Thứ Tư, 4 tháng 9, 2013

Trong mái ấm gia đình con cái cần gì nơi cha mẹ : Làm gương

Gia đình là “tổ ấm” (tiếng Pháp gọi là foyer, nghĩa là bếp lửa để nấu ăn và sưởi ấm cho cả nhà). Xưa và nay gia đình là nơi mỗi thành viên được nuôi dưỡng về vật chất và tinh thần từ tấm bé, là chỗ dựa khi cuộc sống ngoài xã hội gặp khó khăn, ai đi đâu dù xa hay gần cũng mong quay về nhà. Nhưng thời nay, trong nhiều hoàn cảnh, ở hải ngoại cũng như ở trong nước, gia đình không còn là tổ ấm nữa, mối tương quan giữa cha mẹ và con cái chẳng còn được đầm ấm, khắng khít như xưa. Những màn tranh giành, cãi cọ, bỏ nhà ra đi … xảy ra như cơm bữa. Giá trị đích thực của gia đình đang thoái hóa trầm trọng, trách nhiệm giáo dục gia đình càng là một thách đố lớn.

Cha mẹ thường than phiền con cái hư hỏng, nhưng có bao giờ họ tự vấn lương tâm xem mình có biết làm gương cho con cái, có ý thức trách nhiệm và biết cách giáo dục con cái? Biết can đảm đặt ngược lại vấn đề: con cái ao ước điều gì nơi mình? Phân tích tệ nạn thanh thiếu niên hư hỏng, người ta thấy rằng từ 50-70% là do gia đình thiếu giáo dục, cha mẹ thiếu ý thức trách nhiệm, không có khả năng giáo dục hoặc chính cha mẹ đã có cuộc sống sa đọa, thiếu đạo đức, làm gương mù gương xấu cho con cái.

Không ai có thể cho điều mình không có, cha mẹ không thể dạy dỗ con cái nên người nếu họ không trưởng thành. Họ không thể truyền đạt cho con cái những giá trị mà chính mình đã không sống trước hoặc đã không phấn đấu để sống từng ngày những giá trị ấy.

Cách cư xử hay hoặc dở nơi cha mẹ đều ảnh hưởng tới con cái. Tội nghiệp thay! Nhiều em ngay từ tuổi cấp 1 đã chứng kiến thảm cảnh ba mẹ bất hòa, đây là một trong những điều làm các em buồn nhất. Một bé gái gầy guộc với đôi mắt buồn, khe khẽ nói với tôi: “Trong gia đình, điều làm em buồn nhất đó là mỗi khi ba mẹ cãi lộn, ba có khi còn đánh mẹ nữa. Mẹ không ăn cơm, em sợ mẹ bệnh”.

Tệ hại hơn nữa là thói “Tứ đổ tường” của cha, cứ rượu vào là nói năng lung tung, vô văn hóa, gây gỗ với vợ con. Buồn rười rượi, một bé trai lớp Bốn, trông khôn trước tuổi, em kể: “Ba em tối ngày đi nhậu, hay đánh bài, về nhà là đánh mẹ nhưng điều đó đã qua rồi. Bây giờ thì ba lấy vợ nhỏ. Em ao ước là ba và mẹ trở lại với nhau và ba sẽ đổi tính, em cầu cho mẹ sống lâu với chúng em”.

Không chỉ các em nhỏ nhưng nhiều bạn trẻ cảm thấy bầu khí nặng nề, căng thẳng vì gia đình lộn xộn, thiếu vắng tình thương. Vừa mặc cảm, vừa đau khổ, một bạn trẻ tâm sự: “Trong gia đình từ nhỏ đến lớn, em chưa bao giờ tâm sự với ai về chuyện của riêng mình. Em luôn tự mình giải quyết mọi việc, tự tìm tòi, tự cầu nguyện để tìm ra câu trả lời thích hợp nhất cho mình. Em đã quen sống với không khí vô cảm của mọi người trong gia đình nhưng không thể quen được với tiếng cải vã, la lối. Ba mẹ em thường cãi cọ, thậm chí giằng xé, đánh đập nhau chỉ vì chuyện tiền nong, hoặc chỉ vì chuyện dạy con của hai người khác nhau. Những lần như thế, em chỉ biết tìm cách chạy trốn chính mình …”

Một bạn khác không ngăn nổi sự giận trách về tinh thần vô trách nhiệm của bố mình với vai trò là chồng, là cha trong gia đình: “Bố em thường xuyên nhậu làm khổ mẹ và cả nhà. Bố như không có trách nhiệm gì với gia đình. Một mình mẹ lo cho cả 3 anh chị em mọi sự. Em càng thương mẹ bao nhiêu thì với bố ngược lại bấy nhiêu!”

Tác động của giáo dục không chỉ ngừng lại ở một thế hệ mà ảnh hưởng dây chuyền đến đời con, đời cháu. Các nhà tâm lý khẳng định rằng nó để lại dấu ấn không ngờ trong tiềm thức từ khi còn bé và theo mãi cho đến cuối đời. Các nhà xã hội học Hoa Kỳ cho biết rằng tình trạng cha mẹ thường xuyên cãi lộn, đánh nhau đã ảnh hưởng rất xấu đến việc giáo dục con cái. Có đến 80% phạm nhân Hoa Kỳ lớn lên trong gia đình ở tình trạng này. Trong đó có 63% nam thiếu niên phạm tội giết người vì chúng giết kẻ đánh đập mẹ chúng,

Trong gia đình, khi các em bắt đầu biết nhận xét, phán đoán, chúng bắt đầu quan sát những lời cha mẹ dạy và bắt chúng làm xem có phù hợp với cách sống của cha mẹ hay không. Có thể không nói gì nhưng chúng sẽ tỏ lập trường của mình bằng hành động. Cách giáo dục tốt nhất là giáo dục bằng chính cuộc sống gương mẫu. “Lời nói lung lay, gương lành lôi kéo”, những gương tốt đẹp của cha mẹ sẽ ảnh hưởng tích cực và lâu dài trong việc hình thành nhân cách của các em.

NGỌC TÂM


Không có nhận xét nào:

Tìm kiếm ....