Thứ Năm, 1 tháng 11, 2012

Chiều Kích Cộng Đoàn-Cá Nhân của Đức Tin

Huấn Giáo Năm Đức Tin Của ĐTC Benedict XVI, bài 3

Phải chăng Đức Tin chỉ mang tính cá nhân và riêng tư?
Phải chăng khi tin chúng ta chỉ cần đến bản thân mình thôi?
Tôi có thể sống đức tin một mình được không?


Tham dự buổi Tiếp Kiến Chung sáng thứ Tư 31-10-2012, có khoảng 30.000 tín hữu và du khách hành hương tại quảng trường thánh Phêrô trong một buổi sáng trời mưa. Trong diễn từ của mình, ĐTC Benedict XVI tiếp tục loạt bài giáo huấn về Năm Đức Tin của mình với chủ đề “Chiều kích cộng đoàn và cá nhân của đức tin”. Cũng giống như tuần trước, khởi đầu bài huấn giáo tuần này ĐTC cũng nêu lên vài câu hỏi căn bản để giúp đào sâu chủ đề hôm nay: Phải chăng Đức Tin chỉ mang tính cá nhân và riêng tư? Phải chăng khi tin chúng ta chỉ cần đến bản thân mình thôi? Tôi có thể sống đời sống đức tin một mình được không? Dưới đây là toàn bộ diễn từ của ĐTC:

Anh chị em thân mến!

Hôm nay chúng ta tiếp tục hành trình suy niệm về Đức Tin Công giáo. Tuần trước, tôi đã cho mọi người thấy rằng, đức tin là một quà tặng từ Thiên Chúa, bởi vì Thiên Chúa là Đấng đã khởi sự và đến gần chúng ta trong cuộc gặp gỡ này. Đức tin đồng thời cũng là một sự đáp trả của chúng ta, khi chúng ta đón nhận Ngài, khi Ngài trở thành chân lý và nền tảng vững chắc cho cuộc sống chúng ta. Đức Tin là một quà tặng làm biến đổi chính đời sống chúng ta, bởi nó làm cho chúng ta đi vào viễn tượng của chính Đức Giê-su, Đấng luôn hành động trong chúng ta và mở lòng chúng ta cho một tình yêu hướng đến Thiên Chúa và hướng đến tha nhân.

Hôm nay, tôi muốn cùng anh chị em đề cập đến một chiều kích khác, khởi đi từ một vài câu hỏi: Phải chăng Đức Tin chỉ mang tính cá nhân và riêng tư? Phải chăng khi tin chúng ta chỉ cần đến bản thân mình thôi? Tôi có thể sống đời sống đức tin một mình được không? Chắc chắn rằng, hoạt động của đức tin mang tính cá nhân sâu sắc, và nó khởi đi từ việc làm đổi mới sâu thẳm trong cõi lòng ta và nó đánh dấu một sự thay đổi quan trọng trong cuộc đời, một sự hoán cải mang tính cá nhân. Khi lãnh nhận Đức Tin, đời sống cá nhân của tôi đã đón nhận một bước chuyển và một hướng đi mới. Trong Phụng vụ Phép Rửa, trong lúc tuyên xưng đức tin, vị chủ tế yêu cầu tuyên xưng đức tin công giáo và công thức tuyên xưng này bao gồm bao câu hỏi: anh (chị, em) có tin vào Thiên Chúa là Chúa Cha toàn năng không? Anh (chị, em) có tin vào Đức Giê-su là Con Một Thiên Chúa không? Anh (chị, em) có tin vào Chúa Thánh Thần không? Thời xa xưa, các câu hỏi này dành riêng cho người lãnh nhận Phép Rửa trước khi họ được nhúng vào nước ba lần. Và ngày nay cũng vậy, lời đáp này cũng mang tính cá nhân như vậy: “Tôi tin”. Tuy nhiên, đức tin của tôi không phải là kết quả của một suy tư cá nhân, nó cũng chẳng phải là một sản phẩm của suy nghĩ của tôi, nhưng đúng hơn, đức tin là hoa trái của một mối tương quan, của một cuộc đối thoại, nơi đó có sự lắng nghe, sự đón nhận và một lời đáp trả. Chính mối thông hiệp với Đức ki-tô đã làm cho tôi đi ra khỏi “cái tôi” của mình, một cái tôi vốn bị gắn chặt trong “cái-mình-tôi”, để mở mình ra với tình yêu của Thiên Chúa Cha. Nó là một cuộc tái sinh, nơi đó tôi mở ra để kết hợp không phải chỉ với Đức Ki-tô, mà còn với những anh chị em cùng bước đi trên con đường chúng ta đi. Cuộc tái sinh này được khởi đi từ Bí tích Rửa Tội và được kéo dài suốt hành trình cuộc đời của ta. Tôi không thể xây dựng đức tin của mình dựa trên một cuộc đối thoại cá nhân với Đức Ki-tô, bởi vì đức tin là một quà tặng đến từ Thiên Chúa ngang qua một cộng đoàn những kẻ tin đó chính là Giáo Hội, và vì thế đức tin đặt “cái-mình-tôi” vào hàng hà xa số những kẻ tin trong một cộng đoàn. Cộng đoàn này không đơn thuần là một cơ cấu có tính xã hội, nhưng đúng hơn là thứ được đặt trong tình yêu vĩnh cửu của Thiên Chúa, Tình Yêu Ba Ngôi, một sự thông hiệp giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Đức tin của chúng ta thực sự vừa có tính cá nhân, vừa có tính cộng đoàn. Nghĩa là để đức tin trở thành đức tin của cá nhân tôi thì nó phải được sống và được bắt nguồn từ cái “Chúng Tôi” của Giáo hội; và Đức Tin chỉ có thể là Đức Tin của chúng ta, là đức tin chung của Giáo Hội duy nhất.

Vào Thánh Lễ Chúa Nhật, trong khi hát “Kinh Tin Kính”, chúng ta tự xướng lên ở ngôi thứ nhất (Tôi tin…), mà chúng ta lại cùng nhau xướng lên cách cộng đoàn đức tin duy nhất của Giáo hội. Tiếng “Tôi tin” được xướng lên một cách đơn lẻ ấy lại được hòa cùng với biết bao tiếng “Tôi tin” của ca đoàn mênh mông trong thời gian và trong không gian, trong đó từng người cộng tác vào một bản hòa âm nhiều bè của đức tin. Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo đã tổng kết trong một công thức rõ ràng như sau: “Tin” là hành vi có chiều kích Hội Thánh. Ðức tin của Hội Thánh đi trước, sinh ra, nâng đỡ và dưỡng nuôi đức tin của chúng ta. Hội Thánh là Mẹ của mọi tín hữu. “Không thể có Thiên Chúa là Cha nếu không nhận Hội Thánh là Mẹ” (thánh Síp-ri-a-nô) (số 181). Đức tin được sinh ra trong Giáo Hội, được dẫn đến Giáo Hội và được sống trong Giáo Hội. Đầy là điều quan trọng cần nhớ.

Ngay từ buổi đầu của Ki-tô giáo, khi Chúa Thánh Thần đổ sức mạnh xuống trên các tông đồ, trong ngày Lễ Ngũ Tuần như sách Công Vụ Tông Đồ đã thuật lại (x. 2, 1-13), Giáo Hội được khai sinh để đón nhận sức mạnh thực hiện sứ mạng Chúa Phục sinh trao phó: hãy công bố Tin Mừng đến mọi ngõ ngách của Thế Giới, công bố Tin Mừng Nước Thiên Chúa, và dẫn mọi người đến gặp gỡ Ngài, đón nhận đức tin nhờ đó được cứu độ. Các tông đồ đã vượt qua mọi sợ hãi trong việc công bố về những điều mà họ đã nghe, đã thấy và đã kinh nghiệm về con người Đức Giêsu. Nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ ngôn ngữ mới lạ, họ công khai loan truyền những mầu nhiệm mà họ đã làm chứng. Trong sách Công Vụ Tông đồ, chúng ta thấy có đề cập đến một bài giảng quan trọng mà Phê-rô đã công bố trong chính ngày Lễ Ngũ Tuần. Phê-rô bắt đầu bài giảng của mình bằng cách trích ngôn sứ Giô-en, đối chiếu nó vào Đức Giê-su và rồi ông công bố điều cốt lõi trọng tâm của đức tin Ki-tô giáo: Chính Người là Đấng đã mang lại ân huệ cho tất cả mọi người, là Đấng đã chứng thực mình đến từ Thiên Chúa bằng cách làm những điềm thiêng và dấu lạ, là Đấng đã bị treo trên thập giá, bị giết đi, nhưng Thiên Chúa đã cho Ngài sống lại từ cõi chết, và Thiên Chúa đã đặt Người làm Ðức Chúa và làm Ðấng Ki-tô. Với Ngài, chúng ta bước vào ơn Cứu Độ vốn đã được các ngôn sứ công bố từ xưa và hết thảy những ai kêu cầu danh Ðức Chúa, sẽ được ơn cứu độ. Lắng nghe những lời này của Phê-rô, nhiều người thấy bản thân họ bị chất vấn, họ đã hoán cải tội lỗi và chịu phép rửa để lãnh nhận hồng ân của Chúa Thánh Thần. Vậy là hành trình của Giáo Hội bắt đầu, cộng đoàn là thứ mang lời loan báo này trong không gian và thời gian, cộng đoàn là Dân Thiên Chúa, được thiết lập trên hồng ân giao ước mới nhờ vào máu Thánh Chúa Kitô. Trong cộng đoàn này, mỗi thành viên không thuộc về một nhóm xã hội và chủng tộc cụ thể nào, nhưng là toàn thể những người nam cũng như nữ thuộc mọi dân tộc và văn hóa. Họ là một dân Công giáo, thứ dân nói một ngôn ngữ mới, một cách phổ quát mở ra để đón nhận mọi người, vượt qua mọi giới hạn, mọi rào cản. Thánh Phao-lô đã nói: “Vậy không còn phải phân biệt Hy-lạp hay Do-thái, cắt bì hay không cắt bì, man di, mọi rợ, nô lệ, tự do, nhưng chỉ có Ðức Ki-tô là tất cả và ở trong mọi người” (Cl 3,11).

Vì vậy mà ngay từ đầu Giáo Hội là lãnh địa của đức tin, là nơi của việc loan truyền đức tin. Giáo Hội là chốn mà trong đó, nhờ Phép Rửa, được đầm mình trong Mầu Nhiệm Vượt Qua của Cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Chúa Ki-tô, giải thoát chúng ta khỏi tù ngục của tội, ban lại cho chúng ta tự do của con cái Thiên Chúa và dẫn chúng ta vào sự thông hiệp với Thiên Chúa Ba Ngôi. Cùng lúc ấy chúng ta cũng được đầm mình trong sự thông hiệp với những anh chị em tín hữu khác, với toàn thân Chúa Ki-tô, kéo chúng ta ra khỏi sự cô độc trong chính mính. Công Đồng Chung Vaticano II đã ghi nhận điều ấy như sau, “Thiên Chúa muốn cứu rỗi và thánh hóa nhiều người, chứ không phải chỉ cá nhân mà chẳng liên kết gì giữa họ với nhau, đúng hơn Thiên Chúa muốn xây dựng họ thành một dân riêng, đám Dân ấy sẽ nhận biết Ngài trong chân lý, và phụng sự Ngài cách trung thành.” (Hiến Chế Lumen Gentium, 9).

Gợi lại một lần nữa về phụng vụ  Phép Rửa, chúng ta hãy lưu ý khúc kết của những lời tuyên hứa trong đó chúng ta nói lên sự từ bỏ sự dữ, sự xấu, và sau đó chúng ta đã lập lại 3 lần “thưa Con tin” đối với những chân lý trọng tâm của đức tin, vị chủ tế xướng “đây là đức tin của chúng ta, đây là đức tin của Giáo Hội và chúng ta hãy tự tuyên hứa nó trong Đức Giê-su Ki-tô Chúa chúng ta.” Đức Tin là một nhân đức đối thần, bởi nó được ban cho chúng ta từ Thiên Chúa, nhưng từ nơi Giáo Hội đức tin được truyền lại trong lịch sử. Tương tự điều mà Thánh Phao-lô đã viết gởi cho các tín hữu thành Cô-rin-tô, ngài khẳng quyết rằng mình đã truyền lại cho họ chính Tin Mừng mà Ngài đã được nhận lãnh (x. 1 Cr 15,3)

Phải công nhận rằng có một chuỗi dài liên tục không dứt của đời sống Giáo Hội, của việc loan báo Lời Chúa, của việc cử hành cách Bí tích là những thứ vươn tới chúng ta, và chúng ta gọi những thứ ấy là Thánh Truyền (Truyền Thống Giáo Hội). Thánh Truyền ban cho chúng ta sự bảo đảm rằng những điều mà chúng ta tin là sứ điệp nguyên gốc của Chúa Ki-tô, đã được các thánh Tông Đồ truyền đạt. Cốt tủy của lời loan báo nguyên thủy chính là biến cố Tử Nạn và Sống Lại  của Chúa Ki-tô, và từ đó tuôn chảy ra toàn thể gia sản đức tin. Công Đồng Vaticano II xác định rằng “lời rao giảng tông truyền, là thứ được được diễn tả theo một cách thế đặt biệt trong các sách hứng khởi, phải được mang ra giảng dạy cho hậu thế tồn tục mãi cho đến thời tận” (Dei Verbum, 8).

Trong cách thế ấy, nếu Thánh Kinh chứa đựng Lời Chúa, thì Thánh Truyền Giáo Hội đã gìn giữ Lời Chúa, và truyền đạt Lời Chúa cách trung thành, hầu mọi người ở mọi thời có thể kín múc nơi nguồn mạch dồi dào và phong nhiêu của những kho tàng ân sủng của họ. Vì thế ở đây trích dẫn Công Đồng một lần nữa là “trong học thuyết của mình, trong sự sống của mình, và trong việc thờ phượng của mình, Giáo Hội phải thông truyền cho mọi thế hệ tất cả những điều làm nên Giáo Hội, tất cả những điều mà Giáo Hội tin.” (Dei Verbum, 8)

Sau cùng tôi muốn nhấn mạnh rằng trong lòng cộng đoàn Giáo Hội thì đức tin cá nhân sẽ được lớn lên và trưởng thành. Thật là thú vị khi xem xét từ “chư thánh” trong Tân Ước. Từ “chư thánh” ám chỉ đến các Ki-tô hữu hợp đoàn với nhau, và hẳn nhiên không phải tất cả họ đều có phẩm hạnh để được công bố là chư thánh từ phía Giáo Hội. Thế thì từ “chư thánh” này muốn ấn định điều gì? Kỳ thực thì từ “chư thánh” muốn nói đến những ai đã tin và sống đức tin vào Chúa Ki-tô phục sinh, họ được mời gọi để trở nên một điểm tham chiếu cho những người khác, nghĩa là họ đặt mình trong trương quan với Ngôi Vị Giê-su và Sứ Điệp của Giê-su, Ngài là Đấng đã mặc khải dung nhan của Thiên Chúa hằng sống. Cái giá trị này cũng dành cho hết thảy chúng ta nữa: nghĩa là một Ki-tô hữu biết để cho đức tin của Giáo Hội dẫn dắt mình tay-trong-tay và khuôn đúc mình, dẫu rằng mình còn khuy khuyết, còn giới hạn, còn khốn khó, cũng sẽ trở nên như cửa sổ mở ra với ánh sáng của Thiên Chúa hằng sống, trở nên người đón nhận ánh sáng Thiên Chúa và thông truyền nó cho thế giới. Chân Phước Gio-an Phao-lô II trong tông thư Sứ Mạng Cứu Chuộc đã khẳng định rằng “sứ mạng canh tân Giáo Hội, cũng cố đức tin và căn tính Ki-tô hữu, sẽ ban lại lòng hăng say mới và động lực mới. Đức tin sẽ tự cường khi nó được trao đi!” (số 2)

Khuynh hướng phổ biến ngày nay liệt đức tin vào lãnh vực riêng tư đi ngược lại bản chất của đức tin. Chúng ta cần Giáo Hội để xác nhận đức tin của chúng ta và để sống kinh nghiệm các ơn ban của Chúa: Lời Người, các Bí Tích, sự nâng đỡ của ơn thánh và chứng tá yêu thương. Có vậy thì cái “tôi” (Tôi tin) của chúng ta mới ở trong lòng cái “Chúng Tôi” (chúng tôi tin), vào một lúc, người nhận và là diễn viên chính của một biến cố vượt trên cái “tôi” của anh: nghĩa là kinh nghiệm thông hiệp với Thiên Chúa, Ngài là Đấng đặt nền tảng cho sự hiệp thông giữa con người với nhau. Trong một thế giới trong đó chủ nghĩa cá nhân xem ra điều khiển các tương quan giữa con người với nhau, bằng cách khiến cho chúng ngày càng giòn mỏng hơn, đức tin mời gọi chúng ta hãy là dân của Thiên Chúa, hãy là Giáo Hôi, hãy là những người đem tình yêu và sự hiệp thông của Thiên Chúa đến cho toàn nhân loại (Gaudium e Spes, 1).

Cám ơn anh chị em đã quan tâm lắng nghe.

Thái-Hiệp và Minh-Triệu chuyển ngữ và giới thiệu

Không có nhận xét nào:

Tìm kiếm ....