Khi bàn về đức tin của sự Phục sinh, thánh Phaolo viết trong 1 Cr 15, 22: “Quả thế, như mọi người vì liên đới với A-đam mà phải chết, thì mọi người nhờ liên đới với Đức Ki-tô, cũng được Thiên Chúa cho sống”.
Câu nói trên của thánh Phaolo đã tạo ra một câu hỏi: Đức Maria có bị liên đới với Adam không? và gây ra các cuộc tranh luận giữa hai trường phái, giữa nhu cầu đối với mọi người cần có về ơn cứu chuộc bởi Đức Kitô qua cuộc tử nạn-phục sinh và đặc ân vô nhiễm nguyên tội dành cho Đức Maria.
Dung hòa giữa hai trường phái
Đầu thế kỉ XVI, chân phước Gioan Dons Scot đề xuất một giải pháp dung hòa về sự vô nhiễm nguyên tội của Đức Maria và giáo lý về sự cứu cuộc của Đức Kitô bằng cách phân rõ hai trường hợp của ơn cứu chuộc: ơn cứu chuộc bằng cách gìn giữ và ơn cứu chuộc bằng cách chữa trị.
Thiên Chúa đã dùng phương cách thứ nhất cho Đức Maria và cách thứ hai cho chúng ta. Và như thế, nếu mọi người đều phạm tội trong Adam, thì Đức Maria lại được gìn giữ để trở thành một ngoại lệ. Chính Mẹ đã nhận được ân sủng lớn lao này, khi Thiên Chúa lập trình cho chương trình cứu chuộc con người từ muôn đời. Còn chúng ta chỉ được thụ hưởng ơn này sau ngày lãnh nhận bí tích rửa tội.
Tín điều Đức Maria vô nhiễm nguyên tội có quan hệ mật thiết với chương trình Ngôi Hai nhập thể, tử nạn và phục sinh. Tổng quát hơn, nhà thần học H. Urs von Balthasar nói rằng “Toàn bộ Thánh Mẫu học phải được giải thích theo Kitô học, và chính điều này làm nên sự cao cả của Đức Maria”. Thiên Chúa đã chọn Đức Maria cùng hiệp thông cho chương trình cứu rỗi và ban cho Mẹ sự tinh tuyền ban đầu.
Xin vâng là khởi đầu của con đường thánh giá
Suy niệm về Thánh Mẫu học, chúng ta hay nghiên về các chủ đề liên quan đến những ân phúc mà Đức Maria được Thiên Chúa trao ban một cách đặc biệt. Nhưng có một qui luật tự nhiên mà chúng ta từng biết và Chúa Giêsu đã nói trong Ga 12, 24 “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác”. Và Mẹ Maria, để đến bờ vinh quang viên mãn cũng trải qua con đường thập giá, con đường mà Người Con đã chọn lựa. Con đường ấy cũng trở thành một biểu trưng trong đời sống các Kitô hữu trên đường lữ hành về quê Trời.
Những ai đã từng nhận thiên chức làm cha, mẹ chắc sẽ thấu hiểu phần nào nỗi đau của Đức Maria, nếu phải chứng kiến người con duy nhất- đầy quyền năng với vô vàn các phép lạ, bị hành hình, bị treo lên, bị sỉ nhục, bị đóng đinh cho đến chết.
Giáo hội chọn ngày 15.9 làm lễ nhớ bảy sự thương khó của Đức Maria, sau ngày 14.9 là lễ suy tôn Thánh Giá, nhằm nhắc nhở cho chúng ta sự tử đạo tinh thần của Mẹ Thiên Chúa. Đây là một dạng thức thánh giá mà Mẹ đón nhận, được bao hàm trong cụm từ “xin vâng” nổi tiếng của Đức Maria, khi đối đáp với thiên sứ Gabriel.
Chính Chúa Giêsu trong vườn cây dầu cũng đã dùng cụm từ xin vâng này để cầu nguyện với Chúa Cha, và cụm từ ấy khởi sự cho một chặng đường khổ nạn: "Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha." (Mt 26, 33).
Như thế, xin vâng theo ý Thiên Chúa là con đường thập giá phổ quát của các Kitô hữu.
ĐHY P.X Nguyễn Văn Thuận chia sẻ như sau “bằng cả cuộc sống, Mẹ Maria cũng kết hiệp với cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Giêsu cho toàn nhân loại. Một lưỡi gươm đã đâm thâu tâm hồn Mẹ. Nhưng Mẹ vẫn đứng vững, một mình, can đảm”. Một lưỡi gươm mà tiên tri Simeon đã từng tiên đoán trong Tin mừng Luca 2, 33.
Lạy Đức Maria, cứ mỗi mùa Phục sinh, phần hồn con lại được sạch nhờ phép hòa giải, sau đó chúng con lại tiếp tục đi trên con đường tội lỗi vì sự yếu đuối và kém đức tin. Xin hãy cầm tay dẫn dắt, ủi an vì chúng con luôn muốn đi đúng đường và bình yên trên con đường ấy, cho dù đó là đường Thập Giá.
G. Tuấn Anh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét