Giáo Huấn của Đức Thánh Cha Phanxicô
Sáng nay, thứ Tư, ngày 19/6, trong buổi Tiếp Kiến Chung với hơn 70 ngàn tín hữu và du khách hành hương tại Quảng trường thánh Phê-rô, ĐTC Phan-xi-cô đã tiếp tục Loạt Bài Giáo Lý về Năm Đức Tin kỳ thứ 30 với chủ đề “Bản Tính Giáo Hội là Thân Thể Chúa Ki-tô”. Bằng việc viện dẫn lời chứng của Phao-lô trong sách Công Vụ Tông Đồ, khi Sa-un (sau này đổi danh xưng là Phao-lô) đang tìm bắt các Ki-tô hữu, thì chính Chúa Giê-su lại nói cho Phao-lô biết là ông đang bắt bớ Ngài…, ĐTC đã nhấn mạnh lời của Phao-lô: Giáo Hội là Thân Thể Chúa Ki-tô, và là một Thân Thể duy nhất, dầu có nhiều chi thể, và phong phú về chức năng…, tuy nhiên tất cả sự phong phú, đa dạng đều hòa hợp với nhau nên một trong Giáo Hội, gắn kết với Đầu là Chúa Giê-su Ki-tô.
Và ĐTC khẳng định rằng “để được làm phần tử của Giáo Hội, thì điều ấy muốn nói là được hiệp nhất với Chúa Ki-tô, và nhận từ Chúa Ki-tô sức sống thần linh, một sức sống khiến chúng ta có thể sống như những người Ki-tô hữu; …rằng ĐTC và các Giám Mục chính là những khí cụ của tình hiệp nhất và sự hiệp thông; … rằng mọi người hãy học để biết vượt qua mọi thứ chủ nghĩa cá nhân và chia rẽ, học biết nhận ra và làm hài hòa tính phong phú và da dạng của mỗi người; tắt một lời … thì điều ấy muốn nói rằng hãy muốn điều tốt nhất cho Thiên Chúa và cho những người thân cận chúng ta, trong gia đình, trong xứ đạo, trong các hiệp hội.”
Dưới đây là phiên bản Việt-ngữ toàn bộ bài huấn từ của ĐTC Phan-xi-cô trong buổi Tiếp Kiến Chung sáng thứ Tư vừa qua.
Anh chị em thân mến! “Buon giorno” (Chào buổi sáng!)
Hôm nay tôi muốn nêu bật lên một lối biểu đạt khác mà Công Đồng Vaticano II đã chỉ về bản tính của Giáo Hội: bản tính của Giáo Hội là một thân thể; Công Đồng dạy rằng Giáo Hội chính là Thân Thể Chúa Ki-tô (x. Hiến Chế Tín Lý, Lumen gentium, 7)
Tôi muốn khởi đầu bằng bản văn Công Vụ Tông Đồ, đoạn mà chúng ta biết rõ ràng: cuộc hoán cải của Sa-un, người mà sau đó được gọi là Phao-lô, là một trong những nhà truyền giảng Tin Mừng vĩ đại nhất (x. Cvtđ 9,4-5).
Sa-un đã từng là một kẻ bắt hại các Ki-tô hữu, nhưng trong khi ông đang đuổi bắt họ trên con đường dẫn tới Đa-mát, bỗng dưng có một luồng sáng chói quật ngã ông khỏi yên ngựa mà té xuống đất, rồi ông nghe một tiếng lớn nói với ông “Sa-un, Sa-un, sao ngươi lại bắt bớ Ta?” Ông hỏi lại “thưa Ngài! thế Ngài là ai?” và tiếng ấy đáp lại “Ta là Giê-su mà ngươi đang đuổi bắt đó!” (cc. 3-5). Kinh nghiệm này của Phao-lô nói với chúng ta sự hiệp nhất nên một sâu xa biết bao giữa các Ki-tô hữu chúng ta với chính Chúa Ki-tô.
Khi Chúa Giê-su được nhấc lên trời, Ngài không để chúng ta đơn côi một mình, nhưng Ngài đã ban tặng cho chúng ta món quà là Thánh Thần, để sự hiệp nhất nên một cùng với Ngài lại được trở nên mạnh mẽ hơn. Công Đồng Vaticano II đã khẳng quyết rằng Chúa Giê-su “đang thông truyền Thần Khí của Ngài, cách mầu nhiệm Ngài thiết lập các anh chị em của mình, gọi là dân Chúa, như là chính Thân Thể mình” (Lumen gentium, 7). Hình ảnh thân thể giúp chúng ta hiểu được mối gắn kết sâu xa: Giáo Hội-Đức Ki-tô, điều mà thánh Phao-lô đã trình bày theo lối rất riêng trong Thư I gởi tín hữu thành Cô-rin-tô (x. chương 12).
Trước tiên, “thân thể” gợi nhắc chúng ta đến một thực tại sống động. Giáo Hội không phải là một hiệp hội phúc lợi-an sinh, hay là hiệp hội văn hóa, chính trị, mà Giáo Hội là một thân thể sống động, một thân thể đang bước đi và hoạt động trong lịch sử. Và thân thể này có Đầu là Chúa Ki-tô Giê-su, Đấng đang dẫn dắt chúng ta, Đấng đang dưỡng nuôi chúng ta, Đấng đang trợ lực cho chúng ta.
Ấy chính là điểm chính mà tôi muốn nhấn mạnh: nếu Giáo Hội là thân mình mà tách rời khỏi Đầu, thì cả thân thể sống làm sao được. Thế nên, ở trong Giáo Hội, chúng ta cần phải được gắn kết trong một cách thế thiết thân luôn mãi với Chúa Giê-su. Mà không chỉ có vậy: giống như nơi một thân thể sống, điều quan trọng là các mạch máu sống động phải chảy đều, bởi vì thân thể sống mà! Thế thì chúng ta cũng phải biết để cho Chúa Giê-su hoạt động trong chúng ta, nghĩa là hãy để cho Lời Ngài hướng dẫn chúng ta, hãy để cho thánh thể hằng tại của Ngài bổ dưỡng chúng ta, làm cho chúng ta sống, hãy để cho tình yêu của Ngài ban sức cho tình yêu của chúng ta đối với người thân cận. Anh chị em biết đó, điều này phải là luôn luôn, luôn luôn, và luôn luôn!
Anh chị em thân mến, chúng ta hãy hiệp nhất với Chúa Giê-su, chúng ta hãy phó mình cho Ngài, hãy định hướng cuộc đời chúng ta thuận theo Phúc Âm của Ngài, hãy bổ dưỡng mình bằng việc cầu nguyện hằng ngày, hãy lắng nghe Lời Thiên Chúa, và thông dự vào các Bí Tích!
Tới đây, tôi xin chuyển sang khía cạnh thứ hai, Giáo Hội như là Thân Thể Chúa Ki-tô. Thánh Phao-lô khẳng định rằng cũng giống như chi thể trong một thân thể người, dầu khác nhau và có nhiều chi thể, nhưng chúng hợp thành một thân thể duy nhất, vậy nên hết thẩy chúng ta, hãy hiệp nhất nên một vì là những người đã chịu phép rửa nhờ cùng một Thần Khí duy nhất trong cùng một thân thể duy nhất (x. 1Cor 12,12-13).
Vậy thì trong Giáo Hội, có một sự đa dạng, một sự phong phú về các sự và các chức năng; Giáo Hội không có thứ đồng phục ngớ ngẩn, nhưng đúng hơn có sự phong nhiêu về các ơn mà Chúa Thánh Thần đã ban cho. Tuy vậy, giữa chúng phải có sự hiệp thông và hiệp nhất với nhau: tất cả đều có liên quan giữa người/ơn này với những người/ơn khác, chúng cùng cơ khớp với nhau mà làm nên một thân thể sống động, cách sâu xa là được gắn kết với Chúa Ki-tô như là Đầu.
Chúng ta hãy nhớ rõ: để được làm phần tử của Giáo Hội, thì điều ấy muốn nói là được hiệp nhất với Chúa Ki-tô, và nhận từ Chúa Ki-tô sức sống thần linh, một sức sống khiến chúng ta có thể sống như những người Ki-tô hữu; để được làm phần tử trong Giáo Hội, thì điều ấy cũng muốn nói rằng ĐTC và các Giám Mục chính là những khí cụ của tình hiệp nhất và sự hiệp thông; nó cũng muốn nói rằng mọi người hãy học để biết vượt qua mọi thứ chủ nghĩa cá nhân và chia rẽ, học biết nhận ra cách lớn hơn, học biết làm hài hòa tính phong phú và da dạng của mỗi người; tắt một lời để được làm phần tử trong Giáo Hội, thì điều ấy muốn nói rằng hãy muốn điều tốt nhất cho Thiên Chúa và cho những người thân cận chúng ta, trong gia đình, trong xứ đạo, trong các hiệp hội.
Thân thể và chi thể để sống được thì chúng phải hợp nhất với nhau! Hợp nhất là vượt qua những mâu thuẫn, luôn luôn là vậy! Các mâu thuẫn, nếu không tự tháo gỡ được, thì chúng sẽ làm chia rẽ cái chúng ta ra khỏi cái chúng tôi, chúng sẽ làm cho chúng ta chia lìa với Thiên Chúa. Mâu thuẫn có lẽ giúp chúng ta tiến bộ, nhưng chúng cũng làm cho chúng ta chia rẽ nhau.
Chúng ta không đi trên nẻo đường chia rẽ nhau, nẻo đường mà chúng ta đấu đá nhau! Không! Chúng ta không đi trên nẻo đường ấy!
Tất cả chúng ta nên một, tất cả chúng ta hiệp nhất với nhau, cùng với sự khác biệt của chúng ta, chúng ta hiệp nhất nên một, luôn mãi là hiệp nhất nên một, ấy là con đường của Giê-su!
Hiệp nhất là vượt qua các mâu thuẫn, hiệp nhất là một ơn ban mà chúng ta phải nài xin Đức Chúa, để ngài giải thoát chúng ta khỏi những mối căng thẳng gây chia rẽ, khỏi những cuộc đấu tranh với nhau, khỏi những cái tôi ích kỷ, khỏi cái tán dóc/cái tọc mạch-nhiều chuyện, eh?
Có biết bao sự tệ hại đẻ ra từ những “buổi nhiều chuyện/tán dóc”!
Xấu lắm!
Tệ lắm! phải không à! Eh?
Vậy nên chúng ta đừng bao giờ tọc mạch chuyện của người khác!
Đừng bao giờ!
Đã xẩy đến cho Giáo Hội biết bao là tổn hại vì những mối chia rẽ giữa các Ki-tô hữu, vì những ích lợi nhỏ mọn, mảnh phần! Sự chia rẽ giữa chúng ta đây, mà cũng là sự chia rẽ nhau giữa các cộng đoàn: nào là các Ki-tô hữu Tin Lành, rồi các Ki-tô hữu Chính Thống, các Ki-tô hữu Công Giáo,… mà tại sao lại chia rẽ nhau vậy? Chúng ta cần phải cố gắng để mang đến tình hiệp nhất chứ!
Tôi muốn kể lại cho anh chi em nghe chuyện này, là sáng nay, trước khi ra khỏi nhà khoảng trên dưới 40 phút, hoặc nữa giờ gì đấy, tôi cùng với một mục sư Tin Lành, chúng tôi đã cầu nguyện cùng nhau, eh! Chúng tôi đang tìm kiếm tình hiệp nhất!
Nhưng mà giữa chúng ta những người Công Giáo cũng phải cùng cầu nguyện với nhau, và cầu nguyện với những người Ki-tô hữu nữa; phải cầu nguyện bởi lẽ Đức Chúa ban cho chúng ta tình hiệp nhất: hiệp nhất giữa chúng ta với nhau! Mà chúng ta có tình hiệp nhất giữa các Ki-tô hữu thế nào, nếu chúng ta không có khả năng hiệp nhất giữa những người Công Giáo với nhau, giữa những người trong gia đình với nhau, có biết bao các gia đình còn đang lục đục và đang chia lìa nhau! Anh chị em hãy tìm kiếm tình hiệp nhất, tình hiệp nhất là điều làm nên Giáo Hội, và tình hiệp nhất ấy đến từ Chúa Giê-su Ki-tô. Ngài đã gởi Thánh Thần đến cho chúng ta để gây dựng tình hiệp nhất nên một.
Anh chị em thân mến! Chúng ta khẩn cầu cùng Thiên Chúa rằng:
Lạy Chúa, xin giúp con trở nên chi thể của Thân Thể Giáo Hội, ngày được hiệp nhất cách sâu xa hơn với Chúa Ki-tô;
Xin giúp chúng con đừng làm khốn khổ cho Thân Thể Giáo Hội vì những cuộc mâu thuẫn nhau của chúng con, vì những chia rẽ, vì những cái tôi ích kỹ của chúng con;
Xin giúp chúng con được là chi thể sống động được gắn kết người này với người kia bởi một sức mạnh duy nhất, đó là tình yêu, ấy là sức mạnh mà Chúa Thánh Thần đong đầy cõi lòng chúng con (x. Rm 5,5). A-men.
Xin cám ơn anh chị em.
Từ RadioVaticana, ngày 19-6-2013
Thái Hiệp chuyển ngữ và giới thiệu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét