Khi nói đến tình yêu, người ta thường nói đến sự dâng hiến cho người hay đối tượng mà họ yêu cách trọn vẹn. Godwin đã nói: “Muốn biết thế nào là tình yêu thì phải biết sống cho kẻ khác. Sống cho kẻ khác tức là yêu”. Hay: “Yêu là sống cuộc sống của người mình yêu” (Tolston). Còn Đức Giê su thì Ngài đã sống triệt để tình yêu ấy khi nói và thực hiện: “Không có tình yêu thương nào lớn lao hơn tình yêu thương của kẻ đã hiến mạng sống mình vì người mình yêu” (Ga 15,13).
Tình yêu ấy đã được Đức Giêsu diễn tả trong chính cuộc sống của Ngài. Tuy nhiên, Ngài không muốn con người chỉ có đứng ở bên ngoài và nhìn về tình yêu ấy một cách lạnh lùng hay trầm trồ khen ngợi…, mà Ngài muốn cho tất cả những ai là môn sinh của mình được sống và cảm nghiệm thực sự về tình yêu ấy một cách sống động trong chính cuộc sống của họ. Vì thế, trải qua dòng thời gian, đã biết bao con người được Đức Giêsu mời gọi và dẫn đưa họ đi vào trong tình yêu ấy. Khởi đi từ các Tông đồ.
Tình yêu ấy đã được Đức Giêsu diễn tả trong chính cuộc sống của Ngài. Tuy nhiên, Ngài không muốn con người chỉ có đứng ở bên ngoài và nhìn về tình yêu ấy một cách lạnh lùng hay trầm trồ khen ngợi…, mà Ngài muốn cho tất cả những ai là môn sinh của mình được sống và cảm nghiệm thực sự về tình yêu ấy một cách sống động trong chính cuộc sống của họ. Vì thế, trải qua dòng thời gian, đã biết bao con người được Đức Giêsu mời gọi và dẫn đưa họ đi vào trong tình yêu ấy. Khởi đi từ các Tông đồ.
1. Họ đã đến xem và ở lại với Ngài
Khi Gioan gặp Đức Giêsu đi ngang qua chỗ mình thì liền giới thiệu cho hai môn đệ: “đây là chiên Thiên Chúa”. Hai môn đệ đó liền đến gặp Đức Giêsu. Mối tương quan trở nên gần gũi hơn khi Đức Giêsu hỏi: “các anh tìm gì?” câu hỏi của Đức Giêsu nói lên sự quan tâm của Ngài với các ông và cũng muốn cho các ông đi vào sự hiện hữu của Ngài. Các ông hết sức vui mừng và sung sướng, vì thế bèn thốt lên: “lạy Thầy, Thầy ở đâu?” và Đức Giêsu đã không ngần ngại mời gọi họ: “hãy đến và xem”. Kinh Thánh còn cho biết thêm, các ông đã đến và ở lại với Ngài ngày hôm ấy. Hay nói cách khác, họ đã đến và sống cuộc sống của chính Đức Giêsu. Sau đó, họ trở về trong hân hoan và giới thiệu Chúa cho nhiều người… (x. Ga 1,35-42).
Hai môn đệ của ông Gioan đã đến để xem nơi Đức Giêsu ở, để cảm nghiệm cách sống của Ngài, để chứng kiến đời sống của Đấng là “Chiên Thiên Chúa” và, để học cho biết thế nào là “yêu”. Như vậy, các ông đã đi vào mối tương quan thân tình, sâu đậm giữa Đức Giêsu và mình. Phải chăng đây là một cuộc đối thoại trong niềm tin mà Đức Giêsu đang dần dẫn dắt các ông để rồi sau này Phêrô phải thốt lên: “Lạy Thầy, bỏ Thầy con biết theo ai” “Thầy mới có những lời ban sự sống” (x. Ga 6,68-70). Quả thật, nếu không tin, làm sao các ông đến và ở lại được? Hẳn phải có một độ nhạy bén sâu xa do niềm tin thúc đẩy, một sức bật của tình yêu lớn lao thì mới có thể đi vào trong nội dung của niềm tin và tình yêu của Chúa cách trọn vẹn, thân tình đến như vậy. Khi đã được hồng ân đức tin thúc bách, các ông đã không thể sống nếu thiếu Chúa trong cuộc đời. Từ đây, các ông bắt đầu thực sự bước vào và sống cuộc sống của chính Thầy Giêsu. Câu nói: “lạy Thầy, Thầy ở đâu?” hay “lạy Thầy, bỏ Thầy con biết theo ai” “Thầy mới có những lời ban sự sống” chính là những lời tuyên xưng đức tin cách vững vàng, thể hiện sự thần phục được thốt lên từ tâm hồn của các ông, những tâm hồn khát khao cháy bỏng được trở nên đồng hình đồng dạng với Thầy. Con đường tình yêu này tiếp tục lan tỏa và không ngừng được mời gọi tới tất cả những ai khao khát “yêu” và được “yêu” cách đặc biệt.
2. Mẫu gương của một số vị thánh
Trong lịch sử Giáo Hội, chúng ta cũng bắt gặp một số vị thánh tiêu biểu về đời sống kết hiệp với Chúa. Khi đã sống cuộc sống tròn đầy trong ân sủng, các ngài ngụp lặn trong tình yêu, và tất cả đều có một mẫu số chung là gắn bó và mong muốn được ở gần Chúa như hình với bóng.
Ví dụ như: thánh Têrêsa Avila khi đã sống kết hiệp mật thiết với Chúa trong thế giới thần bí, sau đó ngài đã viết: “Theo tôi, khát khao nghĩa là ước mong một điều gì đó rất cần cho chúng ta, cần đến nỗi nếu không có nó chúng ta sẽ chết” (x. đường lối trọn lành, chương 19). Trong Cựu Ước, chúng ta cũng bắt gặp tâm tình ấy của vua thánh Đavít: “Như nai khát khao suối nước chảy thế nào, linh hồn con cũng trông mong Chúa như vậy, Ôi Thiên Chúa… khi nào con mới được đến chiêm ngưỡng tôn nhan Thiên Chúa?” (Tv 42, 2-3). Tiếp tục dòng cảm nghiệm đó, Thánh Vịnh 73 diễn tả tương tự: “Trên đời này, ngoài Chúa ra, con không còn mong gì nữa. Xác thịt con và tâm hồn con có suy yếu thì Thiên Chúa đời đời vẫn là sức mạnh của tâm hồn con cũng như của phận số con… bởi vì, đối với con, được sống gần Thiên Chúa là điều thiện hảo” (Tv 73, 25-28). Sở dĩ như vậy, là vì khởi điểm xuất phát của con người là chính Thiên Chúa, cho nên đích điểm của con người không ai và không có gì khác cũng chính là Thiên Chúa. Bởi vì con người đến từ Thiên Chúa trong chương trình kế hoạch cứu độ của Ngài, nên trong thâm tâm, con người luôn kiếm tìm và khắc khoải được về bên Ngài. Cảm nghiệm được niềm hạnh phúc và bình an tận sâu thẳm tâm hồn, nên thánh Âutinh đã kêu lên: “Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên con và lòng con khắc khoải cho tới khi tâm hồn con được an nghỉ trong Chúa”. Còn với thánh Phaolô, sau khi đã được Đức Giêsu chiếm hữu lòng của mình, ngài đã thay thái độ, để đổi cuộc đời. Nếu trước kia, ngài sống ích kỷ, thì giờ đây ngài sống thật bao dung. Nếu trước kia ngài căm phẫn và ghét đạo, thì giờ đây “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi. Hiện nay tôi sống trong xác phàm là sống trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi” (Gl 2, 20).
Điểm qua một vài vị thánh tiêu biểu ấy để như là một tấm gương sáng ngời về lòng yêu mến Chúa và khát khao được sống sự sống của Ngài trong tình yêu. Còn chúng ta? Mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa thì sao?
3. Tin và theo là ở lại
Chúng ta luôn được mời gọi đi theo Đức Giêsu, và ở lại trong tình yêu của Ngài để được yêu thương. “hãy theo Thầy” và “Các con hãy ở lại trong tình yêu của Thầy”(Ga 15,9), luôn là lời mời gọi vừa tha thiết vừa trừu mến của Đức Giêsu cho tất cả chúng ta. Khi ở lại trong tình yêu của Chúa, chúng ta được trở nên nghĩa thiết với Thầy, bởi vì từ nay: “Thầy không gọi các con là tôi tớ, Thầy gọi các con là bạn hữu”. Mà đã là bạn hữu, chúng ta được chia sẻ, hiệp thông và liên đới cách thâm sâu hơn với Đức Giêsu và với anh chị em chúng ta. Ở lại trong tình yêu của Đức Giêsu thì cũng là đi vào và ở lại trong sự hiện hữu Thiên Chúa Cha: “Vì tất cả những gì Cha Ta nói với Ta, Ta cũng tỏ cho các con biết” (Ga 15, 15).
Khi ta ở lại trong Đức Giêsu, chúng ta được mặc lấy Ngài, được Ngài gìn giữ như con ngươi trong mắt của Ngài. Được Ngài củng cố đức tin, thánh hóa và làm cho mọi việc chúng ta làm được trở nên hành vi cứu độ.
Ở lại với Đức Giêsu, chúng ta được mời gọi liên kết với Ngài như cành cây với thân cây, như hồn trong xác. Nếu không hiệp thông với Chúa thì cuộc đời của chúng ta là vô nghĩa và mọi công việc của chúng ta thật chẳng có giá trị gì.
Ở lại trong Đức Giêsu còn là tuân giữ những điều Ngài đã sống và truyền dạy cách yêu mến và trung thành: “Nếu các con giữ các điều răn của Thày, các con sẽ ở lại trong tình thương của Thày, như Thày đã giữ các điều răn của Cha Thày và ở lại trong tình thương của Người” (Ga 15,10). “Hãy ở lại trong tình yêu của Thày” thì cũng “hãy yêu thương nhau như Thày đã yêu thương các con”. Ở lại trong Đức Giêsu tức là chúng ta đang đi theo Ánh Sáng, mà nếu ở lại trong Ánh Sáng thì luôn phải yêu thương anh chị em đồng loại. Điều này đã được thánh Gioan chứng minh khi nói: “Ai nói rằng mình ở trong ánh sáng mà lại ghét anh em mình thì vẫn còn ở trong bóng tối. Ai yêu thương anh em mình thì ở lại trong ánh sáng, và nơi người ấy không có gì nên cớ vấp phạm” (1 Ga 2,9-10).
Mỗi người chúng ta, ngày lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, chúng ta được mời gọi trở nên ánh sáng cho trần gian, nên hình ảnh sống động của một Thiên Chúa tình yêu trong cuộc đời của chúng ta. Bí tích Thánh Thể mời gọi chúng ta hiến mạng sống cho người mình yêu, hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa và với nhau. Bí tích Thêm Sức giúp ta hăng say ra đi loan báo và làm chứng cho tình yêu đã cảm nghiệm. Làm được điều đó, chúng ta mới là con cái của Ánh Sáng, nếu không, chúng ta vẫn mãi là một cái xác vô hồn.
4. Thay lời kết
Không ai tin vào một chuyện viển vông. Cũng chẳng ai tin vào một đối tượng không có. Nhưng chúng ta tin là tin vào một điều có thật, mà lại không thấy. Tin ai thì đều muốn được làm hài lòng và sống theo những điều mà người đó đã sống và làm. Và, tin ai thì cũng đều muốn được hiện hữu trong chính bản thể của con người ấy. Đây chính là hành vi của các Tông đồ khi xưa. Khi đã được Đức Giêsu mời gọi, các ngài đã đáp lại lời mời gọi ấy, đã đến với Đức Giêsu và ở lại với Ngài để cảm nghiệm tình yêu mà Đức Giêsu đã dành cho các ông. Đây cũng là thái độ của biết bao vị thánh trong Giáo Hội. Các ngài đã chọn Chúa là đối tượng duy nhất, tuyệt đối trong cuộc đời của các ngài. Và, mong thay đây cũng là thái độ của mỗi chúng ta…
Jos. Vinc. Ngọc Biển
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét