Thứ Bảy, 1 tháng 12, 2012

Chúa nhật Thứ Nhất Mùa Vọng Năm C_2012.

   

   Ông bà anh chị em thân mến. Hôm nay, Chúa nhật thứ nhất Mùa Vọng, giáo hội mời gọi chúng ta đi vào một năm mới, hay một năm phụng vụ mới: Năm C. Trong cuộc hành trình mới của Năm Đức Tin này, giáo hội cũng kêu gọi chúng ta hãy mang theo trong hành trang Tin mừng của thánh Lu-ca, hay suy niệm cuộc đời Chúa Cứu Thế qua Tin mừng của thánh Lu-ca, để lời Chúa soi sáng và dẫn lối chúng ta đi trong ân sủng và tình yêu của Thiên Chúa.
Do đó, các bài Kinh thánh trong tuần thứ nhất mùa Vọng này, giáo hội muốn chúng ta suy niệm lời Chúa về ngày tận thế, ngày Thiên Chúa ngự đến phán xét nhân loại, để chúng ta biết những gì sẽ xảy ra ở cuối con đường, hầu có một cái nhìn rõ ràng, hiểu rõ ý nghĩa và chủ đích cuộc sống hiện tại, nhất là giúp chúng ta can đảm vượt qua những khó khăn và thử thách trên con đường mà chúng ta sẽ phải đi qua, để đến cùng đích một cách an toàn, lãnh nhận ân sủng cứu rỗi và hưởng vinh phúc vĩnh cửu Nước Trời mà Chúa hứa ban cho chúng ta. Cho nên, ngày hôm nay, chúng ta phải cố gắng nhận định rõ chúng ta đang ở đâu, và cuộc sống đang trong tình trạng nào trong cuộc hành trình đức tin này, để chúng ta chuẩn bị sẵn sàng. Qua sự cầu nguyện, những việc tốt lành thánh thiện và tuần tĩnh tâm sắp tới, chúng ta xin Chúa giúp canh tân đổi mới cuộc sống, chuẩn bị tâm hồn và dùng cuộc sống làm sáng danh Chúa. 
     Cách đây mấy tuần trong tờ báo địa phương Tulsa World, có đăng một vụ hỏa hoạn làm thiệt mạng 3 người, người vợ và 2 đứa con, trong một gia đình. Sự việc làm cho vụ hỏa hoạn này trở nên một thảm họa là người chồng,  trong 2 tuần, đã có một dự định gắn hệ thống báo động khói, smoke alarm trong nhà.  Trong một sự hối hận, người đàn ông này nói với phóng viên, ông đã trì hoãn gắn hệ thống báo động này vì ông bận rộn với những công việc khác.  Bây giờ 3 người thân trong gia đình thiệt mạng, vì chết ngộp, không chạy thoát kịp, ông không còn làm được gì nữa, và không ai có thể làm cho người thân của ông sống lại được. Ông có hối hận thì đã muộn rồi.

    Ông bà anh chị em thân mến, câu chuyện trên đây có thể nói là quen thuộc và gần gũi với mọi người chúng ta. Nếu chúng ta thành thật , thì chúng ta biết có rất nhiều việc mà chúng ta muốn làm, muốn thực hiện, nhưng vì lý do này, lý do kia, chúng ta trì hoãn, chúng ta do dự chưa thực hiện, chưa bắt đầu.  Chúng ta muốn làm việc này, việc nọ, chúng ta muốn tham gia việc này việc kia, chúng ta muốn tâm sự, muốn nói, chia sẻ điều này, điều nọ với vợ, chồng, con cái, cha mẹ, nhưng vì lý do này, lý do kia, chúng ta do dự, ngại ngùng hay trì hoãn.
      Tôi thường nghe những người bệnh, đặc biệt là những người lớn tuổi, khi đi thăm viếng họ, tâm sự rằng muốn đi xem lễ, tham dự Thánh lễ hàng ngày, nhưng vì bệnh không thể đi được.  Nhưng thật tình mà nói, khi họ mạnh khỏe thì cũng chẳng thấy họ tham dự Thánh lễ.  Bây giờ đau bệnh thì chắc chắn làm sao đi được, nhưng cầu xin, sau khi hết bệnh, họ sẽ bắt đầu cũng chưa muộn.
     Thật sự, theo bản tính con người, tất cả chúng ta có chiều hướng trì hoãn thực hiện những công việc chúng ta muốn làm, nhưng nếu nhận xét một cách chính đáng, thì vấn đề không phải là trì hoãn, mà là đánh mất cơ hội, như người chồng trong câu truyện trên, đánh mất cơ hội gìn giữ mạng sống của gia đình.  Trong cuộc sống, nhất là hàng ngày, chúng ta tự ý đánh mất đi nhiều cơ hội thực hiện những cộng việc mà chúng ta muốn làm và phải làm, nhất là khi chúng ta còn thực hiện được, còn làm được.
      Trong Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu muốn nhắc nhở, lưu ý và dạy chúng ta một vài điều về sự việc này.  Khi đề cập tới sự trở lại phán xét, quang lâm trong ngày tận thế, Chúa nhắc nhở chúng ta về thời điểm đó như sau: ‘’Các con hãy giữ mình..., ngày đó thình lình đến với các con, như chiếc lưới chụp xuống mọi người. Các con hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, để có thể thoát khỏi những việc sắp xảy đến.’’  Hay nói một cách khác, Chúa Giêsu muốn nhắc nhở chúng ta là chớ lo lắng bận tâm với những công việc tầm thường, mà quyên đi những công việc quan trọng, cần thiết của cuộc sống.  Và Chúa Giêsu cũng muốn cảnh tỉnh chúng ta là chớ quá lo lắng và chú trọng đến cuộc sống hiện tại mà quyên đi đời sống vĩnh cửu mai sau.  Nếu tôi được hỏi ông bà anh chị em, cuộc sống nào quan trọng: cuộc sống ít năm tạm bợ đời này, hay là cuộc sống vĩnh cửu đời sau?”  Tôi biết chắc tất cả chúng ta đều có một câu trả lời chính xác.  
    “Các con hãy giữ mình, tỉnh thức và cầu nguyện.” Đó là 3 điều quan trọng trong bài Tin mừng mà Chúa muốn dạy chúng ta lúc này trong hành trình cuộc sống hiện tại, và đó cũng là điều làm cho mùa Vọng trở thành quan trọng trong mùa phụng vụ. Danh từ Vọng có nghĩa là tiếng vang vọng, chuẩn bị báo hiệu một sự việc quan trọng sắp xảy ra, đó là sự xuất hiện của Chúa Giêsu, Đấng cứu thế.  Thật vậy, mùa Vọng là thời điểm chúng ta suy niệm nhìn về quá khứ hơn 2012 năm trước đây, ngày Đấng cứu thế đến lần thứ nhất.  Cũng là thời điểm chúng ta nhìn xa hơn về cùng đích, ngày đến lần thứ nhì của Đấng cứu thế.  Và ngày hôm nay, chúng ta cũng đang đứng ở giữa 2 sự việc vĩ đại quan trọng này của nhân loại.  Công việc của chúng ta trong mùa Vọng này gồm 2 chủ điểm: chủ điểm thứ nhất chúng ta sống lại sự chờ đợi, chuẩn bị của người Do thái xưa mong chờ vị Cứu tinh đến, đồng thời chuẩn bị và sửa soạn tâm hồn sống mầu nhiệm Ngôi Hai nhập thể trong ngày Giáng sinh của Chúa Giêsu Kitô, ngày 25 tháng 12 sắp tới đây. Nghĩa là bắt đầu từ hôm nay, chúng ta suy niệm để nhận biết đời sống đức tin, đời sống đạo, hay cuộc sống của chính mình đang ở đâu và trong tình trạng nào, và thành tâm qua sự cầu nguyện, sốt sắng và thường xuyên tham dự Thánh lễ và tuần tĩnh tâm sắp tới, để xin ơn Chúa canh tân, sửa đổi và chuẩn bị tâm hồn, không đánh mất cơ hội quan trọng ơn sủng trong cuộc sống.  Xin Chúa cũng giúp không quá chú tâm vào hay bị chi phối bởi vật chất hay để vật chất làm chủ cuộc sống.  
     Và chủ điểm thứ hai là chúng ta phải ý thức chủ đích của mùa Vọng là chờ đợi ngày quang lâm, giáng trần thứ nhì của Đấng công chính trong ngày tận thế mà chúng ta không biết ngày, giờ nào, và ngày chết của mỗi người chúng ta.  Cũng như ông bà, tổ tiên cha mẹ, những người đã sinh ra chúng ta đã qua đời, chúng ta từ từ rồi cũng theo các ngài. Chúng ta đã từng nghe cuộc đời con người thường được ví như bông hoa sớm nở chiều tàn. Và chúng ta cũng nhận biết rằng vũ trụ, trái đất và mọi thứ vật chất qua đi là xong, là hết chuyện.  Còn loài người chúng ta thì không như thế, chết không phải là hết, và nhất là đối với những Kitô hữu, những người có đức tin, chết thực sự bắt đầu cho cuộc sống mới, cuộc sống vĩnh cửu. Tin hay không tin thì sự sống vĩnh cửu vẫn là một sự thật, mỗi người sớm hay muộn rồi cũng sẽ phải đối diện như lời Chúa đã phán.  Mọi sự sẽ qua đi, nhưng lời Chúa sẽ tồn tại đến muôn đời.
      Và công việc chúng ta phải làm trong chủ đích thứ nhì của mùa Vọng này là thành tâm lắng nghe lời Chúa dạy, qua sự cầu nguyện, có sống đời liên kết mật thiết với Chúa; chú ý tới sự quan trọng của cuộc sống tinh thần, đức tin; và chu toàn bổn phận Kitô hữu. Ngày hôm nay, chúng ta phải biết lo lắng và chuẩn bị cho cuộc sống vĩnh cửu như là một nhà kinh doanh đầu tư và lợi dụng tất cả mọi sự, hoàn cảnh và cơ hội để thành công trong tương lai. Chúng ta hãy tự hỏi, Chúa trao ban cho mỗi người chúng ta một số vốn liếng, thời giờ và tài năng, chúng ta xử dụng nó ra sao? Hôm nay Chúa nhật thứ nhất mùa vọng, và cũng là ngày đầu tiên trong năm phụng vụ mới, chúng ta kiểm điểm lại suốt một năm qua chúng ta đã sống ra sao? Đã làm được gì, kiếm được gì, trong việc đầu tư cho cuộc sống vĩnh cửu đời sau? Chúng ta phải ý thức, mỗi người chúng ta phải quyết định cho số phận đời sống vĩnh cửu của mình: hạnh phúc, vinh quang với Thiên Chúa, hay đời đời trầm luân trong đau khổ. Nói rõ hơn, cuộc sống vĩnh cửu của mỗi người được định đoạt tùy theo cuộc sống hiện tại trong hành trình cuộc sống hôm nay. Chúng ta cầu xin Chúa giúp không đánh mất cơ hội, biết cố gắng cũng như dùng cơ hội thuận tiện, thành tâm sửa đổi, sống đạo đức hơn và chuẩn bị tâm hồn mừng ngày Giáng sinh của Đấng cứu thế, và đón chờ ngày Chúa lại đến trong vinh quang.                
Lm. Quản Nhiệm

Không có nhận xét nào:

Tìm kiếm ....