Thứ Sáu, 28 tháng 12, 2012

Nền tảng gia đình và hôn nhân luôn bền vững

LGia Thất Nhân dịp đại lễ Giáng Sinh, một Lễ của gia đình, cũng như lễ Thánh Gia Thất Na-da-rét, chúng ta cùng để lòng mình lắng dịu và suy niệm về các giá trị nền tảng chân chính của hôn nhân và gia đình Kitô giáo, đặc biệt trong thời đại luân lý suy đồi trầm trọng ngày nay.
Ngay từ thuở ban đầu công trình sáng tạo vũ trụ và muôn loài của Người, Thiên Chúa Tạo Hóa đã dựng nên con người và các loài vật gồm có nam có nữ, gồm có giống đực và giống cái, và truyền cho chúng phải sinh sôi nảy nở cho đầy mặt đất.(x. St 1,22-23.28).
Điều đó muốn nói rằng khuynh hướng tính dục giữa hai phái tính khác nhau – giữa người nam và người nữ, giữa giống đực và giống cái – là một bản năng tự nhiên đã được Tạo Hóa phú bẩm vào trong bản tính các loài sinh vật, hầu qua đó mỗi giống loài thuộc các chủng loại sinh vật khác nhau đều có khả năng truyền sinh để tiếp tục tồn tại cũng như để phát triển giống nòi của mình không ngừng trên mặt đất này.
Tuy nhiên, một điều khác biệt cơ bản giữa con người và các loài vật trong sứ mệnh “truyền sinh” giống nòi ấy là ở chỗ: Trong khi tất cả các loài vật khác thực hiện sự truyền sinh hay làm thỏa mãn các đòi hỏi tính dục của mình một cách hoàn toàn theo bản năng tự nhiên, thì con người – một tạo vật duy nhất có linh hồn thiêng liêng bất tử, có lương tri, có lý trí, có khả năng luân lý và văn hóa – lại phải hành động theo sự hướng dẫn của lý trí và luân lý, chứ không được hành động theo sự đun đẩy của bản năng tự nhiên.
Bởi vậy, khi dựng nên con người gồm có nam có nữ và để họ cộng tác với Người trong công cuộc sáng tạo nên những thế hệ nhân loại mới qua việc truyền sinh dòng giống, Thiên Chúa đã phối hợp họ thành vợ chồng, thành gia đình, còn nơi các loài sinh vật khác Người đã không hành động như vậy. Điều đó muốn nói rằng, Tạo Hóa chỉ muốn con người thực thi sứ mệnh truyền sinh dòng giống mà Người đã giao phó cho họ, tức việc quan hệ hệ tính dục giữa hai phái tính khác nhau: giữa nam và nữ, phải được thực hiện trong khuôn khổ hôn nhân. Đây là một luật lệ luân lý tự nhiên đã được Tạo Hóa in sâu vào trong lý trí và sự nhận thức của mỗi người và của mỗi xã hội nhân loại, nên tất cả những ai có lý trí và sự hiểu biết bình thường đều có thể nhận chân được luật lệ luân lý tự nhiên này một cách rõ ràng. Trái lại, những ai hành động theo bản năng như các loài vật khác, chứ không theo sự soi sáng và hướng dẫn của lý trí, sẽ bị chính lương tâm người ấy dằn vặt, cắn rứt và bị xã hội đồng loại phê phán, ngăn cản và kết án, vì đã hành động không phù hợp với luân lý đạo đức.
Điều đó cũng muốn khẳng định rằng, hôn nhân và gia đình là những hình thức sống chung của con người đã được chính Tạo Hóa thiết lập nên, do đó là những hình thức sống chung hoàn hảo nhất của nhân loại và mang các giá trị thượng đỉnh và bất biến. Hơn nữa: “Điều gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly”, như chính Đức Giêsu đã khẳng định một cách rõ ràng và dứt khoát.
Tuy nhiên, trong suốt lịch sử nhân loại đã không thiếu những trào lưu thuần túy thế tục và vô luân, ngông cuồng dám chống lại Thiên Chúa Toàn Năng qua hành động tìm cách phá bỏ nền tảng hôn nhân gia đình và các giá trị thánh thiêng cao cả của nó mà Người đa thiết đặt. Và hậu quả tất yếu sau cùng là họ phải hứng chịu đủ mọi thất bại đầy chua cay và đau đớn như từng được chứng minh cụ thể trong lịch sử. Ở đây, đặc biệt chúng ta phải nhắc đến phong trào Cộng Sản vô thần nguyên thủy và cuồng tín, bùng nổ vào năm 1917 tại Nga Sô. Sau khi lật đổ được chế độ Nga Hoàng và thành công trong việc nổi loạn cướp chính quyền tại Nga Sô, bọn họ đã điên cuồng tàn sát cả gia đình Nga Hoàng và toàn bộ các quan chức nhà nước thời ấy một cách vô cùng man rợ và cho áp đặt lên toàn dân Nga chủ thuyết hoang tưởng “tam vô”: Vô tổ quốc, vô gia đình và vô tôn giáo. Họ chủ trương:
• Loại bỏ biên giới các quốc gia và thiết lập “một thế giới đại đồng,” thế giới cộng sản!
• Loại bỏ hoàn toàn cơ cấu gia đình và chủ trương nam nữ được tự do quan hệ tính dục ở bất cứ nơi đâu và trong bất cứ lúc nào tùy ý, giống như những người thời tiền sử, lúc con người còn ăn lông ở lỗ và chưa có ý niệm về luân lý đạo đức, hay giống như các loài vật không có lý trí khác.
• Và tiếp đến, bọn họ cho áp đặt một chủ trương hoàn toàn đi ngược lại với lý trí và sự nhận thức nền tảng của con người, đó là chủ thuyết vô thần: Hoàn toàn phủ nhận sự hiện hữu của Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa Toàn Năng của toàn thể vũ trụ.
Nhưng chỉ không lâu sau đó, việc áp đặt những chủ trương ngông cuồng ấy đã đưa đẩy toàn thể dân tộc Nga Sô phải đứng trước bờ vực thẳm không đáy của sự tiêu diệt: Khắp cả nước rơi vào một tình trạng hỗn loạn khủng khiếp, tất cả mọi lãnh vực đều vô trật tự, con người sống và hành động như thú vật, vì không còn gia đình và cả tôn giáo, uy quyền luân lý duy nhất, cũng đã bị xóa bỏ và cấm đoán. Trước thảm cảnh ấy chỉ còn lại một sự lựa chọn duy nhất để có thể cứu vãn được dân tộc Nga khỏi sự diệt vong là trở lại với cơ cấu gia đình truyền thống và niềm tin vào Thiên Chúa. Và nước Nga đã chọn con đường ấy, nên họ vẫn tồn tại cho đến ngày nay. Chính Michail Gorbatschow, cựu Tổng bí thư đảng CS Liên Sô đã phải thú nhận: “Tôn giáo là yếu tố tinh thần không thể thiếu của nhân loại” và các lãnh tụ cao nhất của đảng Cộng Sản quốc tế cũng như ở Việt Nam đã phải nhắc đi nhắc lại: “Gia đình là tế bào sống của xã hội.”
Tuy nhiên, nhân loại vẫn không học được bài học đắt giá của những người Cộng Sản Nga Sô và vẫn tiếp tục bước vào cái vòng luẩn quẩn của sự loại bỏ gia đình truyền thống và các giá trị nền tảng cao quý của nó. Ngày nay, nhiều người ở một số nước Âu Mỹ chủ trương “hôn nhân không có hôn thú”, tức nam nữ sống chung với nhau không cần cưới hỏi và nếu vui thì ở dở thì đi, không ai chịu trách nhiệm cho ai cả. Một nhóm người lẻ tẻ khác lại chủ trương sự sống chung của nhiều người nam nữ với nhau trong một ngôi nhà chung như một đại gia đình: ai cũng có thể là chồng hay vợ của người khác, và các con cái họ sinh ra là con chung của mọi người, tương tự như sự sinh hoạt nơi một đoàn vật vậy. Nhưng hậu quả tiêu cực đầy tai hại của những cách sống vô luân và mạo hiểm này đã xuất hiện ngay không lâu sau đó qua những cuộc cãi vã và xung đột đến đổ máu trong việc ghen tương, tranh dành quyền lợi.
Tất cả những dẫn chứng ấy muốn khẳng định rằng các giá trị cao cả của hôn nhân và gia đình truyền thống là bất biến, không có hình thức sống chung nào của nhân loại có thể hoàn hảo hơn để có thể thay thế được cơ cấu và cuộc sống hôn nhân gia đình, mà chính Thiên Chúa Tạo Hóa đã thiết đặt, ngay khi Người vừa dựng nên họ. Nền tảng của hôn nhân và gia đình truyền thống luôn bền vững, bất khả thay đổi. Vì thế, chính Đức Giêsu đã nâng hôn nhân lên hàng Bí tích thánh, tức Thiên Chúa không những đã thiết lập và phê chuẩn đời sống hôn nhân gia đình, nhưng qua Bí tích Hôn Nhân Người còn tuôn đổ dồi dào mọi Ân sủng của Người xuống trên những người sống bậc hôn nhân và trên các gia đình, để họ sống hạnh phúc và có thể chu toàn các sứ mệnh của bậc mình mà Người đã giao phó cho họ.
Sau cùng, để minh chứng cho toàn thể nhân loại nhận thức và xác tín được rằng Người luôn đề cao và khẳng định cơ cấu gia đình và các giá trị thánh thiêng cao cả của nó, thì chính Người khi sai Con Một của mình là Đức Giêsu Kitô xuống thế làm người để cứu chuộc nhân loại, Thiên Chúa đã an bài cho Đức Giêsu Kitô được sinh hạ trong một gia đình truyền thống – Thánh Gia Na-gia-rét – và phải tuân phục tất cả mọi điều kiện của gia đình như bao phàm nhân khác. Cũng vì thế, người ta có thể gọi Lễ Giáng Sinh là một lễ của gia đình.
Đó là bằng chứng rõ ràng và xác thực nhất để khẳng định rằng, các giá trị thánh thiêng cao cả của hôn nhân và gia đình Công Giáo luôn bền vững và bất biến, vì được chính Thiên Chúa Tạo Hóa thiết lập, chuẩn y và chúc phúc qua Bí tích Hôn Nhân.
Nguyện xin Thánh Gia Na-gia-rét – Chúa Hài Đồng, Mẹ Maria và Thánh Cả Giuse – chúc lành, nâng đỡ và đồng hành với tất cả mọi gia đình bằng các Ân sủng của Trời Cao. Amen.
Lm Nguyễn Hữu Thy

Không có nhận xét nào:

Tìm kiếm ....