Thứ Sáu, 29 tháng 6, 2012

Tự vây hãm chính mình

Nhà tu đức học người Hòa Lan nổi tiếng là cha Henri Nouwen có viết một câu chuyện ngụ ngôn như sau:
Ngày xưa, dân chúng của một làng nọ sau khi đã thăm dò các nguồn lợi thiên nhiên của thế giới đã nói với nhau:
- Làm sao chúng ta có thể biết chắc rằng chúng ta có đủ nguồn lương thực để sống khi gặp khó khăn, bằng mọi giá chúng ta phải sống còn. Vậy thì trước tiên chúng ta phải tích trữ lương thực, vật liệu và sự hiểu biết để phòng khi có khủng hoảng chúng ta sẽ được an toàn.
Thế là chẳng bao lâu cái kho tích trữ của họ đều đầy ắp, những người khốn khổn chung quanh họ mới mở miệng xan xin:
- Quý vị đã có quá nhiều của cải dư thừa trong khi chúng tôi không có đủ lương thực để sống qua ngày. Quí vị có thể chia sớt cho chúng tôi một phần của cải dư thừa của quí vị không?
Nhưng những con người quá lo lắng cho ngày mai này trả lời:
- Dứt khoát là chúng tôi không thể san sẻ cho các người, chúng tôi phải đề phòng khi gặp nguy khốn.
Những kẻ khốn khổ vẫn tiếp tục van xin:
- Chúng tôi đang chết đói đây, xin quý vị vui lòng chia bớt cho chúng tôi một ít lương thực, vật liệu cũng như sự hiểu biết. Chúng tôi không thể chờ đợi được nữa, chúng tôi đang cần đến những thứ đó ngay bây giờ đây.
Nghe những lời van xin ấy, những người giàu có không những không động lòng thương mà còn lo sợ hơn nữa. Càng lúc họ càng lo sợ rằng những người nghèo đói sẽ tấn công họ. Họ liền nói với nhau:
- Chúng ta hãy xây tường chung quanh các kho lẫm của chúng ta để không một người lạ mặt nào có thể vào ăn cắp được.
Họ bắt tay vào việc xây tường. Tường cao đến độ chính họ cũng chẳng còn thấy ai ở bên ngoài và nhất là cũng chẳng còn biết có kẻ thù bên ngoài bốn bức tường không. Nỗi sợ hãi ngày càng lớn, họ nói với nhau:
- Kẻ thù của chúng ta nhiều đến nỗi họ có thể phá vỡ tường của chúng ta, tường của chúng ta không đủ kiên cố để chống đỡ họ, chúng ta cần phải đặt bom trên tường để không còn ai dám lai vãng đến.
Nhưng dĩ nhiên thay vì cảm thấy được an toàn bên trong bốn bức tường, những kẻ giàu có lại bị giam hãm trong bốn bức tường mà chính họ đã dựng lên. Họ còn sợ cả những trái bom họ cài trên tường. Họ không biết những trái bom ấy sẽ giết kẻ thù hay hãm hại họ. Và dần dà họ nhận ra rằng chính nỗi lo sợ chết đưa họ đến gần sự chết hơn.

* * *
Trong một cuộc biểu tình chống chiến tranh tôn giáo tại Ấn Ðộ, người ta đọc được một biểu ngữ như sau: "Nếu Chúng Ta lấy Mắt Ðền Mắt Thì Cả Thế Giới Sẽ Ra Mù Lòa".
Quả thật, hận thù luôn đẻ ra hận thù, bạo động luôn làm phát sinh bạo động. Cuộc xung đột tại Trung Ðông hiện nay là một bằng chứng hùng hồn nhất về chân lý ấy. Ðối lại một cuộc nổ bom tự sát của người Palestin là một cuộc hành quân càn quét tàn bạo của người Do Thái. Cứ thế, người ta không biết chừng nào cái vòng lẩn quẩn của bạo động mới chấm dứt.
Trong khi những võ khí giết người hàng loạt đang đe dọa hủy diệt nhân loại thì các quốc gia lại tiếp tục gia tăng ngân sách quốc phòng, đeo đuổi nó như là một niềm tự hào dân tộc. Người ta quên rằng chính những phương thế người ta chọn lựa để tự vệ cũng có thể gây nguy hại cho bản thân mình chẳng kém gì khí giới của kẻ thù. Chưa bao giờ các quốc gia lại gia tăng ngân sách quốc phòng để chống lại các nước láng giềng, chưa bao giờ nhân loại đang bị đe dọa hủy hoại cho bằng lúc này.
Tựu trung, người ta nhìn đâu cũng thấy kẻ thù. Kinh nghiệm cho chúng ta thấy rằng càng sống trong nghi kỵ và sợ hãi con người càng ngày thấy mình có nhiều kẻ thù và càng bị vây hãm.
Thật ra, trước khi bị kẻ thù vây hãm con người đã tự vây hãm chính mình trong bốn bức tường mà mình đã tự tay dựng lên. Quan hệ giữa các quốc gia hay quan hệ giữa người với người cũng đều xây dựng trên một nguyên tắc. Càng mở ra với người khác, con người càng được an toàn. Trái lại, càng bị giam hãm trong nghi kỵ và sợ hãi con người càng cảm thấy bất an.
 

Lạy Chúa,
Chúa biết chúng con đang khao khát sự bình an đích thực trong tâm hồn. Xin cho chúng con luôn xác tín rằng chỉ khi nào chúng con luôn biết mở rộng tâm hồn và lòng bàn tay ra để đến với người khác chúng con mới có được sự bình an ấy.

Chân Lý Á Châu

Không có nhận xét nào:

Tìm kiếm ....