Ông bà anh chị em thân mến. Chúng ta biết trong đời sống có những đức
tính cao quí như tín nhiệm, trung thành, ngay thẳng và chân thật. Phải thành thật nói rằng, ai trong chúng ta
cũng cố gắng muốn trở thành những người có những đức tính đó, muốn là những
người thành thật giữ lời hứa. Đồng thời,
chúng ta vị nể và tôn trọng những đức tính này nơi người khác. Chúng ta muốn tiếp xúc và kết bạn với những
người có những đức tính này.
Tôi tin rằng nếu chúng ta thấy con cái,
cháu chắt mình nói dối hay không thành thật thì chúng ta là những bậc cha mẹ,
ông bà lo ngại và cố gắng dạy bảo và sửa đổi chúng. Vì chúng ta đánh giá cao lòng trung thành, sự
thành thật, ngay thẳng và thành tín cho nên chúng ta không tin những người không
thành thật hay nói dối. Và nếu chúng ta
thành thật nhận định thì nhiều khi chính chúng ta cũng là kẻ không thành thật,
nói dối mà chúng ta phủ nhận hay cố gắng che đậy. Chúng ta có thể nói dối để
tránh sự thật, hay vì một lý do nào đó chúng ta lý luận vòng vo để chúng ta
trốn tránh những sự cam kết mà chúng ta đã hứa. Hay nhiều khi vì những lợi lộc mà chúng ta đánh mất đi sự
thành tín.
Ông bà anh chị em thân mến. Thiên Chúa đã thực hiện những giao ước với nhân loại chúng ta. Trong giao ước đó, Thiên Chúa đã cam kết là Thiên Chúa của chúng ta và chúng ta là dân riêng của Người. Giao ước của Thiên Chúa chứa đựng hai yếu tố chính là trung thành và ngay thẳng, chân chính. Chúng ta tin tưởng Thiên Chúa luôn luôn trung thành với giao ước. Thế nhưng con người chúng ta lại không có một hồ sơ tốt về sự trung thành và ngay thẳng, chân chính với Thiên Chúa.
Ông bà anh chị em thân mến. Thiên Chúa đã thực hiện những giao ước với nhân loại chúng ta. Trong giao ước đó, Thiên Chúa đã cam kết là Thiên Chúa của chúng ta và chúng ta là dân riêng của Người. Giao ước của Thiên Chúa chứa đựng hai yếu tố chính là trung thành và ngay thẳng, chân chính. Chúng ta tin tưởng Thiên Chúa luôn luôn trung thành với giao ước. Thế nhưng con người chúng ta lại không có một hồ sơ tốt về sự trung thành và ngay thẳng, chân chính với Thiên Chúa.
Như chúng ta vừa nghe trong bài đọc 1 hôm
nay, giao ước của Thiên Chúa với loài người bắt đầu từ cuộc xuất hành của người
Do Thái ra khỏi vòng nô lệ từ Ai Cập. Họ
đã chấp nhận những luật lệ, điều răn liên quan đến giao ước tại núi Sinai. Từ giây phút đó, Thiên Chúa vẫn
luôn trung thành, trung kiên với giao ước. Nhưng loài người chúng ta thì không. Chúng ta đã phản bội, không trung thành,
không thành thật và ngay thẳng. Thế nhưng
Thiên Chúa đã không từ bỏ hay xóa giao ước mà Người đã hứa với những người Chúa
thương yêu, tuyển chọn.
Chúng ta thấy trong Cựu ước, người Do Thái
đã được bảo vệ và cứu thoát từ cuộc sống nô lệ khổ nhục đến môt đời sống mới,
với một tinh thần mới. Và giao ước của
Thiên Chúa không còn ghi trong bia gạch đá, mà ngay trong tâm tư hay trong tâm
hồn của họ. Thiên Chúa mong ước dân của
Người có cuộc sống tự nhiên trong danh dự, thành thật và trong sự yêu thương
đối với Thiên Chúa và với nhau.
Sau đó, giao ước của Thiên Chúa đã được thể
hiện một cách rõ ràng, thực tế và gần guĩ hơn qua cuộc đời của Chúa Giêsu Kitô,
Đấng Cứu Thế, Ngôi Hai Thiên Chúa nơi trần gian. Trong bài đọc hai, thánh
Phaolô giúp chúng ta cảm nghiệm và hiểu thấu về sự đau khổ và cái chết trên
thập giá của Chúa Giêsu đã nhận lãnh, trở thành nền tảng cho một giao ước mới
vĩnh cửu. Chúa Giêsu đã vâng phục chết
trên thập giá để cho chúng ta được sống, được cứu rỗi và hạnh phúc Nước
Trời.
Trong Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu đề cập
đến hình ảnh hạt lúa mì phải chết đi để mang lại sự sống. Chúa Giêsu cho chúng ta thấy một quy luật của
sự sống: đó là hạt lúa gieo vào lòng đất nếu không chết đi, không biến đổi, thì
chỉ là hạt lúa trơ trọi một mình, và sẽ không sinh hoa kết trái. Nhưng nếu nó
chết đi và biến đổi, nó sẽ có sự sống và sinh nhiều bông hạt.
Qua hình ảnh sinh động này, Chúa Giêsu
cho thấy chính Người là hạt lúa được gieo vào mảnh đất trần gian, để thực hiện
một giao ước mới và đem đến cho những ai tin vào Người sẽ có một đời sống mới
trong một tinh thần mới. Và cuộc Thương khó và cái chết của Người chính là thời
điểm hạt lúa bị “mục nát, bị biến đi, hòa tan” để rồi từ trong sự tan biến ấy,
sẽ dẫn đưa Người đến sự sống lại vinh quang. Như thế là, Chúa Giêsu Kitô được
tôn vinh chỉ khi Người trải qua cuộc khổ nạn, chịu chết và sống lại. Hay nói
một cách khác, qua sự biến đổi này, Chúa sẽ đặt nền tảng cho một giao ước mới
giữa Thiên Chúa với loài người chúng ta.
Và vì vậy cho nên, ông bà anh chị em thân
mến, Chúa Giêsu Kitô kêu mời chúng ta, là dân riêng, là dân được tuyển chọn, là
những người mang một giao ước vĩnh cửu trong tâm hồn, hãy theo gương Người, trở
thành như hạt lúa: cần phải được vùi xuống đất, chết đi, để biến đổi trở thành
một người mới với một tinh thần mới trong sự chân thật và công chính, để sinh
nhiều bông hạt tốt.
Sự đau khổ và sự chết mà Chúa kêu gọi
chúng ta phải chấp nhận đây không phải là
sự chết thể xác nhưng về tinh thần, là cái chết cho cuộc sống ích kỷ, không
ngay thẳng, không thành thật, giả dối, bên ngoài đối với Chúa, hay nói một cách
khác, là cuộc sống không trung thành với giao ước, giới răn của Thiên Chúa.
Chúng ta phải ý thức rằng qua Bí tích Thánh
Tẩy, chúng ta đã được dìm vào trong nước thanh tẩy, nghĩa là được dìm trong cái
chết của Chúa Kitô để được sống lại với Người, trong một đời sống mới. Thế
nhưng vì những cám dỗ của tội lỗi ma quỉ, chúng ta đã không trung thành với
giao ước, với giới răn của Chúa và sống trong cuộc sống lưu đày, nô lệ cho tội
lỗi.
Trong những tuần cuối của mùa Chay thánh
này, chúng ta cầu xin biết lắng nghe lời Chúa kêu gọi như hạt lúa mì biến đổi
bằng những việc lành phúc đức, bằng sự ăn năn sám hối, để sinh nhiều bông hạt
là những sự yêu thương, hòa thuận, hiệp nhất và bình an. Chúng ta cố gắng sống ngay
thẳng, thành thật và trung thành với giao ước, với giới răn mà Thiên Chúa đã
thực hiện với chúng ta bằng đời sống chứng nhân, hy sinh và phục vụ Chúa trong
anh chị em.
Tuần tới, chúng ta bắt đầu vào tuần hồng
ân, đi vào cuộc thương khó và cái chết của Chúa Giêsu. Xin ông bà anh chị em chuẩn bị tâm hồn để chúng
ta cùng bước với Chúa Giêsu, Đấng đã dùng cây Thánh giá để biểu lộ lòng yêu
thương và ơn cứu chuộc cho muôn người, và để thực hiện một giao ước mới giữa
chúng ta với Thiên Chúa, để chúng ta được cứu sống và có cuộc sống vĩnh
cửu.
Lm. Quản Nhiệm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét