Có lần, trên đường đi làm, tôi bắt gặp một cô bé chạy xe máy với cái chống xe chưa gác. Tôi trở ngang bảo: “Gác chống xe, cháu!”. Chỉ thế thôi, rồi tôi vọt xe lên phía trước. Nhưng thật bất ngờ cho tôi, sau vài phút, khi dừng trước vạch đèn đỏ, tôi phát hiện cô bé đang nỗ lực nhích xe lên ngang tôi và cúi đầu lễ phép: “Cháu cảm ơn chú!”. Một câu nói nhỏ nhặt. Vậy mà nó biến thành một điều tuyệt diệu, khiến tôi vui suốt ngày hôm ấy.
Thật ra, hàng ngàn năm trước, lòng biết ơn – hành động trả ơn đã là một điều gì đó thiêng liêng, ăn sâu vào máu thịt của mỗi người Việt Nam rồi. Ông bà ta đúc kết lại rằng: “Thi ân mặc niệm, thọ ân mặc vong” (Người làm ơn có thể không cần nhớ, nhưng người thọ ơn chắc chắn không được phép quên). Cái ơn lớn nhất, người Việt Nam vốn coi trọng nhất thường dành cho tổ tiên, ông bà, cha mẹ; thứ đến là thầy cô, những anh hùng xả thân vì nước, hay những người đã vất vả khó nhọc mang lại cuộc sống bình yên, đầy đủ cho mình.
Từ xa xưa, người bình dân dù một chữ bẻ đôi không biết vẫn có thể thuộc nằm lòng những câu ca dao như: “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây / Ăn gạo nhớ kẻ đâm, xay, giần, sàng”. Trong các kỳ thi Hương, thi Hội, thi Đình, trước khi xướng tên sĩ tử vào trường thi, vẫn có lệ một người lính sẽ xướng to:“Báo ân giả tiên nhập, báo oán giả thứ nhập, sĩ tử thứ thứ nhập” (Các vong hồn muốn báo ân cho sĩ tử được vào trước, các vong hồn muốn báo oán vào sau, cuối cùng mới đến sĩ tử). Với những tiến sĩ may mắn vượt qua kỳ thi Đình dưới thời phong kiến, thì Lễ Vinh quy bái tổ luôn là một nghi thức không thể thiếu, một ân huệ lớn lao vua ban cho để về quê quán lạy tạ tổ tiên, cha mẹ và nhất là người thầy dạy mình. Giai thoại Việt Nam không ít lần nhắc đến chuyện các quan trạng áo gấm xênh xang, vừa về đến làng đã lật đật xuống ngựa, quỳ thụp trước thềm lạy thầy mình – dù người thầy đầu tiên ấy có khi chỉ là một ông đồ nghèo, chỉ dạy cho dăm chữ cái “Tam Tự Kinh” thuở ban đầu…
Ngày nay, dường như việc cám ơn và bày tỏ lòng biết ơn bằng những việc làm chân thành trở nên ít được quan tâm hơn trong bối cảnh cuộc sống hiện đại. Nhiều người cho rằng nói “Cảm ơn” nghe có vẻ khách khí. Nhiều người khác lại lý giải cuộc sống này đã quá đủ bận rộn rồi, có cần duy trì những “nghi lễ” hay hành động bày tỏ lòng cảm ơn nhau hay không? Nhưng có bao giờ chúng ta thử đặt ra câu hỏi: “Cuộc sống phương Tây còn nhanh hơn ở ta gấp nhiều lần, tại sao họ vẫn có thể nói cảm ơn luôn miệng hằng ngày?” Một cái thùng rác vô tri ở nơi công cộng các nước phương Tây còn thường có dòng chữ in sẵn: “Cảm ơn đã bỏ rác vào tôi”. Câu cảm ơn luôn xuất hiện trên môi người phương Tây bất cứ lúc nào. Đối với họ, đó là phép lịch sự, là liều thuốc giúp cuộc sống tuyệt diệu hơn…
Tôi từng được tham gia buổi học “Biết ơn” của một trường tiểu học ở nước ngoài. Tại đây, hằng tuần vào ngày thứ sáu đều có một buổi chơi trò chơi: Nói về bất cứ điều gì các em cảm thấy biết ơn trong tuần qua, và suy nghĩ cách để cảm ơn bằng hành động. Cả lớp rộn ràng, ồn ào, sôi nổi. Các em bật cười thích thú khi nghe bạn nào đấy bảo rằng: “Em biết ơn bạn A đã cho em mượn cây bút chì hôm thứ hai, khi em để quên”, “Em biết ơn con siêu nhân vì nó làm em vui”, “Em biết ơn cô đã cho em điểm cao”, “Em biết ơn cô lao công đã quét lớp sạch sẽ”… Hàng loạt lời cảm ơn và cũng từ đó, hàng loạt ý tưởng bày tỏ lòng biết ơn ngộ nghĩnh ra đời. Các em giành nhau đưa tay để nói ra các ý tưởng của mình, chẳng hạn như: “Em sẽ tặng cô lao công cái kẹo của em”, “Em sẽ phụ bạn A. trực nhật để cảm ơn bạn”, “Em sẽ mang vào lớp một chậu hoa để cô được vui”… Thật sự, nghe những ý tưởng, những lời hứa ấy, người ta có quyền tự hào và tin rằng một đứa trẻ có thể quên đi nhiều kiến thức, nhưng khi bước vào đời, chúng sẽ không bao giờ quên được những giờ học “Biết ơn” sôi nổi như thế, để rồi trở thành một công dân hiện đại, lịch thiệp, sống nhân hậu và luôn biết nghĩ đến mọi người.
GS.TS Nguyễn Lân Dũng
Nguồn: thanhnien.com.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét