Mấy năm trước đây tôi có dịp đi thăm người chị sống tại thành phố Bá Linh, Đức quốc, và được đưa đi thăm một di tích lịch sử lôi cuốn rất nhiều du khách đến từ nhiều quốc gia trên thế giới, đó là ngôi nhà thờ cụt có tượng Thánh Tâm Chúa Giê-su đặc biệt. Trong thời kỳ đệ nhị thế chiến, thành phố Bá Linh bị dội bom nặng nề. Vào thời gian đó, giữa thành phố có một ngôi nhà thờ và trước nhà thờ có một tượng đài Thánh Tâm Chúa Giêsu. Sau một lần bị dội bom, nhà thờ bị hư hại nặng, chỉ còn lại tháp chuông cụt mất đầu, cái đài thì còn nhưng bức tượng ở trên thì biến đâu mất.
Những người
trong giáo xứ đi kiếm khắp nơi, và cuối cùng họ tìm thấy tượng Chúa bị văng
khỏi đó một khoảng khá xa, tượng còn nguyên chỉ sứt mẻ đôi chút, nhưng hai cánh
tay của Chúa bị mất. Sau này giáo dân đề
nghị với cha xứ mướn thợ làm lại hai cánh tay cho bức tượng. Nhưng cha xứ từ chối trong sự ngạc nhiên của
mọi người. Cha nói cứ đặt bức tượng lên
bệ đài như cũ, nhưng phía dưới viết một hàng chữ: "Các con thân mến, hãy
cho ta mượn đôi cánh tay của các con". Hiện
nay bức tượng được đặt trong tháp chuông, phần còn lại của nhà thờ, để mọi
người thăm viếng.
Ông bà anh
chị em thân mến. Hàng chữ viết dưới bức tượng Thánh Tâm
Chúa trong câu chuyện trên, giúp chúng ta hiểu rõ hơn sứ điệp lời Chúa hôm nay
về ơn gọi, sứ mệnh và số phận của Ki-tô hữu. Trước hết bài đọc 1 cho chúng ta biết Amốt
không phải là một ngôn sứ chuyên nghiệp. Một ngày kia Thiên Chúa bảo ông hãy lên miền
Bắc công bố rao giảng Lời Chúa. Lúc đó
nước Do Thái bị chia thành hai miền Nam Bắc, vừa khác nhau và đối nghịch
nhau. Miền Nam nơi Amốt đang sinh sống
thì có cuộc sống bình thường, còn miền Bắc lúc đó đang vào lúc thịnh vượng,
giàu có. Tuy nhiên đó chỉ là thịnh vượng
giàu có về mặt vật chất, còn về đời sống tinh thần, tôn giáo và luân lý xã hội
thì rất tồi tệ. Vâng lệnh Chúa, Amốt đã từ giã nếp sống bình dị ở miền
Nam để lên miền Bắc thi hành sứ vụ Chúa trao ban. Ông lớn tiếng công kích tất cả những sự kiện,
những tệ nạn xấu xa, tồi tệ và tội lỗi, những đời sống khô khan, nguội lạnh,
ích kỷ, tự kiêu, tự ái và kỳ thị tách biệt. Ông thẳng thắn can đảm vạch tội của mọi hạng
người, từ vua chúa, đến các tư tế, những người giàu có của cải vật chất, và cả những
hạng người tự kiêu. Dĩ nhiên như chúng ta có thể hiểu, những người này tức
giận, căm tức và chống lại Amốt. Nhưng Amốt
đã khẳng khái nói với họ: vì Chúa sai ông đến rao giảng và đó chính là sứ vụ, bổn
phận của ông phải truyền đạt lại đúng y như lời và ý Chúa. Nhiều người đã thành tâm lắng nghe lời của
ngôn sứ, nhưng cũng có nhiều người khinh bỉ chống đối và tìm cách hại ông.
Chúng ta cũng biết là từ khi bắt đầu
công khai thi hành sứ vụ rao giảng Tin mừng, Chúa Giêsu đã kêu gọi nhiều môn
đệ, trong số đó Chúa lựa chọn 12 người làm tông đồ, người thì ở nơi này, kẻ thì
nơi khác, để tiếp tục sứ mệnh cứu rỗi nhân loại mà Chúa khởi đầu. Chúng ta thấy hầu hết các tông đồ là những
người chất phác, bình dân, nghèo nàn, không thế lực, không quyền hành, không
học thức hay danh vọng. Chúng ta thắc
mắc là: tại sao Chúa lại chọn những người như thế? Ngày nay, nếu muốn thành lập một công ty,
doanh nghiệp hay một tổ chức, thì chúng ta tuyển lựa những người có bằng cấp,
danh tiếng, thế lực, tài năng và đầy kinh nghiệm. Nhưng đó không phải là tiêu chuẩn của Chúa. Thiên Chúa hay làm những chuyện kỳ lạ, lạ lùng
qua những người khiêm hạ, vô danh tiểu tốt như thế.
Chúng ta thấy trong Kinh thánh có
câu chuyện của Đa-vít nhỏ bé đã chiến thắng được lực sĩ khổng lồ Gô-li-át. Gioan tiền hô khắc khổ, yếu đuối đã làm cho cả
triều đình của Hê-rô-đê điêu đứng. Maria
thôn nữ miền quê Ga-li-lê-a đã trở thành Mẹ Thiên Chúa. Trong lịch sử của Giáo hội có câu chuyện của Têrêsa
Hài đồng Giêsu âm thầm sống trong 4 bức tường dòng kín đã trở thành bổn mạng
các nhà truyền giáo và tiến sĩ hội thánh. Thật đúng với lời Kinh Thánh đã nói: “Điều gì
loài người coi là hèn kém, Thiên Chúa có thể làm cho mạnh mẽ, tốt đẹp mà người
ta không ngờ nổi.”
Trong thời gian theo Chúa, các tông
đồ đã chứng kiến các phép lạ cũng như những công việc Ngài làm. Các ông đã nghe
Chúa giảng dạy và thấy các gương sáng của Ngài. Trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa đã sai các
ông đi loan truyền, rao giảng, trừ quỉ, chữa lành và kêu gọi mọi người ăn năn
thống hối. Chúa cũng ban quyền của Ngài
cho họ để thi hành sứ mệnh không phải bằng sức riêng của họ mà bằng ơn sủng của
Chúa. Chúa còn căn dặn họ không mang
theo gì ngoài cây gậy để đề phòng nguy hiểm. Và Chúa còn nói rõ cho họ biết là sẽ có người
lắng nghe đón tiếp họ, nhưng cũng có những người chống đối, từ chối không nghe
và không đón tiếp họ. Tóm lại, họ phải
biết chấp nhận mọi hoàn cảnh, thuận tiện cũng như khó khăn, thành công cũng như
thất bại, không nản lòng, thối chí, cố gắng chu toàn sứ mệnh và phó thác vào
Thiên Chúa.
Ông bà anh chị em thân mến. Chúng ta biết phó thác là một nhân đức quan
trọng, nhưng nhiều người không hiểu đúng. Thí dụ như một người kia mắc bệnh,
không lo chữa trị mà cũng chẳng có biện pháp giữ gìn sức khoẻ gì hết, mà lại
nói "Tôi phó thác tất cả cho Chúa". Như thế có phải là phó thác
không? Dĩ nhiên là không. Hay cha mẹ vì
quá ham mê tiền bạc, đi làm suốt ngày từ sáng tới đêm mới về, không chú ý đến đời
sống đức tin và dạy dỗ con cái, để chúng mất đức tin và có đời sống không tốt
đẹp, rồi bảo: "phó thác cho Chúa, đã có Chúa lo liệu", vậy có phải là
phó thác không? Thưa không. Chúng ta
thấy là nếu những trường hợp kể trên mà cho là phó thác, thì phó thác đó không
còn phải là một nhân đức nữa, nhưng là những tính xấu: tính lười biếng, thụ
động và thiếu bổn phận, cần phải sửa đổi.
Ông bà anh chị em thân mến. Các tông đồ yếu kém về mọi mặt mà đã làm được
những việc lạ lùng cả thể. Quả thực, khi
sống bên cạnh Chúa, các ông còn quê mùa hay sợ sệt, có tham vọng tầm thường, và
khi Chúa chết, các ông đã bỏ trốn vì sợ bị liên lụy. Thế mà sau khi lãnh nhận Chúa Thánh Thần, các
ông trở thành nhưng người khôn ngoan, can đảm và trung thành với sứ mệnh mà
Chúa Giê-su đã trao cho họ. Các ông đã
trung kiên trước những quyền lực, vào tù ra khám không nao núng, cố gắng hết
sức xây dựng nước Chúa và làm sáng danh Chúa. Tại sao họ yếu kém như thế mà có thể làm được
những việc lạ lùng? Thưa, họ đã trở
thành những khí cụ hữu hiệu trong bàn tay Thiên Chúa toàn năng. Các ông đã có một đức tin vững mạnh vào Chúa,
nếu các ông không tin vào quyền năng vào Thiên Chúa đã lựa chọn các ông thì các
ông không bao giờ dám nhận một công việc to lớn và nặng nề như thế. Các ông có tấm lòng bác ái, hy sinh và quảng
đại cho Thiên Chúa và với tha nhân. Các
ông đã phó thác mọi sự trong sự quan phòng và gìn giữ của Thiên Chúa.
Ông bà anh chị em thân mến. Tất cả chúng ta khi chịu Bí tích Thánh tẩy
hay phép Rửa tội, đều trở thành những môn đệ, tông đồ của Chúa, được Chúa trao
cho sứ mệnh rao giảng Tin mừng, tức là rao giảng về Chúa Giêsu, về những hồng
ân của Thiên Chúa, và xây dựng Giáo hội Nước Chúa hay là cộng đoàn giáo xứ. Nhiều người trong chúng ta thường hiểu lầm là
sứ mệnh này là của các linh mục hay tu sĩ.
Nhưng sứ mệnh rao giảng và xây dựng Nước Chúa là bổn phận và trách nhiệm
của tất cả mọi người Ki-tô hữu, có người bằng việc làm, có người bằng lời nói, qua
sự hy sinh phục vụ hay qua lòng bác ái quảng đại, nhưng tất cả đều phải rao
giảng và xây dựng bằng chính đời sống của mình. Một đời sống chân chính với giáo huấn của Chúa
và Giáo hội, một đời sống đạo đức và tốt lành, ngay thẳng và thành thật, công
bằng và quảng đại, cũng như những tấm gương sáng bác ái và yêu thương, hy sinh
và phục vụ, là những phương cách rao giảng và xây dựng một cách hữu hiệu nhất
mà chúng ta có thể tham gia, đóng góp vào sứ mệnh rao giảng Tin mừng của Chúa
Kitô và của Giáo hội.
Chúng ta ý thức rằng ngày nay Chúa
không dùng cánh tay của chính Người mà chữa lành, xây dựng nước Chúa nữa, mà
Chúa xử dụng Bí tích của Giáo hội và bàn tay của mỗi người chúng ta. Chúa cũng đã kêu mời, chọn lựa mỗi người chúng
ta và ban cho chúng ta nhiều ơn lành hồn xác để chúng ta hoàn thành, chu toàn
sứ mệnh mà Chúa đã trao ban cho chúng ta. Xin Thiên Chúa cũng ban cho chúng ta có một
đức tin vững mạnh và trung kiên, một tấm lòng bác ái và quảng đại, một ý chí hy
sinh và phục vụ, để rao giảng Tin mừng, xây dựng Nước Chúa và làm sáng danh
Chúa. Xin Chúa giúp và biến đổi chúng ta
trở thành cánh tay của Người, và giáo xứ chúng ta trở thành Bí tích yêu thương
của Chúa.
Lm. Quản Nhiệm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét