Ông bà anh chị
em thân mến. Cầu nguyện là một trong những yếu tố cần thiết và quan trọng nhất
của đời sống Ki-tô hữu. Không ai có đời
sống tốt, đạo đức hay có một đời sống đức tin vững mạnh mà không cầu nguyện, vì
đức tin và cầu nguyện luôn gắn liền với nhau.
Chúng ta tin nên chúng ta cầu nguyện, và nhờ cầu nguyện nên đức tin của chúng ta được củng cố thêm. Bởi thế trong Tin mừng Chúa Giêsu luôn dạy chúng ta cầu nguyện và cầu nguyện luôn, nghĩa là không chỉ cầu nguyện khi gặp chuyện gì khó khăn, mà phải cầu nguyện trong mọi lúc. Tin mừng còn cho chúng ta biết Chúa có một đời sống cầu nguyện thật kiên trì và thường xuyên.
Chúng ta tin nên chúng ta cầu nguyện, và nhờ cầu nguyện nên đức tin của chúng ta được củng cố thêm. Bởi thế trong Tin mừng Chúa Giêsu luôn dạy chúng ta cầu nguyện và cầu nguyện luôn, nghĩa là không chỉ cầu nguyện khi gặp chuyện gì khó khăn, mà phải cầu nguyện trong mọi lúc. Tin mừng còn cho chúng ta biết Chúa có một đời sống cầu nguyện thật kiên trì và thường xuyên.
Qua câu chuyện
dụ ngôn bà góa và vị thẩm phán trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa dạy và muốn
chúng ta biết rõ: phải cầu nguyện luôn, không được nản chí. Nhưng chúng
ta phải hiểu cầu nguyện là gì và cầu nguyện thế nào.
Có một câu chuyện về 3 người bị kẹt trong một căn
phòng tối tăm và chẳng có cửa gì cả. Họ làm thế nào để thoát khỏi tình trạng bế
tắc này? - Người thứ nhất là một nhà văn. Anh không có đức tin. Anh ngồi
đấy và luôn miệng nguyền rủa. - Người thứ hai là một tín hữu sốt sắng. Anh đã
quỳ gối cầu nguyện rất lâu, sau đó ngồi xuống chờ phép lạ. - Người thứ ba cũng
là một tín hữu làm nghề thợ xây, vừa đạo đức vừa thực tế. Sau khi cầu nguyện,
anh lấy từ túi đồ nghề ra một cây búa và một chiếc đục, rồi bắt đầu đục tường.
Công việc rất lâu lắc và cực nhọc. Bụi bắn vào mặt anh, vào cả mắt anh. Mồ hôi
anh nhễ nhại. Nhưng anh vẫn kiên trì đục. Thỉnh thoảng dừng lại nói "Lạy
Chúa, xin cứu giúp chúng con".
Đang lúc đó người thứ nhất vẫn ngồi
ở một góc, vừa hút thuốc vừa nguyền rủa; người thứ hai ở một góc khác tiếp tục
cầu nguyện. Cuối cùng người thứ ba đã mở được một lỗ lớn trong vách tường và cả
3 người đã thoát ra khỏi căn phòng.
Câu truyện
trên đây cho chúng ta thấy 3
thái độ khác nhau đối với sự cầu nguyện. - Người thứ nhất coi cầu nguyện là mất
giờ. Vì anh không có đức tin nên thái độ của anh cũng hợp lý thôi. Nếu bạn
không tin Chúa thì cầu nguyện với Ngài sao được? - Người thứ hai coi cầu
nguyện là một sự thay thế cho làm việc, vì thế sau khi cầu nguyện xong người ấy
ngồi chờ Chúa giúp. Phải thành thật nhìn nhận rằng chúng ta cũng nhiều lần cầu
nguyện cách này. Chỉ là những lời nói xuông với một thái độ thụ động. - Người
thứ ba tin tưởng vào hiệu quả của cầu nguyện, hiệu quả ấy không thay thế làm
việc, mà là trợ lực cho làm việc. Cầu xin điều gì thì đồng thời cũng cố gắng
làm bất cứ việc gì có thể để đạt được điều đó. Sự cầu nguyện này khơi lên niềm
hy vọng và khuyến khích lòng can đảm. Nó cũng giúp ta cảm nhận rằng Chúa ở kề
bên ta và không bỏ mặc ta trong cảnh khó khăn.
Ông bà anh chị em thân mến. Cầu nguyện luôn cũng giống như giữ cho chiếc
đồng hồ đời ta luôn luôn chạy, vì sự cầu nguyện luôn soi sáng niềm hy vọng và
những dự định của chúng ta. Sự cầu
nguyện luôn giúp ta phân biệt được điều gì là quan trọng, điều gì là tầm
thường. Sự cầu nguyện luôn giúp ta khám phá ra những ước vọng chân thật, những
ray rứt lương tâm bị bóp nghẹt, những nỗi khát khao bị quên lãng. Sự cầu nguyện
luôn chỉ cho ta thấy những lý tưởng cao đẹp cần vươn tới. Và nhất là sự cầu
nguyện luôn giữ ta thường xuyên gần gũi với Chúa.
Trong Tin Mừng
hôm nay, Chúa dạy chúng ta hãy liên lỉ cầu nguyện và cầu nguyện cách kiên trì,
như Môsê quì giang tay suốt ngày cầu nguyện cho dân Do thái thắng trận, như bà
goá suốt bao ngày tháng cầu xin quan toà minh xét cho bà, như thánh Mônica ròng
rã 20 năm trường cầu nguyện cho người con là Augúttinô trở lại. Chúng ta hãy cầu nguyện liên tục và bền chí,
không hề nhàm chán, cả khi xem ra Chúa ngoảnh mặt làm ngơ. Chúng ta không nên
tìm kiếm hiệu quả tức thì. Chúa sẽ đáp lời chúng ta lúc nào và cách thức nào có
lợi nhất cho chúng ta, theo như thánh ý nhiệm mầu của Người. Thời gian Chúa
nhậm lời có thể sẽ lâu hơn chúng ta tưởng, cách thức Người ban ơn có thể sẽ
khác với ước nguyện của chúng ta, nhưng bao giờ cũng là lúc thích hợp nhất cho
linh hồn chúng ta, bao giờ cũng là cách hữu hiệu nhất cho hạnh phúc vĩnh cửu
của mỗi người. Thường chúng ta lầm tưởng rằng, hơn ai hết chúng ta là người
biết rõ những điều mình cần xin. Nhưng thánh Phao lô dạy: "Chúng ta không
biết cầu nguyện thế nào cho phải, chính Thánh Thần sẽ cầu thay nguyện giúp
chúng ta theo đúng ý Thiên Chúa" (Rm 8, 21-27).
Ngoài ra cầu
nguyện không phải là việc xin ơn này ơn nọ, theo óc vụ lợi của chúng ta, cầu
nguyện không phải là việc tránh né bổn phận để Thiên Chúa làm tất cả, cầu
nguyện cũng không phải là việc liệt kê ước muốn để mong chờ Chúa thực hiện.
Nhưng cầu nguyện đích thực chính là việc thực hành Đức Tin, nâng tâm hồn lên
cùng Thiên Chúa để đối thoại với Người, van xin Người tiếp tục ban ơn để chúng
ta đủ sức thực hiện thánh ý Người.
Đức tin được ví
như ngọn đèn cháy sang, cho nên cầu nguyện là dầu giữ cho ngọn đèn đức tin luôn
cháy sáng. Hoa trái của cầu nguyện là
đức tin. Hoa trái của đức tin là tình yêu. Hoa trái của tình yêu là phục vụ. Và
hoa trái của phục vụ là bình an. Xin Chúa giúp chúng ta có một đời sống cầu
nguyện sốt sắng và kiên trì, để chúng ta luôn sống trong sự bình an và hy vọng,
và đời sống đức tin của chúng ta thêm vững mạnh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét