Ông bà anh chị em thân mến. Hôm nay, cùng với mọi người trong Giáo hội,
chúng ta bước vào Tam Nhật Thánh, kỷ niệm và cử hành những hành động trong
những ngày cuối cùng trong cuộc đời của Chúa Giê-su, biểu lộ tình yêu thương
cao cả của Chúa với chúng ta, và dạy chúng ta biết yêu thương và phục vụ để xây
dựng Giáo hội và làm sáng danh Chúa.
Như chúng ta biết yêu thương nhau là giúp đỡ, hy sinh, chịu
đau khổ và sẵn sàng chết cho nhau. Chúa Giê-su đã thể hiện một tình yêu thương
như thế cho chúng ta. Nhưng bằng chứng sau cùng là chết cho người yêu chưa diễn
tả hết tình yêu của Chúa, chưa làm thỏa lòng Chúa yêu thương, vì Ngài chỉ có
một cuộc sống và chỉ chết một lần.
Bởi
vậy, để thể hiện sâu sa hơn nữa tình yêu thương nhân loại chúng ta, Chúa muốn
chết đi, chết lại, muốn nên của ăn của uống cho hết mọi người qua mọi thế
hệ. Và Chúa đã thực hiện đúng như thế.
Chiều hôm đó, ngày thứ năm trong tuần lễ ăn bánh không men của ngưòi Do thái kỷ niệm ngày lễ Vượt Qua, và khi mặt trời vừa lặn, Chúa Giêsu cùng với các môn đệ hiện diện trong một căn phòng rộng rãi mà Phêrô và Gioan đã mượn được của một gia đình trong thành Giêrusalem, như đã diễn tả trong bài Tin mừng trong ngày Chúa nhật lễ lá vừa qua, long trọng bắt đầu cử hành bữa tiệc theo đúng thủ tục và truyền thống, như chúng ta nghe diễn tả trong bài đọc 1, Chúa Giêsu bộc lộ niềm xúc động, vì đây là lần cuối cùng Chúa mừng lễ Vượt Qua chung với các môn đệ. Người biết rằng sau bữa ăn này, Người sẽ phải vâng thánh ý Chúa Cha hoàn thành sứ mệnh đã được giao phó, sẽ bị bắt vì sự phản bội của một môn đệ, sẽ chịu khổ hình, đóng đinh và chết trên thập giá để chuộc tội cho nhân loại.
Và trong bữa ăn đầy ý nghĩa và thân mật này, Chúa đã gửi lại
cho các môn đệ một lời trăn trối chất chứa tình yêu thương, phát xuất từ tận
trong tâm hồn: “Các con hãy yêu thương
nhau như Thầy đã yêu thương các con.’’ Dạy dỗ bằng lời nói xong, Chúa còn muốn
để lại cho các môn đệ một bài học thực hành cụ thể sống động về phục vụ yêu
thương, đó là rửa chân cho các ông.
Như Chúng ta biết, rửa chân là công việc của những đầy tớ, nô
lệ trong nhà. Thế mà Chúa Giêsu là Thầy, là Chúa mà lại rửa chân cho các môn đệ
của mình, cả môn đệ sắp phản bội mình.
Qua đó, Chúa Giêsu muốn dạy các môn đệ và tất cả mọi người chúng ta bài
học khiêm nhường và yêu thương phục vụ nhau, dù trong những công việc thấp hèn
nhất.
Sau khi rửa chân cho các môn đệ, Chúa ngồi vào bàn tiếp tục
dạy dỗ các môn đệ về yêu thương phục vụ, và nói rõ cho các môn đệ biết mục đích
việc Chúa rửa chân cho họ, “Các con gọi Ta là Thầy và là Chúa thì phải lắm, vì
đúng thật Thầy như vậy. Vậy nếu Ta là
Chúa và là Thầy mà còn rửa chân cho các con, thì các con cũng phải rửa chân cho
nhau.” Rõ rang, Chúa muốn dạy hãy yêu
thương bằng cách phục vụ.
Ông bà anh chị em. Như chúng ta biết yêu thương bằng lời nói
thì có thể bị coi là đầu môi chót lưỡi, yêu thương bằng thái độ thì có thể bị
coi là giả hình. Chỉ có yêu thương bằng
hành động mới là tình yêu chân thực. Cũng giống như đức tin. Đức tin chân chính đích thực mà Chúa Giêsu
dạy trong Tin mừng là đức tin được thể hiện qua việc làm. Hay nói một các khác, lắng nghe lời Chúa thôi
chưa đủ, mà phải thực hành, sống lời Chúa.
Hơn thế nữa, trước giờ ly biệt, Chúa muốn để lại cho nhân
loại một kỷ vật cao quí nói lên tấm lòng yêu thương vô biên của Chúa. Con người chúng ta trước khi đi xa, thường
lưu lại cho người thân thuộc những kỷ vật để ghi nhớ. Đối với Chúa, những đồ vật thì quá tầm
thường, không đủ nói lên tấm lòng yêu thương cao quí của Chúa đối với nhân
loại. Kỷ vật Chúa muốn lưu lại cho loài
người phải hết sức đặc biệt, là chính bản thân Chúa. Nhưng con người bằng xương bằng thịt của Chúa
lại sắp bị bắt và bị chết trên thập giá, do đó Chúa phải thực hiện ý muốn ở lại
trần gian với các môn đệ bằng một thể thức vô cùng linh diệu, là lưu lại chính bản
thân Chúa dưới hình thức mầu nhiệm. Chúa
lấy bánh và rượu biến đổi trở thành Mình và Máu Chúa, rồi phân phát cho các môn
đệ như là của ăn của uống thiêng liêng bồi dưỡng linh hồn. Quả thật, đây là một việc làm hàm chứa rất
nhiều ý nghĩa yêu thương, nhưng cũng mang đầy tính chất đức tin. Rồi sau khi phân phát của ăn, của uống đặc
biệt cho các môn đệ, Chúa còn ban quyền cho các ông được làm lại sự việc cao
quý này để tưởng niệm đến Chúa. Như thế,
trong bửa tiệc ly, Chúa Giêsu đã thiết lập Bí tích Thánh Thể, và ban quyền chức
linh mục cho các môn đệ.
Chiều hôm nay, chúng ta cử hành lại viêc Chúa Giêsu, Thầy Chí
Thánh, đã làm và truyền dạy. Chúng ta nhớ đến tình yêu thương bao la đã thúc
đẩy Người hy sinh, chịu đau khổ vì chúng ta, và cầu xin qua việc cử hành và tôn
thờ mầu nhiệm Thánh Thể, nối kết chúng ta một cách mật thiết với Chúa, và giúp
chúng ta sống đức tin, sống tình đoàn kết thương yêu phục vụ, bác ái và quảng
đại để làm sáng danh Chúa và xây dựng
giáo xứ.
Lm. Chánh xứ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét