Ông bà anh chị
em thân mến. Hôm nay là Chúa Nhật Thứ 6
Phục Sinh và cũng là tuần chúng ta mừng ngày Hiền Mẫu. Chúng ta ghi nhớ công ơn của các bà mẹ, người
đã gieo vào trong tâm hồn chúng ta hạt giống đức tin và mầm mống yêu thương đầu
tiên trong cuộc sống của mỗi người chúng ta.
Nếu chúng ta kể ra những công ơn của người mẹ thì có lẽ cũng chỉ là những
hạt muối đem bỏ và biển cả.
Ngày Hiền Mẫu
hôm nay được chọn làm ngày để mọi người con có dịp bày tỏ lòng thương yêu, kính
trọng và biết ơn một cách đặc biệt đối với người mẹ của mình. Ca dao Việt Nam có câu: “Công cha như núi thái
sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.”
Công ơn trời biển và tình mẹ tươi mát ngọt ngào như dòng nước bất tận
trong nguồn chảy ra, cho nên đạo làm con phải biết thảo hiếu, kính trọng như
Chúa đã dạy, sống và làm những điều tốt đẻ đáp trả lại lòng yêu thương của
người mẹ. Như chúng ta biết Trong Kinh
thánh Thiên Chúa cũng dùng hình ảnh gà mẹ ấp ủ, che chở, bảo vệ đàn gà con dưới
cánh, và qua hình ảnh này Thiên Chúa muốn cho chúng ta biết Ngài muốn kết hợp
với chúng ta với một tình thương yêu che chở.
Trong bài Tin
mừng Chúa nhật tuần trước, Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh cây nho và cành nho để
nói lên sự kết hợp mật thiết giữa Chúa Giêsu là cây nho và chúng ta là
cành. Trong bài tin mừng tuần này Chúa
dạy chúng ta là những cành của một cây, hay là anh chị em trong Chúa Kitô, một
giới răn, một chân lý quan trọng và thiết yếu là yêu thương nhau, để qua cuộc
sống yêu thương này, chúng ta được sống trong Chúa, mọi người nhận biết Chúa
nơi chúng ta và cũng nhận ra chúng ta là những môn đệ của Ngài.
Tôi xin được kể
một câu chuyện cảm động được đăng trong tập san Reader’s Digest về một em bé
trong bệnh viện ở tiểu bang Milwaukee như sau.
Em bé này bị mù, đần độn, lại còn bị liệt não nữa. Em chỉ khá hơn loài
thảo mộc một chút là biết đáp ứng lại âm thanh và sự ve vuốt mà thôi. Cha mẹ em
đã bỏ rơi em. Sau đó em được một người
đàn bà nhận về nuôi. Bà nầy đã từng nuôi
năm đứa con của chính mình, nên bà biết
cách chăm sóc cho một đứa trẻ tật nguyền như thế. Bà cho biết rất sung sướng được chăm sóc cho
nó. Thế nhưng nuôi và chăm sóc cho cậu
bé quả thật không dễ dàng chút nào. Ngày nào bà cũng phải xoa bóp toàn thân đứa
bé, bà đã cầu nguyện cho nó, đã khóc vì nó. Một hôm, có người nói với bà: “Tại
sao bà không gởi đứa bé ấy vào viện? Nó chỉ làm phí cuộc đời của bà thôi?”
Em bé tật nguyền
càng lớn càng có nhiều vấn đề đặt ra cho bà. Thời gian trôi qua, năm mười, mười
lăm năm. Đến khi em được 16 tuổi, bà mới có thể tập cho em đứng một mình được.
Suốt thời gian đó, bà vẫn luôn yêu thương và cầu nguyện cho cậu bé. Ngoài ra bà
còn kể cho cậu bé nghe những mẩu chuyện về Chúa Giêsu dù xem ra cậu chẳng nghe
được tiếng bà.
Thế rồi một ngày
nọ, bà May chợt nhận thấy Leslie dùng ngón tay của mình búng vào một sợi dây
căng thẳng trên một gói đồ. Bà tự hỏi;
điều ấy có ý nghĩa gì? biết đâu cậu bé
lại nhạy cảm với âm nhạc chăng? Và bà
bắt đầu cho câu nghe âm nhạc. Bà và
chồng mua một chiếc dương cầm cũ kỹ. Họ đặt nó vào giường ngủ của em. Bà cầm
những ngón tay của em tập cho em biết cách nhấn phím xuống, nhưng xem ra cậu ta
chả hiểu.
Thế rồi vào một
đêm đông, bà bừng thức giấc vì nghe có tiếng đờn của ai đó đang chơi bản hoà
tấu dương cầm số 1 của Tchaikovsky. Bà
lay chồng đánh thức ông dậy, và hỏi xem ông có quên tắt radio không. Ông ta nói rằng không, nhưng họ quyết định tốt
hơn là nên xem xét lại. Và họ khám phá ra một điều vượt khỏi mọi giấc mơ kỳ
quái nhất của họ. Em đang ngồi tại chiếc dương cầm. Em đang mỉm cười và chơi đàn một cách ngẫu
hứng không thể nào tin được đây là sự thật! Trước đây em chưa bao giờ bước ra
khỏi giường một mình. Trước đây em chưa
bao giờ tự mình ngồi vào chiếc dương cầm được, em cũng chưa bao giờ tự dùng tay
ấn được vào phím đàn. Thế mà bây giờ đây em lại đang chơi đàn tuyệt vời như
thế! Bà vội quì gối xuống và thốt lên:
"Lạy Chúa! Con xin cảm tạ Ngài, Ngài đã không bỏ quên đứa con tật nguyền
của con".
Chẳng bao lâu,
em bắt đầu kiếm sống bằng cây dương cầm. Em chơi được nhạc cổ điển, nhạc đồng quê miền
tây, nhạc trữ tình. Bà và mọi người
chung quanh hoàn toàn không thể nào tin nổi. Tất cả những bài nhạc bà đã từng
chơi cho cậu nghe đều tồn trữ trong óc cậu và giờ đây tuôn trào ra trên phím
dương cầm qua đôi tay cậu. Giờ đây ở
tuổi 28, cậu bắt đầu nói chuyện. Tuy
không thể đối thoại lâu giờ. Nhưng cậu
có thể đặt câu hỏi, trả lời những câu đơn giản và phát biểu được những lời phê
bình ngắn gọn.
Bây giờ thì cậu
chơi nhạc cho những ca đoàn nhà thờ, cho các bệnh nhân, cậu còn xuất hiện cả
trên đài truyền hình quốc gia nữa! Các
bác sĩ mô tả cậu như là một người thông thái bị mắc một loại tâm bệnh, nghĩa là
một người chậm phát triển về trí tuệ do tổn thất nơi não nhưng lại cực kỳ tài năng.
Họ không thể cắt nghĩa được hiện tượng
dị thường này cho dù họ biết về nó gần 200 năm rồi. Bà mẹ nuôi cũng không thể
cắt nghĩa được điều ấy nhưng bà biết chắc rằng nhờ tình yêu mà tài năng ấy được
khai mở.
Ông bà anh chị
em thân mến. Câu chuyện trên đây diễn tả
một cách cụ thể giáo huấn của Chúa Giêsu về yêu thương nhau, và đã cụ thể hoá
thành một cốt chuyện và cũng nói lên
được ý nghĩa tại sao chúng ta lại dành ngày hôm nay để làm Ngày Hiền Mẫu, bởi
vì, thông thừơng, các bà mẹ sống lời Chúa Giêsu dạy về tình thương một cách
kiên nhẫn và trung thành hơn bất cứ nhóm người nào khác. Câu chuyện trên đây cũng cụ thể hoá năng lực
mạnh mẽ của tình yêu. Những gì mà bà mẹ đã làm vì tình yêu cho em bé tật nguyền
qủa thật là lạ lùng. Đó chính là những gì
mà Chúa Giêsu đòi hỏi chúng ta là những môn đệ phải có cho một tình yêu thương
đích thực. Đó là một phương cách mà các
môn đệ có thể tạo nên những phép lạ trong đời sống hôm nay, đúng như cách Chúa
Giêsu đã làm những phép lạ trong đời sống của những người thuộc thời đại Ngài. Chúa Giêsu muốn chúng ta phải sống chân lý
giới luật yêu thương nhau một cách cụ thể, như Chúa đã hy sinh mạng sống thể
hiện tình yêu thương này trên thập giá, thì các môn đệ mới thật là bạn hữu của
Chúa Giêsu và ở trong Chúa Giêsu.
Ngài nay, trong
cuộc sống bình thường hàng ngày, chúng ta ít có cơ hội hy sinh mạng sống cho
nhau. Nhưng chúng ta lại có rất nhiều cơ
hội hy sinh những điều đáng quý khác như thời giờ, tiền bạc, sức khỏe, uy tín,
quyền lợi. Chúng ta nhận biết rằng khi những
hy sinh yêu thương này đụng đến cái tôi của chúng ta, đụng đến cái ích kỷ của
chúng ta, đụng đến tự ái và đời sống tự cao của chúng ta sẽ làm chúng ta đau
nhói và phản ứng lại. Chúng ta phải luôn
nhớ rằng Chúa Giêsu đã khiêm nhường tự hạ mình nhận chịu những đau khổ bị đánh
đòn, vác và bị đóng đinh trên thập giá một cách nhục nhã vì và cho chúng
ta. Chúng ta cầu xin các Kitô hữu, nhất
là cho chúng ta biết yêu thương nhau để người ta biết chúng ta là ai, và biết
hy sinh yêu thương phục vụ xây dựng để làm sáng danh Chúa. Xin chúc mừng và xin Thiên Chúa và Hiền Mẫu
Maria ban nhiều ơn lành cho những người mẹ, nhất là trong giáo xứ trong ngày
Hiền mẫu hôm nay.
Lm. Quản Nhiệm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét