Giáo Huấn của Đức Thánh Cha Phanxicô
Nhân ngày Quốc Tế về Môi Trường, sáng nay, ngày 5/6, tại Quảng trường Thánh Phê-rô, trước hơn 80 ngàn tín hữu và du khách hành hương, ĐTC Phan-xi-co đã có buổi Tiếp Kiến Chung hết thảy mọi người, và trong buổi Tiếp Kiến này ĐTC tiếp tục loạt bài Giáo lý về Năm Đức Tin, kỳ thứ 28 với chủ đề “Sinh Thái Con Người Và Sinh Thái Môi Trường Cùng Sánh Bước Với Nhau”. Trong bài huấn từ của mình ĐTC đã đưa ra lời kêu gọi mạnh mẽ về “tính cấp thiết của việc loại trừ văn hóa thải-bỏ và không lãng phí thực phẩm”.
Khởi đi từ Kinh Thánh, như thường lệ, ĐTC đặt ra vài câu hỏi mang tính dẫn lộ: việc vun trồng và chăm nom cho mặt đất, cho thụ tạo chúng có ý muốn nói đến điều gì nhỉ? Thực sự thì chúng ta có đang chăm nom và gìn giữ công trình thụ tạo hay không? Hay là chúng ta đang khai thác và bỏ bê nó? Tại sao sinh thái con người đang gặp nguy cấp vì chính con người đã hủy hoại sinh thái môi trường sống? … Dưới đây là phiên bản Việt-ngữ toàn văn bài Giáo lý của ĐTC Phan-xi-cô trong buổi Tiếp Kiến Chung hôm sáng thứ Tư, ngày 5/6.
Anh chị em thân mến! Buongiorno!
Hôm nay tôi muốn làm nổi bật cái câu hỏi về môi trường sống, y như cách thế mà tôi đã từng làm trong những dịp khác. Hôm nay, ngày 5 tháng 6, cũng là ngày Thế Giới Môi Trường được Liên Hiệp Quốc khuyến khích, và chính dịp này đã đề nghị tôi nêu lên một lời kêu gọi mạnh mẽ về tính cấp thiết của việc loại trừ văn hóa thải-bỏ và của việc lãng phí thực phẩm.
Khi nói về môi trường, nói về thụ tạo, thì suy nghĩ của tôi chợt liên tưởng đến trang đầu của Kinh Thánh, của Sách Sáng Thế Ký, nơi đó khẳng định rằng Thiên Chúa đã đặt con người nam cũng như nữ trên mặt đất để chúng vun trồng và chăm bón cho mặt đất này, cho công trình thụ tạo (x. St 2,15). Rồi chợt nảy lên trong tôi nhiều câu hỏi nữa: việc vun trồng và chăm nom cho mặt đất chúng có ý muốn nói đến điều gì nhỉ? Thực sự thì chúng ta có đang chăm nom và gìn giữ công trình thụ tạo hay không? Hay là chúng ta đang khai thác và bỏ bê nó? Động từ “vun trồng” khiến tôi liên tưởng đến việc chăm sóc nền nông nghiệp hiện có trên mặt đất để mà nó sinh hoa quả, rồi được đem chia cho nhau: biết bao sự quan tâm, đam mê và cống hiến! Vun trồng và chăm nom thụ tạo là một lệnh truyền của Thiên Chúa đã đặt ra không chỉ ngay lúc khởi đầu của lịch sử, mà còn cho mỗi người chúng ta, vốn là một phần trong công trình của Ngài, nó có ý muốn nói rằng bằng cả trách nhiệm hãy làm cho thế giới tăng trưởng lên, hãy biến nó thành một khu vườn, một nơi có thể sống được dành cho hết thẩy mọi người. Và Đức Benedict XVI đã nhiều lần nhắc rằng công trình này đã được Thiên Chúa phó cho con người chúng ta, Thiên Chúa đòi chúng ta phải hiểu được nhịp điệu và cái luận lý (logic) của công trình sáng tạo. Ngược lại chúng ta thường bị xỏ mũi bởi lòng kiêu căng muốn thống trị, muốn chiếm đoạt, muốn thao túng, và muốn khai thác, mà không thèm trông nom, chẳng hề tôn trọng, và cũng chẳng bận tâm rằng thụ tạo là quà tặng nhưng không cần đến sự chăm sóc. Những thái độ biết ngạc nhiên, biết chiêm ngắm và biết lắng nghe trước công trình sáng tạo thì chúng ta đang dần đánh mất. Thế nên chúng ta không còn có thể đọc ra được cái điều mà Đức Benedict XVI mời gọi, đó là “nhịp điệu lịch sử tình yêu của Thiên Chúa với con người”. Điều này xảy ra là tại sao? Thưa, là vì chúng ta đang nghĩ và sống theo chiều ngang, chúng ta tự xa rời Thiên Chúa, chẳng thèm đọc những dấu chỉ của Ngài.
Thế nhưng “vun trồng và chăm bón” không được hiểu chỉ là tương quan giữa chúng ta với môi trường sống, giữa con người với thụ tạo, mà còn có liên can đến những mối tương quan giữa con người với nhau. Các nghị phụ đã nói về “sinh thái con người”, nói thẳng ra là “sinh thái môi trường sống”! Chúng ta đang sống trong thời khắc các cuộc khủng hoảng, chúng ta đang nghiệm thấy nó (thời khắc khủng hoảng ấy) nơi môi trường sống, nhưng trên cả chúng ta nghiệm thấy nó nơi con người. Con người đang gặp nguy hiểm: đấy là tính nguy cấp của sinh thái con người! Và rồi tính nguy cấp đang trầm trọng bởi vì cái nguyên nhân của vấn nạn ấy, nó không phải là phiến diện, nhưng là sâu xa: cái nguyên nhân của khủng hoảng không chỉ là vấn đề kinh tế, mà còn là vấn đề đạo đức, vấn đề nhân học. Giáo Hội đã nhấn mạnh điều ấy nhiều lần rồi, và có nhiều người nói: Dạ! Đúng rồi! Thật sự là thế mà… vậy mà cái hệ thống ấy vẫn tiếp tục hoành hành như hồi đầu, bởi lẽ cái thế thượng phong đang thuộc về “sự múa nhảy” của nền kinh tế và tài chính thiếu đạo đức.
Và ngày nay cái kẻ ra lệnh không phải là con người nữa mà là tiền! Tiền, và rất nhiều tiền đang ra lệnh cho con người!
Thiên Chúa Cha đâu có trao phó việc chăm nom mặt đất này cho tiền, mà là ngài trao nó cho chúng ta, trao cho những con người nam cũng như nữ. Chúng ta có nhiệm vụ ấy!
Ngược lại nhiều người nam cũng như nữ bị hiến tế cho ngẫu tượng lợi lộc và tiêu thụ, vốn là thứ “văn hóa thải-bỏ”. Nếu cái computer bị hư, bị vỡ thì được coi là một thảm kịch, còn sự nghèo đói, rồi những nhu cầu, những tấn kịch của rất nhiều người thì lại có kết cục là đi vào “sự bình thường thôi”! Chẳng hạn, vào một tối mùa đông, ở gần đây trên con đường Ottaviano, có một người chết, điều ấy không có gì là vấn đề. Rồi tại nhiều nơi của thế giới này, có nhiều trẻ con chẳng được ăn uống gì, thì cũng bị coi là chẳng có vấn đề gì cả! Có vẻ là bình thường mà! Không thể nào là như vậy được! Thế nhưng những điều ấy lại đi vào cái “bình thường thôi”: nhiều người không nhà, rồi chết vì lạnh bên vệ đường thì bị coi là không thành vấn đề! Ngược lại, một cú giảm 10 điểm trong thị trường chứng khoáng của một thành phố nào đó thì lại được cho là vấn đề trầm trọng. Anh chị em hãy thử nghĩ coi, một người chết thì không là vấn đề gì cả, mà tụt mười điểm thôi trong thị trường chứng khoáng thì lại được coi bi kịch nghiêm trọng! Vậy nên con người bị thải bỏ giống như rác vậy!
Cái thứ “văn hoá thải-bỏ” này đang có ý trở thành não trạng chung, lây nhiễm hết thảy mọi người. Cuộc sống con người, cái nhân vị không còn được xem như một giá trị tiên quyết để mà tôn trọng, để mà bảo vệ nữa, đặc biệt là nếu ai nghèo hoặc không còn làm việc được nữa, nếu ai chưa có ích gì – như trường hợp các thai nhi – hoặc những người chẳng còn giúp được gì cho ai nữa – như trường hợp người già cả!
Thứ văn hoá thải bỏ khiến chúng ta vô cảm đối với việc phung phí, và với việc đổ thừa mứa thực phẩm, ấy vốn là những hành động còn đáng khinh bỉ hơn nữa, vì tiếc thay đối với nhiều nơi trên thế giới, nhiều người và nhiều gia đình đang phải chịu cảnh đói ăn và thiếu dinh dưỡng. Lắm lần ông bà chúng ta rất cẩn thận mà không vứt đi tí thức ăn thừa nào. Chủ nghĩa tiêu thụ đẩy chúng ta tới chỗ làm thành thói quen là bày nhiều thức ăn quá mức cần thiết và đổ bỏ thức ăn thừa hằng ngày. Việc ấy làm chúng ta không còn biết đến giá trị đúng của lương thực nữa, một giá trị vốn vượt xa những chiều kích về kinh tế. Tuy nhiên chúng ta hãy nhớ rõ điều này, rằng thức ăn mà được mang đi đổ đó, thì chẳng khác nào cái phần ăn của người nghèo, của người đang đói đang bị đánh cắp!
Vì vậy mà tôi mời gọi anh chị em hãy phản tỉnh về vấn đề này, suy nghĩ về vấn đề đổ bỏ thức ăn thừa, suy xét về vấn đề lãng phí lương thực để tìm ra những nẻo đường cùng những cách thế, bằng việc giải quyết nghiêm túc vấn nạn này, chính là cổ xe mang lại tình liên đới và sẻ chia với những ai đang cần nhất!
Cách đây vài hôm, trong Lễ Mừng Mình Thánh Chúa, chúng đã đọc được trình thuật phép lạ hóa bánh ra nhiều: Chúa Giê-su cho đám đông ăn với 5 chiếc bánh và hai con cá. Và phần kết của trình thuật ấy thật là quan trọng: “mỗi người đều ăn, và ai nấy được no nê. Những miếng vụn còn thừa, người ta thu lại được 12 thúng” (Lc 9,17). Chúa Giê-su đòi các môn đệ là đừng để mảnh vụ nào rơi rớt lại: chẳng bỏ phí tí gì! Và việc gom nhặt lại bánh vụn này được 12 thúng đầy: tại sao lại là 12? Số 12 có nghĩa gì? Thưa, 12 là số chi tộc Ít-ra-en, đại diện biểu trưng cho hết thẩy các dân nước. Và điều ấy nói với chúng ta rằng khi lương thực được chia sẻ đồng đều cho nhau bằng tình liên đới, chẳng có ai là không cần thiết cả, thì mọi cộng đoàn có thể đáp ứng những nhu cầu cho những người nghèo đói nhất. Sinh thái con người và sinh thái môi trường cùng sánh bước với nhau.
Vậy thì tôi cũng mong rằng hết thẩy mọi người hãy đảm lấy một loạt dấn thân để tôn trọng và chăm sóc cho thụ tạo, hãy quan tâm đến mọi người, và hãy chống lại thứ văn hóa lãng phí và thải bỏ, để thăng tiến nền văn hóa liên đới và văn hóa gặp gỡ.
Cám ơn anh chị em.
Thái Hiệp chuyển ngữ và giới thiệu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét