Dẫn nhập
Trong Tự sắc “Cánh cửa Đức tin”, Đức Bênêđictô XVI nhận xét: “Trong quá khứ, người ta có thể nhận ra một hệ thống văn hoá nhất thống, được đa số chấp nhận, có tham chiếu nội dung đức tin và các giá trị được đức tin gợi hứng, nhưng ngày nay, trong phần lớn các lĩnh vực xã hội không còn như thế nữa, vì có cuộc khủng hoảng đức tin sâu xa nơi nhiều người”[1].
Trong Tự sắc “Cánh cửa Đức tin”, Đức Bênêđictô XVI nhận xét: “Trong quá khứ, người ta có thể nhận ra một hệ thống văn hoá nhất thống, được đa số chấp nhận, có tham chiếu nội dung đức tin và các giá trị được đức tin gợi hứng, nhưng ngày nay, trong phần lớn các lĩnh vực xã hội không còn như thế nữa, vì có cuộc khủng hoảng đức tin sâu xa nơi nhiều người”[1].
Quả thật, đúng như lời Đức Bênêđictô XVI nhận định. Chúng ta đang sống trong một thế giới đầy tiến bộ về mặt khoa học, kỹ thuật cũng như kinh tế... một số người cho rằng: niềm tin tôn giáo chỉ là một chuyện viển vông, là chuyện của những người ít học, mê tín...
Quan niệm này đang là một thách đố đối với niềm tin Kitô giáo. Phải chăng chúng ta tin vào Đấng mà chúng ta không thấy, không có cơ sở? Tin cách mù quáng...? Những biểu lộ của đức tin mang ý nghĩa gì? Và nội dung căn cốt của đức tin hệ tại đâu? Tất cả xin được trình bày sơ khảo qua bài viết này.
1. Đức tin là gì?
Đức Tin là một ân ban của Thiên Chúa cách nhưng không. Khác hẳn với các nghiên cứu khoa học. Đức tin không phát nguyên từ những suy tính của con người, cũng không phải là một chuỗi luận đề giản lược của một công thức hay một nguyên tắc nào đó[2].
Đức tin là tin những điều mình chưa thấy, và phần thưởng của đức tin là sẽ thấy những điều mình sẽ tin. Nói như Thánh Phaolô, “đức tin là bảo đảm cho những điều ta hy vọng, là bảo chứng cho những điều ta không thấy… vì ai đến gần Thiên Chúa thì phải tin là có Thiên Chúa và tin Người là Đấng ban phần thưởng cho những ai tìm kiếm Người” (Dt 11,2-6).
Đức tin là một trực giác, tức là một sự cảm xúc trực tiếp với sự việc, không nhờ lý trí, không nhờ kinh nghiệm. Nói cách khác, đức tin là một quà tặng mà Thiên Chúa trao tặng cho con người. Mỗi hành trình đức tin là một công cuộc của ân sủng. Sách Giáo lý Giáo hội Công giáo cho chúng ta thấy rằng "đức tin là một hồng ân của Thiên Chúa, một nhân đức siêu nhiên do Thiên Chúa đổ xuống linh hồn ta. Để tuyên xưng đức tin này, con người cần phải có ân sủng khởi động và hỗ trợ của Thiên Chúa và những sự cứu giúp nội tâm của Chúa Thánh Thần…"[3]. Hành trình bắt đầu với lời mời gọi của Chúa. Dù mang hình thức nào thì đứng trước lời mời gọi của Thiên Chúa, chúng ta hoàn toàn không xứng đáng lãnh nhận. Chúng ta chỉ biết đón nhận như một hồng ân mà thôi. Đức tin chính là một mầu nhiệm, là nhân đức siêu nhiên. Chúng ta tin không phải tự chúng ta, mà phải nhờ vào uy quyền của Thiên Chúa mạc khải qua Chúa Thánh Thần là Đấng linh hứng[4].
Thiên Chúa dẫn chúng ta đi từng bước một, từ nơi Ngài gặp chúng ta tiến tới nơi Ngài muốn chúng ta đến. Thiên Chúa đồng hành với chúng ta trong từng chặng đường. Ngài soi sáng nẻo đường chúng ta đi khi đường tối. Ngài làm tinh thần chúng ta phấn khởi khi tâm hồn chúng ta mệt lả. Ngài đỡ chúng ta dậy khi chúng ta vấp ngã. Ân sủng của Chúa bao bọc chúng ta từng gang tấc trên cuộc hành trình đó. Đứng trước một hồng ân lớn lao như vậy, trước tiên là thái độ gắn bó với một Đấng thông truyền đức tin cho ta, đồng thời phó thác cuộc đời ta vào trong tay Chúa là Đấng chúng ta tin, Đây quả là niềm tin và sự vâng phục nơi Thiên Chúa. Nhờ việc tuân phục này, con người hoàn toàn tự do dâng hiến chính bản thân cho Thiên Chúa. Họ hiến dâng ý chí và trí tuệ cho Thiên Chúa mạc khải và hoàn toàn tán đồng với mạc khải do Người ban cho.
Như vậy, “tin là hành vi của trí khôn chấp nhận chân lý mạc khải theo lệnh của ý chí được ân sủng của Thiên Chúa tác động”[5]. Đức tin cũng không chỉ là một hành vi nhận thức nhưng là một tiến trình biến đổi toàn bộ con người qua việc đáp trả những lời mời gọi chủ động của Thiên Chúa, thông truyền nhờ vào cộng đoàn tôn giáo và truyền thống của cộng đoàn này.
Cái nhìn về đức tin Kitô giáo không phải là một mớ những quy luật phải theo, nhưng là tinh thần người ta phải nắm giữ. Không phải là một bộ tín điều phải thuộc lòng, nhưng là một cuộc sống phải thể hiện. Không phải là một cuốn sách để đọc và nắm vững nội dung, nhưng là một con người để gặp gỡ và để yêu mến. Cái đó, ta gọi nó là hành vi đức tin, hay chiều kích chủ thể của đức tin.
2. Hành vi đức tin
Khi nói về hành vi đức tin, hay cách thể hiện đức tin của mình trong cuộc sống, Thánh Giacôbê Tông đồ đã nói: “Cũng như cái xác không hồn là cái xác chết. Đức tin không có việc làm là đức tin chết” (Gc 2,26). Thật vậy, đức tin của người Kitô hữu là một đức tin sống động, đời sống của người theo Chúa là một cuộc đời chứng nhân. Vì thế, việc tuyên xưng ngoài miệng cho thấy đức tin bao gồm việc làm chứng và dấn thân công khai. Kitô hữu không bao giờ được nghĩ rằng đức tin là một điều riêng tư. Đức tin là quyết định đứng về phía Chúa để sống với Ngài. Và thành ngữ “ở với Chúa” giúp hiểu biết những lý do tại sao ta tin[6].
Thật vậy, đức tin không đi kèm với đức cậy và đức mến, thì đức tin không hợp nhất với Đức Kitô, hay cá nhân không trở thành thành viên sống động trong thân thể Đức Kitô. Đức mến được xem như là nhân đức làm cho ta cùng dự phần vào trong bản tính của Thiên Chúa. Đức mến là hình thái hay linh hồn của mọi nhân đức khác, kể cả đức tin[7]. Như vậy, đức tin đem lại cho ta cuộc sống đời đời. Nhờ đức tin, mà các hoạt động bác ái có ý nghĩa. Nếu trong cuộc sống của mỗi chúng ta, chúng ta chỉ sống tương quan đối thần là đời sống đức tin, thì đức tin ấy không được trọn vẹn[8].
Nếu không có đức ái, tức là hành động đức tin, thì dù có tuyên xưng đức tin cũng chỉ là hão huyền. Nhưng nếu được đức ái thúc đẩy, thì những lời tuyên xưng ngoài miệng của chúng mới thực sự trở nên hữu hiệu. Hành vi đức tin là một hành vi mang tính hiện sinh cá nhân hướng về Thiên Chúa[9].
Theo một nghĩa nào đó, toàn thể cuộc đời dấn thân của người Kitô hữu là lời tuyên xưng đức tin ra bên ngoài. Những việc làm tốt lành không chỉ là bằng chứng và hậu quả của một đức tin chân thật mà còn được gọi là hành vi đức tin theo nghĩa thứ yếu[10].
Như vậy, hành vi đức tin chính là việc thể hiện niềm tin của mình trong cuộc sống qua những hành động cụ thể được thúc đẩy từ đức ái và lòng mến. Những hành vi đức tin đó được khơi nguồn từ nội dung đức tin hay còn gọi là chiều kích khách thể.
3. Nội dung đức tin
Nội dung đức tin chính là tập chú vào chính con người của Đức Giêsu và Lời được chính Ngài mạc khải. Đức Giêsu chính là Logos (Lời) nhập thể, ban phát Lời Chúa trong cách thức lời con người. Đức tin có tương quan mật thiết với con người, nơi tuyệt hảo của sự hoàn tất. Đức tin trong Tân ước chính là sự gặp gỡ với Đức Giêsu Nazareth, qua Lời của Người và những cử chỉ của Người với công trình cứu độ và hoàn tất bởi cái chết và sự phục sinh của Người. Bởi lẽ, “lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa. Lúc khởi đầu, Người vẫn hướng về Thiên Chúa. Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành” (Ga 1,1-3).
Ngoài ra, đức tin còn có mối tương quan với giao ước của Thiên Chúa, như Thánh Phaolô nói: “Đức tin là sự biết chắc vững vàng của những điều mình đang trông mong, là bằng cớ (hoặc xác tín) của những điều mình chẳng xem thấy” (Dt 11,1). Là hành động bảo chứng cho những gì đang được mong đợi.
Đức tin giúp chống lại sự sợ hãi; nghi nan (x. Mc 5,36; Lc 8,50; Mt 21,21; 14,31); đức tin tạo nên sự tin tưởng vào cuộc sống; hướng về tương lai trong sự tin tưởng phó thác vào thánh ý của Thiên Chúa; là một sức mạnh, đó chính là tham dự vào chính sự toàn năng của Thiên Chúa, và được hoàn tất trong sự gặp gỡ với người khác; đức tin là một đức tin cụ thể qua những mối tương quan trong một hoàn cảnh cụ thể; cuối cùng là luôn luôn đi vào trong ơn cứu độ. Đức tin ấy được khởi đi từ Đức Giêsu; người ta có thể định nghĩa đức tin như là sự kiện tin vào quyền năng Thiên Chúa được thể hiện nơi Đức Giêsu.
Là người Kitô hữu, chúng ta tin vào Thiên Chúa vô hình, nhưng lại hữu hình qua Mầu nhiệm Nhập Thể của chính Đức Giêsu. Ngài vừa là Thiên Chúa, vừa là con người. Ngài vừa là Lời Thiên Chúa vừa là Đường dẫn ta đến với Thiên Chúa. Mặt khác, người Kitô hữu gắn bó với Giáo Hội vì Lời Chúa vang vọng trong đó.
Như vậy, đức tin, theo nghĩa nguyên thuỷ, là nghe và vâng lời Thiên Chúa, là phó thác cho Lời Ngài như trường hợp của Abraham, và nội dung của đức tin là cuộc đối thoại với Thiên Chúa, là một cuộc chạm trán đã được cảm nghiệm và sống về cách thế thực hiện lời hứa. Cũng chính vì lời mời gọi mà Môisen được nhận một cuộc đối thoại giữa ông và Giavê[11].
Kết luận
Qua bài viết này, chúng ta thấy rõ sự hiệp nhất sâu xa giữa hành vi đức tin và nội dung đức tin.
Nếu chỉ đón nhận đức tin không thì chưa đủ, mà còn phải sống niềm tin ấy trong cuộc sống hằng ngày qua những hành vi được đức ái thúc đẩy và lòng mến cuốn hút.
Như vậy, nội dung đức tin chính là việc tin và đón nhận Ngôi Lời Thiên Chúa và những Lời được mạc khải đem lại hy vọng cho chúng ta: “Đức tin là bảo đảm cho những điều ta hy vọng, là bằng chứng cho những điều ta không thấy. Nhờ đức tin ấy, các tiền nhân đã được Thiên Chúa chứng giám” (Dt 11,2); “không có đức tin thì không thể làm đẹp lòng Thiên Chúa, vì ai đến gần Thiên Chúa thì phải tin là có Thiên Chúa và tin Người là Đấng ban phần thưởng cho những ai tìm kiếm Người” (Dt 11,6). Nói cách khác, đức tin là ánh sáng và sức mạnh, là lời mời gọi sống theo khuôn mẫu của Đức Kitô và Tin Mừng của Người. Ta tin tưởng và đón nhận hồng ân của Thiên Chúa, đức tin cho ta sức mạnh yêu mến bằng chính tình yêu của Đức Kitô. Đấng đang ngự trong tâm hồn ta, hành động trong ta, bởi vì Người là Thiên Chúa ban sự sống. Hay “đức tin là lương thực cho những người khiêm nhường, là ánh sáng cho các tâm hồn, là máu các thánh tử đạo, là lòng hăng say nhiệt thành của những kẻ tin, và là sự chiếm hữu vương quốc vĩnh cửu”[12] và “đức tin là ngọn đèn của cuộc sống, là con mắt của linh hồn, là tinh hoa của nhân cách, là mật ngọt của các thánh, là ơn cứu độ cho những kẻ đắm thuyền, và là sự phục vụ của Giáo Hội”[13].
Tắt một lời, đức tin là một ân huệ mà Thiên Chúa trao tặng cho nhân loại, dù con người đó có là gì thì đức tin vẫn là một ân ban cách nhưng không. Con người chỉ cộng tác được bằng thái độ mở lòng ra và đón nhận, yêu mến, phó thác trong tâm tình cậy trông và hy vọng, đồng thời nhờ lòng mến và đức ái, người tín hữu sống mầu nhiệm đức tin ấy bằng chính cuộc đời chứng nhân.
Để kết thúc bài viết, xin mượn lời Thánh vịnh để thưa với Chúa rằng: Lạy Chúa, “chỉ nơi Người, con đặt niềm tin hy vọng; xin đừng để con phải tủi nhục bao giờ” (Tv 71,1).
Jos.Vinc. Ngọc Biển, SsP
-----------------
[1] Bênêđictô XVI, Tự sắc Cánh cửa Đức tin, số 2.
[2] x. Vũ Xuân Trình, Giới trẻ, Khoa học và Đức tin, truy cập ngày 10-11-2012; http://tgpsaigon.net.
[3] Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo, số 153.
[4] x. Nguyễn Luật Khoa (biên dịch), Đức tin tìm kiếm sự hiểu biết, NXB. Phương Đông, 2008, tr. 255-256.
[5] Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo, số 155.
[6] Bênêđictô XVI, Tự sắc Cánh cửa Đức tin, số 2.
[7] Nguyễn Luật Khoa (biên dịch), Đức tin tìm kiếm sự hiểu biết, NXB. Phương Đông, 2008, tr. 257.
[8] x. H. Wandenfels, Thần học Căn bản, Lm. Lê Văn Chính chuyển ngữ, tủ sách Thần học, năm 2009, tr. 284.
[9] Dermot Late, Kinh nghiệm về Thiên Chúa, Nguyễn Luật Khoa biên dịch, NXB. Phương Đông, tr. 118.
[10] x. Nguyễn Luật Khoa (biên dịch), Đức tin tìm kiếm sự hiểu biết, NXB. Phương Đông, 2008, tr. 257-258.
[11] x. H. Wandenfels, Thần học Căn bản, Lm. Lê Văn Chính chuyển ngữ, tủ sách Thần học, năm 2009, tr. 205-206.
[12] Linh đạo Hội dòng Thừa sai Đức tin Việt Nam, chương I, tr. 69.
[13] Ibid, tr. 70.
[1] Bênêđictô XVI, Tự sắc Cánh cửa Đức tin, số 2.
[2] x. Vũ Xuân Trình, Giới trẻ, Khoa học và Đức tin, truy cập ngày 10-11-2012; http://tgpsaigon.net.
[3] Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo, số 153.
[4] x. Nguyễn Luật Khoa (biên dịch), Đức tin tìm kiếm sự hiểu biết, NXB. Phương Đông, 2008, tr. 255-256.
[5] Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo, số 155.
[6] Bênêđictô XVI, Tự sắc Cánh cửa Đức tin, số 2.
[7] Nguyễn Luật Khoa (biên dịch), Đức tin tìm kiếm sự hiểu biết, NXB. Phương Đông, 2008, tr. 257.
[8] x. H. Wandenfels, Thần học Căn bản, Lm. Lê Văn Chính chuyển ngữ, tủ sách Thần học, năm 2009, tr. 284.
[9] Dermot Late, Kinh nghiệm về Thiên Chúa, Nguyễn Luật Khoa biên dịch, NXB. Phương Đông, tr. 118.
[10] x. Nguyễn Luật Khoa (biên dịch), Đức tin tìm kiếm sự hiểu biết, NXB. Phương Đông, 2008, tr. 257-258.
[11] x. H. Wandenfels, Thần học Căn bản, Lm. Lê Văn Chính chuyển ngữ, tủ sách Thần học, năm 2009, tr. 205-206.
[12] Linh đạo Hội dòng Thừa sai Đức tin Việt Nam, chương I, tr. 69.
[13] Ibid, tr. 70.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét