Thứ Sáu, 17 tháng 5, 2013

Chúa Thánh Thần, linh hồn của đời sống kitô hữu

Có một thời nhiều nhà thần học nói tới sự lãng quên về Chúa Thánh Thần trong Giáo Hội. Nhà thần học nỗi tiếng Von Baltharzar cho rằng: “Thánh Thần là Đấng đại bị quên lãng hơn cả Ngôi Lời”[1]. Vào năm 1951, trước công đồng Vatican II, E. Brunner cho rằng Chúa Thánh Thần có lẽ luôn là đối tượng không được để ý tới của thần học và sự năng động của Thánh Thần có lẽ thường được xem như con ngáo ộp đối với các nhà thần học[2]. Phải chăng vì thần học chỉ tập trung vào vai trò của Chúa Kitô mà lãng quyên hai khuôn mặt khác là Chúa Cha và Chúa Thánh Thần?

Từ Công Đồng Vatican II, sự quan tâm về Thánh Linh Học mang tính thời sự không thể chối cãi được. Từ khắp nơi người ta nói tới một sự tái khám phá mới về khuôn mặt Chúa Thánh Thần. Một bằng chứng hiễn nhiên là chính Công Đồng Vaticano II đã 258 lần nhắc tới tên của Chúa Thánh Thần trong các văn kiện và nhìn nhận vai trò của Người như là “linh hồn của Giáo Hội[3].
Quả thế, nhìn lại lịch sử cứu độ, Chúa Thánh Thần nắm giữ một vai trò rất quan trọng trong đời sống của con người từ thủa hồng hoang cho đến thời kỳ viên mãn của lời hứa được thực hiện bởi Đức Kitô. Nhưng vì Người hoạt động quá âm thầm, ẩn dấu và huyền nhiệm nên con người ít để ý và ít nhận biết Người. Chúa Thánh Thần được ví như “nhà đạo diễn” chuyên nghiệp và lão luyện, hoạt động âm thầm nhưng rất hiệu quả đằng sau sân khấu lịch sử để cho “màn kịch cứu độ” của Thiên Chúa được diễn ra cách tốt đẹp theo kế độ của Thiên Chúa Cha.
Từ Thời Đại Cựu Ước
Kinh Thánh Cựu Ước cho thấy: ở đâu có Thần Khí Thiên Chúa, ở đó có sự sống. Thần Khí đã hiện diện từ lúc tạo dựng: “Thần Khí bay là là trên mặt nước” (St 1,1), nhờ đó vũ trụ bắt đầu có sự sống. Thần Khí ban sự sống cho con người: “Ðức Chúa là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật” (St 2,7). Thổi sinh khí là ban Thần Khí. Có Thần Khí là có sự sống.
Thần Khí thúc đẩy con người hành động để chương trình cứu độ được thực hiện trong lịch sử (x. Tl 15,19; 1Sam 16,13…). Vì thế, ai được Thần Khí cư ngụ, người đó thuộc về Thiên Chúa, người đó trở thành người của Thiên Chúa (như Samson, Đavít, Giêrêmia, Isaia…). Thần Khí trở thành nguyên lý bên trong đời sống họ (Ez 36,25-27).
Tiên tri Isaia (sinh 765 TCN) tiên báo từ gốc Giesê sẽ xuất hiện một Đấng Cứu Thế. Thần Khí Đức Chúa sẽ ngự trên vị này (x. Isaia 11,1-10). Đây là bản văn nói về những ơn cả của Thánh Thần: thần khí khôn ngoan, thần khí minh mẫn, thần khí mưu lược, thần khí dũng mạnh, thần khí hiểu biết, và thần khí kính sợ Chúa. Những ơn này được ban để Đấng Mesia thực hiện sứ vụ nhằm tái lập nền công lý và cảnh thái bình cho Dân Người. Đây là những đặc ơn mà Thần Khí ban cho con người để con người có thể hành động theo đường hướng của Thiên Chúa.
Tất cả những hoạt động của Thần Khí trong Cựu Ước được coi là những hoạt động của Chúa Thánh Thần dưới ánh sáng của Tân Ước. Thần Khí chuẩn bị, dọn đường, và lèo lái các sự kiện, các nhân vật Cựu Ước theo chương trình của Thiên Chúa, để lời hứa của Thiên Chúa được thực hiện. Thần Khí chuẩn bị Dân Chúa và hướng dẫn Dân Chúa tới giao ước mới.
Tuy nhiên, mạc khải Cựu Ước chưa hình dung và nhận biết Thần Khí như là một ngôi vị trong Thiên Chúa, mà chỉ là những hoạt động, năng lực, hay sức mạnh của Thiên Chúa. Phải đợi đến sự mới mẻ của mạc khải Tân Ước mà Đức Kitô mang lại, khuôn mặt của Thần Khí được làm sáng tỏ.
Đến Thời Đại Tân Ước
Sự kiện nổi bật mở màn cho thời kỳ cứu độ của thời Tân Ước là biến cố truyền tin. Biến cố này được thực hiện nhờ hoạt động của Chúa Thánh Thần. Thiên Chúa sai thiên thần Gabriel đến truyền tin cho Đức Maria sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Maria thắc mắc: “Việc ấy xảy ra thế nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng?” Sứ thần đáp: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ tỏa bóng trên bà; vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa (Lc 1,26-38).
Quả vậy, để Con Chúa giáng trần, Chúa Thánh Thần đã chuẩn bị một cung lòng tinh tuyền, thánh thiện và xứng đáng cho Người ngự. Đó là cung lòng Đức Maria vô nhiễm nguyên tội. Mẹ được gọi là Đấng đầy ơn phúc vì Thiên Chúa ở cùng Mẹ. Như thế, ở đâu có Thần Khí Thiên Chúa cư ngụ, ở đó có sự thánh thiện.
Có thể nói rằng biến cố nhập thể của Con Thiên Chúa là kiệt tác của Chúa Thánh Thần. Mầu nhiệm này là biến cố độc nhất trong lịch sử nhân loại. Thánh Thần làm cho Ngôi Lời trở thành nhục thể trong lòng Đức Trinh Nữ Maria, Thiên Chúa trở thành con người và ở giữa loài người. Không có Chúa Thánh Thần, không ai trên trần gian có thể can thiệp để Con Thiên Chúa nhập thể cách kỳ lạ như thế trong lòng một người phụ nữ. Theo cái nhìn đó, trong lời nguyện của mình, Thánh Phanxicô Assisi gọi Đức Maria là Hiền Thê của Chúa Thánh Thần[4]. Nơi Đức Maria, Thiên Chúa thực hiện giao ước tình yêu và sự kết hợp hôn phối của Thiên Chúa với Dân Người mà Đức Maria là hình ảnh Eva mới, Dân mới, Giáo Hội của Người.
Nếu Đức Maria được đầy ơn phúc thì Đức Giêsu Nazarét, quả phúc bởi lòng Mẹ, cũng là người luôn đầy Thánh Thần. Từ khi sinh hạ đến lúc về trời, Chúa Giêsu luôn sống trong, theo và nhờ Thánh Thần. Nguyên lý sống linh hoạt, hướng dẫn con người và cuộc đời của Đức Giêsu không là gì khác ngoài Chúa Thánh Thần. Tin Mừng thường nói đến hoạt động của Thánh Thần nơi Đức Giêsu: “Ông Gioan còn làm chứng: “Tôi đã thấy Thần Khí tựa chim bồ câu từ trời xuống và ngự trên Người” (Ga 1,33); “Được Thánh Thần tác động, Đức Giêsu hớn hở vui mừng” (Lc, 10,21-24); hoặc: “Được Thánh Thần thúc đẩy, Đức Giêsu vào hoang địa (Mt 4,1; Mc 1,12; Lc 4,1). Tin Mừng Gioan kể lại một chi tiết rất quan trọng: Trên thập Giá, “Người gục đầu xuống và trao Thần Khí” (Ga 19,30). Đức Giêsu trao Thánh Thần – là kho báu và quà tặng cánh chung – cho Giáo Hội.
Sau khi phục sinh, Chúa Kitô là Đấng ban Thánh Thần cho Giáo Hội một cách dồi dào. Kể từ biến cố Hiện Xuống, Chúa Thánh Thần ở với Giáo Hội luôn mãi, trở thành linh hồn và nguồn sống của Giáo Hội. Chính Chúa Thánh Thần là người hướng dẫn Giáo Hội trong sứ vụ loan báo Tin Mừng qua các thời đại.
Và Với Người Kitô Hữu Hôm Nay
Con người tự bản chất khát khao Thiên Chúa. Con người tìm kiếm Thiên Chúa “như nai rừng mong mỏi tìm về nguồn nước trong, hồn con cũng trông mong được gần Ngài, lạy Chúa”(Tv 42,2). Con người mãi mãi khắc khoải cho tới khi nào được nghỉ ngơi trong Chúa (Augustinô). Bởi lẽ, con người được dựng nên cho Đấng Tuyệt Đối. Hành trình tìm kiếm đó phải được dẫn dắt và hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần, Người gợi mở tới sự vô biên, tới điều cao cả và sự thánh thiêng.
Thật là phiến diện nếu chúng ta hiểu Đức Tin, hay đời sống đạo của người kitô hữu chỉ là một khía cạnh của đời sống con người. Do đó, nó thường được quy về “đời sống nội tâm”, “đời sống của linh hồn” và nó đối nghịch với đời sống thể lý, hoặc tách biệt khỏi cuộc sống thường nhật. Thế nhưng, đời sống đức tin không phải là một khía cạnh của cuộc sống con người. Đúng hơn, nó là phẩm chất của toàn bộ đời sống của một con người. Điều này phù hợp với tư duy Kinh Thánh khi nói Ruach - Thần Khí là hơi thở, sự sống, và là nguyên lý sống của toàn bộ con người.
Nếu Chúa Thánh Thần là nguyên lý sống của các thủ lãnh, tiên tri và ngôn sứ trong Cựu Ước và đặc biệt cũng là nguyên lý sống của Đức Maria, Chúa Giêsu và các tông đồ trong Tân Ước[5], thì Người cũng phải là linh hồn, là nguyên lý sống của người kitô hữu. Thánh Tôma Aquinô đã diễn tả ý nghĩa đó trong ngôn từ mới: Chúa Thánh Thần là lex nuova – luật mới, nguyên lý mới của người kitô hữu[6]. Chúa Thánh Thần là nguyên lý sống để thúc đẩy và định hình những khát vọng, quyết định, hành động, thái độ, và các giá trị sống của người kitô hữu.
Chúa Thánh Thần là “vị khách dễ thương của linh hồn”, người bạn đường thần linh của chúng ta và là nhà điêu khắc nội tâm, Đấng uốn nắn khuôn mặt mỗi người theo hình ảnh Chúa Kitô một cách vô cùng sáng tạo. Người thánh hóa, biến đổi và làm cho người kitô hữu từ những con người cũ trở thành những con người mới trong Đức Kitô (x. 2 Cr 12,2). Điều này được diễn tả rất ý nghĩa qua câu nói sau đây:
“Chúa Thánh Thần luôn hiện diện bên cạnh mọi người nam nữ, để giúp họ nhận ra căn tính của mình là những kẻ tin và được kêu gọi, để nhào nặn và tạo cho họ có một căn tính rập theo kiểu mẫu của tình yêu Thiên Chúa. Là Thánh Thần thánh hóa, Người tìm cách tái tạo dấu ấn thần linh nơi mỗi người, giống như một người thợ điêu luyện và kiên nhẫn của linh hồn chúng ta, và là Đấng an ủi tuyệt vời[7].
Vì vậy, nền linh đạo kitô giáo phải là nền linh đạo hướng tới phẩm chất của toàn bộ đời sống xét như là đời sống đó được Thánh Thần sáng tạo và nhào nặn. Chỉ có Chúa Thánh Thần mới biến đổi chúng ta từ những con người “xác thịt, cát bụi” trở thành những con người “thần khí”. Chỉ có Chúa Thánh Thần thánh hóa chúng ta trở thành con cái của Thiên Chúa và có thể gọi Người là Abba – Cha ơi! (x. Gl 8,15). Chỉ có Chúa Thánh Thần hướng dẫn chúng ta mới trở thành những người thờ phượng đích thực của Thiên Chúa trong tinh thần và sự thật (x. Ga 4,23). Thánh Phaolô nói về hoa quả của việc sống theo Thánh Thần. Ai sống theo Thần Khí thì sống trong tự do, bác ái, hoan lạc và bình an của Thiên Chúa (x. Gal 5,22).
Vì thế, chúng ta mới hiểu tại sao Chúa Chúa Giêsu nói: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: “Lạy Chúa! Lạy Chúa! Là sẽ được vào Nước Trời cả đâu. Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi” (Lc, 7,21). Đức tin không phải chỉ dừng lại ở việc tuyên xưng nơi đầu môi chót lưỡi nhưng phải trở thành đời sống, thành nguyên lý sống, biến đổi toàn bộ con người bên trong của chúng ta.
Tuy nhiên, để Thánh Thần hoạt động nơi chúng ta, điều kiện phải có chính là sự mở lòng ra với Người, để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn, và biết nhạy bén cũng như ngoan ngoãn với dự phóng của Người. Người kitô hữu hãy là uống sáo trong bàn tay nghệ sỹ Thánh Thần để Người tấu lên những khúc ca mới, điệu nhạc mới. Đó là khúc ca của giao ước mới do Thánh Thần sáng tạo.
Tạm Kết
Thời đại của người kitô hữu quả là thời đại của Chúa Thánh Thần, Người hướng dẫn con người và lịch sử tới sự viên mãn, và thành toàn. Bởi Người chính là sự sung mãn và phì nhiêu trong đời sống tự tại của Thiên Chúa (ed intra). Chúa Thánh Thần là Đấng kiến tạo sự mới mẽ và sức sống mới. Bởi Người là ‘thuyền trưởng” lèo lái con thuyền lịch sử và là linh hồn của đời sống kitô hữu tới Đêm Hôn Phối nhiệm mầu và tiệc cưới Con Chiên trong ngày cánh chung (x. Kh 19,1-7).
 Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương
Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống 2013

Sách tham khảo:
1. O Von Asseldonk, Maria sposa dello Spirito Santo in S. Francesco d’Assisi, in Credo in Spiritum Sanctum, Città del Vaticano 1983, II, 1123-1132.
2. Quirico T. Pedregosa, IR., OP., Leadership for mission, Nxb Tôn Giáo, 2012, 26-27.
3. Thoma d’Aquino, Summa Theologiae, I-II, q. 106, a. 1c.
4. Y.-M. Congar, Credo nella Spirito Santo, Queriniana, Brescia 1998-1999.

Không có nhận xét nào:

Tìm kiếm ....