SUY NIỆM KINH THÁNH VÀ LỜI NGUYỆN TRONG TÁM NGÀY
Ngày thứ sáu
Bước đi vượt lên những trở ngại
Lời Chúa
Rut 4, 13-18: Con của Rút và Boát.
Tv 113: Chúa nâng đỡ những người túng nghèo.
Ep 2, 13- 18: Chúa Giêsu đã phá đổ bức tường ngăn cách giữa chúng ta.
Mt 15, 21-28: Chúa Giêsu và người phụ nữ xứ Canaan.
Khiêm tốn bước đi với Thiên Chúa có nghĩa là vượt lên những rào cản gây chia rẽ và gây tổn hại đến các con cái Chúa. Người Kitô hữu ở Ấn Độ ý thức được mình đang có những chia rẽ. Cách đối xử của Giáo hội với những người Dalit là nguyên nhân gây ra chia rẽ trong lòng Giáo hội và giữa các cộng đoàn Giáo hội. Nó đi ngược lại với quan niệm của Kinh Thánh về sự hiệp nhất mà chúng ta cầu xin trong tuần này. Từ rất sớm, thánh Phaolô đã ghi nhận có sự chia rẽ nghiêm trọng giữa những người ngoại giáo và những người Do thái trở lại trong các cộng đoàn Kitô hữu. Đối diện với trở ngại chia rẽ và những người gây chia rẽ này, Phaolô tuyên xưng Đức Giêsu “là bình an của chúng ta: Người đã liên kết đôi bên, dân Do Thái và dân ngoại, thành một; Người đã hy sinh thân mình để phá đổ bức tường ngăn cách là sự thù ghét”. Trong thư gửi tín hữu Galát, Phaolô cũng viết: “Quả thế, bất cứ ai trong anh em được thanh tẩy để thuộc về Đức Kitô, đều mặc lấy Đức Kitô. Không còn chuyện phân biệt Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà; nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Kitô (Gal 3, 27-28). Nơi Đức Giêsu tất cả những trở ngại đã ăn sâu vào thế giới cũ cũng như những trở ngại kế tiếp sau, đã bị phá đổ. Vì khi mang lấy cây Thập giá, Đức Giêsu đã sáng tạo một nhân loại mới nơi bản thân Người.
Trong một thế giới mà người ta khó có thể vượt lên được những rào cản về tôn giáo, thì các tín hữu Công giáo Ấn Độ, chỉ chiếm thiểu số trong xã hội đa tôn giáo, nhắc nhớ chúng ta về tầm quan trọng cần phải đối thoại và hợp tác với các tôn giáo khác. Tin mừng thánh Matthêu thuật lại cho chúng ta con đường khó khăn mà Đức Giêsu và các môn đệ của Ngài đã chọn để vượt lên những rào cản về tôn giáo, về văn hóa và giới tính khi Ngài phải đối diện với người phụ nữ Canaan đến xin chữa bệnh cho con gái của bà. Sự khác biệt về tôn giáo và tình trạng tuyệt vọng của người phụ nữ này là lý do sâu xa khiến các môn đệ đuổi bà đi một cách hoàn toàn bộc trực và đó cũng là lý do làm cho chính Đức Giêsu do dự chữa cho con bà. Nhưng cũng từ lúc ấy, Đức Giêsu và các môn đệ đã vượt lên những giới hạn của thế giới cũ và những rào cản do con người đặt ra. Trong Cựu ước có nói đến một đoạn tương tự như vậy. Đoạn kết của sách Rút, một người phụ nữ Môáp xuất thân từ một nền văn hóa và tôn giáo khác biệt, liệt kê danh sách dòng dõi con cháu của bà và ông Bôát, người Israen. Con trai của ông bà là Ovết sinh Giessê, cha của Đavít. Như thế, lịch sử tổ tiên vị Vua anh hùng của Israen xưa cho ta thấy ý định của Thiên Chúa chỉ có thể thực hiện khi con người biết học cách vượt lên những rào cản về tôn giáo và văn hóa. Việc chúng ta bước đi với Thiên Chúa hôm nay đòi hỏi chúng ta phải vượt lên những bức tường chia cắt chúng ta với các Kitô hữu khác và với các tín đồ của các tôn giáo. Bước đường hướng tới sự hiệp nhất các Kitô hữu đòi chúng ta phải khiêm tốn bước đi với Thiên Chúa để vượt lên những rào cản gây cho chúng ta chia rẽ nhau.
Lời nguyện
Lạy Cha, xin Cha tha thứ cho chúng con vì chúng con vẫn không ngừng xây cao thêm những bức tường tham lợi, thành kiến và coi thường người khác. Những bức tường này đã chia rẽ chính trong lòng Giáo hội chúng con, chia rẽ chúng con với các Giáo hội khác, chia rẽ chúng con với những tôn giáo khác và chia rẽ chúng con với những người mà chúng con cho là yếu thế hơn chúng con. Xin Thánh Thần Chúa ban cho chúng con lòng can đảm để vượt lên những giới hạn ấy và để phá đổ những bức tường đang chia cắt chúng con. Cùng với Đức Kitô, xin cho chúng con tới được một miền đất mới, miền đất chứa đựng Lời yêu thương của Ngài, và cùng với Lời yêu thương ấy là sự hòa hợp và hiệp nhất cho toàn thế giới. Chúa là Thiên Chúa sự sống, xin dẫn chúng con tới công lý và hòa bình. Amen.
Gợi ý suy tư
1. Đâu là những bức tường chia rẽ các Kitô hữu trong xã hội chúng ta?
2. Đâu là những bức tường chia rẽ các Kitô hữu với các truyền thống tôn giáo khác trong xã hội chúng ta?
3. Vượt lên những rào cản chia rẽ giữa các Kitô hữu với nhau và vượt lên những rào cản giữa các Kitô hữu và các tín đồ tôn giáo khác giống và khác nhau thế nào?
Hội đồng Tòa thánh cổ võ sự hiệp nhất các Kitô hữu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét