“Thiên
Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi
phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến
thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của
Người, mà được cứu độ. Ai tin vào Con của Người thì không bị lên án; nhưng kẻ
không tin thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa” (Ga
3:16-18).
Chúa Ba Ngôi phải giữ vai trò quan trọng
trong đời sống tâm linh của chúng ta. Rất thường xuyên, khi chúng ta nhận biết
và tin Thiên Chúa là Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần, chúng ta không nhớ
mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi là tâm điểm trong đời sống cầu nguyện của chúng ta. Rất
tốt để chúng ta kiểm tra đời sống nội tâm và cân nhắc: Tôi có thường suy niệm
về Chúa Ba Ngôi? Tôi có thường suy niệm về việc mặc khải Chúa Ba Ngôi đã được
trao cho tôi qua Đức Kitô? Tôi có tin vào tình yêu của Chúa Ba Ngôi, tình yêu
ấy quá lớn đến nỗi Chúa Con nhập thể làm người và chết để tôi được sống?
Chúa Ba Ngôi không chỉ là Ơn Cứu Độ của
chúng ta, mà còn là mầu nhiệm chính gợi hứng cho đời sống tâm linh của chúng ta.
Chúng ta phải cân nhắc vì yêu thương mà Chúa Ba Ngôi sai Ngôi Con đến thế gian.
Chính Đấng Cứu Thế đã nói với chúng ta: “Thiên
Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi
phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3:16).
Mặc dù chúng ta thường nghĩ về Chúa Cha có
Đấng tạo dựng thế gian – và mặc dù Thánh Irênê còn đi xa hơn là tuyên bố rằng Chúa
Con và Chúa Thánh Thần là cánh tay của Chúa Cha, Đấng tạo thành trời đất – chúng
ta phải chân nhận rằng cả Ba Ngôi trong Tam Vị Nhất Thể đều tạo dựng vũ trụ. Thiên
Chúa tạo thành là Thiên Chúa Ba Ngôi. Đây là điều rõ ràng trong Summa Theologica (Tổng luận Thần học)
của Thánh Tiến sĩ Thomas Aquinas (Linh mục Dòng Đa-minh), luận thuyết về việc
tạo dựng thế gian được đặt sau luận thuyết về Chúa Ba Ngôi.
Thật vậy, vị Thánh Tiến sĩ Thiên thần (Angelic
Doctor) đã coi sự xuất phát của các thụ tạo từ Thiên Chúa là sự phản ánh của đoàn
rước Ba Ngôi Thiên Chúa – nói cách khác, nhờ rất giống nhau, các thụ tạo xuất
phát từ Chúa Ba Ngôi giống như Chúa Con và Chúa Thánh Thần nhiệm xuất từ Chúa
Cha vậy. Thánh Thomas nói: “Sau đoàn rước
của Ba Ngôi Thiên Chúa, chúng ta phải cân nhắc đoàn rước của các thụ tạo của
Thiên Chúa” (ST I, q.44, Mở Đầu). Đó là Chúa Ba Ngôi tạo dựng vũ trụ, mặc
dù chúng ta nói Chúa Cha là Đấng tạo dựng qua Ngôi Lời, chúng ta vẫn phải chân
nhận rằng cả Ba Ngôi đều là Thiên Chúa sáng tạo.
Chúng ta nhớ tới thánh ca tuyệt vời Veni Creator Spiritus – Lạy Chúa Thánh
Thần, xin hãy đến. Linh hồn chúng ta có Ngôi Ba ngự trị. Ngài đến trợ giúp và
ban ân sủng. Thánh ca này có điểm chính: Sự sáng tạo và Ơn Cứu Độ liên quan mật
thiết đến nỗi Thiên Chúa, Đấng cứu độ nhân loại cũng phải giống như Thiên Chúa
đã tạo dựng nhân loại. Nếu Chúa Con và Chúa Thánh Thần không tạo dựng chúng ta,
các Ngài cũng không thể cứu độ chúng ta.
Thiên Chúa cứu độ và Thiên Chúa thánh hóa cũng
phải là Thiên Chúa sáng tạo. Vì thế mà ba danh xưng – Đấng Sáng Tạo, Đấng Cứu
Độ, Đấng Thánh Hóa – không chỉ nói tới mỗi ngôi riêng biệt, mà là cả Ba Ngôi.
Thiên Chúa Ba Ngôi tạo dựng chúng ta, cứu độ chúng ta, và thánh hóa chúng ta.
Cả Ba
Ngôi sai Chúa Con đến thế gian vì yêu thế gian
Các Kitô hữu thường nghĩ rằng chỉ có Chúa
Cha sai Chúa Con đến thế gian – như thể vai trò của Chúa Cha là đặc quyền và chọn
lựa. Tuy nhiên, chúng ta phải chân nhận rằng cả Ba Ngôi (kể cả Ngôi Con) đều
sai Chúa Con đến thế gian làm Đấng Cứu Độ. Từ đó, khi chúng ta đọc: “Thiên Chúa quá yêu thương thế gian”, chúng
ta phải nhận thức rằng Thiên Chúa không
chỉ được nói riêng tới Chúa Cha, mà bao gồm cả Ba Ngôi Thiên Chúa. Thiên-Chúa-quá-yêu-thương-thế-gian là
Thiên Chúa Ba Ngôi, không chỉ riêng Chúa Cha.
Tuy nhiên, chúng ta phải chân nhận rằng có sự
phù hợp nào đó khi nói Chúa Cha sai Chúa Con, vì Chúa Cha là nguồn gốc của Chúa
Con trong đời sống nội tại của Ba Ngôi. Cũng vậy, có sự thích hợp khi nói Chúa
Thánh Thần được Chúa Cha và Chúa Con sai đến, vì Ngài nhiệm xuất từ Chúa Cha và
Chúa Con từ đời đời. Như vậy, với câu hỏi: “Ai
sai Chúa Con đến thế gian?”, chúng ta phải trả lời theo hai cách: Nếu chúng
ta nghĩ Chúa Con nhiệm xuất từ Chúa Cha từ đời đời, thì chúng ta nói rằng Chúa Cha sai Chúa Con. Tuy nhiên, nếu
chúng ta nghĩ Chúa Con được sai đến thế gian, thì chúng ta nói rằng cả Ba Ngôi đã sai Chúa Con.
Có thể Thánh Thomas nói rõ hơn về điểm này:
Có vẻ Thiên Chúa chỉ được sai đến bởi Đấng mà Ngài nhiệm xuất từ đời đời. Ngược
lại, Ngôi Con được gởi đến bởi Ngôi Thánh Thần: “Giờ đây, Đức Chúa là Chúa Thượng sai tôi cùng với thần khí của Người”
(Is 48:16). Nhưng Ngôi Con không từ Ngôi Thánh Thần. Do đó, Thiên Chúa được
gởi đến bởi một Đấng không nhiệm xuất.
Có những ý kiến khác nhau về điểm này. Một
số người cho rằng một Ngôi chỉ được gởi đến bởi Đấng mà Ngài nhiệm xuất từ đời
đời; như vậy, khi người ta nói Con Thiên Chúa được Chúa Thánh Thần gởi đến, điều
này được giải thích theo nhân tính của Ngài, bởi lý do Ngài được Chúa Thánh
Thần gởi đến để rao giảng. Tuy nhiên, Thánh Augustinô nói (De Trin. ii, 5) rằng
Chúa Con được gởi đến bởi chính Ngài và bởi Chúa Thánh Thần; Chúa Thánh Thần
được gởi đến bởi chính Ngài và bởi Chúa Con; để việc được gởi đến trong Thiên
Chúa không áp dụng cho mỗi Ngôi, mà chỉ áp dụng cho Ngôi nhiệm xuất từ Ngôi
khác, vì việc gởi đến thuộc về mỗi Ngôi.
Trích dẫn từ ST I, q.43, a.8: “Có sự thật nào đó trong cả hai ý kiến này; vì
khi một Ngôi được mô tả là được gởi đến, chính Ngôi hiện hữu từ Ngôi khác được bổ
nhiệm, với hệ quả hữu hình hoặc vô hình, thích hợp với sứ vụ của Ngôi đó. Như
vậy, nếu Người Sai Đi được bổ nhiệm là nguyên nhân của Người Được Sai Đi, theo
nghĩa này thì mỗi Ngôi đều không sai đi, nhưng chỉ Ngôi là nguyên nhân của Ngôi
đó mới được sai đi; và như vậy thì chỉ Ngôi Con được Ngôi Cha sai đi; và Ngôi
Thánh Thần được Ngôi Cha và Ngôi Con sai đi. Tuy nhiên, nếu Ngôi sai đi được
hiểu là nguyên nhân của hệ quả ngụ ý trong sứ vụ, theo nghĩa đó thì cả Ba Ngôi
sai Ngôi Được Sai Đi”.
Tam Vị
Nhất Thể và gương của Thánh Inhaxio Loyola.
Khi chúng ta cho rằng Chúa Ba Ngôi cùng yêu
thương chúng ta, tạo dựng chúng ta, và cứu độ chúng ta, chúng ta nhận biết rằng
Ba Ngôi phải giữ vai trò chính trong đời sống tâm linh của chúng ta. Hơn nữa, tình
yêu của Ba Ngôi là nguồn mạch của đời sống nội tâm của chúng ta, vì tình yêu
này đã hoàn tất Ơn Cứu Độ. Thánh Inhaxio Loyola đưa ra ví dụ về sự trung tâm mà
Chúa Ba Ngôi (đặc biệt là Tình Yêu của Chúa Ba Ngôi) phải có trong đời sống tâm
linh của chúng ta. Cân nhắc Mầu nhiệm Nhập thể, trước tiên thánh nhân hướng dẫn
chúng ta cân nhắc sự sắp xếp trong Chúa Ba Ngôi khi Thiên Chúa quyết định sai
Ngôi Con đến thế gian để cứu độ chúng ta.
Lưu ý rằng việc suy niệm không chỉ tập trung
vào Tình Yêu của Chúa Cha, mà tập trung vào Tình Yêu của Chúa Ba Ngôi. Hơn nữa,
hãy cân nhắc việc Thánh Inhaxio hướng dẫn chúng ta nghĩ ra những ý tưởng và cuộc
đối thoại của Ba Ngôi – điều này rất rõ trong Mở Đầu 1, phần 2 của điểm 1, điểm
2, và điểm 3.
Suy niệm này trích từ ngày đầu của tuần thứ
hai trong cuốn “Ignatian Spiritual Exercises” (Rèn luyện Tâm linh theo Thánh
Inhaxio), đây là một hướng dẫn tuyệt vời về cách suy niệm về Chúa Ba Ngôi phải
là tâm điểm của đời sống tâm linh.
Lời nguyện chuẩn bị thông thường:
Mở Đầu 1 – Đưa ra một chuyện kể mà bạn phải chiêm
niệm.
Đó là cách Ba Ngôi nhìn vào mọi khía cạnh
của thế giới, đầy con người, và cách nhìn thấy mọi người sẽ sa Hỏa ngục, được
ấn định từ đời đời, và Ngôi Con sẽ làm người để cứu nhân loại, và thời gian
trọn vẹn sẽ đến, Ba Ngôi đã sai Sứ thần Gabriel đến truyền tin cho Trinh nữ
Maria.
Mở Đầu 2 – Sự cấu thành, thấy nơi chốn: Sẽ
thấy cục diện thế giới, trong đó có quá nhiều người và quá khác nhau: Căn phòng
của Đức Mẹ ở Nadarét, miền Galilê.
Mở Đầu 3 – Xin điều bạn cần: Xin nhận biết
Chúa, Đấng sẽ làm người vì chúng ta, thế nên bạn phải yêu mến và bước theo Ngài.
Thứ nhất, đó là thấy nhiều
người: Những người đầu tiên trên thế gian, khác nhau đủ thứ, trang phục cũng
khác: Người thì đồ trắng, kẻ thì đồ đen; nơi thì bình an, nơi thì chiến tranh; người
thì khóc, người thì cười; người thì khỏe mạnh, người thì đau yếu; người sinh
ra, kẻ qua đời; v.v...
– Tưởng tượng và suy niệm về Chúa Ba Ngôi, như
Ngài ngự trên Thiên tòa, Chúa Ba Ngôi nhìn xuống thế gian, mọi người không thấy
như vậy, và biết bao người chết phải sa Hỏa ngục.
– Tưởng tượng thấy Đức Maria, và Sứ thần kính
chào Đức Maria, rồi phản ánh để có lợi nhờ cảnh tượng đó.
Thứ hai, nghe những điều
nhân thế nói, cách họ nói với nhau: Nịnh hót nhau, chê trách nhau, nguyền rủa
và phỉ báng nhau, v.v...; và nghe những điều Chúa Ba Ngôi nói với chúng ta: “Hãy yêu thương nhau, hãy hành động để cứu
nhân loại”,...; nghe những điều Thiên thần và Đức Mẹ nói; và rồi suy nghĩ
để rút ra bài học từ những lời đó.
Thứ ba, nhìn vào những gì
nhân thế làm, chẳng hạn như đối xử tệ với nhau, giết nhau, phạm tội, xuống Hỏa
ngục,...; nhìn những điều Thiên Chúa làm, chẳng hạn: yêu thương, ban ơn, nhập
thể, chịu chết vì chúng ta,...; những điều Thiên thần và Đức Mẹ làm: Thiên thần
làm nhiệm vụ như một đại sứ, Đức Mẹ khiêm nhường và tạ ơn Chúa Ba Ngôi; và rồi
suy nghĩ để có lợi ích nhờ nhữ điều này.
Cuối cuộc đối thoại được tạo ra, hãy nghĩ điều
bạn phải nói với Chúa Ba Ngôi, với Ngôi Lời Nhập Thể, với Đức Mẹ, cầu xin theo
mức cảm nhận của bạn, để có nhiều người noi gương Đức Mẹ mà “xin vâng”.
Chúng ta cùng cầu nguyện bằng Kinh Lạy Cha.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét