Ông bà anh chị em thân mến. Kinh thánh, nhất là các
sách Tin mừng thường đề cập đến sông Gio-đan, và khi chúng ta đọc hay nghe nhắc
đến tên con sông này thì chúng ta hình dung sông Gio-đan là một con sông lớn rộng. Nhưng theo những người đã hành hương Đất Thánh về cho biết
nếu so sánh với sông
Cửu long, sông Hương tại Việt Nam hay sông Arkansas chảy qua thành phố Tulsa
này, thì sông Gio-đan nhỏ hơn nhiều. Có những khúc chúng ta có thể ném hòn đá từ
bên này qua bờ sông bên kia bờ dễ dàng. Và gần khúc cuối sông, trước khi chảy
ra Biển Chết, có một thung lung, khu vực thấp, vào thời xưa, các đoàn thương mại,
buôn bán thường dừng tại địa điểm này để nghỉ ngơi, hay dò hỏi tin tức. Và cũng
tại địa điểm này, Gioan đã bắt đầu sứ mệnh tiền hô, rao giảng của mình, làm
phép rửa cho những người thành tâm đến tìm.
Lúc đầu dân chúng bàn tán có phải Gioan là Đấng Mê-si-a, Đấng Thiên Sai mà họ đang mong đợi không. Nhưng Gioan đã nói với họ ông không phải là Đấng Thiên Sai. Ông khẳng định rằng phép rửa của ông làm chỉ là phép rửa bằng nước mà thôi, và Đấng đến sau ông sẽ rửa bằng Chúa Thánh Thần. Hay nói một cách khác, phép rửa của Gioan chỉ là phép rửa của sự ăn năn thống hối, là dấu chỉ chứng tỏ lòng thống hối mà thôi. Trong khi đó phép rửa của Chúa Giê-su là phép rửa của sự tái sinh, là một mầu nhiệm chuyển biến con người vào một đời sống hoàn toàn mới. Và thánh Phao-lô đã nhắc đến sự sống mới này trong thư gởi người Cô-lô-sê, người nói: “Khi chúng ta chịu rửa tội, chúng ta cùng chết với Chúa Kitô, và trong phép rửa tội này chúng ta cùng sống lại với Người. Thiên Chúa đã cứu chúng ta và cho chúng ta sự sống mới trong Chúa Kitô.” (Cl. 2, 12-13)
Tôi xin được kể một câu chuyện để diễn tả
một sự sống mới trong phép rửa của Chúa Ki-tô như sau. Có một người đàn ông tên Hạnh rất sợ nước,
nhưng một sự kiện đã xảy ra làm cho ông hoàn toàn thay đổi. Khi còn trong quân đội và trong một cuộc tập
dượt, ông phải bơi một mình trên một cái xuồng nhỏ, trong một dòng sông có những
khúc nước chảy mạnh nguy hiểm. Cuối dòng sông là một thác nước. Thình lình chiếc
xuồng lật ngược. Ông bị chìm dưới nước và bị những dòng nước mạnh cuốn gần tới
thác nước. Trong lúc đó một ý nghĩ kỳ lạ thoáng hiện ra trong trí ông, là không
bao lâu nữa ông sẽ khám phá ra, sẽ biết được sự thật cha hay mẹ đúng về sự sống
đời sau, cha của ông tin có sự sống đời sau, nhưng mẹ ông không tin. Và cũng
trong lúc đó, một điều lạ nữa xảy đến với ông, ông chợt nghĩ tới kinh Lạy Cha
và bắt đầu cầu nguyện. Ông cảm thấy một luồng sức mạnh dậy lên trong thân thể,
và ông bắt đầu chống trả lại sức cuốn của dòng sông. Một năng lực vô hình đã
giúp ông, và mấy phút sau đó ông đã dạt vào một bên bờ sông.
Ông bà anh chị em thân mến. Ông Hạnh bị dạt
vào một bên bờ sông thì hoàn toàn khác với ông Hạnh bị chìm dưới nước trước đó.
Có thể nói rằng nước sông đã rửa ông,
đưa ông vào một đời sống mới. Từ một ông Hạnh sợ nước trước đó, bây giờ thì
không. Từ một ông Hạnh cũ nghi ngờ về Chúa và đời sống vĩnh cửu sau cái chết,
thành một ông Hạnh mới hoàn toàn không nghi ngờ. Thật vậy, kinh nghiệm của ông
Hạnh trong dòng nước là một sự diễn tả thật tuyệt đẹp những sự kiện xảy ra cho
chúng ta trong Bí tích Rửa tội, Bí tích Thánh tẩy. Chúng ta trở thành những người
hoàn toàn mới, có một tinh thần và đời sống mới trong Chúa Ki-tô sau Bí tích Rửa
tội.
Một sự kiện khác giúp chúng ta hiểu rõ hơn
sự gì xảy ra trong Bí tích Rửa tội. Chúng ta biết vào thời Giáo hội sơ khai,
các Ki-tô hữu thường nghĩ rằng phép rửa tội ghép chúng ta vào Thân Thể Chúa
Ki-tô. Như người trồng cây ghép hay tháp
cành cây vào một thân cây như thế nào, thì qua phép rửa tội, chúng ta cũng được
ghép vào Thân Thể Chúa Ki-tô như vậy. Chúng ta cũng có thể so sánh Bí tích Rửa
tội của chúng ta như một bóng đèn được cắm vào một dòng điện. Khi một bóng điện được cắm vào một dòng điện,
thì bóng đèn đó hút một luồng điện vào và bóng đèn từ từ cháy sáng lên. Và điều
tương tự như vậy xảy ra trong Bí tích Rửa tội. Có thể nói, khi chúng ta được cắm
vào Chúa Ki-tô, chúng ta “hút luồng điện hay sự sống” của Chúa vào trong thân
thể, và thân thể chúng ta biến đổi, có một sự sống mới.
Ông bà anh chị em thân mến. Những thí dụ
trên đây gợi lên cho chúng ta một điểm quan trọng: Bí tích Rửa tội, cho dù thật
quan trọng, không là cùng đích mà chỉ là bước đầu trong cuộc sống Ki-tô hữu
chúng ta. Những gì xảy ra sau Bí tích, tự nó, cũng rất quan trọng như trong lúc
chúng ta lãnh nhận Bí tích. Một khi bóng đèn sau khi đã được cắm vào dòng điện,
thì bóng điện sẽ có năng lực. Cũng vậy, một cành cây, sau khi được ghép vào
thân cây, sẽ từ từ phát triển và trở thành phần của cây. Nếu không sẽ từ từ chết
đi. Cũng cùng trong một sự thật như Bí
tích Rửa tội. Một khi chúng ta đã được ghép vào Chúa Ki-tô, thì chúng ta sẽ phát
triển và trở thành những cành của cây. Nếu không chúng ta sẽ chết.
Nhưng chúng ta phải làm gì để phát triển
và trở thành chi thể của Chúa Ki-tô? Thánh Phao-lô cho chúng ta những câu trả lời,
ngài nói: “Anh chị em đã lãnh nhận Chúa
Giê-su Ki-tô, anh chị em hãy sống trong Người, hãy đâm rễ và xây dựng trong Người,
và kiên trì trong lòng tin… Anh chị em hãy lột bỏ con người cũ cùng những việc
của nó, và hãy mặc lấy con người mới, con người được đổi mới theo hình ảnh của
Đấng đã tạo thành nó… Anh chị em hãy mặc
lấy những tâm tình từ bi, nhân hậu, khiêm cung, ôn hòa, nhẫn nại, chịu đựng lẫn
nhau, và hãy tha thứ cho nhau. …Và trên hết mọi sự, anh chị em hãy có đức yêu
thương”. (Cl. 2:67, 3:12-14) Hay nói
một cách khác, chúng ta phải phát triển và trở thành chi thể Chúa Ki-tô bằng
cách noi gương Chúa, sống như Chúa, để trở nên đồng dạng với Chúa, là thân thể
mà chúng ta được ghép vào.
Mỗi người chúng ta đây đã chịu Bí tích Rửa
tội hay Thánh tẩy. Chúng ta cầu xin qua đời sống, mỗi người chúng ta cũng được
Chúa Cha khẳng định: “Này là Con yêu dấu
của Ta, Con đẹp lòng Ta.”
Lm. Chánh xứ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét