó phải đi. Nhìn về tương lai, người lớn, trước khi nhắm mắt xuôi tay, vẫn còn hy vọng một chút tương lai cho lũ cháu đàn con; bạn trẻ có lẽ nghĩ khác người xưa, “cứ vui cho trọn đêm nay”, ngày mai cứ để ngày mai lo. Đúng là lo hôm nay chưa xong thì làm gì mà còn lo nghĩ cho ngày mai! Và rồi, trong sự tạm bợ, bất an, nỗi âu lo về ngày mai cứ như một bóng ma lởn vởn ngay chính trong sự phiền muộn của ngày hôm nay.
Tất nhiên, cuộc đời cũng có nhiều lý do để người ta vui sống (nếu không, có lẽ thế giới này đã qua đi lâu rồi!). Sự tăng trưởng về mặt này mặt nọ, sự mở ngõ nơi này nơi kia, sự hòa hợp sau những chia lìa… tất cả những những tín hiệu vui. Lớp đàn em nhỏ, cách chung, đã có đủ những điều kiện cần thiết và tân tiến để học hành. Lớp trẻ đã có đủ sức để mở rộng tầm nhìn với thế giới hiện đại hóa và toàn cầu hóa. Những người đã từng kinh qua giai đoạn khó khăn thì có thể nói rằng cuộc sống bây giờ là quá tốt rồi! Trong thực tế, người ta vẫn khó mà đánh giá niềm vui nơi “chỉ số của sự bằng lòng” với cuộc sống của con người. (Vì rằng, ai mà biết được bao nhiêu là niềm vui của một người từ “đời xe đạp và cuốc bộ” lên “đời xe hơi”, và của một người bị xe hơi ràng buộc bấy lâu, nay được tự do dạo chơi trên xe đạp!) Và rồi, để cho dễ sống, mỗi ngày ta cố chọn cho mình một chút vui vẻ và bằng lòng với nó.
Riêng đối với những ai phải lo giáo dục người trẻ, mối lo âu là chuyện hằng ngày. Đây là công việc đầy thách đố và nhiều âu lo, vì ngoài chuyện vật chất, người ta phải suy tư đến việc làm thế nào để chuyển tải các “giá trị làm người” cho thế hệ trẻ. Chúng ta hay nghe nói đến “sức ép của công việc”, “căng thẳng về tinh thần”, “chấn thương về tâm lý”, “bức xúc về sinh-thể lý” và nhiều điều khác nữa; và những chuyện này nhiều khi được nhắc đến để hổ trợ cho việc giải thích nguyên nhân của những sai phạm, hay biện minh cho những tiêu cực đã và đang xảy ra trong giáo dục. Và rồi, câu chuyện giáo dục cứ tiếp diễn hay trong tình trạng chờ đợi…
Người làm công việc giáo dục một cách nào đó là đang sống theo “ơn gọi” của mình. Giáo dục, dù bằng cách nào đi nữa đều phải nhắm đến việc chuyển tải các giá trị. Niềm vui của một người khi làm công việc giáo dục là thấy các giá trị nơi điều mình biết, điều mình tin và điều mình truyền thụ được biến thành hiện thực nơi lớp đàn em. Tất nhiên kết quả giáo dục không thể nhìn thấy một sớm một chiều. Nó cần thời gian để thấm đậm vào trí tuệ và tâm hồn con người, nhất là đối với các người trẻ. Nó cần thời gian để kiểm định và thể hiện nơi chọn lựa của mỗi cá nhân được giáo dục; và không ai trong chúng ta có thể thúc ép người khác lớn lên trước kỳ hạn hay như ta mong muốn. Niềm vui trong giáo dục như thế luôn đi kèm theo sự kiên nhẫn và hy vọng; và nếu không có hai điều này, niềm vui trong giáo dục chỉ là sự vui vẻ tạm thời, làm việc cho qua ngày đoạn tháng, làm việc để kiếm kế sinh nhai và sẽ tàn phai trong sự bằng lòng, hời hợt với những gì mình đang làm cho người trẻ. Và rồi, đúng như là “đời cua cua máy, đời cáy cáy đào”, một thế hệ sẽ tiếp tục vòng luẩn quẩn này.
Vài nét phác họa về niềm vui và đề xuất để sống trong niềm vui theo Kitô giáo
Khi một ai đó hỏi chúng ta “niềm vui là gì” và “niềm vui hệ tại nơi điều chi”, chắc là tôi và bạn có thể chia sẽ những suy nghĩ của riêng mình; và biết là những người khác sẽ có cùng cảm nghiệm như ta trong nhiều biến cố hay hoàn cảnh tương tự. Cảm nhận chung đó là: Niềm vui chính là cảm xúc khi mình được đáp ứng một nguyện vọng, khi làm xong một công việc được giao phó, khi tìm thấy một câu trả lời cho vấn đề mình đang suy nghĩ, khi gặp lại một người đã xa cách, khi hàn gắn lại được những rạn nứt trong một mối tương quan nào đó, khi hài lòng vì những gì những mình mơ ước đã và đang trở thành hiện thực...
Ai cũng biết và cảm nhận rằng niềm vui có nhiều cung bậc, có thể thoáng qua phút chốc, có thể kéo dài và bền lâu. Ai khôn thì chọn cho mình thứ niềm vui lâu bền, còn dại thì nhặt lấy thứ chóng qua. Điều chúng ta có thể chia sẽ cho nhau bây giờ là niềm vui trong kitô giáo.
Trong suy tư kitô giáo, niềm vui được cảm nghiệm và được diễn đạt thông qua lối sống theo các nhân đức. Với Đức Tin: sống trong tương quan với Thiên Chúa; với Đức Ái: yêu thương và chia sẻ cuộc sống với anh chị em; với Hy vọng: suy nghĩ và hành động vì một tương lai với nhiều điều tốt lành sẽ đến cho tất cả mọi người.
Bạn có thể hình dung niềm vui này nơi những kitô hữu đầu tiên: «Họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến Đền Thờ. Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ. Họ ca tụng Thiên Chúa, và được toàn dân thương mến. Và Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ» (Cv 2, 46-47).
Trong số các văn bản Kitô giáo thời các giáo phụ, bạn có thể đọc đoạn văn tuyệt vời này (được viết khoảng những năm 120-140):
«Hãy đuổi cho xa khỏi bạn sự muộn phiền, vì đó là cô em gái của sự nghi ngờ và giận dữ. Bạn sẽ là một người không biết phân định nếu không hiểu rằng nỗi buồn là điều tai ác nhất trong tất cả những cảm xúc, và nguy hại đến các con cái của Thiên Chúa: nó hủy hoại con người và xua đuổi Chúa Thánh Thần ra khỏi tâm hồn bạn. Hãy làm sao cho bản thân bạn được vũ trang với niềm vui, vì đó là điều luôn luôn đẹp lòng Thiên Chúa. Một người có niềm vui sẽ làm điều tốt, nghĩ về những điều tốt và tránh những điều xấu. Ngược lại, một người buồn rầu luôn nghĩ những điều tiêu cực và làm những việc không tốt. Hậu quả tồi tệ trước hết là người đó làm buồn lòng Chúa Thánh Thần, Đấng cho ta biết rằng con người không bắt nguồn từ đau khổ nhưng từ niềm vui. Hệ lụy tiếp theo là bỏ bê việc cầu nguyện và ngợi khen Chúa, và phạm tội... Hãy giữ mình khỏi nỗi buồn xấu xa này, và bạn sẽ sống trong Thiên Chúa. Những ai sống trong Thiên Chúa sẽ bỏ xa những phiền buồn và mặc cho mình tất cả niềm vui» (Giáo phụ Erma, Lời khuyên răn thứ mười).
Gần gũi với chúng ta bây giờ là Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Ngài cũng có lời khuyên rất thú vị trong một bài giảng ngày thường ở Nhà nguyện Thánh Marta, khi ngài phân biệt giữa “sự vui vẻ tạm thời và hời hợt” với “niềm vui sâu xa”:
«Kitô hữu là người của niềm vui. Đúng, điều này chính Chúa Giêsu và Giáo Hội dạy chúng ta, trong thời gian này một cách đặc biệt. Niềm vui này là gì? Sự vui vẻ ư? Không, hai điều đó không giống nhau. Vui vẻ là tốt, nhưng niềm vui mà chúng ta đang nói là chuyện khác. Đó một cái gì đó không mang tính tạm thời hay phụ thêm; đó là một cái gì đó sâu sắc hơn; đó là một món quà. Sự vui vẻ, điều mà chúng ta muốn sống mọi ngày, trong sự tạm thời sẽ biến thành mờ nhạt, hời hợt, và cũng dẫn chúng ta đến tình trạng thiếu sự khôn ngoan Kitô giáo, nó biến chúng ta thành khờ dại. Tất cả mọi thứ là vui vẻ? Không! Niềm vui là chuyện khác. Niềm vui là một món quà từ Thiên Chúa. Nó lấp đầy chúng ta từ bên trong. Đó là việc “xức dầu hoan lạc” của Chúa Thánh thần. Và niềm vui này là sự đảm bảo rằng Chúa Giêsu ở với chúng ta và với Chúa Cha».
Người kitô hữu có niềm vui sẽ sống trong sự bình an, nhưng niềm vui của họ phải được chia sẻ. Đức Giáo Hoàng Phanxico nhấn mạnh điều này:
«Bởi vì nếu chúng ta chỉ muốn dành niềm vui này cho chính bản thân mình thì cuối cùng ta “bị bệnh” và trái tim của chúng ta trở thành “nhăn nhúm”; khuôn mặt của chúng ta không truyền tải niềm vui nhưng nỗi âu lo, u sầu, mà đó không phải dấu chỉ của sự khỏe mạnh. Đôi khi các Kitô hữu như thế có khuôn mặt u sầu hơn “ớt ngâm giấm”, trong lúc chỉ cần một chút niềm vui là sẽ có một cuộc sống tươi đẹp.
Niềm vui không thể dừng lại: nó phải đi. Niềm vui là một đức hạnh trong cuộc hành hương. Đó là một món quà ra đi, đi trên con đường của cuộc sống, đi với Chúa Giêsu, cùng với Chúa Giêsu rao giảng niềm vui, trải dài và mở rộng đường Tin mừng. Niềm vui là một trong những nhân đức tuyệt vời của những con người vĩ đại - người biết đứng trên sự nhỏ nhặt, yếu kém của nhân tính và không để cho những điều này lôi cuốn, để rồi không muốn tham gia vào những việc nhỏ trong cộng đồng Giáo Hội. Họ luôn luôn nhìn về phía chân trời mới».
Niềm vui đích thực là một hồng ân giúp con người thay đổi chính mình và lớn lên trong Thần Khí Chúa. Niềm vui đích thực chỉ có được khi con người biết hướng thiện và khao khát những điều tốt lành. Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhắc nhở:
«Đó là một hồng ân giúp chúng ta đạt đến những phẩm hạnh của sự cao thượng. Kitô hữu là người biết sống cao thượng, không thể là “kẻ yếu tim”. Và cao thượng là phẩm tính của người biết sáng tạo, luôn luôn đi về phía trước, với hồng ân tràn đầy của Chúa Thánh Thần. Niềm vui, đó một ân sủng mà chúng ta phải cầu xin Chúa.
Một cách đặc biệt trong thời gian này, Giáo Hội mời gọi chúng ta cầu nguyện cho niềm vui và cho những mong ước của con người, về những gì mang lại điều thiện hảo cho đời sống của người Kitô hữu...
Điều mong ước thiện hảo của ta càng nhiều bao nhiêu, niềm vui sẽ càng lớn lao bấy nhiêu. Chúng ta hãy cầu xin Chúa ân sủng và món quà này của Ngài: niềm vui Kitô giáo. Xin Ngài giúp chúng ta tránh xa buồn rầu, xa những sự vui vẻ đơn giản. Niềm vui thật là một chuyện khác. Đó là một hồng ân cần phải cầu xin từ Thiên Chúa».
Chúc tất cả mọi người xa gần quanh tôi tràn đầy “niềm vui đích thực”, niềm vui làm nảy mầm nhiều hy vọng mới từ những khó khăn thử thách và từ những đòi hỏi của cuộc sống đang cần nhiều sáng kiến và nhiều kiên kỳ hơn trong việc giáo dục.
Lê An Phong, SDB
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét