Giáo Huấn về Năm Đức Tin của ĐTC Benedict XVI, bài 14
…Khi xác quyết rằng “Tôi tin vào Thiên Chúa” nghĩa là tôi đặt cuộc sống của tôi vào Ngài, để cho Lời Ngài định hướng mỗi ngày sống, chi phối mỗi lựa chọn cụ thể mà không hề sợ mất điều gì của chính tôi…
Trong buổi Tiếp Kiến Chung hôm sáng thứ Tư ngày 23-01-2013, Đức Giáo Hoàng Benedict XVI đã tiếp tục loạt bài Huấn Giáo về Năm Đức Tin, kỳ thứ 14 với chủ đề “Tôi-tin”. Mẫu gương đức tin của ông Áp-ra-ham trở nên tâm điểm của bài giáo huấn. Theo đó, ĐTC triển khai các điểm giáo lý xoáy vào tính phiêu lưu của hành vi Đức Tin.
Lời tuyên xưng “Tôi tin kính một Thiên Chúa” không chỉ tác động đến cuộc sống vào những lúc cần thiết hoặc những khi ta thấy cần Chúa, mà phải chăng một khi xác tín “tôi tin vào Chúa” là tôi muốn đặt trọn vẹn đời mình, hết mọi mặt của đời sống tôi nơi Chúa, với lòng tin tưởng, và lòng muốn vâng theo Thánh Ý Ngài, dầu lắm khi Thánh Ý Chúa chẳng dễ để hiểu cách rốt ráo. Dưới đây là toàn văn diễn từ của ĐTC Benedict XVI trong buổi Tiếp Kiến Chung vừa qua.
Anh chị em thân mến!
Chúng ta đang sống trong Năm Đức Tin, và hôm nay tôi muốn cùng anh chị em bắt đầu suy tư về chủ đề Tôi-tin, một lời tuyên xưng đức tin long trọng hằng song hành với đời sống đức tin của chúng ta.
Kinh Tin Kính bắt đầu thế này: “Tôi tin một Thiên Chúa”. Ấy là một xác quyết căn bản, có vẻ đơn giản trong bản chất của nó, nhưng lại mở ra một thế giới vô hạn, một thế giới gồm những mối tương quan với Thiên Chúa và với mầu nhiệm của Ngài. Tin vào Thiên Chúa là ngụ ý về đời sống gắn bó với Ngài, đón nhận Lời Ngài và vâng theo mặc khải của Ngài cách vui tươi. Như sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo dạy rằng “đức tin là một hành vi cá nhân: là sự tự do đáp lại của con người đối với sáng kiến của Thiên Chúa đã được mặc khải cho con người” (số 166). Vì vậy có thể nói rằng đức tin vào Thiên Chúa là ân ban của Thiên Chúa đã thành sự nơi trách nhiệm của con người. Đức tin là một quà tặng và cũng là một sự nhập cuộc của con người vào cuộc thoại với Thiên Chúa, Đấng đã vì yêu mà “Ngài đã nói với con người như những người bạn” (Dei Verbum, 2). Thiên Chúa nói với chúng ta, để trong đức tin và với đức tin, chúng ta có thể bước vào sự hiệp thông với Ngài.
Ở đâu chúng ta có thể lắng nghe lời Thiên Chúa nói với chúng ta? Cơ bản nhất là trong Thánh Kinh, vì nơi Thánh Kinh thì lời Thiên Chúa đã trở nên khả thính cho chúng ta (có thể nghe được), và bởi đó mà cuộc sống của “những người bạn Chúa” được bổ dưỡng. Toàn bộ Kinh Thánh nói cho chúng ta việc tự mặc khải của Thiên Chúa dành cho nhân loại. Kinh Thánh nói với chúng ta về đức tin và dạy chúng ta về đức tin. Kinh Thánh thuật lại một chuyện, trong đó Thiên Chúa đem đến kế hoạch cứu rỗi của Ngài cho con người, và chính Ngài đã tự xích lại gần con người. Và câu chuyện ấy được thuật lại ngang qua nhiều nhân vật sáng ngời, là những người vững tin nơi Ngài và ký thác đường đời của họ cho Ngài, mãi cho đến mạc khải được trọn nơi Đức Giê-su Ki-tô.
Cái nhìn này thật đẹp khi chúng ta tìm đến chương 11 trong thư gởi tín hữu Do-thái, trong đó nói về đức tin và tự đặt dưới ánh sáng nhiều nhân vật gương mẫu trong kinh thánh mà họ sống, và họ đã trở nên những mẫu gương sống động cho hết thẩy người tín hữu: “Đức tin là bảo đảm cho những điều ta hy vọng, là bằng chứng cho những điều ta không thấy” (Dt 11,1). Cặp mắt đức tin vì vậy có khả năng thấy những điều vô hình và con tim của người tín hữu có thể hy vọng vượt qua mọi hy vọng, đúng như Áp-ra-ham, thánh Phao-lô đã nói về ông thế này trong thư gởi tín hữu Rô-ma: “Mặc dầu ông không còn gì để trông cậy, ông vẫn trong cậy và vững tin, do đó ông đã trở thành tổ phụ nhiều dân tộc, như lời Thiên Chúa phán: ‘Dòng dõi ngươi sẽ đông đảo như thế’ (Rm 4,18).
Và chính ngay mẫu gương Áp-ra-ham, là vị mà tôi có ý nhấn mạnh bởi lẽ Ngài là nhân vật vĩ đại đầu tiên thường được trưng ra mỗi khi nói về việc tin vào Chúa: ông Áp-ra-ham là vị tổ phụ vĩ đại, là mẫu gương sáng ngời, và người là cha của mọi kẻ tin (x. Rm 4,11-12). Thư gởi tín hữu Do-thái đã trình bày về ông Áp-ra-ham thế này: “Nhờ đức tin, ông Áp-ra-ham đã vâng nghe tiếng Chúa gọi mà ra đi đến một nơi ông sẽ được lãnh nhận làm gia nghiệp, và ông đã ra đi mà không biết mình đi đâu. Nhờ đức tin, ông đã tới cư ngụ tại đất hứa như tại một nơi đất khách, ông sống trong lều cũng như ông I-sa-ác và ông Gia-cóp là những người đồng thừa kết cũng một lời hứa, vì ông trong đợi một thành có nền móng do chính Thiên Chúa vẽ mẫu và xậy dựng” (Dt 11,8-10).
Tác giả thư gởi tín hữu Do-thái ở đây đã đưa ra một tham chiếu cho lời mời gọi Áp-ra-ham, được thuật lại trong Sách Sáng Thế Ký, quyển sách đầu tiên của Kinh Thánh. Thiên Chúa đòi hỏi điều gì đối với vị tổ phụ này? Thưa, Thiên Chúa mời gọi ông hãy rời bỏ dứt khoát vùng đất riêng (quê nhà) mà đi tới vùng/đất nước mà Chúa sẽ chỉ cho ông. Đức Chúa phán với ông Áp-ra-ham “Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha người, mà đi tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi” (St 12,1). Vậy thì tương tự chúng ta sẽ đáp lại lời mời gọi này cách như thế nào? Quả thực chúng ta thấy là đã có một cuộc khởi hành vào đêm tối đã được thuật lại, ông chẳng biết Chúa sẽ dẫn ông đến nơi nào; Ấy là một hành trình đòi ông phải biết vâng theo, đòi ông phải tín thác hoàn toàn, một “cú liều” mà chỉ có đức tin mới có thể khiến ông dám dấn bước, lên đường. Tuy nhiên, đêm tối từ những điều vô định này, nghĩa là chốn nơi mà Áp-ra-ham phải đi, nó được ánh sáng của lời hứa soi rọi. Thiên Chúa thêm vào lời truyền của mình một lời bảo đảm rằng Ngài sẽ mở ra trước Áp-ra-ham một tương lai cuộc sống sung mãn, phong nhiêu: Chúa phán “… Ta sẽ làm cho người thành một dân lớn, sẽ chúc lành cho ngươi. Ta sẽ cho tên tuổi người được lẫy lừng và ngươi sẽ là một mối phúc lành. Ta sẽ chúc phúc cho những ai chúc phúc cho ngươi; Ai nhục mạ ngươi, Ta sẽ nguyền rủa. Nhờ ngươi, mọi gia tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc” (St 12, 2.3).
Mối phúc lành, trong Thánh Kinh, chính yếu được nối kết với món quà sự sống, một thứ đến từ Thiên Chúa và trước tiên nó được biểu hiện nơi sự phong nhiêu, nơi một đời sống sinh sôi nảy nở, tăng trưởng mãi hết thế hệ này đến thế hệ khác. Và cũng vậy mối phúc lành có liên hệ với kinh nghiệm của việc sở hữu một vùng đất, một nơi ổn cố, nơi mà người ta sống và lớn lên trong sự tự do và an ninh, nơi mà người ta kính sợ Thiên Chúa và dựng xây một xã hội gồm những tín hữu biết trung thành với Giao Ước, đó chính là “vương quốc của những tư tế và là thánh quốc” (x. Xh 19,6).
Như vậy, Áp-ra-ham, trong kế hoạch Thiên Chúa, được định để trở thành “cha của vô số dân tộc” (St 17,5; Rm 4, 17-18) và cũng sẽ bước vào một vùng đất mới, nơi ông và con cháu ông cư ngụ. Chưa dừng lại ở đó, Sara, vợ của Áp-ra-ham, là một người son sẻ, không thể có con; rồi một đất nước nào đó Chúa hứa lại xa sôi với vùng đất hiện có của ông, giả như một vùng đất đã có các dân chiếm ngụ, và họ chưa bao giờ thuộc về ông cả. Thánh sử đã nhấn mạnh điều ấy rằng mặc dù rất kín đáo: Ông Áp-ra-ham đã đi qua đất ấy, đến nơi gọi là Si-khem, đến cây Sồi Mô-rê. Thời bấy giờ, người Ca-na-an đang ở trong đất ấy” (St 12,6). Vậy là rõ hơn một tí nữa, vùng đất mà Chúa hứa ban cho ông Áp-ra-ham rõ ràng là không thuộc về ông, mà là của dân Ca-na-an. Ông Áp-ra-ham chỉ là một kẻ lạ và sẽ luôn luôn là như vậy với mọi thứ, mà điều này lại đòi hỏi: ông không được có ý định sở hữu, luôn cảm thấy cái đói nghèo của riêng mình, thấy được mọi sự sẽ có là quà tặng. Đây cũng là một điều kiện thiêng liêng của những ai chấp nhận bước theo Đức Chúa, những ai dám lên đường đón nhận lời mời gọi của Ngài, dưới những dấu chỉ của mối phúc lành dầu vô hình nhưng mạnh mẽ. Và ông Áp-ra-ham, “cha của những kẻ tin”, đã đón nhận lời mời gọi ấy trong đức tin. Thánh Phao-lô đã viết trong thư gởi tín hữu Rô-ma như sau: “mặc dầu không còn gì để trông cậy, ông vẫn trông cậy và vững tin, do đó ông đã trở thành tổ phụ nhiều dân tộc, như lời Thiên Chúa phán: ‘dòng dõi người sẽ đông đảo như thế’. Ông đã gần 100 tuổi, nhưng ông vẫn tin không nao núng, khi nghĩ rằng thân xác ông cũng như dạ bà Sa-ra đều đã chết. Ông đã chẳng mất niềm tin, chẳng chút nghi ngờ Thiên Chúa hứa. Trái lại, nhờ niềm tin, ông đã nên vững mạnh và tôn vinh Thiên Chúa, vì ông hoàn toàn xác tín rằng: điều gì Thiên Chúa đã hứa thì Người cũng có quyền năng thực hiện” (Rm 4,18-21).
Đức tin dẫn Áp-ra-ham đi vào một hành trình của sự nghịch lý. Ông được chúc phúc mà không có dấu chỉ hữu hình của sự chúc phúc ấy, nghịch lý nhất vẫn là việc nhận lời hứa để trở nên tổ phụ của muôn dân, trong khi vợ chồng ông được ghi dấu bởi sự son sẻ của người vợ Sa-ra; đến nhận một nơi ở mới nhưng lại phải sống như một kẻ ngoại kiều, và tài sản duy nhất sẽ có chính là mảnh đất để chôn cất Sa-ra (St 23, 1-20). Áp-ra-ham được chúc phúc bởi vì biết nhận ra lời chúc phúc của Thiên Chúa vượt qua vẻ bề ngoài. Ông tin tưởng vào sự hiện diện của Thiên Chúa cả khi đường lối của Ngài có vẻ như luôn khó hiểu.
Với chúng ta, điều này có nghĩa gì? Khi chúng ta xác quyết rằng “tôi tin vào Thiên Chúa”, thì cũng như Áp-ra-ham, chúng ta nói rằng: “Lạy Chúa, con tin Ngài, con tín thác nơi Ngài”, mà không như tin vào Một Ai Đó, một người mà chúng ta chỉ chạy đến vào những lúc khó khăn, hoặc là người mà chúng ta chỉ cống hiến cho ngài những khoảnh khắc nào đó trong ngày hoặc trong tuần. Khi nói “Tôi tin vào Thiên Chúa” nghĩa là tôi đặt cuộc sống của tôi vào Ngài, để cho lời của Ngài định hướng mỗi ngày sống, chi phối mỗi lựa chọn cụ thể mà không hề sợ mất điều gì của chính tôi. Trong Nghi Thức Phép Rửa, khi được hỏi ba lần: anh chị em có tin vào Thiên Chúa, tin vào Chúa Thánh Thần, tin vào Hội Công Giáo và những chân lý khác của đức tin không? Và cả thẩy ba lần mỗi người chúng ta đáp lại đều ở số ít: “Tôi tin”, vì đó là khi cuộc sống cá nhân của tôi phải đón nhận một bước chuyển bằng món quà đức tin, và do đó chính bản thân tôi phải thay đổi lối sống, phải hoán cải. Mỗi lần chúng ta tham dự Nghi Thức Rửa Tội, chúng ta phải tự hỏi mình xem chúng ta đã sống xứng đáng với món quà đức tin quý giá trong đời sống thường ngày chưa.
Áp-ra-ham, một người tin, đã dạy cho chúng ta về đức tin; và, trong tư thế là một ngoại kiều trên mặt đất, Áp-ra-ham chỉ cho chúng ta quê hương đích thực. Đức tin làm cho chúng ta trở thành những người hành hương trên trái đất này, nó đặt chúng ta vào thế giới và vào lịch sử nhưng trong một hành trình hướng về quê trời. Do đó, tin vào Thiên Chúa làm cho chúng ta trở nên những người đeo mang những giá trị mà thường thì không trùng hợp với cách sống và quan điểm của thời đại. Tin vào Chúa đòi hỏi chúng ta phải chấp nhận những tiêu chuẩn và mang lấy cách hành xử vốn không còn thuộc về cách nghĩ thông thường nữa. Các Ki-tô hữu không sợ hãi khi đi “ngược dòng” để sống đức tin của mình và chống lại cám dỗ bị “đồng phục”. Nhiều khi trong xã hội của chúng ta, Thiên Chúa đã trở nên “Đấng vắng mặt vĩ đại” và vị trí của ngài đã thuộc về các ngẫu tượng mà trước tiên phải kể đến “cái tôi tự trị”. Và cũng thế, những tiến bộ đáng kể và tích cực trong khoa học và kỹ thuật đã làm cho con người ảo tưởng về sự toàn năng và khả năng tự đủ lấy mình, và có một chủ nghĩa ích kỷ đang lớn dần đã tạo nên không ít thế mất cân bằng toàn bộ những mối tương quan liên vị và các hành xử xã hội.
Không chỉ thế, nỗi khao khát Thiên Chúa thì chưa bao giờ bị mất đi, và sứ điệp của Tin Mừng thì vẫn luôn được cất lên ngang qua lời nói và việc làm của biết bao nhiêu tín hữu nam cũng như nữ. Áp-ra-ham, cha của những người tin, tiếp tục sẽ là cha của những người con dám chấp nhận để nối gót bước chân ngài. Và họ dấn bước vào hành trình của mình trong sự vâng phục tiếng gọi của Thiên Chúa. Họ tin tưởng vào sự hiện diện lòng lành của Thiên Chúa, và họ đã đón nhận ơn lành của Ngài để từ đó cũng trở nên phúc lành của người khác. Trong thế giới được chúc phúc của đức tin, mọi người đều được mời gọi để bước theo Đức Ki-tô mà không phải sợ hãi gì. Đó là một hành trình dẫu đầy khó khăn, nghĩa là dầu nó có lắm thử thách và cả chết chóc, nhưng lại mở ra với sự sống, mở ra một cuộc biến đổi tận căn thực tại, một thực tại mà chỉ có cặp mắt đức tin chúng mới có thể nhìn thấy và thưởng nếm được sự trọn hảo của nó.
Như thế, lời xác quyết “tôi tin vào Thiên Chúa” thúc đẩy chúng ta lên đường để không ngừng ra khỏi mình, giống như Áp-ra-ham, hầu có thể mang đến cho thực tại đời sống thường ngày một sự đoan chắc, (một thứ mà chúng ta có được nhờ đức tin), đó là sự hiện diện của Chúa trong lịch sử, hôm qua cũng như hôm nay, một sự hiện diện mang lại sự sống và ơn cứu độ, và mở ra cho chúng ta một tương lai được ở với Thiên Chúa, một đời sống sung mãn không bao giờ biết đến tàn lụi.
RadioVaticana, 23-1-2013
Thái Hiệp và Minh Triệu chuyển ngữ và giới thiệu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét