Phụng Vụ tháng 10 dành để kính Đức Mẹ bằng cách cầu nguyện với Chuỗi Mân Côi. Người tín hữu Việt nam thường có một lòng tôn kính đặc biệt dành cho Đức Maria; vì thế rất nhiều người cầu nguyện với Mẹ với chuỗi Mân côi. Hẳn nhiên, ai cũng biết lời Kinh mân côi là một lời kinh ca tụng Mẹ và xin Mẹ cầu bầu cho chúng ta, vì ngoài Kinh Lạy Cha và Kinh Sáng Danh, chúng ta dâng lên mẹ Kinh Kính Mừng để ngợi khen mẹ.
Tuy nhiên, nếu xem xét kỹ, chúng ta sẽ thấy khi lần Chuỗi Mân Côi chúng ta được Mẹ dẫn đến Chúa Giêsu con của Mẹ. Thật vậy, hình thức kinh trực tiếp dâng lên Mẹ, nhưng nội dung chiêm niệm lại là mầu nhiệm cuộc đời Chúa Giêsu trải ra theo mười lăm sự ngắm truyền thống Vui Thương Mừng và năm mầu nhiệm sáng do Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II đề nghị. Như vậy, trong khi lần chuỗi, qua Đức Maria chúng ta được mời gọi để hướng về Đức Giêsu con Mẹ. Bước theo Mẹ trong chuỗi Mân Côi, ta được sống lại những biến cố của Chúa Giêsu, từ việc Chúa sinh ra trong máng cỏ đến việc biến hình trên núi Tabor, rồi qua việc Người chịu khổ nạn và chết trên thập giá đến việc người sống lại vinh quang.
Tuy nhiên, nếu xem xét kỹ, chúng ta sẽ thấy khi lần Chuỗi Mân Côi chúng ta được Mẹ dẫn đến Chúa Giêsu con của Mẹ. Thật vậy, hình thức kinh trực tiếp dâng lên Mẹ, nhưng nội dung chiêm niệm lại là mầu nhiệm cuộc đời Chúa Giêsu trải ra theo mười lăm sự ngắm truyền thống Vui Thương Mừng và năm mầu nhiệm sáng do Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II đề nghị. Như vậy, trong khi lần chuỗi, qua Đức Maria chúng ta được mời gọi để hướng về Đức Giêsu con Mẹ. Bước theo Mẹ trong chuỗi Mân Côi, ta được sống lại những biến cố của Chúa Giêsu, từ việc Chúa sinh ra trong máng cỏ đến việc biến hình trên núi Tabor, rồi qua việc Người chịu khổ nạn và chết trên thập giá đến việc người sống lại vinh quang.
Chúng ta cũng nhận ra vai trò trung gian của mẹ khi chúng ta đọc Kinh Kính Mừng. Trong Kinh Kính Mừng, chúng ta tôn xưng danh thánh của Đức Maria và Chúa Giêsu. Chúng ta khởi đi từ Mẹ Maria nhưng lại kết thúc nơi Đức Giêsu: “Kính mừng Maria đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng Bà, Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ và Giêsu con lòng Bà gồm phúc lạ”, nghĩa là khi chúng ta đi vào tương quan với Mẹ, chúng ta cũng đi vào trong tương quan với Chúa Giêsu con Mẹ. Chúng ta gắn kết với Mẹ để gắn kết với Chúa Giêsu, đến với Mẹ để đến với Đức Giêsu.
Như vậy, một lần nữa ta lại thấy vai trò trung gian của Mẹ. Qua Kinh Mân Côi, Mẹ dẫn ta đến với Chúa Giêsu con Mẹ. Đây không chỉ là một cuộc gặp gỡ bình thường thoáng qua. Nhưng Mẹ mời gọi ta bước theo Chúa Giêsu bằng cách chiêm ngắm cuộc đời của Ngài. Bằng việc chiệm ngắm này, cũng như mẹ, dần dà đời ta được gắn chặt vào cuộc đời Ngài. Cuộc đời của ta sẽ được biến đổi và trở nên giống Chúa Giêsu ngày một hơn. Trên hành trình này, ta không đi một mình, nhưng Mẹ cùng đồng hành với ta. Mẹ trở nên mẫu gương, người dẫn đường và cũng là người bạn đồng hành khi chúng ta muốn đến với Chúa. Không ít lần trong Tin Mừng ta thấy Mẹ đã lên đường để mang Chúa đến cho người khác, Mẹ mang Chúa đến cho bà Isave và thánh Gioan tiền hô, trong tiệc cưới Cana, Mẹ đã can thiệp để Đức Giêsu làm phép lạ. Giờ đây, ở trên Thiên đàng, Mẹ vẫn tiếp tục sứ mạng của mình, Mẹ vẫn muốn là trung gian để con người gặp gỡ Đức Giêsu con mẹ.
Khi đã hoàn thành vai trò trung gian Mẹ liền lui vào hậu cảnh. Mẹ xoá mình và ẩn mặt đi để cuộc gặp gỡ giữa chúng ta và Con của Mẹ được diễn ra. Mẹ dường như tan biến trong Con. Chính thái độ biết xoá mình và để mình tan biến trong Thiên Chúa, mẹ đã được Thiên Chúa tôn vinh và trở nên cao trọng “hơn mọi người nữ”. Chính ở đây, lời mời gọi của Đức Giêsu đã được mẹ sống một cách trọn vẹn: “Ai muốn đi theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo”.
Nghe lời khuyên nhủ của Mẹ, mỗi người chúng ta được mời gọi siêng năng lần chuỗi Mân Côi. Và trong khi hát mừng Đức Maria, chúng ta được mời gọi để gặp gỡ Chúa Giêsu con Mẹ. Trong cuộc gặp gỡ này, xin cho mỗi người chúng ta cũng biết để cho cuộc đời của mình được tan biến vào trong cuộc đời của Chúa Giêsu. Để làm được điều đó, trước hết chúng ta cần phải xoá mình đi, để cho cuộc đời của mình gắn kết với cuộc đời của Ngài. Nhờ sự gắn kết này, cuộc đời chúng ta sẽ được đổi mới. Như Mẹ, chúng ta không còn sống cho chính mình nữa, nhưng có sống là sống cho Chúa. Và cũng như Mẹ, nhờ biết để mình tan biến đi như thế, chúng ta sẽ nhận được chính vinh quang và hạnh phúc của Đức Giêsu phục sinh, Đấng mà chúng ta dám để cho cuộc đời chúng ta hoàn quyện vào cuộc đời của Ngài.
Augustine Minh Triệu, S.J.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét