Ông
bà anh chị em thân mến. Vào thời Chúa
Giê-su, người Do thái không thể nào hình dung hay nghĩ rằng Chúa Giê-su có thể
là Đấng cứu thế hay là vua của họ được, khi họ nghe các tông đồ tuyên bố và rao
giảng như vậy. Người Do thái nghĩ rằng họ biết Đấng cứu thế sẽ như thế nào, phải
là một người lãnh đạo chính trị và quân
sự tài ba, lỗi lạc và uy quyền như vua Đa vít, đã đánh đuổi quân xâm lăng ra khỏi
bờ cõi, và khôi phục lại quốc gia hùng mạnh.
Họ cũng biết câu Kinh thánh trong sách Đệ nhị luật nói rằng: “Khi một
người có tội đáng phải án chết đã bị xử tử, và anh em đã treo nó lên cây” (Đnl.
21:23), vì thế họ nghĩ Chúa Giê-su, mà theo họ, là một tội phạm đã bị họ treo
trên thập giá, không thể là Đấng cứu thế của họ được. Để tạo một dịp chế diễu
người Do thái, vua Phi-la-tô đã cho viết dòng chữ “Người này là vua dân Do
thái” trên thập giá như chúng ta vừa nghe trong bài Tin mừng. Đối với những người
lãnh đạo Do thái, tôn vinh Chúa Giê-su là vua của họ không những là một điều sỉ
nhục, mà còn đáng bị trừng phạt như họ đã làm.
Nhưng
Chúa Giê-su đã khẳng định với họ Nước của Người không giống như một quốc gia, một
nước nào nơi trần gian này như Chúa đã tuyên bố: “Nước Ta không thuộc về thế
gian này” (Ga 18, 36). Có lẽ một số người
đã thấy được sự khác biệt của Nước Chúa như thế nào, cho nên họ đã thách thức
Chúa hãy tự cứu mình, nhưng Chúa đã không làm như vậy. Họ biết Chúa có quyền năng lạ lùng, nhưng
Chúa đã không tự cứu mình, mà đã chịu đau khổ và chịu chết để cứu loài người
chúng ta.
Ông
bà anh chị em thân mến. Chúng ta hãy suy
nghĩ về đức tin của người trộm lành chịu đóng đinh cùng Chúa Giê-su. Chúng ta phải nhớ rằng vào thời đó, không có một
bản văn hay truyền thống nào đề cập đến Đấng cứu thế phải chịu khổ hình, mà là
một Đấng đầy uy quyền và danh vọng. Người trộm lành này phải có thể nhìn xuyên qua
những kỳ vọng của người Do thái, cũng như những yếu kém và thất bại của họ, để
có thể nhận ra và xác định Chúa Giê-su thật sự là vua. Hay nói một cách khác, người trộm lành này phải
có một đức tin mạnh mẽ như thế nào mới có thể nhận ra được vương quyền của Chúa
Giê-su, và đã tuyên xưng: “Lạy Ngài, khi nào về nước Ngài, xin nhớ đến tôi.” Thật
vậy, Nước của Chúa Giêsu là Nước Tình Yêu, vương quyền của Người là để phục vụ.
Người đã không cứu lấy chính mình, nhưng đã cứu lấy mọi người khỏi chết muôn đời
nhờ cái chết của Người. Chúa không cai trị bằng sức mạnh biểu dương, nhưng
chinh phục bằng tình yêu thương.
Trong
suốt 2013 năm qua, Chúa Giê-su vẫn luôn đón nhận nhiều người vào trong Vương Quốc
Tình Yêu của Người, trong đó có các thánh tử đạo Việt Nam, cha ông của chúng
ta. Các ngài đã can đảm, cương quyết và
vui mừng chịu những sự đau đớn thể xác, lấy máu đào và cái chết của mình để
minh chứng đức tin mạnh mẽ vào Chúa Giê-su Ki-tô là Vua trên hết các vua, vượt
qua những lời đe dọa và vượt qua những yếu đuối của thể xác. Thật vậy, “tử đạo”
có nghĩa là “làm chứng và làm sáng danh.”
Như vậy, việc cha ông chúng ta, từng lớp lớp người, sẵn sàng hy sinh bỏ
tất cả vinh hoa, phú quý, tiền bạc, vật chất, và gia đình để chịu đau khổ và chết
đi để làm chứng cho tình yêu và làm sáng danh Chúa Giê-su Ki-tô Vua.
Chúng ta biết nhà cầm quyền
thời đó đã dùng mọi hình thức dã man để tra tấn, khủng bố tinh thần các thánh Tử
đạo Việt nam, nhưng các ngài đã bày tỏ một đức tin kiên cường và anh dũng chịu
đựng vì Chúa. Không có hình phạt nào có thể tách rời các ngài ra khỏi tình yêu
của Chúa. Chúng ta hãy nghe một số hình thức man rợ và kinh khủng mà các ngài
đã nhận chịu như: bá đao là bị lý hình
dùng dao cắt xẻo từng miếng thịt trên thân thể cho đủ 100 miếng; lăng trì là bị
chặt chân chặt tay trước khi bị chém đầu; thiêu sinh là bị thiêu sống; xử trảm
là bị chém đầu; xử giảo là bị tròng dây vào cổ và bị lý hình kéo hai đầu dây
cho đến chết; chết rũ tù là bị tra tấn, hành hạ đủ cách đủ kiểu, rồi bị bỏ đói
cho tới khi kiệt sức và chết gục trong tù.
Ông bà anh chị em thân mến. Mừng lễ Chúa Giê-su Ki-tô Vua và các
thánh Tử đạo Việt Nam, một lần nữa mời gọi mỗi người chúng ta xét lại cuộc sống
đức tin ngày hôm nay của mình, là con cháu của các ngài. Chúng ta hãy tự hỏi: “Tôi đang chọn Chúa hay
tôi đang chọn tôi?” “Tôi đang làm vinh
danh Chúa hay tôi đang vinh danh chính tôi?”
Và nếu tôi chọn Chúa như các thánh tử đạo cha ông tổ tiên, thì tôi phải
làm gì và sẽ sống như thế nào để trung thành và chứng minh cho sự lựa chọn,
quyết định của tôi?
Chúng ta biết cuộc sống và những chọn lựa của chúng ta hôm nay,
nhất là trong quốc gia và xã hội tự do này, không đòi chúng ta phải chịu những
cực hình, phải đổ máu để làm chứng cho Chúa, nhưng cũng không kém phần khó khăn
và thử thách. Chúng ta phải đối diện với
những sự lôi cuốn của tiền tài, vật chất, những sự lôi kéo của tham lam và lợi
lộc, và những sự cám dỗ của ích kỷ, kiêu căng, tự cao và lười biếng. Do đó mỗi người chúng ta phải có một đức tin
kiên cường và khiêm nhường trung thành với giáo huấn của Tin mừng, giáo hội, và
một đời sống đạo thực tế, qua lòng bác ái, quảng đại, cũng như có cuộc sống
ngay thẳng và siêng năng, hy sinh phục vụ.
Hôm nay, chúng ta tôn vinh và ngợi khen Chúa Giê-su Ki-tô là Vua
với một đức tin mạnh mẽ như các thánh tử đạo Việt Nam, tổ tiên, cha ông của
chúng ta, và với một tâm tình biết ơn các ngài. Xin các ngài cầu bầu cho chúng
ta dù phải đối diện với hoàn cảnh hay cuộc sống nào, vẫn luôn trung thành với
Chúa Giê-su Ki-tô Vua, để cuộc sống Ki-tô hữu sinh ra những kết quả hữu ích đời này và được chung hưởng vinh phúc Vương Quốc của
Chúa đời sau, cùng với các thánh Tử đạo Việt Nam. Amen.
Lm. Chánh xứ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét