Chủ Nhật, 29 tháng 9, 2013

Bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô dành cho các giáo lý viên


1.“ Khốn cho các ngươi hỡi những kẻ kiêu ngọa trên núi Sion, những kẻ cảm thấy mình an toàn… nằm trên những chiếc giường ngà!” (Amos 6,1.4). Họ ăn, uống, ca hát, chơi và chẳng bận tâm gì đến những khó khăn của người khác.

Đây là những lời chỉ trích rất nặng nề mà tiên tri Amos đã nói, nhưng chúng cảnh báo chúng ta về những nguy hiểm mà tất cả chúng ta đang đối mặt. Thông điệp của Đức Chúa đang tố giác điều gì;

Ngài đang muốn những người thời ấy và chúng ta nhận ra điều gì? Nguy hiểm của việc tự phụ, an ủi, trần tục trong lối sống và trong con tim của chúng ta, nguy hiểm của việc làm cho tình trạng tốt đẹp của chúng ta là điều quan trọng duy nhất. Đây là trường hợp của người giàu có trong Tin Mừng, mặc lụa là gấm góc, ngày ngày yến tiệc linh đình; đây là những gì mà ông cho là quan trọng. Còn người nghèo nằm ngoài cổng thì chẳng có gì để ăn cho đỡ đói? Việc ấy không phải là chuyện của công, nó chẳng làm ông bận tâm. Bất cứ khi nào những giá trị vật chất, tiền tài, trần tục trở nên trung tâm của đời sống chúng ta, chúng điều khiển chúng ta, chúng sở hữu chúng ta; chúng ta mất đi căn tính con người của chúng ta. Người giàu trong Tin Mừng không có tên, ông ta chỉ đơn giản là “một người giàu”. Những tài sản của ông, những sở hữu của ông là bộ mặt của ông; ông không có điều gì khác.

Chúng ta hãy cùng cố gắng suy nghĩ: làm sao những chuyện như thế này lại xảy ra? Làm sao một vài người, có lẽ có cả chúng ta nữa, lại trở nên những người chỉ quan tâm đến mình và tìm kiếm an toàn trong những giá trị vật chất vốn là cái làm mất đi bộ mặt của chúng ta, khuôn mặt con người của chúng ta? Điều này xảy ra khi chúng ta không còn nhớ đến Chúa. Nếu chúng ta không nghĩ đến Thiên Chúa, chúng ta sẽ chỉ nghĩ đến mình và những an nhàn thoải mái của riêng tôi. Cuộc sống, thế giới, người khác, tất cả những điều này trở nên không thực, chúng chẳng còn giá trị gì nữa, mọi thứ chỉ rút lại thành một thứ: tài sản vật chất. Khi chúng ta không còn nhớ đến Chúa, chúng ta cũng trở nên không thực, chúng ta cũng trở nên trống rỗng; như người giàu trong đoạn Tin Mừng, chúng ta không còn có khuôn mặt nữa! Những ai chạy theo hư không sẽ trở thành hư không – như có lần đại ngôn sứ Giê-re-mi-a đã nói (x. Gr 2:5). Chúng ta được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa và giống Thiên Chúa, chứ không phải giống những đối tượng vật chất, không phải giống các ngẫu thần.

2. Vì thế, khi tôi nhìn đến các bạn, tôi chợt suy nghĩ: những giáo lý viên là ai? Họ là những người làm cho những ký ức về Thiên Chúa trở nên sống động; họ giữ chúng sống động trong chính họ và họ có thể làm cho nó sống lại trong lòng người khác. Đây là một điều gì đó rất đẹp: nhớ đến Thiên Chúa, như Đức Trinh Nữ Maria, Đấng đã nhìn thấy những công trình tuyệt vời của Thiên Chúa trong cuộc sống của mình mà không hề nghĩ đến những danh dự, thanh thế hay giàu có; Mẹ đã không trở thành con người chỉ lo đến bản thân mình. Thay vào đó, sau khi nhận được thông điệp của thiên sứ và thụ thai Con Thiên Chúa, Mẹ đã làm gì? Mẹ đã lên đường, đến giúp đỡ người chị họ Elisabet đang có mang. Và điều đầu tiên Mẹ làm khi gặp Elizabet là nhớ lại công trình của Thiên Chúa, lòng trung tín của Thiên Chúa trong cuộc đời của Mẹ, trong lịch sử của dân tộc Mẹ, trong lịch sử của chúng ta: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa … Vì Người đã đoái thương nhìn đến phận hèn tôi tớ Ngài… Lòng thương xót của Người trải từ thế hệ này đến thế hệ kia” (Lc 1:46.48.50)

Bài ca ngợi này của Đức Mẹ cũng chứa đựng những ký ức của lịch sử cá nhân Mẹ, lịch sử Thiên Chúa ở với Mẹ, trong kinh nghiệm đức tin của riêng Mẹ. Và điều này cũng đúng cho mỗi người chúng ta và cho mỗi Ki-tô hữu: đức tin hàm chứa ký ức của riêng chúng ta về lịch sử Thiên Chúa ở với chúng ta, ký ức của việc chúng ta gặp gỡ Thiên Chúa, Đấng luôn luôn đi bước trước, Đấng sáng tạo, cứu chuộc và biến đổi chúng ta. Đức tin là một hồi ký về những việc làm sưởi ấm con tim chúng ta của Người, và là hồi ký của công trình cứu độ, tặng ban cho chúng ta sự sống, thanh tẩy chúng ta, chăm sóc và nuôi dưỡng chúng ta. Một giáo lý viên là một người Ki-tô hữu biết sử dụng hồi ký để phục vụ việc loan báo, không phải tự biến mình thành người quan trọng, không phải nói về chính mình, nhưng là nói về Thiên Chúa, về tình yêu và lòng trung tín của Người.
Thánh Phaolo đã khuyên người môn đệ cũng là cộng sự của mình là Ti-mô-thê một điều cu thể: Hãy nhớ Đức Giê-su Ki-tô, Đấng đã trỗi dậy từ cõi chết, Đấng mà chúng ta rao giảng về và sẵn sàng chịu đau khổ vì Người (x. 2Tm 2:8-9). Thánh nhân đã có thể nói như thế bởi vì ngài cũng nhớ đến Đức Ki-tô, Đấng đã kêu gọi ngài khi ngày đang bắt bớ các Ki-tô hữu, Đấng đã đụng chạm đến ngài và biến đổi ngài bằng ân sủng.

Thế nên, giáo lý viên là một người Ki-tô hữu luôn nhớ về Thiên Chúa, người được những ký ức về Thiên Chúa trong toàn bộ đời sống của họ soi dẫn và là người có thể đánh thức ký ức ấy trong lòng người khác dậy. Điều này không dễ! Nó đòi hỏi một sự dấn thân bằng cả sự hiện hữu của mình! Giáo lý là gì, nếu không phải là ký ức về Thiên Chúa, nhớ về những công trình tuyệt diệu Ngài đã làm trong lịch sử và về việc Ngài đã lôi kéo chúng ta đến gần Đức Ki-tô hiện diện trong lời Ngài, trong các bí tích, trong Giáo Hội, trong tình yêu của Ngài? Các giáo lý viên thân mến, tôi hỏi các bạn: chúng ta có thực sự luôn nhớ về Thiên Chúa? Chúng ta có thực sự giống như những lính gác đánh thức ký ức của người khác về Thiên Chúa, một ký ức làm ấm áp trái tim họ?

3. “Khốn cho các người hỡi những kẻ tụ phụ ở Sion!” Chúng ta phải làm gì để không là những kẻ tụ phụ – những người không đi tìm an nhàn cho bản thân và những giá trị vật chất – nhưng là những người luôn nhớ về Thiên Chúa? Trong bài đọc 2, thánh Phaolo, viết cho Ti-mô-thê, cho chúng ta thấy một vài hướng dẫn có thể giúp chúng ta biết cách hành xử như những giáo lý viên: theo đuổi sự công chính, đạo đức, giàu lòng tin và lòng mến, hãy gắng sống nhẫn nại và hiền hòa.(x. 1Tm 6:11)

Giáo lý viên là những người luôn nhớ về Thiên Chúa khi họ có một tương quan sống động và liên lỉ với Người và với người chung quanh; nếu họ là những người của lòng tin, luôn tín thác thực sự vào Thiên Chúa và đặt sự an toàn của mình trong tay Chúa; khi họ là những con người của đức ái, tình yêu, những người luôn xem người khác là anh chị em mình; khi họ là những người “hypomoné”, nghĩa là những người biết chịu đựng và kiên nhẫn, có khả năng đối mặt với những khó khăn, thử thách và thất bại với sự thanh thản và hy vọng vào Đức Chúa; khi họ hiền lành, có khả năng thấu hiểu và yêu thương.

Chúng ta cùng cầu xin Chúa giúp chúng ta có thể trở nên những con người luôn giữ những ký ức về Chúa sống động trong chính chúng ta và có thể đánh thức ký ức ấy nơi con tim của người khác.

Amen.

Chuyển ngữ: Hoàng Nam, S.J.

Không có nhận xét nào:

Tìm kiếm ....