Chủ Nhật, 13 tháng 1, 2013

Chúa nhật Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa Năm C_2013

Ông bà anh chị em thân mến.  Lễ Chúa chịu phép rửa hôm nay kết thúc mùa Giáng sinh và bắt đầu cho mùa thường niên. Về phương diện lịch sử, sự kiện Chúa chịu phép rửa đánh dấu sự bắt đầu thi hành sứ mạng rao giảng Tin mừng công khai của Ngài mà Chúa Cha đã giao phó là đem ân sủng tình yêu, an bình và ơn cứu chuộc đến cho loài người đang sống trong sự tối tăm, tội lỗi và âu lo.  Khi Chúa Giêsu bắt đầu rao giảng Tin mừng thì Ngài vào khoảng 30 tuổi.
Có một câu chuyện về một người phụ nữ tên Thanh Thanh kết hôn với anh Hùng Dũng được 8 năm và hai người có 2 đứa con rất dễ thương. Nhưng mẹ của cô Thanh Thanh có cảm giác gia đình của con gái mình bắt đầu có những vấn đề trong hôn nhân.  Một ngày kia, bà mẹ hỏi người con gái có đồng ý bỏ 1 ngày đi shopping với bà nếu bà trả tiền coi con.  Cô Thanh Thanh rất vui mừng và đồng ý với lời mời của mẹ.
Ngày mai khi cùng ăn trưa với nhau trong khu shopping, bà mẹ nói với con gái rằng bà có một chủ đích, lý do mời người con đi shopping, và bà có một điều quan trọng muốn nói với con, điều quan trọng này bà đã hứa với mẹ của bà trước khi qua đời, là bà sẽ chia sẻ với người con gái khi cần thiết, đúng lúc, đúng thời điểm. Điều quan trọng đó gói ghém trong ba phương châm để có hạnh phúc trong hôn nhân vợ chồng. 
Phương châm thứ nhất là: không bao giờ giữ nhớ lỗi lầm trong hôn nhân. Tiếng Mỹ là, Never keep score in marriage.  Chúng ta biết điều này hay xảy ra giữa 2 vợ chồng trong gia đình.  Không có ai hoàn toàn và do đó có những lỗi lầm. Nằm trong chăn mới biết chăn có rận. Khi có chuyện xích mích thì vợ chồng thường lấy những chuyện cũ để than trách nhau. Bà mẹ nói với con gái rằng: “Khi có chuyện gì đừng bao giờ nói với chồng: ‘Tôi đã làm hết bổn phận.  Điều đó không công bằng.’ Ngày nào con bắt đầu nhớ giữ lỗi lầm của nhau là ngày ấy hôn nhân của con bắt đầu từ từ chết đi.”
Phương châm thứ hai là: không bao giờ quá bận rộn không dành thời giờ cho con cái.  Never be too busy for your children.  Đây có thể nói là một thách đố lớn cho các gia đình người Việt Nam hải ngoại.  Nhiều khi vì quá bận rộn với công việc, làm quá giờ, tham lam tiền bạc, mà quên đi bổn phận quan trọng làm cha mẹ, bỏ bê không chú ý đến đời sống của con cái.   Bà mẹ nói với con gái rằng: “Ngày nào con nói với con cái ‘con có thấy mẹ rất bận rộn không! Vào trong phòng, ra chơi chỗ khác, để lúc khác mẹ lo cho’ là lúc đó con bắt đầu cắt đứt sự liên lạc với con cái.”
Phương châm thứ ba là, không bao giờ quên một ngày cầu nguyện cho gia đình của con. Never miss a day praying for your family.  Đây cũng là một thách đố lớn cho các gia đình, ngày nay không còn thì giờ để cầu nguyện, hay chú trọng vào đời sống đạo và đức tin nữa.  Bà mẹ nói với con gái rằng: “Không bao giờ bỏ đi 24 tiếng mà không cầu nguyện, không nói với Chúa và Đức Mẹ về gia đình của mình.  Ngày nào con ngưng trò chuyện với Chúa về gia đình con, ngày đó con đã từ chối gia đình của con một món quà vô giá mà người mẹ có thể cho gia đình.”
Sau khi bà mẹ chấm dứt lời nhắn nhủ, cô Thanh Thanh đã ôm chầm lấy người mẹ, với hai dòng lệ chảy dài trên má, nói với người mẹ: “Thưa mẹ, đây là những lời khuyên tuyệt đẹp và cần thiết.  Nhưng tại sao mẹ đợi đến bây giờ mới nói với con những lời vàng ngọc đó!  Tại sao mẹ không nói với con trong ngày con kết hôn với người chồng?”
Bà mẹ nhỏ nhẹ nói: “Con ơi!  Mẹ muốn nói với con ngay trong ngày tân hôn của con lắm!  Mẹ muốn nói lắm!  Nhưng mẹ biết lúc đó không đúng thời điểm, không đúng lúc.  Lúc đó con chưa sẵn sàng.  Mẹ phải kiên nhẫn chờ đợi đúng lúc, khi con có thể hiểu được những lời mẹ nói.”
Ông bà anh chị em thân mến.  Đây là một câu chuyện thật đẹp và chất chứa nhiều kinh nghiệm khôn ngoan, nhưng còn có một điểm quan trọng liên qua đến ngày kính phép rửa của Chúa Giê-su mà chúng ta mừng kính hôm nay.  Sau khi nghe bài Tin mừng, có lẽ chúng ta tự hỏi, tại sao Chúa Giê-su lại đợi một thời gian dài mới bắt đầu đi rao giảng?  Tạo sao Chúa không bắt đầu rao giảng lúc hai mươi tuổi mà phải đợi đến 30 tuổi?   Hay nói một cách khác, tại sao Chúa ở Nazarét 30 năm dài, trong khi Chúa biết thế giới nhân loại đang khao khát mong chờ lời Chúa giảng dạy?
Câu trả lời rất đơn giản nhưng cũng rất quan trọng.  Chúa đợi cho thánh Gioan Tẩy giả kêu gọi mọi người ăn năn thống hối.  Chúng ta biết là vào thời đó, không có người nào theo đạo Do thái cần phép rửa, chỉ có những người muốn trở lại hay theo đạo Do thái thôi. Nhưng cũng ngay thời điểm đó và cũng là lần đầu tiên trong lịch sử quốc gia Do thái, mọi người ý thức được tội lỗi của mình và có một phong trào, một làn sóng tìm sự ăn năn thống hối, cải thiện đời sống, có lòng khao khát, tìm kiếm và đến vớiThiên Chúa.  Và đây cũng chính là thời điểm chín mùi mà Chúa đang mong đợi. 
Chúng ta trở lại câu chuyện của cô Thanh Thanh và bà mẹ ở trên.  Câu chuyện này giúp chúng ta hiểu rõ hơn tại sao Chúa đợi một thời gian dài trước khi chịu phép rửa và bắt đầu sứ vụ rao giảng tin mừng Nước Trời. Qua sự kiện Chúa chịu phép rửa, chúng ta tin nhận rằng Chúa Giê-su chính là Con Thiên Chúa, Đấng được sai đến để mang tình yêu, bình an và ân sủng xuống cho con người đang sống trong bóng tối tội lỗi, lo âu và đang khao khát tìm kiếm Chúa.
Ông bà anh chị em thân mến. Một điểm quan trọng là, những sự kiện này áp dụng vào đời sống Ki-tô hữu của chúng ta như thế nào?  Hay nói một cách khác, điều áp dụng quan trọng vào đời sống của chúng ta là, Chúa Giê-su và ơn sủng của Ngài không thể nào xuyên thủng vào cuộc sống và biến đổi chúng ta, cho đến khi như dân Do thái, chúng ta sẵn sàng mở rộng tâm hồn tiếp nhận và để Chúa tác động trong cuộc sống của chúng ta.  Chúa không thể làm bất cứ cái gì để làm chúng ta sẵn sàng, chỉ chính chúng ta có thể làm việc đó cho chúng ta thôi. Và phương cách chúng ta làm cho chúng ta sẵn sàng là phương cách của cô Thanh Thanh và của dân Do thái đã làm, là nhận biết và thú nhận: chúng ta không thể nào sống mà không có Chúa, hay tự nhận: chúng ta cần Chúa Giê-su, cần lời Chúa và thực hành những điều Ngài giảng dạy trong đời sống.  Khi nào chúng ta đến đích điểm này, Chúa Giêsu và ân sủng của Ngài mới xuyên vào và biến đổi chúng ta trở lại căn tính mà Thiên Chúa đã tạo dựng chúng ta mà thôi, và đời sống của chúng ta mới chan chứa tình yêu, bình an, và trở thành những chứng nhân và làm sáng danh Chúa, để chúng ta cũng được Chúa Cha xác nhận “Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha.”
 Lm. Quản Nhiệm

Không có nhận xét nào:

Tìm kiếm ....