Ông bà anh chị
em thân mến. Trong tuần bát nhật và những tuần kế tiếp sau lễ Chúa Giêsu
Kitô Phục sinh, các bài Tin mừng kể cho chúng ta nghe những câu chuyện Chúa
Giêsu hiện ra, khi thì với người này khi thì với người khác, lúc thì ở chỗ này,
lúc ở chỗ kia, thứ nhất là để minh chứng Người đã sống lại thật, và thứ hai là
củng cố niềm tin cho họ. Trong tuần bát
nhật, Tin mừng kể lại những câu chuyện Chúa Kitô phục sinh hiện ra với
các phụ nữ, đến thăm mộ Chúa vào sáng sớm ngày phục sinh, đặc biệt với bà Maria
Mađalêna, bởi vì có thể nói là trong số những người biết Chúa, bà là người yêu
thương Chúa hơn hết vì bà đã được Chúa yêu thương tha thứ tội lỗi, có một đời
sống mới giá trị hơn. Sau khi được thấy tận mắt và lòng tin được vững mạnh, các
bà đã ra đi thực hành lời Chúa, và thi hành sứ vụ Chúa đã trao phó.
Sau đó Chúa Kitô
phục sinh đã hiện ra với 2 môn đệ bỏ cộng đoàn môn đệ trở về nhà trên con đường
trở đi tới làng Emmau. Mang một tâm
trạng đau buồn, chán nản và thất vọng, cho nên các ông đã không nhận ra
Chúa. Nhưng Chúa đã lắng nghe tâm sự của
các ông và đã giải nghĩa những đoạn Kinh thánh nói về Ngài cho các ông nghe và
biết. Sau đó, khi Chúa ngồi chung bàn,
bẻ bánh ăn các ông mới nhận ra Chúa, nhưng Chúa đã biến mất. Lúc đó tâm hồn các ông được sưởi ấm, lòng tin
được củng cố và các ông đã trở về lại với cộng đoàn, trở thành những chứng nhân
cho Chúa.
Chúng ta cũng nghe
nhiều câu chuyện được kể lại trong sách Tông đồ công vụ nói về những sinh hoạt
và tinh thần của những cộng đoàn sơ khai như đoạn mà chúng ta mới nghe trong
bài đọc 1 hôm nay, nói về sự hiệp nhất
và yêu thương của mọi người trong cộng đoàn tín hữu. Tình yêu thương hiệp nhất của họ với nhau
không những là một dấu chỉ sự hiện diện của Chúa Kitô phục sinh, mà còn là một
sự thu hút, lôi cuốn mạnh mẽ. Bài Tin
mừng hôm nay là một minh chứng và cho chúng ta thấy tầm quan trọng của cộng
đoàn môn đệ như thế nào.
Chúng ta thấy
trong khi các môn đệ còn đang hoang mang, lo lắng, tụ họp với nhau trong phòng đóng kín sáng sớm ngày phục sinh,
thì Chúa Giêsu hiện ra với các ông, nhưng không có ông Tôma. Chúng ta không
biết lý do tại sao Tôma vắng mặt, không hiện diện trong nhóm, trong cộng đoàn
khi các môn đệ khi họ tụ họp, cho nên ông đã mất cơ hội thấy Chúa. Do đó trong khi cộng đoàn các môn đệ vui
mừng phấn khởi vì được thấy Chúa, thì Tôma có lẽ buồn rầu, sầu khổ, thất vọng
và cô đơn.
Một điều mà
chúng ta phải chú ý là một tuần sau đó, Chúa mới hiện ra lần thứ hai. Có lẽ lúc đó cộng đoàn môn đệ tụ họp để mừng
sự phục sinh sống lại cứu độ của Chúa Kitô. Và lần đó có sự hiện diện của
Tôma. Tôma đã trở về lại với cộng đoàn
và đã được xem thấy Chúa phục sinh và do đó đức tin của ông được củng cố. Điều này cho chúng ta thấy một sự kiện quan
trọng là với riêng cá nhân thật khó có một lòng tin mạnh mẽ, nhưng trong một
cộng đoàn hiệp nhất yêu thương là dấu chứng sự hiện diện của Chúa, thì lòng tin
được củng cố và mạnh mẽ hơn.
Với lòng tin
mạnh mẽ vào Chúa Kitô phục sinh, thánh Tôma không những đã trung thành với Chúa
mà còn hăng say thi hành sứ mệnh, trở thành chứng nhân can đảm đi rao giảng tin
mừng. Truyền thống kể lại rằng thánh Tôma
đã đem đức tin rao truyền tớI tận Ấn Độ, và công việc rao giảng của người tiếp
tục kết trái tới ngày nay. Ngày nay
những người Kitô hữu ở Ấn Độ có thể tìm được vết tích đức tin của mình bắt
nguồn từ thời kỳ thánh Tôma tông đồ.
Một điều quan trọng nữa mà chúng ta cần chú ý
là từ trong cộng đoàn môn đệ của Chúa Kitô phục sinh, chúng ta nhận ra tiến
trình đức tin của thánh Tôma: từ một người nghi ngờ trở thành một người có lòng
tin mạnh mẽ và trở thành nhà truyền giáo sẵn lòng và hăng hái chia sẻ đức tin với
mọi người. Và đây cũng là một bài học
cho tất cả chúng ta. Tất cả chúng ta đây đã nhận lãnh đức tin từ những cộng
đoàn dân Chúa. Qua Bí tích Thánh tẩy,
Thiên Chúa đã trao ban cho chúng ta một sứ mệnh, và muốn chúng ta chia sẻ đức
tin với người khác, như cộng đoàn môn đệ của Chúa Kitô phục sinh chia sẻ với
thánh Tôma về sự việc Chúa Kitô đã hiện ra với các ông khi vắng mặt Tôma.
Ông bà anh chị em thân mến. Là những môn đệ
của Chúa, sứ mệnh của mỗi người chúng ta
là phải cùng nhau cố gắng xây dựng một cộng đoàn hiệp nhất yêu thương trong
Chúa Kitô phục sinh và trở thành những chứng nhân cho Chúa. Trong bài Tin mừng, Chúa Giêsu nói với các
tông đồ sau khi ban bình an cho các ông: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai
các con.” Điểm quan trọng Chúa muốn nói
với chúng ta là chúng ta đã lãnh nhận ơn sủng đức tin từ Người, thì chúng ta
phải chia sẻ với người khác.
Chúng ta không phải đi truyền giáo khắp nơi
như thánh Tôma, nhưng chúng ta được kêu gọi chia sẻ đức tin với con cái, cháu
chắt trong gia đình, với thân nhân bạn bè, hàng xóm, trong công sở, hay trong
cộng đồng giáo xứ. Sống chứng nhân hay
truyền giáo là chúng ta sống đúng với giáo huấn của Chúa trong Tin mừng và của Giáo
hội. Chúng ta sống ngay thẳng thành thật.
Chúng ta sống hy sinh và dấn thân. Chúng ta ý thức bổn phận trách nhiệm
đối với Chúa, với cộng đoàn và với gia đình.
Sứ mệnh trong gia đình là dạy dỗ, hướng dẫn, và nhất là làm gương sáng
cho con cái bằng những việc lành phúc đức, trong cộng đồng giáo xứ qua sự khiêm
nhường hy sinh phục vụ, xây dựng tinh thần yêu thương và hiệp nhất, và trong xã
hội là việc bác ái, có lòng quảng đại.
Khi chúng ta có một tinh thần truyền giáo như thế, thì kết qủa sẽ là con
cái cháu chắt noi gương học được nơi ông bà cha mẹ đời sống đức tin mạnh mẽ.
Chúng ta phải
biết phân biệt rõ giữa niềm tin và đức tin. Ý thức một cách rõ rằng chúng ta
không phải chỉ có niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô mà thôi mà còn phải sống đức
tin. Niềm tin chỉ là một sự ý tưởng, đức tin là hành động biểu lộ niềm tin đó.
Chúng ta hãy nhìn vào đời sống Kitô hữu và tự hỏi: chúng ta có niềm tin hay đời
sống đức tin? Niềm tin mà không biểu lộ bằng đời sống đức tin là niềm tin
chết. Xin Chúa Kitô phục sinh củng cố
ban cho chúng ta một đức tin mạnh mẽ và trung thành. Và ban cho chúng ta có tấm lòng yêu thương
trong sự hiệp nhất để xây dựng cộng đoàn Chúa Kitô phục sinh.
Lm. Quản Nhiệm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét