Thứ Hai, 30 tháng 12, 2013

Ba từ khóa để gia đình bình an và hạnh phúc : xin phép, cám ơn và xin lỗi

Lúc 12 giờ trưa nay 29/12/2013, lễ Thánh Gia, như thường lệ Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến bên cửa sổ để cùng đọc kinh truyền tin với các tín hữu tại  quãng trường thánh Phêrô và các đoàn khách hành hương đang hiện diện. Trong bài huấn từ hôm nay Đức Thánh Cha mời gọi mọi người “nghĩ đến thảm kịch của những người nhập cư và tị nạn, là những nạn nhân của sự từ chối và của sự bóc lột, họ là những nạn nhân của việc buôn người và nô lệ lao động”. Đức Thánh Cha còn đưa ra ba từ khóa để giúp gia đình sống hạnh phúc và bình an : Xin phép, Cám ơn và xin lỗi.
Mến chào anh chị em! Hôm nay là Chúa nhật đầu tiên sau lễ Giáng sinh, Phụng vụ mời gọi chúng ta cử hành lễ Thánh gia Nazareth. Thực vậy, mọi hang đá đều trình bày cho chúng ta thấy Chúa Giêsu cùng với Đức Mẹ và Thánh Giuse, trong hang đá Bêlem. Thiên Chúa đã muốn sinh ra trong một gia đình nhân loại, muốn có một người mẹ và một người cha như chúng ta.Và hôm nay Tin mừng giới thiệu cho chúng ta Gia Đình Thánh trên chặng đường đau khổ vì phải tị nạn, đi tìm nơi trú ẩn ở Ai-cập. Thánh Giuse, Mẹ Maria và Chúa Giêsu cảm nghiệm được thân phận bi thảm của những người tị nạn, bị đánh dấu bởi sợ hãi, không an toàn và thiếu thốn (x. Mt Mt 2,13-15.19-23).
Thật không may cho thời đại của chúng ta, có hàng triệu gia đình có thể nhận ra  mình trong thực tại đau thương này. Hầu như hằng ngày truyền hình và báo chí đã đưa những thông tin về các cuộc tị nạn hầu tránh khỏi nạn đói, chiến tranh từ những mối nguy hiểm trầm trọng khác, để tìm kiếm sự an toàn và cuộc sống tốt cho mình và cho gia đình mình.
Ở những vùng đất xa xôi, khi tìm kiếm việc làm, không phải lúc nào những người tị nạn và những người nhập cư cũng được đón nhận thực sự, được tôn trọng và đánh giá cao những giá trị mà họ mang theo. Những kỳ vọng chính đáng của họ vấp phải những hoàn cảnh phức tạp và khó khăn hầu như không thể vượt qua được. Vì vậy, trong khi hướng nhìn về gia đình Nazareth trong lúc bị buộc phải đi tị nạn, chúng ta nghĩ đến thảm kịch của những người nhập cư và tị nạn, là những nạn nhân của sự từ chối và của sự bóc lột, họ là những nạn nhân của việc buôn người và nô lệ lao động. Nhưng chúng ta cũng phải nghĩ đến những người bị “đày ải” khác : tôi gọi họ là những người “bị đày ải âm thầm”, những người này có thể tồn tại trong chính các gia đình : chẳng hạn như những người già, đôi khi bị đối xử như là những gánh nặng. Nhiều khi tôi nghĩ rằng dấu chỉ để nhận biết một gia đình tốt như thế nào, đó là nhìn thấy họ đối xử với các trẻ em và người lớn tuổi ra sao.
Chúa Giêsu đã muốn thuộc về một gia đình đã trải nghiệm được những khó khăn này, để không một ai cảm thấy mình bị loại ra khỏi sự gần gũi yêu thương của Thiên Chúa. Trốn sang Ai-cập vì sự đe dọa của Hêrôđê cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa ở đó nơi con người gặp nguy hiểm, nơi con người sống đau khổ, nơi con người trốn lánh, nơi con người cảm nghiệm được sự từ chối và bỏ rơi; Và Thiên Chúa cũng ở đó, nơi con người ước mơ, hy vọng trở về quê hương trong tự do, lên chương trình và lựa chọn cho cuộc sống, cho nhân phẩm của mình và của những người trong gia đình mình.
Cái nhìn của chúng ta về gia đình thánh gia hôm nay cũng được lôi kéo từ vẻ đơn sơ của cuộc sống dẫn đến Nazareth. Đó là một mẫu gương làm nên bao điều tốt đẹp cho gia đình chúng ta, nâng đỡ các gia đình luôn trở thành cộng đoàn của tình yêu và hòa giải hơn nữa, nơi đó ta được cảm nghiệm sự dịu dàng, nâng đỡ lẫn nhau, tha thứ cho nhau. Chúng ta hãy nhớ ba từ khóa để sống bình an và niềm vui trong gia đình : xin phép, cám ơn, xin lỗi. Khi trong một gia đình người ta không nói xen vào nhưng biết xin phép; khi trong một gia đình không ích kỷ mà học biết nói lời “cám ơn”; trong một gia đình khi thấy rằng có người  đã làm điều xấu nhưng biết xin lỗi, như thế trong gia đình có bình an và niềm vui. Chúng ta hãy nhớ ba từ khóa đó. Chúng ta có thể lặp lại với nhau ba từ đó : xin phép, cám ơn, xin lỗi. Tôi cũng muốn khích lệ các gia đình nhận thức được tầm quan trọng mà họ có trong Giáo hội và xã hội. Vì thế, việc loan báo Tin mừng trước hết phải đi qua các gia đình, tiếp theo là tới các môi trường khác nhau của đời sống hằng ngày.
Chúng ta cùng khẩn cầu lên Rất Thánh Đức Mẹ, Mẹ của Chúa Giêsu và là Mẹ của chúng ta, Thánh cả Giuse bạn trăm năm của Mẹ. Chúng ta cầu xin Ba Đấng chiếu soi, an ủi và hướng dẫn mọi gia đình trên thế giới, để có thể chu toàn sứ mạng mà Thiên Chúa đã ủy thác cho họ với phẩm giá và thanh thản.
Lm. Giuse Võ Tá Hoàng chuyển ngữ
News.va

Không có nhận xét nào:

Tìm kiếm ....