Giáo Huấn về Năm Đức Tin của ĐTC Benedict XVI, bài 16
…sống đức tin là nhận biết sự cao cả của Thiên Chúa và chấp nhận phận mon hèn của mình, nghĩa là hãy chân nhận phận thụ tạo của chúng ta. Nhờ đó chúng ta có thể để cho Thiên Chúa lấp đầy tình yêu trong ta và làm cho chúng ta được lớn lên…
PHẦN A:
PHẦN B:
PHẦN C:
Anh chị em thân mến
Kinh Tin Kính khởi đầu bằng lời tuyên xưng “tôi tin một Thiên Chúa là Cha Toàn Năng, và liền ngay sau đó là lời này, “…là Đấng tạo thành trời đất, muôn vật hữu hình và vô hình”. Đây là một tóm gọn lời xác tín mà chúng ta tìm thấy trong Thánh Kinh. Quả thực là trong cụm đầu tiên của Thánh Kinh, chúng ta đọc thấy “Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất” (St 1,1), điều này muốn minh định rằng chính Thiên Chúa là cội nguồn của hết thảy vạn vật, và nơi nét đẹp của tạo vật biểu lộ quyền năng của Chúa Cha, là Đấng yêu thương.
Thiên Chúa đã tỏ mình như người Cha nơi tạo vật, nơi cội nguồn sự sống, và trong cuộc tạo dựng trời đất, Thiên Chúa đã biểu dương quyền năng của Ngài. Những hình ảnh được dùng trong Kinh Thánh để diễn đạt điều này có tính gợi ý rất nhiều (x. Is 40,12; 45,18; 48,13; Tv 104,2.5; 135,7; Cn 8, 27-29). Thiên Chúa là người Cha tốt lành và đầy quyền năng. Ngài đã chăm nom những tạo vật do Ngài đã làm ra bằng tình yêu thương và lòng tín trung vốn chẳng hề vơi cạn bao giờ (x. Tv 57,11; 108,5; 36,6). Đó là điều được lập đi lập lại trong các Thánh Vịnh. Thế thì, tạo vật đã trở nên nơi chốn mà chúng ta có thể hiểu biết và công nhận quyền năng của Thiên Chúa và sự thiện hảo của Ngài, nó đã trở nên cuốn hút đối với đức tin của những người tín hữu chúng ta bởi chúng ta tuyên xưng rằng Thiên Chúa là Đấng Tạo Thành. Như được viết trong thư gởi tín hữu Do-thái “Nhờ đức tin, chúng hiểu rằng vũ trụ đã được hình thành bởi lời của Thiên Chúa; vì thế, những cái hữu hình là do những cái vô hình mà có” (Dt 11,3). Thế nên, đức tin ngụ ý (muốn nói đến) việc biết nhận ra thực tại vô hình nhờ lần theo vết dấu từ thế giới hữu hình.
Người tín hữu có thể tìm đọc một quyển sách to lớn nói về tự nhiên và chú ý đến ngôn ngữ được dùng (x. Tv 19,2-5), nhưng điều ấy lại không cần thiết đối với Lời mạc khải, vốn là Lời làm nảy sinh ra đức tin, hầu con người có thể đạt tới tri thức toàn vẹn về thực tại về Thiên Chúa là Đấng Tạo Thành và là người Cha. Chính nơi Sách Thánh Kinh mà trí tuệ con người được tìm thấy, để nhờ ánh sáng của đức tin làm chìa khóa diễn giải Sách Thánh Kinh giúp ta hiểu được thế giới. Cụ thể là lời tuyên xưng này được đính ngay chỗ đầu trong chương đầu của sách Sáng Thế, điều ấy cho thấy công trình tạo dựng của Thiên Chúa được trình bày cách rất ư trang trọng, và công trình ấy diễn ra trong 7 ngày: trong 6 ngày Thiên Chúa đã làm cho các thụ tạo đi đến chỗ hoàn tất và ngày thứ Bảy, Ngài ngưng mọi hoạt động rồi nghỉ ngơi. Ngày Sa-bát là ngày tự do cho hết thẩy, ngày thông hiệp với Thiên Chúa, và do đó bằng hình ảnh của sách Sáng Thế, Kinh Thánh đã chỉ ra rằng tư tưởng đầu tiên về Thiên Chúa chính là việc tìm kiếm một tình yêu đáp lại tình yêu của Ngài. Và tư tưởng kế tiếp chính là việc tạo dựng một thế giới vật thể là chốn để tình yêu ấy định vị, là chốn để các thụ tạo ấy được tự do đáp lại tình yêu của Ngài. Một kết cấu như thế do vậy đã làm cho bản văn được nổi bật từ điệp khúc lập lại đầy ý nghĩa. Chẳng hạn như, điệp khúc “Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp” được lập lại đến những 6 lần (cc. 4.10.12.18.21.25), và rồi để kết lại, lần thứ bảy, sau khi cuộc tạo dựng con người, điệp khúc ấy được lập lại như sau “Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp” (câu 31). Tất cả mọi sự Thiên Chúa đã tạo ra điều đẹp đẽ và tốt lành, đượm thấm nét khôn ngoan và tình yêu thương. Hành động sáng tạo của Thiên Chúa đã mang đến trật tự, thiết lập sự hài hòa, và ban cho vẻ đẹp. Sau đó, trong trình thuật Sáng Thế, đã tỏ bày cho chúng ta thấy rằng Thiên Chúa đã tác tạo mọi sự bằng lời của Ngài, chẳng hạn như, trong đoạn thuật ấy, chúng ta đọc thấy cả thảy 10 lần cụm “Thiên Chúa phán” (cc. 3.6.9.11.14.20.24.26.28.29). Điều ấy mách cho chúng ta rằng chính lời, nghĩa là “logos” của Thiên Chúa là cội nguồn của thực tại thế giới, vì rằng “Thiên Chúa phán và đã xảy ra như thế”. Điều ấy cũng muốn nhấn mạnh đến sức mạnh hiệu năng của Lời Thiên Chúa. Vậy nên thánh vịnh gia đã xướng lên rằng “Một lời Chúa phán làm ra chín tầng trời, một hơi Chúa thở tạo thành muôn tinh tú… Vì Người đã phán, và muôn loài xuất hiện, Người ra lệnh truyền, tất cả được dựng nên” (Tv 33,6.9). Sự sống sinh sôi, thế giới tồn tại, bởi lẽ mọi sự thuận theo Lời Thiên Chúa.
Tuy nhiên câu hỏi của chúng ta ngày nay, những người đang sống trong thời đại của khoa học kỹ thuật, thì một lần nữa khi nói về công trình tạo dựng chúng ta muốn biết những trình thuật ấy có ý muốn nói đến điều gì? Chúng ta phải lĩnh hội trình thuật Sáng Thế như thế nào? Đã rõ là Kinh Thánh không muốn trở thành một cẩm nang khoa học tự nhiên, nhưng ngược lại nó muốn làm cho chúng ta biết đến chân lý đích thực và sâu xa của mọi sự. Chân lý nền tảng mà các trình thuật Sáng Thế vén mở cho chúng ta đó là thế giới không phải là một tập hợp các thế lực tương phản nhau, nhưng nó có nguồn cội và nền móng trong Logos (Lời), có đá tảng nơi Thần trí của Thiên Chúa, Đấng vẫn tiếp tục giữ gìn vũ trụ này, là công trình mà Người đã làm nên. Phải nói rằng có một bản thiết kế cho thế giới này, và nó được hạ sinh từ Thần trí Thiên Chúa, phát sinh từ Thần Khí sáng tạo. Tin vào nền tảng này sẽ khiến cho mọi chiều kích của cuộc sống được chiếu soi, và chúng ta được lòng can đảm để đối mặt cuộc phiêu lưu của cuộc sống bằng lòng tín thác và hy vọng. Vì thế, Thánh Kinh nói với chúng ta rằng cội nguồn làm nên thế giới, cội nguồn của con người chúng ta đâu phải là một thứ phi lý và nhất thiết (phải là như thế không thể khác), nhưng là điều hữu lý, là tình yêu và là tự do. Và điều ấy chính là cái luân phiên hoặc là cái tiên quyết của hữu lý, của tự do và của yêu thương, chứ không hề là cái tiên quyết của điều phi lý, của cái nhất thiết phải vậy.
Chỗ này tôi muốn nói thêm một lời về chuyện này rằng chóp đầu của toàn thể thụ tạo chính là những người nam và nữ, là con người, là loài duy nhất “có khả năng nhận biết và yêu mến Đấng Tạo Thành” (Hiến chế Gaudium et spes, 12). Thánh vịnh gia đã ngắm nhìn các tầng trời rồi hỏi rằng “Ngắm tầng trời tay Chúa sáng tạo, muôn trăng sao Chúa đã an bài, thì con người là chi, mà Chúa cần nhớ đến, phàm nhân là gì, mà Chúa phải bận tâm?” (Tv 8,4-5). Hễ là con người, thì là thụ tạo được tạo nên bởi tình yêu Thiên Chúa, là một tạo vật nhỏ nhắn tốt lành khi đặt mình đứng trước cái muôn trùng mênh mông bao la của vũ trụ; thi thoảng, ngắm nhìn vào khoảng rộng mênh mông bao la của bầu trời, chúng ta thực sự cảm nhận mình nhỏ bé, và đầy giới hạn. Hễ là người thì cũng là con người phải sống trong mối nghịch lý này: một đàng thì con người là phận bé nhỏ, trong khi đàng kia thì con người chúng ta quá đáng quý vì cái tinh khôi mà Chúa đã đặt để nơi nó, và do vậy cả hai đều ấy đã làm nên tính cao cả của điều mà tình yêu vĩnh cửu của Thiên Chúa đã muốn dành cho con người.
Các trình thuật Sáng Tạo trong sách Sáng Thế ký cũng dẫn đưa chúng ta vào trong môi trường mầu nhiệm này, giúp chúng ta nhận ra kế hoạch của Thiên Chúa dành cho con người chúng ta. Trên cả là các trình thuật này xác nhận cho chúng ta rằng Thiên Chúa đã nắn nên con người bằng bụi đất của Thiên Chúa (x. St 2,7). Điều ấy có nghĩa là con người không phải là Thiên Chúa, và con người không phải là thụ tạo chỉ được làm đơn thuần bằng bụi đất, mà đúng hơn là con người được dựng nên bằng một loại bụi đất tốt lành, là kiệt tác của Thiên Chúa. Cộng với điều ấy, có một thực tại nền tảng khác được thêm vào, đó là “tất cả mọi người dẫu là bụi đất như nhau, nhưng nơi đó lại có một sự biệt hóa nhau về văn hóa và về lịch sử, nơi đó lại làm nên sự khác biệt xã hội. Quả thực là con người chúng ta là một nhân loại duy nhất được nắn đúc bằng thứ đất duy nhất của Thiên Chúa. Vì vậy, ở đây chúng ta lại được dẫn tới yêu tố thứ hai, đó là “hễ là con người thì phải có nguồn cội vì Thiên Chúa đã hà hơi sự sống Ngài vào khối đất hình người (x. St 2,7)”. Và hễ là con người thì là người mang hình ảnh và dáng dấp của Thiên Chúa (x. St,26-27). Thế nên hễ là con người thì sự thực là chúng ta đang mang nơi mình hơi thở sự sống của Thiên Chúa và toàn bộ sức sống nhân loại, và Kinh Thánh nói với chúng ta rằng toàn bộ sự sống con người được đặt ở trong vòng trông nom đặt biệt của Thiên Chúa. Đấy mới chính là cái lý sâu thẩm nhất của quyền bất khả xâm phạm của nhân phẩm con người, phản kháng lại mọi chủ trương đánh giá con người theo tiêu chuẩn thực dụng và dựa vào khả năng mà người ấy có được. Hễ là hình ảnh và dáng dấp của Thiên Chúa, thì cũng có nghĩa là con người đâu thể khép kín trong chính mình, tự đủ cho mình, mà đúng hơn phải có sự tham chiếu yếu tính nơi Thiên Chúa.
Trong các chương đầu sách Sáng Thế chúng ta thấy hai hình ảnh quan trọng: ngôi vườn với cây biết lành biết dữ và con rắn (St 2,15-17; 3,1-5). Ngôi vườn có ý nói cho chúng ta biết thực tại tốt lành mà nơi đó Thiên Chúa đã đặt để con người. Đó không phải là một khu rừng hoang dã, nhưng là nơi mà Người che chở và chăm bón, dưỡng nuôi và nâng đỡ; và con người phải thừa nhận rằng thế giới đâu phải là tư sản của riêng mình để rồi cướp bóc và khai thác, nhưng đúng hơn thế giới là quà tặng của Đấng Tạo Hóa, là dấu chỉ ý muốn cứu độ của Thiên Chúa, là một quà tặng cũng có nghĩa là cần phải cùng vun trồng và giữ gìn, làm cho lớn lên và phát triển trong sự tôn trọng, trong sự hài hòa theo các tiết nhịp và hợp lý, thể theo chương trình của Thiên Chúa (x. St 2,8-15).
“Con rắn” là một hình ảnh có nguồn gốc từ các việc phụng tự Đông Phương, muốn nói đến tính phong nhiêu. Nó quyến rũ dân Ít-ra-en và đặt ra một cám dỗ liên lỉ để xui bẩy dân từ bỏ giao ước nhiệm mầu với Thiên Chúa mà theo đường riêng của mình. Dưới ánh sáng của điều này Thánh Kinh trình bày về cám dỗ là điều mà Ađam và Evà phải chịu như điểm cốt lõi của cám dỗ và của tội. Thực sự thì con rắn đã nói gì? Con rắn không chối bỏ Thiên Chúa, nhưng nó lại khơi lên một câu hỏi đầy hiểm ý: “Có thật là Thiên Chúa đã nói: “Các ngươi không được ăn trái cây nào hết trong vườn không?” (St 3,1). Với mưu mẹo này, con rắn khơi dậy lòng nghi ngờ rằng giao ước với Thiên Chúa là một xiềng xích trói buộc con người, không cho họ được tự do và cấm họ hưởng những gì là đẹp đẽ và quý báu nhất trong cuộc sống. Lòng nghi ngờ ấy trở thành cám dỗ là con người đã tự xây dựng thế giới cho riêng mình, nơi đó con người sống sống và không thèm chấp nhận các giới hạn của phận thụ tạo, không đếm xỉa đến những giới hạn của sự thiện, sự dữ, và của luân lý; sự lệ thuộc vào tình yêu của Thiên Chúa bị coi là một gánh nặng cần phải giải thoát. Đây chính là cốt lõi của mọi cám dỗ.
Những khi tương quan với Thiên Chúa bắt đầu trở nên sai lạc, khi con người tự đặt mình vào chỗ của Thiên Chúa, thì tất cả mọi tương quan khác cũng bị biến chất. Khi đó người khác trở thành địch thủ, và trở thành mối đe dọa. Rõ ràng là chúng ta đọc thấy ngay sau khi bị rơi vào bẫy cám dỗ, A-đam lập tức đổ lỗi cho Evà (x. St 3,12); hai người lẫn trốn trước sự hiện diện của Thiên Chúa, Đấng mà họ đã chuyện vãn hằng ngày như bạn hữu (x. 3,8-10); thế giới không còn là mảnh vườn mà mọi vật sống trong sự hài hòa nữa, nhưng đã trở nên nơi khai thác và là nơi ẩn chứa đầy cạm bẫy (x. 3,14-19); ghen ghét và thù hận đã đi vào lòng con người: điển hình là vụ Ca-in giết chính em mình là Abel (x. 4,3-9). Thực ra, khi chống lại Đấng Tạo Hóa của mình, con người cũng đã chống lại chính mình, khước từ nguồn gốc của mình và như thế khước từ sự thật; và do đó sự dữ đi vào thế giới, với sức nặng của nó là đau khổ và chết chóc. Và nếu như khi được sáng tạo mọi vật tốt lành, thậm chí là rất tốt lành, thì sau quyết định tự do của con người, mọi sự điều bị tác động bởi sự dối trá đã chống lại chân lý, và bởi sự dữ đã vào thế gian.
Bàn về các trình thuật về sáng tạo, tôi muốn làm rõ thêm một giáo huấn cuối cùng: tội lỗi sinh ra tội lỗi và tất cả mọi tội lỗi của lịch sử đều ràng buộc chặt chẽ với nhau. Khía cạnh này thúc đẩy chúng ta nói về “tội nguyên tổ” vốn là thực tại khó hiểu. Trước hết chúng ta thấy rằng không ai khép kín trong chính mính, nghĩa là không ai có thể sống một mình và chỉ cho mình mà thôi; chúng ta đón nhận sự sống từ người khác, không chỉ ngay lúc sinh ra, mà là mỗi ngày. Con người là tương quan; tôi được là chính tôi chỉ trong “cái-bạn” (là “Thou”) và qua “cái-bạn” mà thôi, nghĩa là trong tương quan tình yêu đối với “cái-Bạn/Ngài” là chính Thiên Chúa và “cái-bạn” của những người khác. Thế nhưng, tội lỗi đã làm quấy nhiễu hoặc phá đổ tương quan giữa con người với Thiên Chúa, vì con người đã tự đặt mình vào chỗ của Thiên Chúa. Sự phát sinh của tội đã phá hủy mối tương quan với Thiên Chúa, một mối tương quan nền tảng. Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo khẳng định rằng với tội đầu nguyên tổ, con người đã “chọn cái-mình chống lại Thiên Chúa, chống lại những đòi hỏi của phận thụ tạo và do đó bất chấp cả điều tốt lành cho bản thân ” (s. 398).
Khi tương quan nền tảng bị nhiễu loạn, thì các trục khác của tương quan cũng bị liên lụy hoặc bị phá hủy. Con người là tương quan, và tội lỗi thì hủy hoại tương quan, vậy nên tội lỗi đã phá hoại tất cả. Nếu cấu trúc tương quan của nhân loại nhiễu loạn ngay từ đầu, thì giờ đây mỗi người đều bước vào trong một thế giới đã bị ghi dấu bởi sự nhiễu loạn ấy, nghĩa là mỗi người bước vào trong một thế giới bị vẩn dục bởi tội lỗi, và điều ấy đã ghi dấu vào con người một cách cá vị (nghĩa là mỗi người đều phải gánh chịu sự vẫn đục ấy do tội gây ra); Tội lỗi ban sơ đã ăn mòn và làm thương tổn bản tính con người (x. GLGHCG, 404-406). Và con người một mình thì không thể nào thoát khỏi trạng huống này, và cũng không thể tự cứu rỗi mình được. Chỉ có Đấng Tạo Hóa mới có thể tái lập lại hoặc khôi phục lại các tương quan đúng đắn mà thôi. Chỉ khi Đấng mà chúng ta đã rời bỏ, chạy đến với chúng ta và giang rộng đôi tay tình yêu, thì các tương quan đúng đắn ấy mới có thể được tái lập. Điều này đã được hiện thực hóa nơi Đức Giê-su Ki-tô, Đấng đã thực hiện chính xác một hành trình trái ngược hoàn toàn với hành trình mà Ađam đã làm, giống như trong thư thánh Phao-lô gửi tín hữu Phi-líp-phê đã miêu tả (2,5-11). Trong khi A-đam không thừa nhận mình là thụ tạo và muốn chiếm chỗ của Thiên Chúa, thì Đức Giê-su Con Thiên Chúa, đã tự hạ mình và trở nên tôi tớ, bước đi theo con đường tình yêu tự hạ mình cho đến chết trên thập giá, hầu tái lập lại trật tự/giao hòa các tương quan giữa tạo vật, cách riêng là giữa con người với Thiên Chúa. Thập giá Chúa Ki-tô trở thành cây sự sống mới.
Anh chị em thân mến, sống đức tin là nhận biết sự cao cả của Thiên Chúa và chấp nhận phận mon hèn của mình, nghĩa là hãy chân nhận phận thụ tạo của chúng ta. Nhờ đó chúng ta có thể để cho Thiên Chúa lấp đầy tình yêu trong ta và làm cho chúng ta được lớn lên. Sự dữ, mà gánh nặng của nó là bệnh tất và đau khổ, là một mầu nhiệm mà chúng ta chỉ thấy rõ nhờ ánh sáng đức tin, một thứ ánh sáng mang lại cho chúng ta một niềm tin chắc chắn vào cội nguồn tốt lành của con người, và do đó cũng đem lại sự đoan chắc rằng chúng ta sẽ được Thiên Chúa giải thoát.
Từ RadioVaticana, ngày 6-2-2013
Thái Hiệp và Minh Triệu chuyển ngữ và giới thiệu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét