Ông bà ta thường khuyên con cháu: “Chọn bạn mà chơi”. Trong cuộc sống, không ai lại không có bạn bè. Nhưng bạn cũng có các loại bạn. Tình bạn là đóa hoa hồng và là mối quan hệ cần thiết cho sự phát triển cá nhân từ tuổi nhỏ.
Trẻ nhỏ học cách chơi với các bạn khác, còn việc phát triển tình bạn độc lập là vấn đề khác. Tại sao? Trẻ em là những “sinh vật cao cấp” còn trẻ người non dạ, chưa thể phân biệt chính xác điều tốt hay xấu, càng khó hơn trong việc phân biệt người tốt hoặc xấu. Cha mẹ là người trước tiên phải hướng dẫn con cái trong việc kết bạn. Tuy nhiên, cha mẹ phải để con cái được tự do trong việc chọn người phù hợp để kết bạn. Tình bạn trong những năm đầu đời rất quan trọng đối với quá trình phát triển của một con người.
Người lớn có trách nhiệm giúp trẻ em chọn bạn, phân tích phải trái chứ không có quyền cấm trẻ em chơi với người này hoặc bắt chơi với người kia. Đó là phi giáo dục. Và quyết định cuối cùng vẫn thuộc về con cái, vì chúng là “người lớn thu nhỏ”.
Hãy giúp trẻ nhận thức đúng về tình bạn và duy trì những tình bạn tốt. Cha mẹ nên lưu ý mấy điểm sau đây:
· Cho phép con cái có nhiều bạn.
· Chân thật là điều quan trọng trong tình bạn.
· Đôi khi bạn bè có thể xích mích, nhưng chúng có thể xin lỗi và tha thứ, rồi lại tiếp tục làm bạn.
· Bạn bè có thể ảnh hưởng lẫn nhau, cả điều tích cực và tiêu cực.
· Rất quan trọng khi chọn bạn, cần khôn ngoan để có ích lợi từ tình bạn.
· Tình bạn cũng cần các kỹ năng để duy trì, thậm chí muốn chấm dứt một tình bạn cũng phải khéo léo.
· Cũng vẫn tốt nếu có tình bạn khác phái.
· Dành thời gian giúp đỡ nhau để cảm thấy thoải mái chia sẻ vui buồn trong cuộc sống.
· Tình bạn tốt sẽ giúp trẻ cảm thấy tự tin và vui vẻ.
· Muốn có bạn tốt thì chính mình phải là người bạn tốt.
Ralph Waldo Emerson nói: “Tình bạn, cũng giống như sự bất tử của linh hồn, quá tốt đẹp để tin được”. Thật vậy, tình bạn có thể CỘNG lại niềm vui, TRỪ bớt ưu phiền, NHÂN lên nghị lực, và CHIA sẻ mọi thứ.
Ai cũng từng là trẻ em. Gia đình nào cũng có trẻ em, nếu gia đình nào không có tiếng cười của con trẻ là nỗi bất hạnh. Chúng là sợi dây liên kết các thành viên trong gia đình, là dấu cộng giữa người cha và người mẹ.
Khi người ta dẫn trẻ em đến với Đức Giêsu để Ngài đặt tay trên chúng và cầu nguyện. Các môn đệ đã la rầy chúng, nhưng Đức Giêsu nói: “Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Trời là của những ai giống như chúng” (Mt 19:14). Và rồi “Ngài đặt tay trên chúng”. Điều đó chứng tỏ Chúa Giêsu rất yêu thương trẻ em. Do đó chúng ta đừng khiến chúng xa cách mình, hãy gần gũi và chỉ bảo bằng cả tình yêu thương như Đức Giêsu vậy.
Trầm Thiên Thu
Lễ Thánh Gia - 2012
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét