Thứ Hai, 1 tháng 10, 2012

Tìm hiểu Sách GLHTCG – Bài 2. Giáo lý Công giáo là gì?

Đức hồng y Christoph Schönborn kể lại một kinh nghiệm: Đầu năm 1993, tại Ấn Độ, ngài được giới thiệu một cuốn sách được bán nhiều nhất lúc đó, có tựa đề: “Bố ơi, con có phải là một người Ấn Giáo không?” Câu hỏi này được thốt ra từ một đứa bé đã đặt ra cho bố nó và tiếp theo là nhiều câu hỏi khác nữa liên quan đến tôn giáo của họ, Ấn Độ giáo. Kết quả đã hình thành nên một quyển sách giáo lý cho người Ấn Giáo được trình bày trong một hình thức quen thuộc hỏi-thưa.
Sự kiện như thế cho thấy dạng thức hỏi-thưa của sách giáo lý đã gây hứng thú và sự quan tâm cho rất nhiều người. Nói theo ngôn từ của Công đồng Vaticanô II, đó là cần nhận ra những dấu chỉ thời đại. Rất rõ ràng, trong một thế giới ngày càng thu nhỏ, trong đó các biên giới và khoảng cách được vượt qua bởi kỹ thuật tiên tiến và phương tiện truyền thông, không chỉ các Kitô hữu mới đi tìm kiếm sự hiểu biết sâu xa và rõ hơn về tôn giáo của họ, nhưng ngày càng có nhiều người đang đặt lại câu hỏi về cội nguồn của mình, về câu hỏi đâu là nền móng có thể hỗ trợ cho “căn nhà” là chính cuộc đời của mình được vững chắc. Câu hỏi về ý nghĩa, về mục đích cuộc đời có thể một lúc nào đó bị xao lãng nhưng không bao giờ bị xóa bỏ khỏi tâm thức con người. Thật là ý nghĩa, khi con người bắt đầu tìm lại những nền móng của niềm tin tôn giáo nơi họ, cũng là nền móng cho chính đời sống của riêng họ.
Thực ra, khi lần tìm về cội nguồn của Kitô giáo, từ “dạy giáo lý” trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là “lặp lại, dội lại” (echo). Một chân lý đức tin giới thiệu cho người nghe và được lặp lại cho đến khi thuộc, như thế hình thức hỏi-thưa đã hiện diện ngay từ những ngày đầu của Giáo hội. Chỉ đến sau này nó được đặt tên là sách giáo lý, nhưng cũng phục vụ cùng một mục đích như trước đây, đó là củng cố, đặt những nền móng của đức tin Kitô giáo. Những thời kỳ Hội Thánh được canh tân cũng là những thời kỳ mạnh về việc dạy giáo lý (GLHTCG số 8). Mặc dù không quyển sách nào có thể thay thế được sứ vụ sống động của đời sống chứng tá đức tin, nhưng sách vở là một sự trợ giúp cho đời sống sứ vụ. Sự hiệp thông cá vị với Đức Kitô và đời sống yêu thương phát xuất từ đức tin của một người chính là phương thế thuyết phục nhất của việc dạy giáo lý (số 427). Đức giáo hoàng Gioan Phaolô I, vốn là bậc thày dạy giáo lý, đã dâng tặng cho mẹ mình quyển sách ngài viết về việc dạy giáo lý, với đề tặng: “Để tưởng nhớ đến mẹ tôi, người giáo lý viên đầu tiên.” Đúng vậy, chính đời sống chứng tá của người mẹ công giáo trở thành những bài giáo lý đầu tiên cho vị giáo hoàng tương lai.
Điều đó không có ý nói rằng sách giáo lý là không cần thiết, vì để có thể chuyển giao đức tin, chúng ta phải quen thuộc với nội dung đức tin, và một bố cục đơn giản, rõ ràng về giáo lý đức tin là điều cần thiết cho nội dung ấy. Sách giáo lý có mục đích giúp hiểu biết đức tin cách sâu xa hơn, nhờ đó đức tin được trưởng thành, đâm rễ sâu hơn vào cuộc sống và chiếu tỏa trong đời sống chứng nhân (số 23).
Tại Công đồng Vaticanô II, Chân phước Giáo Hoàng Gioan XXIII đã mời gọi các nghị phụ có trách nhiệm bảo vệ và trình bày kho tàng đức tin một cách hiệu quả để có thể đến được dễ dàng với tất cả các tín hữu và những ai thành tâm thiện chí trong thế giới hôm nay. Tại Thượng Hội đồng Giám mục thế giới năm 1985, câu hỏi được đặt ra: có nên biên soạn hay không một quyển sách về đức tin, một cuốn sách giáo lý cho toàn thể Hội Thánh, sách này sẽ cung cấp một nguồn hướng dẫn đáng tin cậy, một điểm nhấn định hướng trung tâm, nghĩa là một cuốn sách giáo lý của Hội Thánh Công Giáo (số 10). Và ngày 11.10.1992, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã ra tự sắc “Kho Tàng Đức Tin” công bố sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo. Chọn ngày này để công bố, Chân phước Gioan Phaolô II muốn đánh dấu kỷ niệm 30 năm khai mạc Công đồng Vaticanô II. Ngài trình bày sách giáo lý này như một thủ bản tham chiếu cách trung thực và chắc chắn để dạy giáo lý công giáo, cách riêng để tham chiếu cho việc soạn các sách giáo lý của các giáo hội địa phương.
Sách giáo lý mới này có thể phục vụ cho mục đích gì? Mục tiêu trước hết và quan trọng nhất chắc chắn là để đào sâu đức tin của mỗi người. Chúng ta chỉ có thể yêu điều chúng ta biết; yêu nhiều thì mong muốn được biết nhiều hơn, từ đó dẫn đến khao khát được thông truyền cho những người khác điều chúng ta yêu mến (số 429). Đức Kitô là trung tâm của việc dạy giáo lý; sự hiệp thông sống động với Đức Kitô là mục tiêu của tất cả các giáo lý viên (số 426). Đây là mục tiêu đầu tiên của sách giáo lý: nhận biết tình yêu của Chúa Kitô, tình yêu vượt quá mọi hiểu biết (Ep 3,19). Đó là lý do tại sao sách giáo lý bắt đầu với lời tuyên xưng đức tin - kinh Tin kính - nói đến Thiên Chúa là Cha, Người Con chí ái của Ngài Đức Giêsu Kitô, và Chúa Thánh Thần.
Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo được sắp xếp thành 4 phần: Tuyên xưng đức tin; Cử hành mầu nhiệm Kitô giáo; Đời sống trong Đức Kitô; Kinh nguyện Kitô giáo. Toàn bộ nội dung của sách là trung thành với Thánh Truyền – Thánh Kinh – và Huấn Quyền; đồng thời kết hợp với di sản của các thánh tiến sĩ trong giáo hội, các giáo phụ, và các thánh. Với ánh sáng đức tin, sách giáo lý soi sáng những tình huống, vấn đề và những câu hỏi của con người hôm nay.
nguon: hdgmvietnam.org

Không có nhận xét nào:

Tìm kiếm ....