CHƯƠNG BA
TÔI TRUYỀN LẠI CHO ANH EM ĐIỀU MÀ TÔI ĐÃ LÃNH NHẬN
(x. 1 Corinthians 15:3)
TÔI TRUYỀN LẠI CHO ANH EM ĐIỀU MÀ TÔI ĐÃ LÃNH NHẬN
(x. 1 Corinthians 15:3)
Hội Thánh, mẹ của đức tin của chúng ta
37. Những ai đã mở cửa tâm hồn mình cho tình yêu của Thiên Chúa, đã nghe thấy giọng nói của Ngài và nhận được ánh sáng của Ngài, thì không thể giữ món quà này cho riêng mình.
Vì khi đức tin được nghe và thấy, nó cũng được truyền lại như lời nói
và ánh sáng. Khi nói với tín hữu Côrinthô, Thánh Phaolô chỉ sử dụng hai
hình ảnh này.
Một đàng ngài nói: “Vì có được cùng một tinh thần đức
tin, như đã chép trong Thánh Kinh: ‘Tôi đã tin, nên tôi mới nói,’ thì
chúng tôi cũng tin, nên chúng tôi mới nói” (2 Cor 4:13
). Lời, một khi được đón nhận, sẽ trở thành một đáp trả, một tuyên
xưng đức tin, và bằng cách này được truyền sang người khác và mời họ
tin. Ở phần khác, Thánh Phaolô cũng nhắc đến ánh sáng: “Tất
cả chúng ta, với mặt không màn che, phản chiếu vinh quang của Chúa như
một tấm gương, được biến đổi nên giống như cũng hình ảnh đó” (2 Cor
3:18). Đó là một ánh sáng phản chiếu từ khuôn mặt này sang khuôn mặt
khác, mà ngay cả ông Môsê cũng đã mang trên mình một phản ảnh của vinh
quang Thiên Chúa sau khi đàm đạo với Ngài: “Thiên Chúa đã chiếu sáng tâm hồn chúng tôi, để làm sáng tỏ sự hiểu biết về vinh quang của Thiên Chúa trên Dung Nhan Ðức Kitô” (2 Cor
4:6). Ánh sáng Đức Kitô chiếu tỏa, như trên một tấm gương, trên gương
mặt các Kitô hữu, vì nó tỏa ra, cho nên nó đến với chúng ta, để chúng
ta cũng có thể chia sẻ cái nhìn ấy và phản chiếu ánh sáng ấy cho những
người khác, trong cùng một cách như trong phụng vụ lễ Phục Sinh, ánh
sáng của cây nến Phục Sinh thắp sáng vô số các cây nến khác. Chúng ta
có thể nói, đức tin được truyền từ người này sang người khác qua việc
tiếp xúc, như một ngọn lửa được thắp sáng từ một ngọn lửa khác. Các
Kitô hữu, trong sự nghèo nàn của mình, trồng một hạt giống quá phong phú
đến nỗi nó trở thành một cây lớn, có khả năng làm đầy thế giới với trái
của nó.
38. Việc truyền bá đức tin, là đức tin soi sáng tất cả mọi người ở mọi nơi, cũng đi qua trục lộ thời gian, từ thế hệ này sang thế hệ khác. Vì đức tin được sinh ra từ một cuộc gặp gỡ diễn ra trong lịch sử và soi sáng cuộc hành trình của chúng ta qua thời gian, nó phải được truyền lại trong mọi thời đại. Chính qua một chuỗi không đứt đoạn các nhân chứng mà Dung Nhan của Chúa Giêsu được truyền đến tận chúng ta. Điều này làm sao mà có thể được? Làm sao chúng ta có thể chắc chắn rằng chúng ta gặp “Chúa Giêsu thật” sau tất cả những thế kỷ ấy? Nếu con người từng là một cá nhân tách biệt, nếu chúng ta muốn khởi đầu đơn thuần từ “cái tôi” cá nhân, muốn tìm trong chính mình sự chắc chắn của kiến thức, thì một sự chắc chắn như thế là điều không thể có được. Tôi không nhìn thấy qua mình những gì đã xảy ra quá lâu rồi. Nhưng đây không phải là cách duy nhất con người học hỏi. Con người luôn luôn sống trong sự liên hệ. Chúng ta đến từ những người khác, chúng ta thuộc về những người khác, và cuộc đời chúng ta được mở rộng nhờ gặp gỡ những người khác. Ngay cả kiến thức của chúng ta và việc tự hiểu mình, biết chính mình, cũng đến từ một loại liên hệ, và liên kết với những người khác là những người đã đi trước chúng ta: trước tiên là cha mẹ, là những người đã cho chúng ta sự sống và cho chúng ta tên gọi. Ngay cả ngôn ngữ, những từ ngữ mà chúng ta dùng để cắt nghĩa cuộc đời và thế giới chung quanh chúng ta, cũng đến với chúng ta từ những người khác, được giữ gìn trong ký ức sống động của những người khác. Việc tự biết mình chỉ khả thi khi chúng ta thông phần vào một ký ức lớn hơn. Điều đó cũng đúng đối với đức tin, là điều làm cho sự hiểu biết của con người nên hoàn hảo. Việc truyền lại đức tin, hành động này của tình yêu của Chúa Giêsu đã ban sự sống mới cho thế gian, đến với chúng ta qua ký ức của những người khác, những nhân chứng, và được giữ cho sống mãi trong một chủ thể duy nhất của ký ức là Hội Thánh. Hội Thánh là một người Mẹ dạy chúng ta nói ngôn ngữ đức tin. Thánh Gioan nói lên điều này trong Tin Mừng của ngài bằng cách liên kết đức tin với ký ức, và liên kết tất cả với hoạt động của Chúa Thánh Thần, Đấng, như Chúa Giêsu đã nói, “sẽ nhắc nhở các con mọi sự” (Ga 14:26). Tình Yêu là Chúa Thánh Thần và Ngài đang sống trong Hội Thánh, duy trì sự liên kết giữa mọi thời đại với nhau, và làm cho chúng ta thành những người đương thời của Chúa Giêsu, như thế hướng dẫn chúng ta trên cuộc hành trình đức tin của chúng ta.
39. Không thể tin vào chính mình. Đức tin không chỉ đơn thuần là một chọn lựa cá nhân mà người tín hữu làm trong thâm tâm của mình, nó cũng không phải một mối liên hệ hoàn toàn riêng tư giữa cái “tôi” của người tín hữu và Thiên Chúa là “Ngài”, giữa một chủ đề tự trị và Thiên Chúa. Tự bản chất, đức tin được mở ra cho cái “chúng ta” của Hội Thánh, nó luôn luôn xảy ra trong sự hiệp thông của Hội Thánh. Hình thức đối thoại của Kinh Tin Kính được sử dụng trong phụng vụ Rửa Tội nhắc nhở chúng ta về điều này. Việc tin được diễn tả như đáp lại một lời mời, một lời phải được lắng nghe và không phải là của riêng tôi, nhưng nằm trong một cuộc đối thoại, và nó không thể đơn thuần chỉ là một lời tuyên xưng phát xuất từ một cá nhân. Chúng ta có thể trả lời trong số ít – “Tôi tin” – chỉ vì chúng ta là một phần của một sự hiệp thông lớn hơn, chỉ vì chúng ta cũng nói: “Chúng tôi tin”. Sự mở ra này cho cái “Chúng tôi” của Hội Thánh xảy ra theo chính sự mở ra của tình yêu Thiên Chúa, mà không chỉ là mối liên hệ giữa Chúa Cha và Chúa Con, giữa “tôi” và “Chúa”, nhưng còn một “chúng ta”, trong Chúa Thánh Thần, một sự hiệp thông của các ngôi vị. Ở đây chúng ta thấy lý do tại sao người tin không bao giờ một mình, và lý do tại sao đức tin có khuynh hướng lan ra, mời gọi những người khác đến niềm vui của mình. Người lãnh nhận đức tin khám phá ra rằng chân trời của “cái tôi” của họ mở rộng, và các mối liên hệ mới làm phong phú đời sống được chồng chất. Tertullian đã diễn tả điều này cách hiệu quả khi ông mô tả những người tân tòng, “sau khi tắm để tái sinh,” được đón nhận vào nhà của Mẹ để giơ tay và cầu nguyện Kinh Lạy Cha cùng với anh chị em của họ [34 ].
Các bí tích và việc truyền đạt đức tin
40. Hội Thánh, như tất cả các gia đình, truyền lại cho con cái của mình tất cả nội dung ký ức của mình.
Nhưng làm sao để không mất một điều gì, mà trái lại, tất cả mọi sự
trong gia sản đức tin lại được hiểu sâu sắc hơn? Chính nhờ việc Tông
Truyền được duy trì trong Hội Thánh với sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần,
mà chúng ta được tiếp xúc một cách sống động với ký ức nền tảng. Những
điều đã được lưu truyền bởi các Tông Đồ, như Công Đồng Vaticanô II
khẳng định, “bao gồm tất cả những gì đóng góp vào việc làm cho đời sống dân Chúa được thánh thiện và gia tăng đức tin của họ. Bằng cách này, Hội Thánh, trong giáo lý, cuộc sống và việc phụng tự của mình, làm sống mãi và truyền cho mọi thế hệ tất cả những gì mình là và tất cả những gì mình tin” [35].
Thực ra, đức tin cần có một môi trường mà trong đó nó có thể được làm
chứng và truyền đạt, một phương tiện phù hợp và tương xứng với những gì
được truyền đạt. Để truyền đạt nội dung hoàn toàn tín lý, một ý tưởng
hoặc một cuốn sách có lẽ đủ, hoặc lặp đi lặp lại một sứ điệp được truyền
khẩu. Nhưng những gì được truyền lại trong Hội Thánh, những gì được
truyền lại trong Truyền Thống sống động của Hội Thánh, là ánh sáng mới
phát sinh từ một cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa hằng sống, một ánh sáng chạm
đến con người một cách sâu thẳm, đến tâm hồn, bao gồm cả tâm trí, ý chí
và tình cảm của họ, mở ra cho những mối liên hệ sống động trong sự hiệp
thông với Thiên Chúa và với tha nhân. Để truyền thông sự sung mãn này,
có một công cụ đặc biệt bao gồm toàn thể con người, thân xác và tinh
thần, đời sống nội tâm và những liên hệ. Công cụ ấy là các Bí Tích,
được cử hành trong phụng vụ của Hội Thánh. Trong đó thông truyền ký ức
nhập thể, được liên kết với không gian và thời gian của cuộc sống, và
liên hệ mật thiết với tất cả các giác quan; trong đó toàn thể con người
được tham gia như một phần tử của một chủ thể sống động, và một phần của
một mạng lưới các mối liên hệ cộng đoàn. Trong khi các bí tích thực sự
là bí tích của đức tin [36], chúng ta cũng có thể nói rằng đức tin có
một cấu trúc bí tích. Sự thức tỉnh của đức tin đi qua sự thức tỉnh của
một cảm thức bí tích mới về đời sống con người và đời sống Kitô hữu,
trong đó cho thấy làm sao các thực tại hữu hình và vật chất tự mở ra cho
những Mầu Nhiệm vĩnh cửu.
41. Nơi đầu tiên xảy ra việc truyền lại đức tin là qua bí tích Rửa Tội. Một số người có thể nghĩ rằng bí tích Rửa Tội chỉ đơn thuần là một biểu tượng cho việc tuyên xưng đức tin, một hành vi sư phạm cho những người cần hình ảnh và cử chỉ, mà chung cuộc có thể bỏ qua. Một lời xác quyết của Thánh Phaolô về bí tích Rửa Tội nhắc cho chúng ta rằng không phải như thế. Thánh Phaolô nói rằng “chúng ta đã cùng được mai táng với Người bằng phép rửa trong cái chết của Người, để cũng như Ðức Kitô đã sống lại từ cõi chết nhờ vinh quang của Chúa Cha thế nào, thì chúng ta cũng sống một đời sống mới như vậy” (Rm 6:4). Trong bí tích Rửa Tội, chúng ta trở nên một tạo vật mới và dưỡng tử của Thiên Chúa. Thánh Tông Đồ quả quyết rằng các Kitô hữu đã được trao phó cho một “hình thức giáo huấn” (týpos didachés), mà bây giờ họ tuân phục bằng cả tâm hồn (x. Rm 6:17). Trong bí tích Rửa Tội, con người nhận được cả giáo lý để tuyên xưng và một cách sống cụ thể đòi hỏi sự tham gia của toàn thể con người và đặt họ trên con đường dẫn đến sự tốt lành. Họ được chuyển sang một quỹ đạo mới, được trao vào một môi trường mới, một cách mới để làm việc với nhau, trong Hội Thánh. Như thế, bí tích Rửa Tội nhắc cho chúng ta rằng đức tin không phải là công việc của một cá nhân bị cô lập, không phải là một hành động mà một người có thể thực hiện bằng sức riêng của mình, mà là điều phải được nhận qua việc đi vào sự hiệp thông của Hội Thánh, là nơi truyền món quà của Thiên Chúa cho họ: không ai tự rửa tội cho mình, cũng như không ai tự sinh ra chính mình. Chúng ta được rửa tội.
42. Các yếu tố của bí tích Rửa Tội giới thiệu chúng ta vào “hình thức giáo huấn” mới này là gì? Trước hết là Thánh Danh của Thiên Chúa Ba Ngôi – Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần – được cầu khẩn trên người dự tòng. Vì vậy, ngay từ đầu, một tổng hợp của hành trình đức tin được cung cấp. Thiên Chúa, Đấng đã gọi ông Abraham và muốn được gọi là Thiên Chúa của ông; Thiên Chúa, Đấng đã mặc khải Danh của mình cho ông Môsê; Thiên Chúa, Đấng khi trao ban Con của Ngài cho chúng ta, đã mặc khải trọn vẹn mầu nhiệm của Thánh Danh Ngài, ban cho người được rửa tội một căn tính con thảo mới. Điều này được thấy rõ trong chính hành động rửa tội: việc dìm vào nước. Nước vừa là một biểu tượng của sự chết, mời gọi chúng ta đi qua tự việc hoán cải của “cái tôi” sang một “Cái Tôi” lớn hơn, và một biểu tượng của sự sống, một đời sống trong đó chúng ta được tái sinh bằng cách đi theo Đức Kitô trong đời sống mới của Người. Bằng cách này, qua việc dìm vào nước, bí tích Rửa Tội nói cho chúng ta về cấu trúc nhập thể của đức tin. Hành động của Đức Kitô chạm đến chúng ta trong thực tại cá nhân của chúng ta và biến đổi chúng ta tận gốc, làm cho chúng ta thành nghĩa tử của Thiên Chúa và người thông phần vào bản tính Thiên Chúa. Như vậy, nó sửa đổi tất cả các mối liên hệ của chúng ta, hoàn cảnh cụ thể của chúng ta trong thế giới này và trong vũ trụ, và mở chúng ra cho đời sống hiệp thông của Ngài. Động năng biến đổi, đặc thù của bí tích Rửa Tội giúp chúng ta hiểu tầm quan trọng của thời gian dự tòng, là thời gian mà ngày nay, ngay cả trong các xã hội có nguồn gốc Kitô giáo xưa kia – trong đó số của người lớn tiếp cận bí tích Rửa Tội càng ngày càng gia tăng – tái khám phá ra tầm quan trọng đặc biệt của việc việc Tân Phúc Âm hóa. Đó là con đường chuẩn bị cho bí tích Rửa Tội, cho việc hoán cải toàn thể cuộc đời của chúng ta trong Đức Kitô.
Để hiểu mối liên hệ giữa bí tích Rửa Tội và đức tin, chúng ta có thể
nhắc lại một đoạn của ngôn sứ Isaia, được liên kết với bí tích Rửa Tội
trong văn chương Kitô giáo thời xưa: “có pháo đài trên núi đá làm nơi trú ẩn (…) nước uống chẳng lo thiếu bao giờ.” (Is 33:16) [37]. Người được rửa tội, được giải thoát từ nước sự chết, đã có thể được đặt trong một “pháo đài trên núi đá”
vì người ấy đã tìm thấy một điểm tựa vững chắc. Như thế, nước của sự
chết được biến đổi thành nước của sự sống. Văn bản Hy Lạp nói về nó như
nước pistos, nước “trung thành.” Nước Rửa Tội là nước
trung thành bởi vì chúng ta có thể tin tưởng vào nó, vì dòng của nó chảy
vào sức mạnh của tình yêu Đức Kitô, nguồn gốc sự đảm bảo cho cuộc hành
trình của chúng ta trong đời.
43. Cấu trúc của bí tích Rửa Tội, hình thức của nó như một việc tái sinh, trong đó chúng ta nhận được một tên mới và một cuộc sống mới, giúp chúng ta hiểu rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của bí tích Rửa Tội trẻ em. Trẻ em không có khả năng chấp nhận đức tin bằng một hành động tự do, cũng chưa thể tuyên xưng đức tin của mình; cho nên đức tin được cha mẹ và cha mẹ đỡ đầu nhân danh các em mà tuyên xưng. Vì đức tin là một thực thể sống trong cộng đồng Hội Thánh, một phần của cái “Chúng tôi” chung, trẻ em có thể được nâng đỡ bởi những người khác, cha mẹ và những người đỡ đầu của các em, và có thể được đón nhận vào đức tin của mình, đó là đức tin của Hội Thánh, điều này được tượng trưng bằng ánh sáng mà cha đứa trẻ thắp lên từ cây nến Phục Sinh. Cấu trúc này của bí tích Rửa Tội cho thấy tầm quan trọng của sự hợp tác giữa Hội Thánh và gia đình trong việc truyền thụ đức tin. Cha mẹ được gọi, như lời Thánh Augustinô, không những chỉ để sinh sản con cái mà còn để dẫn các em lại với Thiên Chúa, ngõ hầu nhờ bí tích Rửa Tội các em có thể được tái sinh làm con cái Thiên Chúa và đón nhận hồng ân đức tin [38]. Như vậy, cùng với sự sống, trẻ em được định hướng cơ bản và đảm bảo một tương lai tốt đẹp, định hướng này sẽ được củng cố hơn nữa trong bí tích Thêm Sức với ấn tín của Chúa Thánh Thần.
44. Bản tính bí tích của đức tin tìm được cách diễn tả cao nhất trong bí tích Thánh Thể. Thánh Thể là lương thực quý báu cho đức tin: một cuộc gặp gỡ với Đức Kitô thực sự hiện diện trong hành động tối cao của tình yêu, món quà ban sự sống của chính mình. Trong Bí Tích Thánh Thể, chúng ta có hai trục lộ mà trên đó đức tin hành trình. Một đàng là trục lộ lich sử: Thánh Thể là một hành động tưởng nhớ, một sự hiện tại hóa mầu nhiệm, trong đó quá khứ, như biến cố chết và sự sống lại, chứng tỏ khả năng mở ra một tương lai, báo trước sự viên mãn chung cuộc. Phụng vụ nhắc nhở chúng ta điều này bằng cách lặp đi lặp lại từ hodie,“ngày hôm nay”, của những Mầu Nhiệm cứu độ. Đàng khác, chúng ta cũng tìm thấy một trục lộ dẫn từ thế giới hữu hình đến vô hình. Trong bí tích Thánh Thể chúng ta học để hiểu biết chiều sâu của thực tại. Bánh và rượu biến đổi thành Mình và Máu Đức Kitô, Đấng trở nên hiện diện trong cuộc hành trình Vượt Qua của Người về phía Chúa Cha: sự chuyển động này đưa chúng ta, thân xác và linh hồn, vào sự chuyển động của tất cả tạo vật hướng tới sự viên mãn của Người trong Thiên Chúa.
45. Trong việc cử hành các bí tích, Hội Thánh truyền lại ký ức của mình đặc biệt qua việc tuyên xưng đức tin. Tuyên xưng này không chỉ liên quan đến việc đồng ý với một tập hợp những chân lý trừu tượng. Trái lại, trong việc tuyên xưng đức tin toàn thể đời sống được thu hút vào một cuộc hành trình hướng về sự hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa hằng sống. Chúng ta có thể nói rằng trong Kinh Tin Kính, người tín hữu được mời bước vào mầu nhiệm mà họ tuyên xưng và để cho mình được biến đổi bởi điều mà mình tuyên xưng. Để hiểu ý nghĩa của xác quyết này, trước hết chúng ta hãy xét đến nội dung của Kinh Tin Kính. Nó có một cấu trúc Ba Ngôi: Chúa Cha và Chúa Con kết hợp trong Thần Khí Tình Yêu. Như thế, người tín hữu xác quyết rằng trung tâm của toàn thể cuộc sống con người, bí mật sâu xa nhất của mọi sự, là sự hiệp thông của Thiên Chúa. Kinh Tin Kính cũng chứa đựng một lời tuyên xưng Kitô học: nó đưa chúng ta qua các Mầu Nhiệm của cuộc đời Đức Kitô cho đến cái Chết, sự Sống Lại và Lên Trời của Người, trong khi chờ đợi cuộc trở lại sau hết của Người trong vinh quang. Nó cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa của sự hiệp thông này, tình yêu hỗ tương giữa Chúa Cha và Chúa Con trong Chúa Thánh Thần, có khả năng bao trùm toàn thể lịch sử nhân loại và thu hút nó vào động năng của sự hiệp thông của Ngài, là điều có nguồn gốc và cứu cánh tối hậu trong Chúa Cha. Ai tuyên xưng đức tin của mình được liên kết với chân lý mà mình tuyên xưng. Người ấy không thể thực sự tuyên xưng những lời của Kinh Tin Kính mà không chính mình được biến đổi, mà không được đưa vào một lịch sử của tình yêu bao trùm họ, và mở rộng con người họ bằng cách làm cho họ thành phần tử của một sự hiệp thông lớn lao, của chủ thể cuối cùng mà Kinh Tin Kính tuyên xưng và đó là Hội Thánh. Tất cả những chân lý để tin nói về mầu nhiệm sự sống mới của đức tin như một cuộc hành trình hiệp thông với Thiên Chúa hằng sống.
Đức tin, cầu nguyện và Mười Điều Răn
46. Có hai yếu tố khác rất cần thiết trong việc trung thành truyền lại ký ức của Hội Thánh.
Trước hết là Kinh Nguyện của Chúa, kinh “Lạy Cha.” Trong kinh này các
Kitô hữu học cách thông phần vào cảm nghiệm tâm linh của Đức Kitô và
nhìn mọi sự bằng cặp mắt của Người. Từ Người, Đấng là Ánh Sáng bởi Ánh
Sáng, Con Một Đức Chúa Cha, chúng ta biết Thiên Chúa và do đó có thể làm
dấy lên trong những người khác ao ước đến gần Người.
Cũng quan trọng tương tự như vậy là sự liên hệ giữa đức tin và Mười
Điều Răn. Đức tin, như chúng ta đã nói, được coi như một cuộc hành
trình, một con đường để đi theo, mở ra cho cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa
hằng sống. Đó là lý do tại sao trong ánh sáng đức tin và sự tín thác
hoàn toàn vào Thiên Chúa, Đấng cứu độ, Mười Điều Răn nhận được chân lý
sâu xa nhất của chúng, như đã thấy trong lời giới thiệu của những giới
răn này: “Ta là ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của các ngươi, Đấng đã đem các ngươi ra khỏi đất Ai-cập” (Xh
20:2). Mười Điều Răn không phải là một tâp các mệnh lệnh tiêu cực,
nhưng là những hướng dẫn cụ thể để ra khỏi hoang địa của “cái tôi” tự
kỷ, tự đóng kín, và tham gia vào cuộc đối thoại với Thiên Chúa, để cho
mình được chấp nhận bởi lòng thương xót của Ngài hầu mang lòng thương
xót của mình đến cho tha nhân. Như thế, đức tin tuyên xưng tình yêu của
Thiên Chúa, nguồn gốc và sự nâng đỡ của tất cả mọi sự, và để cho mình
được hướng dẫn bởi tình yêu này mà hành trình tiến đến hoàn toàn hiệp
thông với Thiên Chúa. Mười Điều Răn xuất hiện như con đường biết ơn, sự
đáp trả của tình yêu, có thể được vì trong đức tin chúng ta mở ra cho
kinh nghiệm về tình yêu có sức biến đổi mà Thiên Chúa dành cho chúng ta.
Và con đường này nhận được ánh sáng mới từ giáo huấn của Chúa Giêsu
trong Bài Giảng Trên Núi (x. Mt 5-7).
Như thế, tôi đã nhắc đến bốn yếu tố tóm tắt kho tàng ký ức mà Hội
Thánh truyền lại: việc Tuyên Xưng Đức Tin, việc Cử Hành Các Bí Tích, con
đường Mười Điều Răn, và Cầu Nguyện. Giáo lý của Hội Thánh có truyền
thống được cấu trúc quanh bốn yếu tố này, điều này gồm cả Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, công cụ cơ bản mà qua đó, bằng một cách thống nhất, Hội Thánh truyền đạt toàn thể nội dung đức tin của mình: “tất cả những gì mình là, và tất cả những gì mình tin” [39].
Sự thống nhất và toàn vẹn của đức tin
47. Sự hợp nhất của Hội Thánh trong thời gian và không gian được liên kết với sự hợp nhất của đức tin: “chỉ có một thân thể, một Thần Khí… một đức tin duy nhất” (Ephesians 4:4-5).
Cũng như ngày nay, việc một nhóm người kết hiệp với nhau vì một
nguyên nhân chung, vì có tình cảm với nhau, hay vì chia sẻ cùng một vận
mệnh và mục đích duy nhất là điều khả thi. Nhưng khó mà tưởng tượng
được một sự hợp nhất trong cùng một chân lý. Có vẻ như một sự hợp nhất
kiểu này không phù hợp với tự do tư tưởng và tự quyết cá nhân. Tuy
nhiên, kinh nghiệm về tình yêu cho chúng ta thấy rằng một cái nhìn chung
là điều có thể, vì nhờ yêu cho chúng ta học nhìn thực tại qua đôi mắt
người khác, không phải như một điều làm cho cái nhìn của mình bị nghèo
nàn đi mà phong phú hóa nó. Tình yêu chân chính, theo cách thức của
tình yêu Thiên Chúa, đòi hỏi chân lý, và nhãn quan chung về chân lý, đó
là Chúa Giêsu Kitô, giúp cho nó trở nên vững chắc và sâu sắc. Đây cũng
là niềm vui lớn lao của đức tin: một sự hợp nhất về nhãn quan trong một
thân thể và một Thánh Thần duy nhất. Thánh Lêô Cả có thể nói: “Nếu đức tin không phải là một, thì nó không phải là đức tin” [40].
Bí mật của sự hợp nhất này là gì? Đức tin là “một [đức tin duy
nhất]”, trước hết, vì sự hợp nhất của Thiên Chúa, Đấng được biết đến và
tuyên xưng. Tất cả những tín điều của đức tin nói về Ngài, là những con
đường để biết sự hiện hữu của Ngài và việc làm của Ngài. Do đó, chúng
là một sự hợp nhất cao hơn nhiều so với bất kỳ sự hợp nhất nào mà lý trí
con người có thể xây dựng. Chúng có một sự hợp nhất phong phú hóa
chúng, bởi vì được thông truyền cho chúng ta và làm cho chúng ta nên
“một.”
Ngoài ra, đức tin cũng là một bởi vì nó quy hướng trực tiếp về một
Chúa duy nhất, về cuộc đời Chúa Giêsu, về lịch sử cụ thể mà Người chia
sẻ với chúng ta. Thánh Irênê thành Lyons đã xác định rõ ràng khi chống
lại lạc giáo Ngộ Đạo. Họ lập luận rằng có hai loại đức tin, một đức tin
thô sơ, đức tin đơn giản, không hoàn hảo, được duy trì ở mức của xác
thịt của Đức Kitô và chiêm niệm các Mầu Nhiệm của Người; và một loại đức
tin khác sâu sắc hơn và hoàn hảo hơn, đức tin thật, giới hạn trong vòng
nhóm nhỏ của những người gia nhập [Ngộ Đạo], là những người có khả năng
trí tuệ cao, vượt lên trên xác thịt của Chúa Giêsu hướng về những Mầu
Nhiệm thần linh mà chưa từng ai biết đến. Đương đầu với xác quyết này,
là điều tiếp tục hấp dẫn và có những người theo nó, ngay cả trong thời
đại chúng ta, Thánh Irênê khẳng định rằng chỉ có một đức tin duy nhất,
vì đức tin này luôn luôn đi qua điểm cụ thể của Mầu Nhiệm Nhập Thể, mà
không bao giờ siêu vượt xác thịt và lịch sử của Đức Kitô, vì Thiên Chúa
đã muốn tỏ mình hoàn toàn trong đó. Vì lý do này, ngài nói, không có sự
khác biệt trong đức tin của “những người có khả năng bàn luận nhiều” và
“những người nói ít”, giữa những người làm lớn và những người nhỏ:
người trước không thể làm gia tăng đức tin, người sau cũng không làm
giảm nó [41].
Cuối cùng, đức tin là một bởi vì nó được chia sẻ bởi toàn thể Hội
Thánh, là một thân thể duy nhất, một Thánh Thần duy nhất. Trong sự hiệp
thông của một chủ thể duy nhất là Hội Thánh, chúng ta nhận được một cái
nhìn chung. Nhờ tuyên xưng cùng một đức tin, chúng ta đứng vững trên
cùng một đá tảng, chúng ta được biến đổi bởi cùng một Thánh Thần của
tình yêu, chúng ta tỏa ra một ánh sáng duy nhất và chúng ta có cùng một
cái nhìn duy nhất vào thực tại.
48. Vì đức tin là một, nên nó phải được tuyên xưng trong tất cả sự thanh khiết và toàn vẹn của nó. Chính vì tất cả các tín điều đức tin được nối kết chặt chẽ với nhau, nên khi từ chối một điều trong chúng, dù là điều có vẻ không mấy quan trọng, thì tương tự như bóp méo toàn thể đức tin. Trong mỗi thời đại người ta tìm thấy một số điểm nào đó của đức tin có thể dễ dàng hoặc khó được chấp nhận hơn: đó là lý do tại sao điều quan trọng là phải tỉnh thức, bởi vì kho tàng đức tin được truyền lại trong sự trọn vẹn của nó (x. 1 Tim 6:20), và bởi vì tất cả mọi khía cạnh của lời tuyên xưng đức tin đều thích hợp và được nhấn mạnh. Thật vậy, vì sự hợp nhất của đức tin là sự hợp nhất của Hội Thánh, bỏ đi một điều gì đó từ đức tin là bỏ đi một điều gì đó từ chân lý của sự hiệp thông. Các Giáo Phụ đã mô tả đức tin như một thân thể, thân thể của chân lý với nhiều chi thể khác nhau, tương tự như thân thể của Đức Kitô và kéo dài trong Hội Thánh [42]. Tính toàn vẹn của đức tin cũng gắn liền với hình ảnh của Hội Thánh như một trinh nữ và lòng chung thủy của Hội Thánh trong tình yêu phối ngẫu dành cho Đức Kitô: làm tổn thương đến đức tin có nghĩa là làm tổn thương đến sự hiệp thông với Thiên Chúa [43]. Như thế, sự hợp nhất của đức tin là sự hợp nhất của một cơ thể sống động, như nhận xét tuyệt diệu mà Chân Phước Gioan Henry Newman đã đưa ra khi ngài liệt kê đặc tính được ghi nhận để phân biệt sự liên tục của giáo lý theo thời gian, là khả năng đồng hóa tất cả mọi sự mà nó tìm thấy trong các môi trường khác nhau mà trong đó nó hiện diện, và trong các nền văn hóa đa dạng mà nó gặp phải, [44] qua việc thanh lọc tất cả mọi sự và đưa chúng đến biểu hiện hoàn hảo nhất của chúng. Như thế, đức tin rõ ràng là phổ quát và công giáo, bởi vì ánh sáng của nó tỏa rộng để soi sáng tất cả vũ trụ và toàn thể lịch sử.
49. Để phục vụ cho sự hợp nhất của đức tin và thông truyền sự trọn vẹn của nó, Chúa đã ban cho Hội Thánh hồng ân Tông Truyền. Nhờ phương tiện này, tính liên tục của ký ức Hội Thánh được đảm bảo, và người ta có thể chắc chắn đến được với suối nguồn tinh khiết mà từ đó đức tin chảy ra. Như vậy, sự đảm bảo tính liên tục với nguồn gốc được thực thi bởi những con người sống động, điều này tương xứng với đức tin sống động mà Hội Thánh truyền lại. Hội Thánh tùy thuộc vào lòng trung thành của các nhân chứng được Chúa lựa chọn để thi hành nhiệm vụ này. Vì lý do này mà Huấn Quyền luôn luôn nói trong sự vâng phục Lời trước đó mà trên đó đức tin dựa vào; Huấn Quyền đáng tin cậy bởi vì Huấn Quyền tin tưởng vào Lời mà mình nghe, gìn giữ và giải thích [45]. Trong bài giảng chia tay của Thánh Phaolô dành cho các trưởng lão Êphêsô ở Milêtô, mà Thánh Luca thuật lại cho chúng ta trong sách Công Vụ Tông Đồ, ngài đã chứng minh rằng ngài đã thi hành nhiệm vụ mà Chúa đã trao phó cho ngài để “công bố toàn thể ý định của Thiên Chúa” (Cv 20:27). Nhờ Huấn Quyền của Hội Thánh, ý định này có thể đến với chúng ta trong tính toàn vẹn của nó, và cùng với nó là niềm vui của việc có thể theo nó một cách hoàn toàn.
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ theo bản Latinh, Tiếng Anh và Tiếng Pháp của Tòa Thánh
————–
[34] X. De Baptismo, 20, 5: CCL 1, 295.
[35] Hiến Chế Tín Lý về Mạc Khải Thiên Chúa Dei Verbum, 8.
[36] X. Công Đồng Vaticanô II, Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh Sacrosanctum Concilium, 59.
[37] X. Epistula Barnabae, 11, 5: SC 172, 162.
[38] X. De nuptiis et concupiscentia, I, 4, 5: PL 44, 413:
“Habent quippe intentionem generandi regenerandos, ut qui ex eis saeculi
filii nascuntur in Dei filios renascantur”.
[39] Công Đồng Vaticanô II, Hiến Chế Tín Lý về Mạc Khải Thiên Chúa Dei Verbum, 8.
[40] In Nativitate Domini Sermo, 4, 6: SC 22, 110.
[41] X. Irenaeus, Adversus Haereses, I, 10, 2: SC 264, 160.
[42] X. như trên, II, 27, 1: SC 294, 264.
[43] X. Augustine, De Sancta Virginitate, 48, 48: PL 40,
424-425: “Servatur et in fide inviolata quaedam castitas virginalis, qua
Ecclesia uni viro virgo casta cooptatur”.
[44] X. An Essay on the Development of Christian Doctrine [Một Tiểu Luận về sự Phát Triển của Học Thuyết Kitô Giáo] (Uniform Edition: Longmans, Green and Company, London, 1868-1881, 185-189.
[45] X. Công Đồng Vaticanô II, Hiến Chế Tín Lý về Mạc Khải Thiên Chúa Dei Verbum, 10.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét