Giáo Huấn về Năm Đức Tin của ĐTC Benedict XVI, bài 11
“…chúng ta cũng cần lưu ý rằng, bí tích Rửa Tội vốn là một sự lãnh nhận, bởi vì tự sức mình không ai trong chúng ta có thể trở thành con của Thiên Chúa cả. Được Rửa Tội và trở nên con cái Thiên Chúa là một quà tặng được trao ban một cách nhưng không…”
PHẦN A:
PHẦN B:
Trong buổi Tiếp Kiến Chung hôm sang thứ Tư ngày 02-01-2013, Đức Giáo Hoàng Benedict XVI đã tiếp tục loạt bài Huấn Giáo về Năm Đức Tin, kỳ thứ 11 với chủ đề: “Nguồn Gốc Đích Thị của Chúa Giê-su”. “Hẳn nhiên là Đức Giê-su xuất thân từ Na-da-rét, và được sinh ra tại Bê-lem, nhưng ai biết được nguồn gốc đích thực của Ngài?”. Theo đó để giúp hiểu chủ đề ĐTC đã chỉ ra những trình thuật trong các Tin Mừng nêu rõ nguồn gốc của Chúa Giê-su. Trong đó, lời của sứ thần truyền cho Đức Nữ Trinh Maria được trưng ra như một điển hình “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà. Vì thế người con được sinh ra là Đấng Thánh, Người được gọi là Con Thiên Chúa” (Lc 1,35)”. Sau đó là vài điểm phản tỉnh về ơn đức tin đối với người Ki-tô hữu, và phương cách để thực hành đức tin trong thế giới hôm nay. Dưới đây là toàn văn diễn từ của ĐTC Benedict XVI trong buổi Tiếp Kiến Chung vừa qua.
Anh chị em thân mến!
Lễ Giáng Sinh Con Thiên Chúa một lần nữa chiếu soi vào bóng đêm thường vây phủ thế giới và cõi lòng chúng ta bằng ánh sáng của Thiên Chúa. Việc sáng soi ấy mang đến cho chúng ta niềm hy-vọng và mừng vui. Nhưng ánh sáng chiếu soi ấy đến từ đâu? Thưa, từ hang Bê-lem, nơi mà các mục đồng tìm gặp “Đức Maria, thánh Giu-se, và một trẻ thơ đang nằm trong máng cỏ” (Lc 2,16). Đứng trước Thánh Gia, có một câu hỏi khác sâu xa hơn nảy sinh: làm thế nào mà Trẻ Thơ vừa bé nhỏ và yếu ớt như thế lại có thể mang đến một cuộc đổi mới triệt để cho thế giới, làm biến đổi diễn trình lịch sử được? Phải chăng chẳng có chi bí ẩn gì về nguồn gốc của Ngài, một đứa trẻ được sinh ra nơi máng cỏ ấy?
Phải nói rằng câu hỏi về gốc tích của Chúa Giê-su tái xuất hiện luôn mới mẽ. Đây chính là câu hỏi mà viên Tổng Trấn Phong-xi-ô Phi-la-tô đã từng tra vấn trong suốt quá trình xử Đức Giê-su: “Thế thì Ông từ đâu đến?” (Ga 19,29). Thế nhưng gốc tích ấy đã được bàn quá rõ cho chúng ta rồi. Trong Tin Mừng theo thánh Gio-an, khi Chúa Giê-su xác nhận rằng “tôi là bánh từ trời xuống”, thì những người Giu-đê đã xầm xì phản đối “chẳng phải ông ấy (Giê-su) là con của bác Giu-se sao? Há chẳng phải chúng ta biết rõ cha mẹ của ông ấy sao? Thế sao bây giờ ông ta lại nói: “Tôi từ trời xuống?” (Ga 6,42). Và sau đó ít lâu, những cư dân thành Giê-ru-sa-lem tranh luận sôi nổi với nhau, yêu cầu giải thích về lời tuyên bố của Chúa Giê-su vì Ngài tự nhận mình là Đấng Mê-si-a, và sau đó họ tự cho rằng họ biết chốn xuất thân đích thực của Chúa Giê-su: “chúng ta biết ông xuất thân từ đâu rồi; còn Đấng Ki-tô, khi người đến thì chẳng ai biết Người xuất thân từ đâu cả” (Ga 7,27). Khi họ tuyên bố rằng họ biết nguồn gốc của Ngài, thì chính Chúa Giê-su cũng đã lưu ý rằng lời tuyên bố “biết” ấy là sai lệch biết bao, và rồi kèm sau lời lưu ý ấy Chúa Giê-su đã chỉ ra một hướng để nhận biết nơi xuất thân đích thực của Ngài: “Các ông biết tôi ư? Các ông biết tôi xuất thân từ đâu ư? Tôi đâu có tự mình mà đến. Ðấng đã sai tôi là Ðấng chân thật. Các ông, các ông không biết Người” (Ga 7,28). Hẳn nhiên là Đức Giê-su xuất thân từ Na-da-rét, và được sinh ra tại Bê-lem, nhưng ai biết được nguồn gốc đích thực của Ngài là gì?
Trong cả bốn Tin Mừng câu trả lời cho câu hỏi Đức Giê-su từ đâu đến đã hiện rõ: nguồn cội đích thực của Ngài là Chúa Cha; Chúa Giê-su hoàn toàn đến từ Cha, nhưng trong một cách thế khác hẳn với bất kỳ một ngôn sứ hay những người nào được Thiên Chúa sai đến trước Ngài. Cội nguồn đến xuất thân từ Thiên Chúa, “chẳng ai biết” này, được chứa đựng trong các trình thuật Tin Mừng Mát-thêu và Lu-ca, là những đoạn mà chúng ta đã có dịp nghe trong những ngày đầu của Mùa Giáng Sinh vừa rồi.
Sứ thần Gáp-ri-en đã công bố rằng “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà. Vì thế người con được sinh ra là Đấng Thánh, Người được gọi là Con Thiên Chúa” (Lc 1,35). Mỗi lần lập lại những lời này là chúng ta đang tuyên xưng đức tin với Kinh Tin Kính “et incarnatus est de Spiritu Sancto, ex Maria Virgine”, nghĩa là “bởi phép Chúa Thánh Thần mà người xuống thai, sinh bởi bà Maria Đồng Trinh”. Trong khi tuyên xưng mầu nhiệm này chúng ta cúi đầu, vì tấm màn (mầu nhiệm) đang che Thiên Chúa, bỗng dưng mở ra, và thế là mầu nhiệm vốn không thể dò thấu, không thể biết nổi thì chúng ta giờ đã chạm được: Thiên Chúa đã trở nên “Emmanuel”, nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”.
Khi chúng ta nghe các Bộ Lễ được các bậc thầy vĩ đại về thánh nhạc sáng tác, tôi đơn cử một ví dụ Bộ Lễ Trọng của Mozart, chúng ta liền chú ý đến tình tiết làm thế nào mà Mozart trong một cách thế rất riêng đã đau khổ thế nào khi diễn các lời nhạc, hầu như muốn tìm dùng hết ngôn ngữ đại đồng của âm nhạc để diễn tả điều mà lời bình thường không thể diễn tả hết được: mầu nhiệm lớn lao về Thiên Chúa, Đấng đã nhập thể và làm người.
Nếu chúng ta chú tâm suy ngẫm lối diễn tả này trong Kinh Tin Kính, “bởi phép Chúa Thánh Thần mà Người xuống thai, sinh bởi bà Maria Đồng Trinh”, thì chúng ta sẽ bắt gặp được lối diễn tả vắn gọn ấy gồm cả thể bốn đối thể đang hành động. Rất rõ là lời tuyên xưng ấy đã đề cập đến Thánh Thần, và Đức Maria, nhưng lại nhấn mạnh đến từ “Người”, có nghĩa là Người Con, Đấng đã mặc lấy xác phàm trong lòng Nữ Trinh Maria. Và rồi trong Kinh Tuyên Xưng Đức Tin, Chúa Giê-su lại được xướng danh với những danh xưng khác nhau: “Đức Chúa, … Đấng Ki-tô, Con Một Thiên Chúa, Ánh Sáng bởi Ánh Sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật, … là Đấng có cùng bản thể với Đức Chúa Cha” (x. Kinh Tin Kính ‘niceno-costantinopolitano’). Vậy thì chúng ta thấy rằng tiếng “Người được sinh ra” ấy ám hiệu đến một ngôi vị khác, ấy chính là Chúa Cha. Thế nên đối thể đầu tiên của những lời tuyên xưng này chính là Chúa Cha, mà Ngài cùng với Chúa Con, và Thánh Thần là Thiên Chúa duy nhất.
Sự xác quyết này trong Kinh Tin Kính không xét đến bản tính vĩnh cửu của Thiên Chúa nhưng trên hết nói cho chúng ta về một hoạt động mà nơi đó có sự dự phần của Ba Ngôi Thiên Chúa và được hiện thực hóa nhờ Đức Trinh Nữ Maria. Không có Mẹ, con đường của Thiên Chúa trong lịch sử nhân loại không thể đạt đến đích của nó. Và nó cũng không thể thành trung tâm điểm trong lời Tuyên xưng đức tin của chúng ta: Thiên Chúa là Đấng ở với chúng ta. Vì thế, Đức Maria có một vai trò thiết yếu trong niềm tin của chúng ta vào Thiên Chúa, Đấng hành động và đi vào lịch sử. Mẹ đã trao ban toàn thể con người mình và “chấp nhận” để trở nên nơi cư ngụ của Thiên Chúa.
Đôi lúc, trong hành trình cuộc sống cũng như trong đời sống đức tin, chúng ta có thể cảm thấy sự nghèo hèn của mình. Chúng ta thấy mình không thể đưa ra những lời chứng thỏa đáng cho thế giới. Thế nhưng Thiên Chúa đã chọn một người nữ khiêm hạ, nơi một ngôi làng vô danh và ở một tỉnh xa xôi của đế quốc Rô-ma rộng lớn. Giữa bao nhiêu khó khăn và thách đố mà chúng ta luôn phải đối diện, chúng ta phải tín thác vào Thiên Chúa, làm mới lại niềm tin vào sự hiện diện và hoạt động của Ngài trong lịch sử đời sống chúng ta giống như Đức Maria đã làm. Vì đối với Thiên Chúa không có gì là không thể! Với Ngài, đời sống của chúng ta luôn tiến bước đi trên một nền tảng vững chắc và mở ra với một tương lai niềm hy vọng chắc chắn.
Qua lời tuyên xưng trong Kinh Tin Kính, “bởi phép Đức Chúa Thánh Thần mà người xuống thai, sinh bởi Bà Maria đồng trinh”, chúng ta xác nhận rằng Chúa Thánh Thần, sức mạnh của Thiên Chúa Tối Cao, đã hoạt động trong một cách thế nhiệm mầu nơi Đức Trinh Nữ Maria trong việc thụ thai Con Thiên Chúa. Tác giả Tin Mừng Luca tường thuật lại những lời của Tổng Lãnh Thiên Thần Gáp-ri-en như sau: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Ðấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, người con sinh ra là thánh, và được gọi là Con Thiên Chúa” (Lc 1,35). Hai lời mời gọi rất rõ ràng: trước hết là khoảnh khắc của sáng tạo mới. Đầu sách Sáng Thế, chúng ta đọc thấy rằng “Thần Khí của Thiên Chúa là là trên mặt nước” (St 1,2). Chúa Thánh Thần là Đấng Sáng Tạo, Ngài đã ban sự sống cho muôn loài muôn vật và cả con người. Nghĩa là khi ngự xuống trên Đức Maria, nhờ vào hoạt động của Thánh Thần Thiên Chúa, một cuộc sáng tạo mới đã bắt đầu. Thiên Chúa, Đấng đã sáng tạo con người từ hư không, với mầu nhiệm Nhập Thể, Ngài đã trao ban sự sống và trao ban một khởi đầu mới cho bản tính nhân loại. Không ít lần, các Giáo Phụ đã nói về Đức Giê-su như là một A-đam mới để nhấn mạnh đến một khởi đầu mới của cuộc sáng tạo mới khởi đi từ việc hạ sinh của Người Con trong cung lòng Đức Trinh Nữ Maria. Điều này khiến chúng ta phản tỉnh về đức tin, là yếu tố vốn đem đến cho chúng ta một sự mới mẻ, một nguồn sức mạnh dẫn đến một cuộc tái sinh.
Thực vậy, khởi đầu của đời sống Ki-tô hữu chính là Bí Tích Rửa Tội. Nhờ Bí Tích này, chúng ta được tái sinh làm con cái Chúa và giúp chúng ta dự phần vào mối tương quan con thảo với Thiên Chúa, hệt-như tương quan giữa Chúa Giê-su và Chúa Cha. Và chúng ta cũng cần lưu ý rằng, bí tích Rửa Tội vốn là một sự lãnh nhận, nghĩa là chúng ta “được rửa tội” – một sự thụ động – bởi vì tự sức mình không ai trong chúng ta có thể trở thành con của Thiên Chúa cả. Được Rửa Tội và trở nên con cái Thiên Chúa là một quà tặng được trao ban một cách nhưng không. Thánh Phao-lô đã nhắc lại mối tình nghĩa tử của các Kitô hữu như là một chủ đề trung tâm trong thư gửi Tín hữu Rô-ma: “Vì chưng phàm ai được Thần Khí Thiên Chúa dẫn đưa, thì họ là con cái Thiên Chúa. Quả thế, không phải thứ thần khí của hàng nô lệ điều mà anh em đã chịu lấy, để mà phải sợ hãi. Nhưng anh em đã chịu lấy Thần khí của hàng nghĩa tử; nhờ đó ta kêu lên: Abba, lạy Cha! Chính Thánh Thần chứng thực cho thần trí ta rằng: ta là con cái Thiên Chúa (Rm 8,14-16)”, chứ không phải là những đứa nô lệ. Giống như mẹ Maria, chỉ khi chúng ta mở ra với hoạt động của Thiên Chúa, chỉ khi chúng ta đặt đời sống chúng ta vào Thiên Chúa như một người bạn mà chúng ta có thể hoàn toàn tin tưởng, khi đó tất cả sẽ thay đổi, nghĩa là đời sống chúng ta sẽ được một ý nghĩa mới và một khuôn mặt mới: đời sống của những đứa con của Người Cha luôn yêu mến và chưa bao giờ từ bỏ con mình.
Cuối cùng chúng ta lưu ý đến một yếu tố khác trong lời Truyền Tin. Thiên Thần nói với Đức Maria: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Ðấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà”. Đây là một lời nhắc nhớ về đám mây thánh, mà trong suốt cuộc Xuất Hành, đám mấy ấy đã dừng lại trên Lều Hội Ngộ, trên Hòm Bia Giao Ước mà con cái Ít-ra-en mang theo mình, và cũng là dấu chỉ về sự hiện diện của Thiên Chúa (Xh 40, 34-38). Đức Maria là Nhà Tạm mới, là Hòm Bia Giao Ước mới: với tiếng xin vâng của Mẹ đối với lời của Tổng lãnh Thiên Thần, Thiên Chúa đã đón nhận một nơi cư ngụ giữa lòng thế giới. Thiên Chúa là Đấng mà cả vũ trụ này không thể chứa đựng, đã đón nhận một nơi cư ngụ trong cung lòng một Trinh Nữ.
Bây giờ chúng ta quay lại với câu hỏi mà chúng ta đã nêu lên trước đó, câu hỏi về nguồn gốc của Đức Giê-su, được tổng hợp nơi câu hỏi của Phi-la-tô: “Ông từ đâu đến?” Những phản tỉnh rõ ràng vừa nêu cho thấy ngay từ khởi đầu các sách Tin Mừng đã chỉ rõ đâu là nguồn gốc đích thực của Chúa Giê-su: Ngài là Người Con Duy Nhất của Chúa Cha, đến từ Thiên Chúa. Chúng ta đang đối diện với một mầu nhiệm lớn lao và gây sửng sốt, mầu nhiệm mà chúng ta đang cử hành trong Mùa Giáng Sinh này: Con Thiên Chúa, nhờ vào hoạt động của Chúa Thánh Thần, nhập thể trong cung lòng Trinh Nữ Maria. Lời công bố này luôn âm vang một cách mới mẻ và mở ra cho chúng ta một niềm hy vọng và một niềm vui trong cõi lòng mình. Bởi vì nó trao ban cho chúng ta một niềm hy vọng chắc chắn, rằng dẫu cho chúng ta cảm thấy yếu đuối, nghèo nàn và bất lực trước những khó khăn và tội lỗi của thế giới thì sức mạnh của Thiên Chúa vẫn hằng hoạt động và Ngài sẽ thực hiện những điều kỳ diệu trong chính những sự bất toàn. Vì ân sủng của Ngài chính là sức mạnh của chúng ta (2 Cr 12,9-10).
Cám ơn anh chị em!
RadioVaticana, 02-1-2013
Thái-Hiệp và Minh Triệu chuyển ngữ và giới thiệu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét