CHƯƠNG BỐN
THIÊN CHÚA CHUẨN BỊ CHO HỌ MỘT THÀNH
(x. Dt 11:16)
THIÊN CHÚA CHUẨN BỊ CHO HỌ MỘT THÀNH
(x. Dt 11:16)
Đức tin và công ích
50. Trong việc trình bày lịch sử của các tổ phụ và những người công chính của Cựu Ước, Thư gửi tín hữu Do Thái làm nổi bật một khía cạnh thiết yếu của đức tin của các ngài. Thư không những chỉ trình bày đức tin như một cuộc hành trình, mà còn như một tiến trình xây dựng, việc chuẩn bị một nơi mà trong đó con người có thể chung sống. Người xây dựng đầu tiên là ông Noe đã cứu gia đình ông trong tàu (Dt 11:7).
Sau đó đến ông Abraham, mà người ta nói về ông rằng bởi đức tin mà ông đã ở trong lều, trong khi chờ đợi thành có nền tảng vững chắc (x. Dt 11:9-10). Từ đức tin phát sinh một sự đáng tin cậy mới, một sự vững chắc mới, mà chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể ban cho. Nếu người có đức tin nương tựa vào Thiên-Chúa-Amen, vào Thiên Chúa thành tín (x. Is 65:16), và nhờ thế chính họ trở nên vững chắc, thì chúng ta có thể nói thêm rằng sự chắc chắn của đức tin này cũng ám chỉ thành mà Thiên Chúa đang chuẩn bị cho nhân loại. Đức tin cho thấy mối dây liên kết giữa con người có thể trở nên vững chắc như thế nào khi Thiên Chúa hiện diện giữa họ. Nó không chỉ đơn thuần là độ cứng rắn bên trong, một quyết tâm kiên định của người tín hữu; đức tin cũng soi sáng những liên hệ giữa con người bởi vì nó được sinh ra từ tình yêu và đi theo động năng của tình yêu của Thiên Chúa. Thiên Chúa là Đấng đáng tin cậy ban cho con người một thành đáng tin cậy.
51. Chính vì mối liên hệ của nó với tình yêu (x. Gal 5:6), mà ánh sáng đức tin được dùng để phục vụ công lý, lề luật và hòa bình một cách cụ thể. Đức tin phát sinh từ một cuộc gặp gỡ với tình yêu nguyên thủy của Thiên Chúa, trong đó ý nghĩa và sự tốt lành của cuộc đời chúng ta trở nên rõ ràng; cuộc đời chúng ta được sáng tỏ theo mức độ mà nó đi vào động năng được mở ra bởi tình yêu này, đến mức nó trở thành một con đường và sự thực hành dẫn đến sự viên mãn của tình yêu. Ánh sáng đức tin có khả năng tăng cường sự phong phú của các mối liên hệ con người, khả năng chịu đựng, khả năng trở nên đáng tin cậy, khả năng làm phong phú đời sống cộng đồng của họ. Đức tin không kéo chúng ta ra khỏi thế gian hoặc tỏ ra xa lạ với những quan tâm cụ thể của con người thời đại. Nếu không có một tình yêu đáng tin cậy, không có gì thực sự có thể làm cho con người thực lòng hợp nhất với nhau. Sự hợp nhất của họ có thể hiểu được là chỉ dựa trên tiện ích, trên toan tính về những lợi ích hoặc sợ hãi trái ngược nhau, nhưng không dựa trên sự tốt lành của việc cùng nhau chung sống, cũng không dựa trên niềm vui mà sự hiện diện đơn thuần của tha nhân có thể mang lại. Đức tin làm cho chúng ta hiểu cấu trúc của các mối liên hệ con người, vì nó biết rằng nền tảng cuối cùng và số phận dứt khoát là ở nơi Thiên Chúa, trong tình yêu của Ngài, và do đó làm sáng tỏ nghệ thuật xây dựng, trở thành một phục vụ cho công ích. Phải, đức tin thực sự là sự tốt lành cho tất cả mọi người, nó là một lợi ích chung. Ánh sáng của nó không chỉ đơn thuần soi sáng phía trong của Hội Thánh, cũng không được xử dụng chỉ để xây một thành vĩnh cửu ở đời sau; nó cũng giúp chúng ta xây dựng các xã hội của chúng ta, để chúng ta có thể hành trình hướng về một tương lai đầy hy vọng. Thư gửi tín hữu Do Thái cho chúng ta một thí dụ về việc này khi, trong số những người có đức tin, thư kể tên ông Samuel và Vua Đavid, những vị mà đức tin cho phép “thực thi công lý” (Dt 11:33). Cách diễn tả này đề cập đến công lý trong việc cai trị của các vị ấy, đến sự khôn ngoan mang lại hòa bình cho dân chúng (x. 1 Sam 12:3-5; 2 Sam 8:15). Những bàn tay của đức tin giơ lên trời, nhưng họ làm thế trong khi xây dựng một thành trong đức ái, dựa trên mối liên hệ mà trong đó tình yêu của Thiên Chúa là nền tảng.
Đức tin và gia đình
52. Trong cuộc hành trình của ông Abraham hướng về thành tương lai, Thư gửi tín hữu Do Thái đề cập đến các phúc lành được truyền từ cha người sang các người con (x. Dt 11:20-21). Môi trường đầu tiên trong đó đức tin soi sáng thành của con người là gia đình. Trước hết tôi nghĩ đến sự kết hợp bền vững giữa người nam và ngưởi nữ trong hôn nhân. Sự kết hợp này phát sinh từ tình yêu của họ, như một dấu chỉ và sự hiện diện của tình yêu Thiên Chúa, và việc nhìn nhận và chấp nhận sự tốt lành của sự khác biệt giữa giới tính, nhờ đó vợ chồng có thể trở nên một xương một thịt (x. St 2:24) và có thể sinh ra sự sống mới, một biểu hiện của lòng nhân lành, sự khôn ngoan và kế hoạch yêu thương của Đấng Tạo Hóa. Căn cứ vào tình yêu này, một người nam và một người nữ có thể hứa với nhau một tình yêu hỗ tương trong một cử chỉ lên hệ đến toàn thể cuộc sống của họ và phản ảnh nhiều bình diện của đức tin. Chúng ta có thể thề hứa một tình yêu vĩnh viễn khi cảm nhận được một kế hoạch lớn hơn những kế hoạch của mình, một kế hoạch nâng đỡ chúng ta và cho phép chúng ta hiến trọn tương lai cho người mình yêu. Đức tin cũng giúp chúng ta hiểu tất cả chiều sâu và sự phong phú của việc sinh sản con cái, như một dấu chỉ của tình yêu của Đấng Tạo Hóa là Đấng đã trao phó cho chúng ta mầu nhiệm của một con người mới. Vì vậy, chính bà Sarah, nhờ đức tin mà trở thành một người mẹ, vì bà tin cậy vào sự trung tín của Thiên Chúa với lời hứa của Ngài (x. Dt 11:11).
53. Trong gia đình, đức tin đi cùng với mọi lứa tuổi của cuộc đời, bắt đầu với tuổi ấu thơ: trẻ em học cách tin tưởng vào tình yêu của cha mẹ. Đó là lý do tại sao điều rất quan trọng trong gia đình là cha mẹ khuyến khích chia sẻ đức tin để có thể giúp trẻ em từ từ trưởng thành trong đức tin của chúng. Đặc biệt là người trẻ, đang trải qua một giai đoạn trong cuộc sống rất phức tạp, phong phú và quan trọng đối với đức tin của các em. Các em cần phải cảm thấy sự gần gũi và nâng đỡ thường xuyên của gia đình và Hội Thánh trong cuộc hành trình đức tin của các em. Tất cả chúng ta đều thấy, trong Ngày Giới Trẻ Thế giới, những người trẻ bày tỏ niềm vui đức tin của các em, và sự dấn thân của các em trong một đời sống đức tin vững chắc hơn và quảng đại hơn như thế nào. Những người trẻ muốn một đời sống cao quý. Cuộc gặp gỡ Đức Kitô, việc để cho mình được lôi cuốn và hướng dẫn bởi tình yêu của Người, mở rộng chân trời cuộc đời, cung cấp cho đời sống một niềm hy vọng vững chắc là điều không làm cho nó thất vọng. Đức tin không phải là nơi trú ẩn của những kẻ nhát đảm, nhưng là điều thăng tiến cuộc đời chúng ta. Nó làm cho chúng ta nhận ra một lời mời gọi cao cả, ơn gọi yêu thương. Nó đảm bảo cho chúng ta rằng tình yêu này đáng tin cậy và đáng giá để theo đuổi, vì nó đặt nền tảng trên sự trung tín của Thiên Chúa, mạnh mẽ hơn sự mỏng dòn của chúng ta rất nhiều.
Một ánh sáng cho đời sống xã hội
54. Được hấp thụ và đào sâu trong gia đình, đức tin trở thành ánh sáng có khả năng soi sáng tất cả mọi mốiliên hệ của chúng ta trong xã hội. Như kinh nghiệm về tình phụ tử và lòng thương xót của Thiên Chúa, nó mở rộng ra trên con đường của tình huynh đệ. Trong “thởi hiện đại”, người ta tìm cách xây dựng tình huynh đệ phổ quát dựa trên sự bình đẳng, nhưng chúng ta dần dần nhận ra rằng tình huynh đệ này không thể bền vững vì không quy chiếu về một Cha chung như nền tảng tối hậu của nó. Như vậy, chúng ta cần phải quay trở lại với cội rễ thực sự của tình huynh đệ. Lịch sử đức tin, ngay từ ban đầu, là một lịch sử của tình huynh đệ, mặc dù không phải là không có tranh chấp. Thiên Chúa gọi ông Abraham rời bỏ xứ sở của ông và hứa sẽ làm cho con cháu ông thành một quốc gia vĩ đại, một dân tộc vĩ đại mà trên dân này phúc lành của Thiên Chúa ở lại (x.St 12:1-3). Như lịch sử cứu độ tiến triển, người ta thấy rõ ràng là Thiên Chúa muốn cho tất cả mọi người được tham gia, như anh chị em, vào phúc lành đặc biệt này, là điều đạt đến viên mãn trong Chúa Giêsu, ngõ hầu tất cả nên một. Tình yêu vô biên của Chúa Cha cũng được thông truyền cho chúng ta, trong Chúa Giêsu, thậm chí qua sự hiện diện của anh chị em chúng ta. Đức tin dạy chúng ta nhìn thấy rằng trong mỗi người có phúc lành dành cho tôi, rằng ánh sáng của Dung Nhan Thiên Chúa chiếu rọi trên tôi qua khuôn mặt của anh chị em tôi.
Cái nhìn của đức tin Kitô giáo đã mang đến thành của con người không biết bao nhiêu lợi ích cho cuộc sống chung của họ! Nhờ đức tin, chúng ta đã hiểu được giá trị độc đáo của mỗi người, là điều mà người ta không thấy rõ trong thời cổ đại. Trong thế kỷ thứ hai, Celsus, một người ngoại giáo, trách cứ các Kitô hữu về một ý tưởng mà ông cho là điên rồ và ảo tưởng: nghĩ rằng Thiên Chúa đã dựng nên thế giới cho con người, đã đặt con người ở tột đỉnh của toàn thể vũ trụ. “Tại sao lại cho rằng [cỏ] mọc lên vì lợi ích của con người, chứ không phải vì loài dã thú man rợ nhất trong tất cả loài vật mà không có lý do gì hết?” [46]. “Nếu chúng ta từ trời nhìn xuống đất, chúng ta có thực sự thấy bất kỳ sự khác biệt nào giữa các hoạt động của chúng ta và của những con kiến hay con ong không?” [47]. Ở trung tâm của đức tin theo Thánh Kinh là tình yêu của Thiên Chúa, là quan tâm cụ thể của Ngài dành cho tất cả mọi người, và kế hoạch cứu độ của Ngài là kế hoạch bao trùm toàn thể nhân loại và mọi tạo vật, là điều đạt đến tột đỉnh trong việc Nhập Thể, Cái Chết và việc Phục Sinh của Chúa Giêsu Kitô. Khi thực tại này bị che khuất, người ta không có tiêu chuẩn để phân biệt điều gì làm cho cuộc sống con người nên quý báu và độc đáo. Con người bị mất chỗ đứng trong vũ trụ, và lạc lõng trong thiên nhiên vì chối bỏ trách nhiệm luân lý của mình, hoặc giả bộ làm trọng tài tuyệt đối, tự cho là mình có một quyền năng vô hạn để thao túng.
55. Mặt khác, đức tin, qua việc tỏ cho chúng ta thấy tình yêu của Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa, làm chochúng ta tôn trọng thiên nhiên hơn nữa, và phân biệt trong đó trong một ngữ pháp được viết bởi bàn tay của Ngài và một nơi cư ngụ được trao cho chúng ta để bảo vệ và chăm sóc. Đức tin cũng giúp chúng ta tìm thấy những mô hình phát triển không chỉ đơn thuần dựa trên tiện ích và lợi nhuận, nhưng coi tạo vật như một hồng ân mà tất cả chúng ta đều phải mang ơn; nó dạy chúng ta khám phá ra những hình thức cai trị công chính, nhìn nhận rằng quyền hành đến từ Thiên Chúa và được dùng để phục vụ công ích. Đức tin cũng xác nhận khả năng tha thứ, là điều thường đòi hỏi thì giờ và nỗ lực, kiên nhẫn và dấn thân. Tha thứ là điều có thể khi người ta khám phá rằng sự tốt lành luôn luôn có trước và mạnh hơn sự dữ, và rằng lời mà Thiên Chúa dùng để nâng đỡ cuộc đời chúng ta thì sâu sắc hơn mọi khước từ của chúng ta. Ngoài ra, ngay từ một quan điểm hoàn toàn nhân chủng, sự hợp nhất vẫn cao hơn sự tranh chấp; chúng ta cũng có trách nhiệm phải đối phó với tranh chấp trong khi tìm cách giải quyết nó, để đánh bại nó, biến nó thành một mắt xích trong một chuỗi, trong một tiến trình hướng về sự hiệp nhất.
Khi đức tin bị suy yếu, thì ngay cả những nền tảng của cuộc sống cũng có nguy cơ bị thu hẹp lại, như thi sỹ T. S. Eliot cảnh báo: “Bạn có cần người ta phải bảo bạn rằng ngay cả những thành tựu khiêm tốn này / là những điều cho phép bạn tự hào theo kiểu xã hội thượng lưu / sẽ khó mà tồn tại được nếu không có đức tin, là điều mà nhờ đó chúng trở thành quan trọng không?” [48]. Nếu chúng ta loại bỏ đức tin vào Thiên Chúa ra khỏi các thành của chúng ta, sự tin tưởng lẫn nhau sẽ bị suy yếu, chúng ta sẽ chỉ còn giữ được sự hợp nhất vì sợ hãi mà thôi, và sự ổn định của chúng ta sẽ bị đe dọa. Thư gửi tín hữu Do Thái xác quyết rằng “Thiên Chúa đã không hổ thẹn để cho các ngài gọi mình là Thiên Chúa của các ngài, vì đã chuẩn bị một thành cho các ngài”(Dt 11:16). Ở đây, từ ngữ “không hổ thẹn” liên hệ với việc thừa nhận công khai. Người ta muốn nói rằng Thiên Chúa thú nhận một cách công khai rằng, bằng hành động cụ thể của Ngài, Ngài hiện diện giữa chúng ta, và Ngài muốn củng cố mọi mối liên hệ giữa loài người. Chẵng lẽ chúng ta lại là những kẻ cảm thấy xấu hổ khi gọi Thiên Chúa là Thiên Chúa của mình sao? Chẳng lẽ chúng ta lại là những kẻ không dám tuyên xưng Ngài như thế trong đời sống công cộng của mình, là những người không dám nói lên sự cao cả của cuộc sống chung mà Ngài làm cho khả dĩ sao? Đức tin soi sáng cuộc sống trong xã hội. Nó có một ánh sáng sáng tạo dành cho mỗi giai đoạn mới của lịch sử, bởi vì nó đặt tất cả mọi biến cố trong sự liên hệ với nguyên thủy và cứu cánh của mọi sự trong Chúa Cha, là Đấng yêu thương chúng ta.
Một sức mạnh an ủi trong đau khổ
56. Khi viết cho các tín hữu Côrintô về những gian nan và đau khổ của mình, Thánh Phaolô liên kết đức tin của ngài với việc rao giảng Tin Mừng. Thực ra, ngài nói rằng trong ngài lời Thánh Kinh: “Tôi đã tin, nên tôi mới nói” (2 Cor 4:13) đã được thực hiện. Thánh Tông Đồ nhắc đến một câu của Thánh Vịnh 116, trong đó tác giả Thánh Vịnh thốt lên: “Tôi giữ đức tin của tôi, ngay cả khi tôi nói: ‘Tôi rất khốn khổ’” (câu 10). Nói về đức tin cũng liên quan đến việc nói về những thử thách đau đớn, nhưng thực ra, Thánh Phaolô thấy trong chúng lời rao giảng có sức thuyết phục nhất của Tin Mừng, vì chính trong sự yếu đuối và đau khổ mà chúng ta khám phá ra rằng quyền năng của Thiên Chúa thắng vượt sự yếu đuối và đau khổ của chúng ta. Chính Thánh Tông Đồ thấy mình ở trong một tình trạng bị chết, là tình trạng sẽ trở nên sự sống cho các Kitô hữu (x. 2 Cor 4:7-12). Trong giờ thử thách, đức tin soi sáng chúng ta; trong đau khổ và yếu đuối, chúng ta thấy rõ rằng “[…]chúng tôi không rao giảng chính mình, mà rao giảng Chúa Giêsu Kitô là Chúa” (2 Cor 4:5). Chương mười một của Thư gửi tín hữu Do Thái kết thúc bằng việc nhắc đến những người chịu đau khổ vì đức tin (x. Dt11:35-38); trong số đó có một chỗ đặc biệt dành cho ông Môsê, người đã mang trên mình sự sỉ nhục của Đức Kitô (xem câu 26). Người Kitô hữu biết rằng mình không thể loại bỏ đau khổ, nhưng chúng có thể có ý nghĩa và trở thành một hành động yêu thương, tín thác vào vào bàn tay Thiên Chúa là Đấng không bỏ rơi chúng ta, bằng cách này, nó là một giai đoạn tăng trưởng trong đức tin và tình yêu. Qua việc chiêm niệm sự kết hợp của Đức Kitô với Chúa Cha, cả trong giờ phút đau khổ tột đỉnh của Người trên Thánh Giá (x. Mc15:34), người Kitô hữu học chia sẻ cùng một cái nhìn của Chúa Giêsu. Vì thế ngay cả cái chết cũng được sáng tỏ và có thể được cảm nghiệm như lời mời gọi cuối cùng với đức tin, lời mời gọi sau cùng “Hãy rời bỏ vùng đất của ngươi” (St 12:1), lời mời gọi “Hãy đến!” cuối cùng mà Đức Chúa Cha nói, mà với Ngài chúng ta phó thác trong sự tự tin rằng Ngài cũng sẽ củng cố chúng ta ngay cả trong bước cuối cùng của chúng ta.
57. Ánh sáng đức tin và cũng không làm cho chúng ta quên đi những đau khổ của thế giới này. Những người đang chịu đau khổ đã là những trung gian của ánh sáng cho biết bao nhiêu người nam nữ có đức tin! Với Thánh Phanxicô thành Assisi và người bị bệnh phong cùi, hoặc với Mẹ Chân Phước Têrêsa thành Calcutta và những người nghèo của mẹ cũng thế. Các ngài đã hiểu mầu nhiệm hoạt động trong đó. Khi đến gần những người đau khổ, các ngài chắc chắn không thể loại bỏ tất cả các nỗi đau của họ, hoặc giải thích đuợc mọi sự dữ. Đức tin không phải là một ánh sáng xua đuổi tất cả mọi bóng tối của chúng ta, nhưng là một ngọn đèn hướng dẫn các bước đi của chúng ta trong đêm tối và đủ cho cuộc hành trình. Đối với những người đau khổ, Thiên Chúa không ban cho những lý lẽ để giải thích mọi sự, đúng hơn, nhưng Ngài ban câu trả lời của Ngài dưới hình thức một sự hiện diện đi cùng, một lịch sử của sự tốt lành kết hợp với mỗi câu chuyện về đau khổ để mở ra cho nó một tia sáng. Trong Đức Kitô, Thiên Chúa muốn chia sẻ con đường này với chúng ta và ban cho chúng ta cái nhìn của Người để chúng ta có thể nhìn thấy ánh sáng bên trong nó. Đức Kitô, khi đã chịu đau khổ, là “Ðấng khai mở và kiên toàn đức tin” (Dt 12:2).
Đau khổ nhắc nhở chúng ta rằng việc phục vụ của đức tin cho công ích luôn luôn là việc phục vụ của hy vọng, một niềm hy vọng nhìn về phía trước, trong khi biết rằng chỉ từ Thiên Chúa, từ tương lai đến từ Chúa Giêsu Phục Sinh, xã hội chúng ta mới có thể tìm thấy nền tảng vững chắc và lâu dài của nó. Theo nghĩa này, đức tin liên kết với hy vọng, cho dù nơi ở của chúng ta ở dưới đất có thể bị phá hủy, chúng ta có một nơi ở vĩnh cửu mà Thiên Chúa đã chuẩn bị trong Đức Kitô, trong thân thể của Người (x. 2 Cor 4:16 – 5:5 ). Như thề, động năng của đức tin, đức cậy (hy vọng) và đức mến (bác ái) (x. 1 Th 1:3; 1 Cor 13:13) dẫn chúng ta đến ôm ấp những quan tâm của tất cả mọi người trong cuộc hành trình của chúng ta hướng về thành này “là thành mà Thiên Chúa là kiến trúc sư và người xây dựng” (Dt 11:10), bởi vì “hy vọng không làm chúng ta thất vọng” (Rm5:5).
Trong sự hợp nhất với đức tin và đức mến, đức cậy đẩy chúng ta về một tương lai vững chắc, nằm trong một viễn cảnh khác với những đề nghị hão huyền của các thần tượng của thế gian, cung cấp một động lực mới và sức mạnh cho cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Đừng để cho ai cướp mất niềm hy vọng của mình, hoặc để cho nó trở nên vô ích vì những giải pháp và những đề nghị tức thời là những điều ngăn chặn cuộc hành trình của chúng ta, là những điều bẻ thời gian ra “thành từng mảnh vụn” và biến đổi nó thành không gian. Thời gian luôn luôn lớn hơn nhiều so với không gian. Không gian làm cho tiến trình bị cứng lại, trong khi thời gian đẩy tới tương lai và khuyến khích chúng ta tiến bước trong hy vọng.
Phúc cho Bà, vì đã tin (Lc 1,45)
58. Trong dụ ngôn người gieo giống, Thánh Luca tường thuật những lời này mà Chúa Giêsu đã dùng để giải thích ý nghĩa của “đất tốt”: “Đó là những kẻ khi nghe Lời Chúa thì nghe Lời Chúa với một tâm hồn cao thượng và đại lượng, mà sinh hoa kết quả nhờ kiên tâm bền chí.” (Lc 8:15). Trong bối cảnh của Tin Mừng Thánh Luca, đề cập đến một tâm hồn cao thượng và đại lượng, nói về những người nghe và giữ lời, bao gồm một chân dung tiềm ẩn của đức tin của Đức Trinh Nữ Maria. Chính thánh sử nói về ký ức của Đức Mẹ Maria, làm sao Mẹ giữ trong lòng mình tất cả những gì Mẹ đã nghe và đã thấy, để từ đó có thể sinh hoa kết quả trong đời sống của Mẹ. Mẹ của Chúa là biểu tượng hoàn hảo của đức tin, như Thánh Elidabeth nói: “Phúc cho em vìđã tin” (Lc 1:45).
Trong Đức Mẹ Maria, thiếu nữ Sion, lịch sử lâu dài của đức tin của Cựu Ước đã được thể hiện, với tường thuật về đời sống của rất nhiều phụ nữ trung thành, bắt đầu với bà Sarah, là những phụ nữ, cùng với các Tổ Phụ, là nơi mà lời hứa của Thiên Chúa đã được hoàn thành và cuộc sống mới nở hoa. Trong thời viên mãn, Lời Chúa đã nói cùng Mẹ Maria và Mẹ đã đón nhận với tất cả con người, trong tâm hồn Mẹ, để Lời ấy có thể thành nhục thể trong lòng Mẹ và được sinh ra như ánh sáng cho nhân loại. Thánh Gustinô Tử Đạo, trong cuộc đối thoại với Tryphô, sử dụng một cách diễn tả tuyệt vời mà qua đó ngài nói rằng Đức Maria, khi chấp nhận sứ điệp của thiên sứ, đã thụ thai “đức tin và niềm vui” [49]. Thực ra, trong Mẹ Chúa Giêsu, đức tin thể hiện trọn vẹn hoa trái của nó, và khi đời sống tinh thần của chúng ta sinh hoa trái làm cho chúng ta trở nên tràn đầy niềm vui, đó là dấu chỉ rõ ràng nhất về sự cao cả của đức tin. Trong cuộc sống của mình, Đức Mẹ hoàn thành cuộc hành hương đức tin, theo bước chân của Con Mẹ [50]. Như vậy, trong Đức Mẹ, cuộc hành trình đức tin của Cựu Ước được tiếp tục bằng việc đi theo Đức Kitô, để cho Người biến đổi, và đi vào trong nhãn quan của Con Thiên Chúa Nhập Thể.
59. Chúng ta có thể nói rằng nơi Đức Trinh Nữ Maria, chúng ta thấy thể hiện điều mà tôi đã đề cập trước đây, nghĩa là người tín hữu được hoàn toàn thu hút vào lời tuyên xưng đức tin của mình. Vì Đức Mẹ liên kết chặt chẽ với Chúa Giêsu, Mẹ cũng liên kết chặt chẽ với những gì mà chúng ta tin. Trong việc thụ thai mà vẫn còn đồng tring của Mẹ, chúng ta có một dấu chỉ rõ ràng về việc làm Con Thiên Chúa của Đức Kitô. Nguồn gốc vĩnh cửu của Đức Kitô trong Chúa Cha. Người là Con theo một ý nghĩa tổng thể và độc nhất, và vì vậy Người được sinh ra trong thời gian mà không cần sự can thiệp của một người nam. Như Chúa Con, Chúa Giêsu mang đến cho thế giới một khởi đầu mới và một ánh sáng mới, sự viên mãn của tình yêu trung tín của Thiên Chúa, Đấng tự hiến mình cho nhân loại. Ngoài ra, tình mẫu tử thật sự của Đức Mẹ Maria cũng đảm bảo cho Con Thiên Chúa một lịch sử nhân loại đích thực, một xác thịt thực sự, trong đó Người sẽ chết trên Thánh Giá và sống lại từ cõi chết. Đức Mẹ Maria sẽ đi theo Chúa Giêsu cho đến tận Thánh Giá (x. Ga 19:25), từ đó tình mẫu tử của Mẹ sẽ mở rộng cho tất cả các môn đệ của Người (x. Ga 19:26-27). Mẹ cũng sẽ có mặt trong căn phòng trên lầu, sau khi Chúa Giêsu Phục Sinh và Lên Trời, cùng các Tông Đồ cầu xin ơn Chúa Thánh Thần (x. Cv 1,14). Chuyển động của tình yêu giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần chạy qua lịch sử của chúng ta, và Đức Kitô lôi kéo chúng ta về với chính Người để cứu chúng ta (x. Ga 12:32). Ở trung tâm đức tin của chúng ta là lời tuyên xưng về Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, sinh bởi một người nữ, là Đấng đem chúng ta đến việc làm nghĩa tử, nhờ hồng ân của Chúa Thánh Thần (x. Galatians 4:4).
60. Chúng ta hãy hướng về Đức Mẹ Maria, Mẹ Hội Thánh và Mẹ của đức tin của chúng ta trong cầu nguyện.
Lạy Mẹ, xin giúp đỡ đức tin của chúng con!
Xin mở tai chúng con để lắng nghe lời Chúa và nhận ra giọng của Thiên Chúa cùng lời mời gọi của Người.
Xin đánh thức trong chúng con ước muốn đi theo bước chân Người, ra đi từ vùng đất của chúng con và nhận được lời hứa của Người.
Xin giúp chúng con để chúng con được tình yêu của Người chạm đến, và để chúng con có thể chạm vào Người trong đức tin.
Xin giúp chúng con phó thác hoàn toàn cho Người và tin vào tình yêu của Người, đặc biệt là trong những lúc bị thử thách và của thập giá, khi đức tin của chúng con được mời gọi đến trưởng thành.
Xin gieo trong đức tin của chúng con niềm vui của Đấng Phục Sinh.
Xin nhắc nhở chúng con rằng những người tin không bao giờ một mình.
Xin dạy cho con nhìn tất cả mọi sự với cặp mắt của Chúa Giêsu, để Người có thể là ánh sáng cho cuộc hành trình của chúng con. Và xin cho ánh sáng đức tin này luôn luôn lớn lên trong chúng con, cho đến một ngày không có hoàng hôn, chính là Đức Kitô, Con Mẹ và Chúa chúng con!
Xin đánh thức trong chúng con ước muốn đi theo bước chân Người, ra đi từ vùng đất của chúng con và nhận được lời hứa của Người.
Xin giúp chúng con để chúng con được tình yêu của Người chạm đến, và để chúng con có thể chạm vào Người trong đức tin.
Xin giúp chúng con phó thác hoàn toàn cho Người và tin vào tình yêu của Người, đặc biệt là trong những lúc bị thử thách và của thập giá, khi đức tin của chúng con được mời gọi đến trưởng thành.
Xin gieo trong đức tin của chúng con niềm vui của Đấng Phục Sinh.
Xin nhắc nhở chúng con rằng những người tin không bao giờ một mình.
Xin dạy cho con nhìn tất cả mọi sự với cặp mắt của Chúa Giêsu, để Người có thể là ánh sáng cho cuộc hành trình của chúng con. Và xin cho ánh sáng đức tin này luôn luôn lớn lên trong chúng con, cho đến một ngày không có hoàng hôn, chính là Đức Kitô, Con Mẹ và Chúa chúng con!
Ban hành tại Rôma, tại Thánh Đền Phêrô, ngày 29 tháng 6, Lễ Hai Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô, năm 2013, năm thứ nhất của triều đại giáo hoàng của tôi.
PHANXICÔ
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ theo bản Latinh, Tiếng Anh và Tiếng Pháp của Tòa Thánh
————–
[46] Origen, Contra Celsum, IV, 75: SC 136, 372.
[47] Như trên, 85:. SC 136, 394.
[48] “Choruses from The Rock” in: The Collected Poems and Plays 1909-1950, New York 1980, 106.
[49] X. Dialogus cum Tryphone Iudaeo, 100, 5: PG 6, 710.
[50] X. Công Đồng Vatican II, Hiến Chế Tín Lý về Hội Thánh Lumen Gentium, 58
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét