Ông bà anh
chị em thân mến. Báo chí, TV, internet
và các phương tiện truyền thông cho chúng ta biết nhiều phản ứng khác nhau của
những người khi bị xa thải việc. Nhiều
người mất ăn, mất ngủ, lo lắng và buồn phiền.
Nhiều người giận dữ tìm cách trả thù.
Trong mấy năm vừa qua, chúng ta được nghe biết nhiều vụ trả thù, những vụ
thảm sát, bắn giết tập thể một cách dã man các nhân công tại các công xưởng của
những người bị xa thải việc.
Không như
những vụ trả thù thảm sát và giết người trong xã hội, bài Tin mừng hôm nay kể
câu chuyện dụ ngôn về một người quản lý sắp bị xa thải vì tiêu xài một cách
phung phí tiền bạc của ông chủ. Người quản lý này đã khôn khéo tìm cách mua chuộc
những con nợ để sửa soạn cho cuộc sống của mình sau khi bị xa thải. Người quản
lý này, theo như giáo lý, đã phạm điều răn thứ bảy, chớ lấy của người, và điều
răn thứ 10, chớ tham của người, đáng bị khiển trách và lên án. Có lẽ chúng ta
ngạc nhiên và sửng sốt, khi nghe Chúa Giê-su lại ca tụng người quản lý. Theo lẽ
công bình, đáng lẽ Chúa phải lên tiếng khiển trách và lên án người quản lý bất
trung này, hay như ngôn sứ A-mốt trong bài đọc 1 đã lên án gắt gao những người giàu
tìm mọi cách gian lận, bóc lột người khác. Họ mê mải tìm kiếm thêm nhiều tiền hơn
đến nỗi chỉ mong cho ngày lễ Sabát chóng qua để họ về nhà tiếp tục làm ăn kiếm
tiền. Điều này cũng nói lên thảm cảnh hiện đại của những Ki-tô hữu Công giáo
thời nay, nhất là trong xã hội, quốc gia này.
Nhiều người muốn tham dự Thánh lễ ngày Chúa nhật thật ngắn và mau chóng
để về nhà kiếm thêm tiền. Ngôn sứ A-mốt
khiển trách họ vì khi làm ăn, họ dùng đủ cách để gian lận, “giảm lượng đong,
tăng giá và làm cân giả.” Đặc biệt họ khai thác và bóc lột những người nghèo
một cách trắng trợn. Và bài đọc 1 còn
cho chúng ta biết lời thề của Chúa: “Ta sẽ không bao giờ lãng quên tất cả các
việc chúng làm cho đến cùng.” Họ đã phạm
tội mất lòng Thiên Chúa
Nhưng,
ông bà anh chị em thân mến, nếu chúng ta đi sâu vào bài Tin mừng, thì chúng ta
sẽ biết và hiểu, Chúa Giê-su không ca tụng người quản lý, mà Người chỉ muốn vạch
ra cho chúng ta thấy hành động tính toán, cách đối xử khéo léo làm lợi cho anh
ta mà thôi. Và qua đó, Chúa dạy chúng ta bài học khôn ngoan, tận dụng tất cả ơn
lành Chúa ban cho chúng ta ở đời này như: tài năng, thời giờ, nhất là tiền bạc của
cải mà bài Tin mừng hôm nay nhấn mạnh đến một cách đặc biệt, để “làm tôi Chúa”
“làm sáng danh Ngài” hầu được hưởng hạnh phúc thật trên Nước Thiên Đàng ngày
sau.
Chúng ta ý
thức tiền bạc là con dao hai lưỡi, biết xử dụng thì tốt, không biết xử dụng thì
sinh họa. Tiền của là tên đầy tớ tốt, nhưng là ông chủ rất xấu. Tiền bạc thường sinh ra những sự gian tham,
và làm cho chúng ta trở thành ích kỷ, tự cao và tự kiêu. Và đây là mặt xấu, sự nguy hiểm của tiền bạc.
Tiền bạc là do Chúa tạo dựng nên, cho
nên tự nó không xấu. Cái nguy hiểm, cái
xấu là nơi tâm lòng chúng ta, và tùy theo cách chúng ta xử dụng hay ngược lại bị
nó xử dụng, sai khiến, biến chúng ta thành nô lệ.
Tất
cả chúng ta phải làm lụng vất vả, khó nhọc để kiếm tiền. Chúng ta có quyền và phải xử dụng tiền bạc để
sinh sống, nâng cao giá trị con người, và mua sắm mọi thứ. Tiền bạc phải là phương tiện, là tên đầy tớ để
chúng ta sai khiến và xử dụng nó theo ý của chúng ta. Nhưng chúng ta không được để tiền của là cùng
đích, ngang hàng với Chúa, hay trở thành ông chủ sai khiến chúng ta, bắt chúng
ta làm nô lệ cho nó. Chúa cảnh báo chúng ta một cách rỏ ràng và thẳng thắn
rằng: “Các con không thể làm tôi Thiên Chúa mà lại làm tôi tiền của được.”
Khốn thay, chúng ta thấy nhiều người trong
xã hội thời nay đặt tiền của trên hết, nhiều khi trên cả đức tin và Thiên Chúa.
Chúng ta phải luôn ý thức về giáo huấn của Chúa dạy “không được làm tôi tiền
của” chứ không dạy: “không được có tiền
của.” Do đó, Chúa dạy chúng ta hãy quảng
đại và hãy bắt chước hành động khôn khéo của viên quản lý, dùng tiền bạc vào những
việc từ thiện bác ái, giúp đỡ “mua lấy những người bạn” khốn khó và bất
hạnh. Hay dùng tiền bạc xây dựng Nước
Chúa ở trần gian, cùng hiệp nhất với mọi người xây dựng giáo xứ, nhất là trong
công trình xây dựng ngôi Thánh đường mới làm sáng danh Chúa, để sau này có một
nơi ở trên Thiên Đàng.
Tôi xin ông bà anh chị em hãy suy nghĩ và
tự trả lời câu hỏi sau đây: “Nếu Chúa ban cho ông bà anh chị em dư giả hay
nhiều hơn ông bà anh chị em cần, và theo sự công bằng với mọi người trong giáo
xứ, lý do gì ông bà anh chị em đóng tiền, hay không đóng tiền cho công việc xây
dựng ngôi Thánh đường? Vì người này,
người nọ, hay cha xứ, hay tại Chúa không ban cho ông bà anh chị em nhiều hơn,
hay tại chính con người mình, mà ông bà anh chị em đóng hay không đóng?” Ngày sau, nếu ông bà anh chị em được vào Nước
Thiên Đàng hay không, không phải do người này, người nọ, hay cha xứ, hay tại
Chúa, nhưng do chính ông bà anh chị em tự định đoạt ngày hôm nay.
Chúng ta phải luôn luôn ý thức rằng đến
nước khác, việc đầu tiên mà chúng ta phải làm sau khi trình giấy tờ là đổi tiền
của mình thành tiền đang lưu hành tại nước đó.
Tiền bạc chúng ta tiêu xài trên trái đất này không có giá trị trên Nước
Thiên Đàng, nếu hôm nay chúng ta không khôn khéo đổi nó thành “tiền bạc tinh
thần”, qua những việc bác ái, tốt lành và làm sáng danh Chúa.
Tất cả chúng ta đều là quản lý của Chúa
vì tất cả những gì chúng ta có là do Chúa ban, như thánh Phaolô nói: “Có gì
mà bạn đang chiếm hữu là đã không nhận nơi Chúa đâu.” Với tư cách quản lý, chúng ta phải trung
thành với “Chủ Nhà” và dùng mọi tài năng quản lý tài sản mà Chúa đã trao phó,
phải biết khôn ngoan làm lợi, sinh lời lãi, và nhất là phải dùng tài sản này mà
mua được phần rỗi của mình và hạnh phúc vĩnh cửu trên Nước Thiên Đàng đời sau.
Lm. Chánh xứ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét