Ông bà anh chị em
thân mến. Như chúng ta đã biết bệnh
phong cùi đã xuất hiện lâu lắm rồi, không biết
từ bao nhiêu ngàn năm, bởi vì từ thời ông Môsê, như chúng ta vừa nghe
trong bài đọc 1 hôm nay, đã có những luật lệ đối với những người phong cùi. Tới
thời Chúa Giêsu, bệnh phong cùi vẫn tồn tại và luật lệ vẫn còn khắt khe đối với
những người mắc bệnh này. Trong Tin
mừng, chúng ta thấy có nhiều trường hợp người phong cùi đến xin Chúa Giêsu cứu
chữa, và Chúa đều làm phép lạ chữa lành họ, chẳng hạn như trường hợp được kể
lại trong bài Tin mừng hôm nay.
Hiện nay trên thế giới không có một thống kê nào chính xác về số bệnh nhân mắc chứng bệnh phong cùi, nhưng chúng ta biết rõ tại Việt Nam có một số làng cho người phong cùi ở, rải rác trong những nơi xa xôi hẻo lánh. Và chúng ta cũng biết vào thời nào cũng vậy, người ta thường có quan niệm khắt khe, có thái độ lánh xa những người phong cùi và nhìn họ với con mắt dè dặt. Tâm lý thông thường là ai cũng sợ lây nhiễm. Ngày nay chúng ta thấy có rất nhiều người và nhiều tổ chức từ thiện, bác ái đã và đang giúp đỡ an ủi những bệnh nhân để họ có cuộc sống bình thường và có ý nghĩa.
Trong số các
thánh của giáo hội, có một vị thánh của người cùi đó là thánh Đa Mieng. Thánh linh mục Đa Mieng sinh tại Bỉ, thuộc
dòng Thánh Tâm Chúa Giêsu và Đức Mẹ Maria.
Người nổi tiếng vì việc hy sinh phục vụ những người bệnh phong cùi ở đảo
Molokai, Hawai. Sau 16 năm phục vụ tại
làng phong cùi, cuối cùng ngài cũng bị nhiễm và chết vì bệnh này. Vì thế, ngài được coi là thánh tử đạo vì bác
ái. Khi mới đến phục vụ, những người cùi
ở đây đã không thể hiểu nổi một người ở phương xa, không bà con, thân thuộc gì
với họ, lại còn trẻ, đẹp trai, lại có thể đến phục vụ cho họ ở nơi khốn cùng
này. Họ không tin mắt của mình nên họ đến
sờ thử vào người cha, xem cha có thực sự mắc bệnh cùi không. Và sau khi đã kiểm
chứng, họ nói với nhau: Không. Dần dần cha Đa-miêng hoà đồng được với họ và không còn cảm
thấy ghê sợ như thời gian đầu.
Ông bà anh chị em
thân mến. Ngày nay, tình yêu và lòng
nhân từ của Chúa khiến cho nhiều giáo dân, nam nữ tu sĩ và linh mục đã và đang
tiếp tục phục vụ cho những người phong cùi
trên thế giới, và nhất là tại Việt Nam. Như thánh Đa miêng họ đã hy sinh cuộc đời và trả một giá
rất đắt cho sự phục vụ và cho lòng yêu thương vị tha đối với tha nhân, đối với
những người cần sự giúp đỡ.
Có một câu chuyện
về một người đàn ông bị té ngất xỉu tại một góc đường rất bận rộn trong thành
phố New York. Trong vòng mấy giây đồng
hồ, xe cấp cứu đến chở ông vào bệnh viện.
Khi đến bệnh viện, người đàn ông này dùng hết sức còn lại cho y tá biết
muốn gọi điện thoại cho người con. Cô y tá tìm được trong cái bóp của ông một
lá thư cũ của người con là một người lính thủy quân lục chiến đóng tại tiểu
bang North Carolina. Cô ý tá liền gọi báo tin cho người con biết về bệnh trạng
của người cha.
Đêm khuya hôm đó,
người thủy quân lục chiến đến bệnh viện với một khuôn mặt lo lắng, mệt nhọc vì
lái xe đường dài. Cô y tá lập tức đưa
người lính tới phòng của người đàn ông. Lúc đó ông đang bị mê mệt, nửa tỉnh nửa
mê, nên người y tá cố gắng lập lại mấy lần, “Con của cụ đã tới và đang đứng đây”. Cuối cùng người đàn ông cố gắng mở nhẹ đôi
mắt, lim nhim nhìn đứa con. Qua đôi mắt
lờ mờ, ông chỉ nhận ra bộ áo thủy quân lục chiến mà thôi. Ngay lúc đó, người
lính nắm lấy tay của ông một cách rất yêu thương, thành khẩn và ân cần.
Suốt đêm hôm đó,
người lính thủy quân lục chiến ngồi bên giường bệnh, thỉnh thoảng ân cần nắm
lấy bàn tay và tâm sự với người đàn ông một cách thân thương. Trong đêm, thỉnh thoảng cô nữ y tá ghé đến
phòng và khuyên người lính thủy quân lục chiến nên đi ngủ, hoặc đi kiếm cái gì
để ăn, nhưng anh ta từ chối.
Gần về sáng, vì
tình trạng quá nguy kịch cho nên người đàn ông qua đời. Và khi người y tá đến chia buồn, người lính
thủy quân lục chiến hỏi: “Người đàn ông qua đời đó là ai?” Cô y tá ngỡ ngàng hỏi
lại, “Vậy ông ấy không phải là cha của anh sao?” “Không” người lính thủy quân lục chiến trả
lời, “Ông ấy không phải là cha tôi. Tôi chưa bao giờ nhìn thấy ông ấy cả”. Cô ý tá hỏi lại: “Tại sao anh không nói”. “Tôi đã có thể nói, nhưng tôi thấy ông ta quá
yếu và hơi thở rất chậm. Tôi không phải con của ông ta, nhưng ông ta cần một
đứa con trong lúc hấp hối, cho nên tôi quyết định trở thành đứa con của ông ta”.
Ông bà anh chị em
thân mến, câu chuyện cảm động trên đây có một ý nghĩa cao quí, và hơn thế nữa,
diễn tả một sự quảng đại yêu thương, vị tha và nhân từ mà Chúa Giêsu đã thể
hiện với người phong cùi trong Tin mừng mà chúng ta vừa nghe. Khi Chúa Giêsu thấy người phong cùi đến xin
chữa lành thì Chúa động lòng thương như người lính thủy quân lục chiến động
lòng thương cụ già trên giường bệnh, và như thánh Đa Miêng đã hy sinh đến phục
vụ cho người phong cùi tại Ha Wai. Chúng
ta thấy tuy mệt mỏi vì lái xe suốt ngày, đói và khát, nhưng người lính đã ngồi
bên giường bệnh suốt đêm, cầm tay tâm sự, trò truyện, và chấp nhận làm con của
người đàn ông.
Chúa Giêsu cũng
đã nhận chịu những sự đau khổ và nhục nhằn khi Người bày tỏ lòng yêu thương,
quảng đại, và vị tha với nhân loại chúng ta. Người đã bỏ ăn, bỏ ngủ và không để
những điều này cản trở công việc rao giảng tin mừng và lòng yêu thương của Chúa
đối với những người cần đến Người như những người mắc những chứng bệnh, những
người đui mù hay bị quỉ ám. Cuối cùng,
Chúa đã vui mừng chịu những đau khổ, vác thập giá, giang tay chịu đóng đinh và
chết để chuộc tội chúng ta và để ban chúng ta ơn cứu độ.
Ông bà anh chị em
thân mến. Những câu chuyện trên đây và bài Tin mừng nhắc nhở và kêu gọi chúng ta
những điều thực tế sau đây. Điều thứ
nhất, mời gọi chúng ta suy nghĩ, kiểm điểm lại dung lượng hay mức độ lòng yêu
thương quảng đại và vị tha của chúng ta còn tới đâu? Chúng ta chỉ còn là một cái bình trống rỗng
hay chỉ còn là một Kitô hữu hình thức bề ngoài?
Hay lòng yêu thương quảng đại vị tha đã cạn hết? Điều thứ hai, bài Tin mừng hôm nay mời gọi
chúng ta hãy suy nghĩ: chúng ta có sẵn sàng hy sinh, chấp nhận những khó khăn một
cách vui mừng để trả giá cho sự yêu thương, quảng đại, vị tha và phục vụ tha nhân
của chúng ta không? Điều thứ ba, chúng
ta phải biết bắt chước người cùi, chạy đến Chúa để xin chữa lành. Chúng ta biết, trong con người hôm nay, còn
mang rất nhiều bệnh cùi tinh thần như sự thù hằn, kỳ thị, ích kỷ, ghen tương,
nghiện ngập, tham lam, tranh chấp và
nhất là bệnh cùi đang tàn phá gia đình, hôn nhân, hủy hoại sự hiệp nhất và đoàn
kết. Và câu hỏi cho chúng ta là, “Chúng ta có thành tâm muốn chữa lành không?”
Chúng ta cầu xin Chúa
ban cho chúng ta nhiều ơn lành để mỗi một người chúng ta có tấm lòng nhân từ và
quảng đại, không tính toán giá cả của sự hy sinh, không đòi hỏi sự trả ơn, chấp
nhận và hiểu biết rằng nếu chúng ta hy sinh đang làm những điều mà Chúa Giêsu kêu
gọi, chúng ta cũng ý thức rằng những điều này Chúa đã thực hiện trước chúng ta,
và là một tấm gương cho chúng ta noi theo, biến chúng ta trở thành khí cụ tình
yêu, lòng nhân từ của Chúa, và là nguồn
hy vọng cho những người thất vọng và đang trong cảnh đau khổ, khốn khó.
Lm. Antôn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét