Giáo Huấn của ĐTC Phanxicô, bài 19
Quý vị thân mến!
Như tin đã loan, sau hơn một tháng tạm ngưng loạt bài Giáo Lý về Năm Đức Tin vì biến cố “Trống Tòa”, sáng thứ Tư 4-3-2013, trong buổi Tiếp Kiến Chung, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô khởi động lại loạt bài này, kỳ thứ 19 với chủ đề “Niềm Vui Và Niềm Hy-Vọng Vào Chúa Giê-su Ki-tô Phục Sinh Thúc Đẩy Chúng Ta Ra-Đi Để Thông Truyền Cho Người Khác”.
Hiện diện trong buổi Tiếp Kiến Chung hôm sáng thứ Tư, có khoảng 70.000 tín hữu và du khách hành hương. Trong số nhiều phái đoàn tham dự, có đoàn 13 thầy tân Phó Tế của Dòng Tên đến từ Colleggio Internazionale di Ge-sù (Rô-ma) và thân nhân của các thầy. Trong số 13 thầy ấy, có hai thầy là Cao Gia An và Nguyễn Mai Khai thuộc Dòng Tên Việt Nam, vừa được ĐHY Gianfranco Ravasi, Chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh về Văn Hóa, truyền chức chiều thứ Ba ngày 2-4-2013 tại nhà thờ Chúa Giê-su ở Rô-ma.
Trong diễn từ của mình, ĐTC Phan-xi-cô đã triển khai chủ đề này dựa trên lời tuyên xưng đức tin trong Kinh Tin Kính “… và ngày thứ ba, Ngài sống lời như lời đã phán hứa” (đúng nhơ lời Kinh Thánh). Dưới đây chúng tôi xin giới thiệu đến quý vị bản văn Việt-ngữ diễn từ của ĐTC Phan-xi-cô trong buổi Tiếp Kiến Chung vừa qua.
Anh chị em thân mến!
Hôm nay chúng ta khởi động lại loạt bài Giáo Lý về Năm Đức Tin.
Trong Kinh Tin Kính, chúng ta tuyên xưng rằng “ngày thứ ba Người sống lại, đúng như lời Kinh Thánh”. Đấy chính là biến cố mà chúng ta đang cử hành: Sự Phục Sinh của Chúa Giê-su, trọng tâm của sứ điệp Ki-tô giáo, được vang vọng ngay từ đầu và được loan đi vươn tới chúng ta. Thánh Phao-lô đã viết cho các tín hữu thành Cô-rin-tô như sau “trước hết, tôi đã truyền lại cho anh em điều mà chính tôi đã lãnh nhận, đó là: Đức Ki-tô đã chết vì tội lỗi chúng ta đúng như lời Kinh Thánh, rồi Người đã được mai táng, và ngày thứ ba người đã chỗi dậy, đúng như lời Kinh Thánh. Người đã hiện ra với ông Kê-pha, rồi với Nhóm Mười Hai” (1Cr 15,3-5). Lời tuyên xưng đức tin vắn gọn ấy công bố đích thị Mầu Nhiệm Vượt Qua, cùng với những cuộc hiện ra của Đấng Phục Sinh với Phê-rô và với Nhóm Mười Hai: Cuộc Khổ Nạn và Phục Sinh của Chúa Giê-su chính là tâm điểm niềm hy-vọng của chúng ta. Không có đức tin này về cái chết và sự Phục Sinh của Chúa Giê-su thì niềm hy-vọng của chúng ta sẽ bị khuy khuyết, chứ không phải là niềm hy-vọng tinh tuyền. Chính sự chết và Sự Phục Sinh của Chúa Giê-su là trung tâm điểm niềm hy-vọng của chúng ta.
Thánh Tông Đồ (Phao-lô) khẳng quyết rằng “nếu Đức Ki-tô không chỗi dậy, thì đức tin của chúng ta sẽ là hão huyền, và anh em một lần nữa lại ở trong tội lỗi của mình” (câu 7). Thật không may, niềm tin vào Sự Phục Sinh của Chúa Giê-su thường bị làm cho mờ tối, cũng như những nỗi hoài nghi đã len lỏi vào giữa những người tín hữu. Một chút đức tin “vào nước hoa hồng”, như chúng ta thường hay nói, nó không phải là đức tin mạnh. Điều này xảy ra là vì sự phiến diện, nhiều khi là dửng dưng, người ta bị vướng bận bởi cả ngàn thứ được coi trọng hơn cả đức tin, hay một lối nhìn đời chỉ theo chiều ngang. Nhưng chính là Sự Phục Sinh mở ra niềm hy-vọng lớn lao hơn cho chúng ta, bởi lẽ Sự Phục Sinh mở lối cho cuộc sống chúng ta và cuộc sống của thế giới này đi vào tương lai vĩnh hằng của Thiên Chúa, đi vào niềm hạnh phúc trọn vẹn, và đi vào sự đoan chắc rằng sự dữ, tội lỗi và sự chết đã bị khuất phục. Và điều này đưa chúng ta tới chỗ sống các thực tại hằng ngày với lòng tin tưởng nhiều hơn, và đối mặt với chúng bằng lòng can đảm và sự dấn thân. Sự Phục Sinh của Đức Ki-tô soi tỏ các thực tại hằng ngày ấy bằng ánh sáng mới. Sự Phục Sinh của Đức Ki-tô là sức mạnh của chúng ta!
Thế nhưng chân lý đức tin về Sự Phục Sinh của Đức Ki-tô được thông truyền cho chúng ta bằng cách nào? Có hai kiểu chứng tá ở trong Tân Ước: vài chứng tá ở trong biểu thức tuyên xưng đức tin, vốn là những điều thuộc công thức có tính tổng hợp, vốn cho thấy tâm điểm của đức tin; những chứng tá khác thì ngược lại, ở trong kiểu thuật-kể biến cố Phục Sinh và những sự kiện gắn liền với nó.
Kiểu chứng tá thứ nhất, đó là biểu thức tuyên xưng đức tin, chẳng hạn như điều mà chúng ta mới vừa nghe, hoặc là điều được nêu trong Thư gởi tín hữu Rô-ma, trong đó Thánh Phao-lô viết “nếu môi miệng anh em tuyên xưng ‘Đức Giê-su là Chúa!’, và lòng anh em tin rằng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại từ cõi chết, thì anh em sẽ được cứu” (Rm 10,9).
Ngay từ những bước đầu của Giáo Hội niềm tin vào Mầu Nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh của Chúa Giê-su đã rõ ràng và vững chắc. Tuy nhiên hôm nay, tôi cũng muốn dừng lại trên kiểu chứng tá thứ hai, trên các chứng tá trong hình thức thuật chuyện, là dạng thức chúng ta tìm thấy trong Phúc Âm.
Trước tiên, chúng ta hãy ghi nhận rằng những chứng nhân đầu tiên của biến cố Phục Sinh này chính là các chị em phụ nữ. Vào tảng sáng, họ ra mồ để ướp xác Thầy Giê-su, và họ thấy được dấu chỉ đầu tiên, đó là ngôi mộ trống (x. Mc 16,1). Tiếp sau đó cuộc gặp gỡ với sứ thần của Thiên Chúa loan báo rằng Đức Giê-su Na-da-rét, Đấng Chịu Đóng Đinh, không còn ở đây nữa, Người đã chỗi dậy rồi” (x. Các câu từ 5-6). Các chị em phụ nữ đã được tình yêu thức đẩy và họ đã chào đón lời loan báo ấy bằng lòng tin: họ tin, và ngay lập tức họ loan truyền sứ điệp đó, chẳng giữ lại cho riêng họ. Họ đã loan truyền nó. Niềm vui sướng được biết Chúa Giê-su hằng sống, niềm hy-vọng đong đầy con tim, họ chẳng thể nào kìm giữ nó lại được nữa. Điều này cũng phải xảy đến trong cuộc sống chúng ta. Chúng ta cảm thấy vui sướng vì được là người Ki-tô hữu! Chúng ta có cản đảm để “ra-đi” mang niềm vui ấy và ánh sáng ấy vào mọi nơi chốn của đời sống chúng ta! Sự Phục Sinh của Đức Ki-tô chính là sự chắc chắn nhất của chúng ta, là kho tàng quý báu nhất của chúng ta! Không chỉ riêng chúng ta, mà là để thông truyền nó, trao ban cho nó cho người khác, chia sẻ nó với người khác. Ấy à chứng tá của chúng ta.
Một yếu tố khác nữa. Trong các lời tuyên xưng đức tin của Tân Ước, những chứng cứ về biến cố Phục sinh chỉ được ghi nhận chỉ bởi những người nam, các tông đồ, chứ không phải là các phụ nữ. Sở dĩ như vậy là bởi vì theo Luật Do thái thời đó, phụ nữ và trẻ em không thể đưa ra những chứng cứ đáng tin và khả tín. Thay vào đó, trong Tin Mừng, những người nữ có một vai trò chính yếu và nền tảng. Ở đây chúng ta có thể tiếp nhận một yếu tố thuận lợi cho tính cách lịch sử của sự Phục Sinh: nếu nó là một sự kiện được bịa ra, trong bối cảnh của thời đó, thì nó sẽ không được gắn liền với chứng tá của các phụ nữ.
Thay vào đó, các tác giả Tin Mừng đơn giản chỉ tường thuật lại điều gì đã diễn ra: những người làm chứng đầu tiên là những người nữ. Điều này nói lên rằng, Thiên Chúa không chọn lựa theo tiêu chuẩn con người: Những chứng nhân đầu tiên về biến cố hạ sinh của Đức Giê-su là các mục đồng, những con người đơn sơ và khiêm hạ; còn những chứng nhân đầu tiên của biến cố Phục Sinh là các phụ nữ. Điều này thật thú vị, và điều này nói lên một tí sứ mạng của những người nữ, những bà mẹ, những người phụ nữ. Hãy nêu chứng tá cho con cái, cho con cháu của mình rằng Chúa Giê-su đang sống, Ngài hằng sống, Ngài đã chỗi dậy. Các bà mẹ và các chị phụ nữ, hãy tấn tới với chứng tá ấy!
Thiên Chúa đánh giá dựa trên cõi lòng, trong mức độ chúng ta mở ra với Ngài, chúng ta như những người trẻ luôn tin tưởng vào Ngài. Nhưng điều này cũng giúp chúng ta phản tỉnh về vai trò của người nữ trong Giáo Hội, trong hành trình đức tin. Họ đã và đang có một vai trò đặc biệt trong việc mở ra với những cánh cửa dẫn vào Thiên Chúa, trong việc bước theo Ngài và thông truyền Gương Mặt của Ngài. Bởi lẽ cái nhìn đức tin luôn cần đến một cái nhìn đơn sơ và sâu sắc của tình yêu. Các Tông đồ và các môn đệ thấy khó khăn hơn trong việc tin vào Sự Phục Sinh: Thánh Phê-rô đã chạy đến ngôi mộ, nhưng dừng lại ở ngôi mộ trống rỗng; thánh Tô-ma đòi phải chạm tay vào những vết thương nơi thân thể Đức Giê-su. Cũng vậy, trên hành trình đức tin của mình, điều quan trọng là chúng ta phải hiểu và cảm nhận được tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta. Chúng ta đừng sợ yêu mến Ngài: Đức tin cần tuyên xưng bằng môi miệng, và bằng tấm lòng, với bằng lời-nói và bằng tình yêu.
Sau các cuộc hiện ra với phụ nữ, cũng như những người khác nữa: Chúa Giê-su hiện diện trong một cách thức mới mẻ, là Đấng Bị Đóng Đinh, nhưng thân thể của người đầy vinh hiển. Ngài không quay lại với đời sống trần thế trước kia, mà đúng hơn là trong một điều kiện mới. Lúc đầu họ không nhận ra Ngài, và chỉ ngang qua lời và cử chỉ của Ngài, mắt họ mới mở ra, nghĩa là cuộc gặp gỡ với Đấng Phục Sinh làm biển đổi và trao ban một sức mạnh mới cho đức tin, một nền tảng không thể chuyển lay. Chúng ta cũng vậy, có nhiều dấu chỉ mà nơi đó chúng ta có thể nhận ra Đấng Phục sinh: Kinh thánh, Thánh Thể, các Bí Tích khác, đức ái, những cử chỉ yêu thương, là những thứ mang đến tia sáng của Đấng Phục Sinh. Chúng ta hãy để cho Sự Phục Sinh của Chúa Ki-tô chúng ta được soi sáng mình, hãy để cho sức mạnh Sự Phục Sinh biến đổi mình, để ngang qua chúng ta, những dấu chỉ của sự chết trong thế giới này phải nhường chỗ cho những dấu chỉ của sự sống.
Tôi thấy trong Quảng trường này hiện có rất nhiều các bạn trẻ. Các nam thanh, nữ tú! Họ đây rồi! Cha nói cho các con rằng hãy mang theo niềm tin chắc này mà tiến tới, đó là Đức Chúa Giê-su Ki-tô hằng sống và đang bước đi bên cạnh chúng ta trong đời sống. Đấy là sứ mạng của các con. Hãy đưa niềm hy-vọng ấy tiến lên!
Các con hãy cắm neo vào niềm hy-vọng ấy, một lần nữa cha nói với các con, cái neo ấy ở trên trời. Các con hãy cầm chắc lấy dây neo, hãy neo vào niềm hy-vọng ấy mà đưa nó tiến lên. Các con là những chứng nhân của Chúa Giê-su, hãy nêu lên chứng tá rằng Chúa Giê-su hằng sống và điều ấy sẽ ban cho chúng ta niềm hy vọng, rồi lại trao niềm hy-vọng cho thế giới hơi già nua vì chiến tranh, vì sự xấu, vì tội lỗi.
Các bạn trẻ ơi hãy tiến lên!
Từ RadioVaticana, 3-4-2013
Thái Hiệp và Minh Triệu chuyển ngữ và giới thiệu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét